Bí ẩn về thư viện của các Tổng thống Mỹ

Thứ Năm, 04/11/2010, 04:30
Kể từ thời của Franklin D. Roosevelt, mỗi tổng thống Mỹ đều xây dựng thư viện của riêng mình, và chúng có mặt rải rác khắp nước Mỹ. Tổng cộng có tất cả 12 thư viện tổng thống - George W. Bush sẽ trở thành thư viện thứ 13 sau khi nó được mở cửa vào năm 2013 ở Đại học South Methodist gần Dallas, bang Texas.

Không giống như những thư viện cá nhân thông thường, thư viện của tổng thống Mỹ (vốn được ít biết đến, ngay cả với người Mỹ) là sự kết hợp của thư khố lịch sử (nơi chứa những bài diễn văn của tổng thống và nhà bảo tàng công cộng (kể câu chuyện về cuộc đời và thời đại của tổng thống).

Timothy Naftali, Giám đốc Thư viện Tổng thống Nixon, nói: "Đối với du khách nước ngoài, đến với thư viện tổng thống là cách duy nhất để nhìn thấy nước Mỹ. Mỗi thư viện đều khác nhau. Và mỗi thư viện đều phản ánh những lựa chọn được thực hiện bởi chính tổng thống. Đó là nơi mà tổng thống muốn mình được tưởng nhớ, và những hiện vật trưng bày phản ánh cách thức mà ông muốn được tưởng nhớ".

Tổng thống Reagan tự coi mình là người đàn ông của miền Tây nước Mỹ và người phục hưng những sự cao cả của nước Mỹ.

Thư viện của Reagan - nằm ở thung lũng Simi, bang California - trông lộng lẫy: một phức hợp kiểu Tây Ban Nha với mái ngói đỏ và ngổn ngang những thanh rầm nằm trên một đỉnh đồi chiếm diện tích 40 hecta và nhìn ra những nông trại trồng táo. Một con voi tạo hình (biểu tượng của đảng Cộng hòa) sừng sững trong khu vườn là bản sao của bãi cỏ phía nam Nhà Trắng. Cách đó hàng trăm mét là phiến bê tông khiêm tốn thể hiện một phần của Bức tường Berlin. Trong khuôn viên thư viện có một nơi gọi là Peace Plaza - nơi chứa chiếc phi cơ chiến đấu F14 Tomcat.

Thời gian sau này, phần lớn nhà bảo tàng trong thư viện đã được đổi mới. Đến thư viện của Reagan, du khách sẽ có cơ hội biết đến lời tuyên thệ trong ngày nhậm chức của Tổng thống, một số bài diễn văn nổi tiếng của Reagan và bước vào rạp chiếu phim của ông. Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng bản sao có kích thước như thật của Phòng Bầu dục và lắng nghe giọng nói ngọt như mật của Reagan (ông vốn là người giới thiệu chương trình trên đài phát thanh). Nằm trong một khu nhà đặc biệt trị giá 32 triệu USD là chiếc Boeing 707 - Air Force One cũ.

Năm 2003, "Chiến dịch Homeward Bound" đã tháo rời toàn bộ chiếc máy bay và vận chuyển nó ban đêm đến Thung lũng Simi, nơi được các kỹ sư của Hãng Boeing ráp lại. Chiếc áo jacket của Reagan vẫn còn treo trong buồng lái riêng của ông. Nơi ghế ngồi đằng sau dành cho viên sĩ quan mang theo "nút bấm hạt nhân" - vật luôn theo sát Tổng thống dù ở bất cứ nơi đâu. Dưới một cánh của chiếc Boeing là cả một quán rượu Ireland mà Reagan từng đến - nó được tháo rời và chở bằng tàu thủy đến California để ráp lại và hiện nay là nơi phục vụ bia chỉ trong những sự kiện đặc biệt.

Đi qua những khu ngoại ô để đến thị trấn Yorba Linda, bang California, là Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Khi Nixon chào đời ở đây mảnh đất là khu trồng cam. Nixon tự coi mình là một người bình thường. Thư viện của ông trị giá 25 triệu USD năm 1990, so với thư viện 60 triệu USD của Reagan năm 1991. Là một tổng thống gây tranh cãi nhất trong tất cả những tổng thống Mỹ, Richard Nixon là người duy nhất từ chức trong sự ô nhục, năm 1974 sau vụ bê bối Watergate.

Chiếc Air Force One trưng bày ở Thư viện Tổng thống Ronald Reagan tại Thung lũng Simi.

Nếu như Reagan có Air Force One, thì thư viện của Nixon có Army One - chiếc trực thăng Tricky Dick cất cánh vào ngày định mệnh đưa Nixon rời Nhà Trắng lần cuối cùng. Bước vào gian hàng trong nhà bảo tàng của thư viện, du khách có thể mua được đầu chiếc vòi hoa sen mang gương mặt của Nixon với giá 35 USD và nhiều món hàng khác, từ sáp môi đến những quân bài, được trang trí với hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa Nixon và ngôi sao Elvis Presley ở Nhà Trắng năm 1970.

Những chiếc xe hơi, quần áo và bầu không khí của hai thập niên 1960 và 1970 đều có mặt ở đây, cùng với những cuộc tranh luận chính trị lớn như là vụ Alger Hiss và cuộc tranh luận trên tivi giữa Kennedy và Nixon (những cuộc tranh luận đầu tiên của các tổng thống trên tivi). Một phần của cuộc tranh luận đầu tiên trên tivi được bố trí trong một phòng khách thiết kế theo kiểu thập niên 60. Ấn tượng hơn nữa là "Hall of World Leaders" (Phòng của những lãnh đạo thế giới) - nơi dựng những hình tượng của Churchill, De Gaule, Golda Meir và những người khác. Được tự tay Nixon lựa chọn, những pho tượng làm bằng giấy bồi này được mặc quần áo y như thật và được phun sơn cho giống như tượng đồng. Nhưng còn về vụ Watergate? Câu trả lời là hiện nay chưa có gì. Theo Giám đốc Naftali thì triển lãm về vụ bê bối Watergate sẽ khánh thành vào khoảng cuối năm 2010.

Việc quản lý các thư viện tổng thống được chia sẻ giữa những tổ chức tư nhân, được thành lập bởi những bạn bè giàu có của cựu tổng thống và những người ủng hộ, và Chính phủ Mỹ. Các tổ chức tư nhân sẽ chi trả tiền xây dựng các thư viện tổng thống, còn Chính phủ Mỹ lo phần cung cấp tài liệu thông qua Thư khố Quốc gia.

Naftali, Giám đốc Thư viện Nixon nói: “Các tổ chức tư nhân giới thiệu di sản của tổng thống còn chúng ta chỉ có mỗi nhiệm vụ là tìm hiểu và khám phá”. Nhưng trong trường hợp của Nixon, thư viện của ông không có bộ sưu tập sau khi Quốc hội Mỹ cho tịch thu những bài diễn văn của ông.

Thư viện Nixon được tư nhân quản lý hoàn toàn cho đến khi Thư khố Quốc gia cuối cùng tiếp quản nó vào năm 2006. Và toàn bộ những hồ sơ và tài liệu của Nixon được chở đến thư viện từ Washington - bao gồm 46 triệu trang tài liệu, 6 triệu mét phim và 300.000 bức ảnh. Trong thư viện của Nixon cũng có những hình ảnh liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự sa lầy của nước Mỹ

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.