Bầu cử tổng thống Philippines: Ai sẽ lên ngôi?

Thứ Bảy, 14/05/2016, 12:00
Báo chí quốc tế gọi ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc bầu cử Tổng thống Philippines năm 2016 Rodrigo Duterte là “kẻ phá bĩnh” do ông có những tuyên bố rất bạo miệng, kèm theo những lời hứa thay đổi nhiều thứ từ trên xuống dưới, không ngại đụng chạm nhiều vấn đề mà những đầu óc thông thường sẽ hoặc là né tránh hoặc là dùng những từ ngữ hoa mỹ để tránh gây phản ứng nơi người nghe.

Điều đáng quan tâm là Duterte có thể làm hỏng kế hoạch hợp tác quân sự Mỹ-Philippines mà người tiền nhiệm Benigno Aquino III đã dày công xây dựng.

Cuộc bầu cử ngày 9-5 được đánh giá là bước ngoặt thay đổi ở đất nước Philippines, bởi đa số người dân Philippines đã dành sự ủng hộ của mình cho ứng cử viên “phá vỡ giềng mối cũ”. Kết quả có lẽ nhiều ngày nữa mới công bố chính thức, nhưng qua 89% số phiếu đã kiểm, ứng cử viên Duterte đã tự tin tuyên bố chiến thắng ngay trong buổi sáng ngày 10-5, bỏ cách xa người về thứ hai Manuel “Mar” Araneta Roxas đến hơn 15 điểm phần trăm.

Ông Rodrigo Duterte và những người ủng hộ mình.

Báo chí cũng như dư luận Philippines gán cho ông một số biệt danh không bình thường, như “Kẻ trừng phạt” (The Punisher), hay “Duterte Harry” để ví ông với nhân vật thanh tra cảnh sát trong một bộ phim Hollywood do Clint Eastwood thủ vai. Ông Duterte năm nay 71 tuổi, là Thị trưởng thành phố Davao ở miền nam Philippines.

Trong thời gian làm Thị trưởng Davao, ông đã thực thi những biện pháp mạnh để chấn chỉnh những tệ nạn, tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, nhằm đưa thành phố này trở thành trung tâm đô thị sạch bóng tội phạm.

Trong cuộc vận động tranh cử, Duterte đã tuyên bố với cử tri rằng, khi lên làm Tổng thống Philippines, ông sẽ hành động giống như thời còn làm thị trưởng: tuyên chiến với tệ nạn ăn không ngồi rồi, buôn bán ma túy và tham gia tệ nạn xã hội.

Phong cách phát ngôn bạo miệng của Duterte đang khiến người ta nghĩ đến hình ảnh ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 Donald Trump. Trong các cuộc vận động cử tri, Duterte sẵn sàng nói bông đùa những câu chuyện nhạy cảm, như công khai kể chuyện mình dùng thuốc kích dục Viagra để quan hệ tình dục với các cô nhân tình trong khách sạn, hay nói đùa về chuyện muốn “hiếp dâm” một nữ truyền giáo Australia.

Thậm chí ông còn đụng chạm cả đến Đức Giáo hoàng hiện tại bằng những từ ngữ rất xúc phạm. Những lời nói đùa không ngại miệng này đang khiến giới ngoại giao quốc tế ngán ngại và kinh tởm.

Chưa hết, Duterte đưa ra những lời hứa rất táo bạo khi vận động tranh cử. Ông tuyên bố sẽ dẹp gọn hai vấn nạn lớn nhất của đất nước hiện nay là tình trạng tội phạm và nạn nghèo đói lan rộng. Trong cuộc vận động cử tri cuối cùng vào ngày 7-5, Duterte tuyên bố sẽ dẹp xong tội phạm trong vòng 6 tháng sau khi ngồi vào ghế tổng thống. Để chứng minh cho quyết tâm của mình, Duterte đưa ra những giải pháp thực hiện cứng rắn và đầy bạo lực.

Duterte tuyên bố thẳng thắn rằng, ông sẵn sàng giết chết con ruột mình “nếu chúng đụng vào ma túy”. Ông còn khiến nhiều người lo lắng với lời “hăm dọa” sẽ thiết lập chế độ cai trị “độc tài” nếu các nghị sĩ nếu không tuân phục ý chí của ông.

