Bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ: Dân chủ - Cộng hòa tiếp tục đọ găng

Thứ Tư, 05/11/2014, 22:30

Trong bối cảnh chính trường Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cuối năm nay, những động thái công kích lẫn nhau đang diễn ra gần như hàng ngày giữa chính quyền của Tổng thống Barack Obama và phe Cộng hòa tại Quốc hội. Dù đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã tạm đình chiến, bắt tay nhau để đạt được thỏa thuận nới mức trần nợ công nhằm tránh cho nước Mỹ không lâm vào cảnh phá sản trong năm 2013, song cuộc chiến giữa hai "kỳ phùng địch thủ" này không vì thế mà dịu đi.

Căng thẳng mới nhất liên quan đến tình hình kinh tế và vấn đề cải cách nhập cư. Ông Obama đổ lỗi phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện tiếp tục ra tay ngăn chặn các chính sách của Nhà Trắng, qua đó làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt tức giận khi các nghị sĩ Cộng hòa vẫn "án binh bất động" trước vấn đề cải cách nhập cư trong năm nay, giáng đòn mạnh vào một trong những ưu tiên trong chính sách đối nội của ông ở nhiệm kỳ 2.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Chính trường Mỹ vốn đã sôi động, nay càng trở nên gay cấn nhờ "mảng tối" là cuộc đấu đá quyền lực giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Chiến tranh ngầm giữa hai đảng lên cao tới mức cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ John McCain phải thốt lên rằng: trong 30 năm tại Quốc hội Mỹ chưa bao giờ thấy bầu không khí lại "độc hại như hiện nay".

Cuộc đấu đá quyền lực này đã khiến người dân Mỹ càng nhận thấy rõ hơn Dân chủ hay Cộng hòa đều vì quyền lực và lợi ích của đảng mình là chính, chứ không phải lợi ích chung của người dân hay nước Mỹ. Vì thế, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama cũng như hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử.

Tổng thống Obama của đảng Dân chủ đã từng "đặt cược" vào Dự luật ObamaCare (luật chăm sóc sức khỏe) dẫn tới cuộc "quyết chiến" với đảng Cộng hòa khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa 16 ngày và nước Mỹ suýt rơi vào cảnh vỡ nợ. Thế nên, việc đạo luật này được thông qua đã được xem là thắng lợi của cá nhân Tổng thống Obama cũng như đảng Dân chủ nói chung. Dù thua hiệp đầu, song đảng Cộng hòa vẫn đủ sức gây khó dễ và thậm chí là "thiệt hại nặng" cho Tổng thống Obama và phe Dân chủ nếu những người trẻ tuổi không mặn mà với ObamaCare khi đạo luật này đi vào cuộc sống.

Năm 2014 sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng, quyết định chính đảng nào sẽ kiểm soát quyền lực trên đồi Capitol. Hiện đảng Dân chủ ãđang chiếm đa số tại Thượng viện, muốn thông qua cuộc bầu cử giành nốt quyền kiểm soát Hạ viện hiện đang nằm trong tay đảng Cộng hòa. Song phía Cộng hòa cũng đang nuôi hy vọng vừa giữ vững Hạ viện 435 ghế, vừa đưa Thượng viện vào tầm kiểm soát của mình trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.

Bởi thế, cuộc chiến giành quyền lực trên đồi Capitol hứa hẹn sẽ diễn ra rất quyết liệt. Cuộc quyết đấu này được cho là tập trung vào các chương trình nghị sự lớn chi phối mối quan tâm của người dân Mỹ trong năm tới như việc triển khai đạo luật ObamaCare, cải tổ đạo luật nhập cư, dự luật nông trại, dự luật phúc lợi thất nghiệp… và cùng với đó là tranh cãi xung quanh giới hạn quyền lực của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) sau vụ điệp viên Edward Snowden.

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2014 được ví von như "cuộc đọ găng" giữa lừa - loài vật biểu tượng của đảng Dân chủ và voi - biểu tượng của đảng Cộng hòa.

Từ đầu năm 2014 tới nay, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã tìm mọi cách ngăn cản hoặc bỏ phiếu bác bỏ tất cả các đề xuất nghiêm túc của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống cho tầng lớp trung lưu, lực lượng đóng vai trò quyết định nhất đối với xã hội và nền kinh tế Mỹ. Theo ông Obama, một trong những đề xuất mà phe Cộng hòa vừa qua đã từ chối là việc tăng lương tối thiểu cho khoảng 16,5 triệu nhân viên liên bang từ 9,5USD/giờ lên 10,1USD/giờ.

