Bầu cử tổng thống Ukraina: Cơ hội của “nhà tài phiệt sôcôla”

Thứ Bảy, 24/05/2014, 17:45

Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) Ukraina, 23 ứng cử viên nước này sẽ tham gia tranh cử chức tổng thống vào ngày 25/5 tới đây. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên Peter Poroshenko đang dẫn đầu cuộc đua. Nếu trở thành tổng thống, Poroshenko sẽ đưa Ukraina đi về đâu?

Peter Oleksiyovych Poroshenko sinh ngày 26/9/1965. Là nhà chính trị, Phó tiến sĩ khoa học pháp lý, P. Poroshenko đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong các chính phủ trước đây ở Ukraina như: Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng vào năm 2005, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại vào năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2009 đến năm 2010, Chủ tịch Hội đồng Ngân hàng Quốc gia từ năm 2007 đến năm 2012, Đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, V và VII. Poroshenko là Chủ tịch đảng Solidarnost (Đoàn kết) từ năm 2001 đến năm 2013.

Ông là người có ảnh hưởng, một doanh nhân giàu có ở Ukraina, Chủ tịch Tập đoàn Sôcôla Roshen - Hãng chuyên sản xuất đồ ngọt nổi tiếng, người thường được biết đến với tên gọi "nhà tài phiệt sôcôla".

Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đối đầu gay gắt ở Quảng trường Maidan (Độc lập), Poroshenko luôn đứng "sau hậu trường", không có mặt trong các hoạt động bất lợi cho danh tiếng của cá nhân mình như tham gia vào việc ký thỏa thuận với Tổng thống V. Yanukovych hay tuyên bố các kết quả đạt được ở Maidan. Nhưng sau đó, mọi lợi thế của một trong những thủ lĩnh đối lập đều thuộc về ông.

Để biết được vai trò thực sự của Poroshenko trong các sự kiện đẫm máu ở Maidan - các tay súng "giấu mặt" đã bắn tỉa đồng thời cả người biểu tình và các nhân viên bảo vệ pháp luật ở Kiev, đòi hỏi phải có cuộc điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng, nhà tài phiệt này luôn là người "của mình" trong các cuộc đối đầu ở Maidan, tất cả các nhà tổ chức, các thủ lĩnh của cuộc chính biến đều tin tưởng vào ông.

Tổng thống Pháp Hollande (giữa) đón Kitschko (trái) và Poroshenko tại Paris.

Khác hẳn với hành động của những người thích thể hiện mình ở nơi công cộng như nói chuyện với những người biểu tình, phát biểu trước đám đông từ trên ban công hay trả lời phỏng vấn báo chí, Poroshenko có cách hành xử riêng. Ông đã ngấm ngầm chuẩn bị cho việc tham gia cuộc đua vào chức tổng thống. Ông không cố tỏ ra nổi bật, khéo léo che giấu tham vọng quyền lực và coi như đã tình cờ có mặt bên cạnh Maidan.

Nhưng, nếu xét theo các công việc khổng lồ sau hậu trường mà ông đã làm trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình với cái đích là chức tổng thống, thì một phần của công việc đó là nhằm kết thúc các cuộc chiến đường phố với sự ra đi của V. Yanukovych. Nói chung, phương pháp hành động của Poroshenko trong những tháng gần đây, cũng giống như cả sự nghiệp chính trị, kinh doanh trước đây của ông, luôn gắn liền với những âm mưu, toan tính…

Trong các bài phát biểu trước bầu cử, Poroshenko luôn thể hiện tất cả những gì mà cử tri ở cả miền Tây và Đông Nam Ukraina đều có thể chấp nhận được. Nhưng, trong chương trình hành động tranh cử chính thức được đăng tải trên trang thông tin của CEC, Poroshenko đã thể hiện rõ ràng các quan điểm của mình. Ông sẵn sàng phá vỡ tất cả các thỏa thuận nhằm giảm sự leo thang khủng hoảng đã được đại diện của chính phủ hiện nay ký kết.

Cụ thể, trong chương trình hành động, ông khẳng định: "Tôi sẽ là người bảo vệ chính thể tổng thống - nghị viện vừa mới được khôi phục, trong đó chính phủ được hình thành trên cơ sở của liên minh giữa các đảng phái và các đại biểu. Tôi không có tham vọng giành quyền hạn lớn hơn những gì mà nhân dân sẽ trao cho tôi". Poroshenko tuyên bố rằng ông sẽ không thay đổi Hiến pháp. Như vậy, nếu trở thành tổng thống, ông sẽ vô hiệu hóa mọi kết quả đã đạt được trước đây, theo đó các giới chính trị, kinh doanh… Ukraina đều đã thống nhất cần phải có một bản Hiến pháp mới.

P. Poroshenko trước những người ủng hộ.

 Poroshenko cũng chỉ ra rằng "Ukraina vẫn sẽ là một nhà nước đơn nhất", ông không chấp nhận liên bang hóa, nhưng ủng hộ việc tăng quyền hạn cho các cơ quan quyền lực địa phương. Liên quan đến vấn đề tiếng Nga, ông nói: "Tôi sẽ dựa vào Điều 10 của Hiến pháp, theo đó xác định tiếng Ukraina là ngôn ngữ quốc gia… Với mục đích bảo đảm sự thống nhất dân tộc Ukraina về mặt chính trị, cần giữ nguyên trạng vấn đề ngôn ngữ" và "không gian nhân đạo duy nhất trong lĩnh vực văn hóa - ngôn ngữ, giáo dục, lịch sử cần được giữ gìn và củng cố".

Như vậy, nếu Poroshenko trở thành Tổng thống, tiếng Nga sẽ không bao giờ trở thành ngôn ngữ quốc gia thứ hai ở Ukraina. Còn khi bình luận về các sự kiện diễn ra ở khu vực Đông Nam, Poroshenko nói: "Một nhà nước mạnh phải học cách nói chuyện bằng ngôn ngữ sức mạnh. Không tổ chức hội nghị bàn tròn với những kẻ ly khai và khủng bố, không cần tìm cách này hay cách khác để tiếp cận vấn đề”.

Poroshenko đã xác định rõ ràng cái đích cuối cùng mà ông cần đạt được với vai trò của một tổng thống. Trong chương trình hành động của mình, tuy không nhắc gì đến tư cách thành viên của Ukraina ở NATO, nhưng trong các phát biểu công khai, ông nói rất rõ ràng: "Gia nhập NATO là vấn đề số một" và cũng thừa nhận rằng mức độ ủng hộ của người dân với ý tưởng này chưa đạt tới 50%.

Theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận, có 39% cử tri Ukraina sẵn sàng bỏ phiếu cho Poroshenko, 48,4% những người chắc chắn đi bầu cử tuyên bố sẽ ủng hộ cho ứng cử viên này. Tỷ lệ như vậy ở cựu Thủ tướng Y. Tymoshenko - đối thủ trực tiếp Poroshenko là 9 và 14%. Sau khi Vitali Kitschko tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua và ủng hộ Poroshenko, khả năng chiến thắng của Poroshenko càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Được phương Tây ủng hộ trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống, Poroshenko là sự trông cậy của các lực lượng dân tộc cấp tiến trong công cuộc tái thiết Ukraina

Hoàng Tuất (theo Fondsk)
.
.