Có lẽ phong cách mạnh bạo, quyết liệt, nói thẳng nói thật của Duterte đã tạo nên một liều kích thích đủ mạnh để lôi kéo cử tri thuộc các tầng lớp bình dân trong xã hội, những người đang chán ngán lề lối chính trị truyền thống nhàm chán. Từ một “kẻ ngoài cuộc” đến từ thành phố Davao ở miền nam, Duterte đã vượt qua các ứng cử viên sáng giá ban đầu là Roxas và Thượng nghị sĩ Grace Poe trở thành kẻ dẫn đầu.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino III đã liên tục cảnh báo, nếu ông Duterte lên làm tổng thống, đất nước Philippines có nguy cơ rơi vào tình trạng cai trị bằng bàn tay sắt, bằng bạo lực để khắc chế tội phạm và cả những thành phần chống đối. Lời cảnh báo của ông Aquino xuất phát từ những tuyên bố bốc lửa của ông Duterte trong quá trình vận động tranh cử, cộng với những thành tích bạo lực cứng rắn của ông tại thành phố Davao.

Theo hiến pháp quy định, Tổng thống Aquino không thể tái cử với nhiệm kỳ 6 năm. Dù lãnh đạo đất nước chỉ một nhiệm kỳ, nhưng ông Aquino đã không gây thất vọng cho cử tri ủng hộ mình, đồng thời được dư luận thế giới đánh giá cao qua phong cách lãnh đạo, thành tích chống tham nhũng khá tốt và duy trì nền kinh tế Philippines tăng trưởng ổn định ở mức 6%/năm.

Ứng cử viên Mar Roxas chấp nhận thua cuộc.

Tuy nhiên, điều Aquino chưa làm tốt khiến nhiều người chưa hài lòng đó là thay đổi mô hình kinh tế Philippines vốn tạo thuận lợi cho một nhóm nhỏ các gia đình kiểm soát gần như tất cả các ngành then chốt của nền kinh tế, từ đó khiến Philippines trở thành một trong những đất nước có sự phân hóa giàu nghèo lớn nhất châu Á.

Lời chỉ trích nhắm vào tầng lớp giàu có này cũng đánh trúng nhược điểm của ứng cử viên về nhì Roxas - vốn xuất thân gia đình giàu có và bị dư luận chỉ trích là thiếu thiện cảm đối với người nghèo.

Trong chiến dịch vận động của mình, Duterte đã đưa ra lời hứa là sẽ tấn công vào giới “siêu giàu” để làm điều mà người tiền nhiệm Aquino chưa làm được: Khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay của đất nước. Thực hiện điều này sẽ khiến cho Duterte phải đụng chạm đến nhiều người có thế lực mạnh ở Philippines hiện nay.

Peter Lavina, người phát ngôn của ông Duterte nói với báo chí sáng ngày 10-5 rằng, ông Duterte đã có kế hoạch khi chính thức nhậm chức tổng thống sẽ thực hiện một loạt thay đổi, trước hết là sửa đổi hiến pháp và hệ thống tổ chức chính phủ. Ngoài ra, ông cũng dự định sẽ áp dụng những chính sách mà ông đang áp dụng tại thành phố Davao, như cấm uống rượu, bia sau 22 giờ, cấm hát karaoke quá ồn, cấm trẻ em ra ngoài đường không có người lớn đi kèm sau 22 giờ...

Điều khiến dư luận quốc tế quan tâm nhất là Duterte sẽ có quan điểm thế nào về vấn đề Biển Đông. Trước mắt, ông Duterte đã thể hiện quan điểm hoàn toàn bất lợi cho quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ.

Vốn thân Trung Quốc, Duterte không đồng tình với Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa Mỹ và Philippines ký kết hồi năm 2014 và đang được triển khai tại Philippines. Duterte cũng là người phản đối Thỏa thuận Các lực lượng viếng thăm giữa Philippines với Mỹ cho nên nguy cơ lớn nhất chính là việc ông sẽ cho dẹp hết các căn cứ quân sự Mỹ đang triển khai tại Philippines theo Thỏa thuận EDCA, đồng thời ông sẽ chủ trương thương lượng song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Duterte từng tuyên bố trên báo chí rằng “chúng tôi thật sự không cần người Mỹ để đối phó với Trung Quốc bởi vì người Trung Quốc chỉ muốn nói chuyện với chúng tôi thôi”. Vì thế, tương lai giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ vô cùng khó khăn một khi Duterte lên làm Tổng thống Philippines.

An Châu (tổng hợp)
.
.