Nhà Trắng và phe Dân chủ lập luận rằng việc tăng lương tối thiểu không chỉ giúp người lao động và tầng lớp trung lưu cải thiện cuộc sống mà còn giúp thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế, từ đó tạo ra thêm công ăn việc làm mới. Tuy nhiên, phe Cộng hòa đã ngay lập tức phản pháo, ra thông cáo báo chí khẳng định tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) -2,9% trong quý đầu của năm 2014 là bằng chứng về sự thất bại của các chính sách của Nhà Trắng. Với các lời cáo buộc này, phe Cộng hòa cho rằng đã tới lúc nước Mỹ cần phải có một hướng đi mới.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng các chính sách mà chính quyền Obama đang theo đuổi không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, dẫn tới tình trạng tầng lớp trung lưu ở Mỹ không còn là những người giàu có nhất thế giới. Trong khi đó, Tổng thống Obama lại nghĩ tới chuyện phe Cộng hòa "không có tinh thần hợp tác". Tuần qua, đích thân ông Obama đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các nghị sĩ Cộng hòa, cho rằng họ là "những người phá rối vô trách nhiệm" tại Quốc hội khi luôn cản trở việc thông qua các chính sách quan trọng của đất nước.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, đó là lý do ông buộc phải sử dụng quyền hành pháp của mình để có thể nhanh chóng ban hành các sắc lệnh hành chính nhằm thực thi những chủ trương chính sách của Nhà Trắng mà không phải mất thời gian dài chờ Quốc hội phê chuẩn. Chính vì điều này mà Chủ tịch John Boehner đã lên tiếng dọa kiện ông chủ Nhà Trắng vì hành vi bị cáo buộc là lạm quyền này, dẫn đến phản ứng thách thức của ông Obama: "Hãy kiện tôi, nếu muốn".

Chưa rõ ai đúng ai sai trong cuộc đấu đá quyền lực dường như kéo dài bất tận này nhưng nó phần nào ảnh hưởng đến chương trình nghị sự và cả uy tín của ông Obama, nhất là trong bối cảnh chính sách đối ngoại của ông cũng bị không ít lời ra tiếng vào. Mặt khác, cũng không có gì bảo đảm những gì phe Cộng hòa đang làm sẽ giúp ích cho họ trong cuộc bầu cử sắp tới. Chỉ biết rằng việc ông Obama tăng cường công kích phe Cộng hòa có thể làm hài lòng đảng Dân chủ nhưng cũng chẳng giúp ích gì cho việc giải quyết những vấn đề hiện nay hoặc thu hút sự ủng hộ của cử tri trung lập.

Barack Obama muốn được biết đến như là một vị Tổng thống đang tìm cách hành động nhân danh người dân bất chấp bị phe Cộng hòa cản trở. Để làm điều này, ông tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng quyền hành pháp để thúc đẩy các chính sách vẫn còn bị mắc kẹt ở Quốc hội. Tuy nhiên, mục tiêu sâu xa của động thái này là giúp đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện sau cuộc bầu cử sắp tới. Nếu để lưỡng viện Quốc hội rơi vào tay phe Cộng hòa, ông Obama sẽ gặp thêm nhiều trở ngại về mặt đối nội và đối ngoại trong 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ.

Phản pháo cáo buộc kiện tụng

Trong Thông điệp liên bang đọc hồi đầu năm, Tổng thống Obama tuyên bố năm 2014 sẽ là "năm hành động". Ông sẽ không ngần ngại sử dụng quyền hạn để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Qua những động thái gần đây, như ban hành sắc lệnh tăng lương tối thiểu cho nhân viên liên bang, gia hạn trợ cấp thất nghiệp hay ngừng trục xuất trẻ em nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, ông Obama đang chứng tỏ mình không hề nói suông.

Những động thái nêu trên rất có lợi cho ông Obama nhưng lại bị đảng Cộng hòa chỉ trích gay gắt theo nghĩa "lạm quyền". Bởi vậy, cuộc đấu quyền lực không khoan nhượng trên chính trường Mỹ giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ lại đang bước vào giai đoạn mới sau khi Tổng thống Barack Obama ra đòn phản pháo trước lời tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner là sẽ phát đơn kiện ông chủ Nhà Trắng.

Nguồn cơn dẫn đến căng thẳng hiện nay là việc ông John Boehner cáo buộc Tổng thống Barack Obama theo chủ nghĩa đơn phương, lạm dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp, tự đưa ra các sắc lệnh hành chính để thực thi những chủ trương, chính sách của Nhà Trắng mà không thông qua Quốc hội.

Tổng thống Obama đang tìm cách hành động nhân danh người dân bất chấp bị phe Cộng hòa cản trở, bất chấp tỉ lệ ủng hộ ông đang rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Theo ông John Boehner, Hiến pháp quy định Tổng thống phải thực thi luật pháp một cách chính xác nhưng ông Obama không thực hiện điều này, xâm phạm quyền hạn của Quốc hội. Chủ nghĩa đơn phương, nếu không kịp thời ngăn chặn, sẽ dành cho Tổng thống quyền như một vị vua gây tổn hại tới người dân và các nhà làm luật của Mỹ. Tuy nhiên, ông John Boehner cũng bác bỏ đánh giá cho rằng việc khởi kiện Tổng thống nhằm luận tội người đứng đầu Nhà Trắng và tạo lợi thế cho đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Sau khi ông Boehner tuyên bố phát đơn kiện Tổng thống Obama, Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định thu hẹp quyền hạn của Tổng thống Obama trong việc bổ nhiệm nhân sự mà không cần thông qua Thượng viện. Trong phán quyết đưa ra tuần qua, Tòa án Tối cao Mỹ nhấn mạnh Tổng thống Obama đã có hành động lạm quyền và vi phạm Hiến pháp khi quyết định bổ nhiệm 3 thành viên trong Hội đồng Quốc gia về quan hệ lao động (NLRB) năm 2012 mà không cần sự phê chuẩn của Thượng viện.

Theo phán quyết trên, các quyết định bổ nhiệm nhân sự của ông Obama cách đây 2 năm là bất hợp pháp và không có hiệu lực khi được ông đưa ra vào thời điểm Thượng viện nghỉ họp dưới 3 ngày liên tiếp. Giải thích về quyết định trên, Thẩm phán Stephen Breyer nêu rõ, Hiến pháp Mỹ cho phép Tổng thống có quyền bổ nhiệm nhân sự khi Thượng viện nghỉ họp từ 10 ngày liên tiếp trở lên. Tuy nhiên, ông Obama đã thực hiện việc bổ nhiệm trong thời gian Thượng viện không làm việc dưới mức quy định này.

Nhà Trắng và phe Dân chủ đã ngay lập tức phản pháo trước những động thái từ phe Cộng hòa. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, một vụ kiện mà Chủ tịch Hạ viện định theo đuổi sẽ phải sử dụng tiền của người đóng thuế, do vậy phần lớn người dân Mỹ sẽ không ủng hộ. Nhân vật này cáo buộc ông John Boehner theo đuổi vụ kiện mang tính chính trị, phản tác dụng đối với chính các thành viên của đảng Cộng hòa.

Việc cáo buộc lẫn nhau giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ không phải là điều xa lạ với người dân xứ cờ hoa. Và lần này cũng vậy, mặc dù thời điểm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ còn hơn 1 tháng nữa mới diễn ra. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho biết, ở thời điểm hiện tại, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang tạm thời chiếm ưu thế so với các đối thủ Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới, với tỷ lệ ủng hộ là 43% so với 39% - chỉ báo cho thấy chiều hướng giành giật khá quyết liệt và gay cấn.

Sau cùng, kết quả của các cuộc chiến quyền lực trong năm 2014 sẽ quyết định liệu Tổng thống Barack Obama có cơ hội để thực thi nghị trình của ông trong hai năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống hay không. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng tới lợi thế của ứng cử viên tiềm năng cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khi khởi động cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ khởi động ngay từ cuối năm 2014. Trong khi đó, theo giới quan sát, cuộc đấu càng quyết liệt thì chính trường và nước Mỹ sẽ lại càng chia rẽ sâu sắc hơn nữa…

Trần Quân - Lê Nam (tổng hợp)
.
.