Bill Clinton và những vụ tai tiếng mới?

Thứ Ba, 17/06/2008, 10:00
Sự thất bại của bà Hillary Clinton trên đường đua tổng thống dường như còn chưa đủ đối với gia đình Clinton. Mới đây, trên nguyệt san Vanity Fair (7/2008), chuyên gia phóng sự điều tra Todd S. Purdum lại tung một quả bom với những tiết lộ động trời, từ chuyện "trăng hoa thời hậu Nhà Trắng" đến những phi vụ của ngài cựu Tổng thống...

Thứ ba, ông ăn trưa với cầu thủ bóng chày Willie Mays tại văn phòng ở Harlem; thứ tư, có mặt trong một nhà hàng với ca sĩ Robin Williams và diễn viên Billy Crystal; trước Phục sinh, bay sang Cộng hòa Dominica với vợ Hillary, con gái Chelsea cùng bạn trai của cô.

Tại nhiều nơi, người ta tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton như một ngôi sao điện ảnh. Ông kiếm được 200.000-300.000 USD cho mỗi bài diễn văn. Tại các hội thảo hay tiệc tùng ở Mỹ, Clinton được trả ít nhất 125.000 USD và lịch làm việc của ông luôn dày đặc những lời mời “dành chỗ”. Tổng cộng, công dân Clinton thu nhập trung bình 10-15 triệu USD/năm, chưa kể 12 triệu USD với một nhà xuất bản trong hợp đồng viết hồi ký (cao nhất trong lịch sử xuất bản thế giới).

Khi không đi “công du”, Clinton ở Chappaqua, mỗi ngày được Mật vụ (Secret Service) lái chiếc SUV đen đưa đến văn phòng tại Harlem và chỉ trở về lúc tối mịt. Ông vẫn có tật thức khuya, làm xong việc giấy tờ hay điện cho bạn bè, đến 1h30' (ngủ đến 9h).

Cục Điều tra dân số Mỹ từng đề cao Clinton trong việc giúp xóa nghèo cho 4,1 triệu trẻ em, so với 50.000 trẻ em thời Reagan. Sau vụ 11/9, ông cũng cùng Bob Dole lập quỹ 100 triệu USD nhằm giúp con các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 có thể học hết đại học...

Tháng 4/2008, Cục Thuế Mỹ cho biết vợ chồng ông Clinton kiếm được hơn 109,2 triệu USD trong 8 năm kể từ khi rời Nhà Trắng (nộp thuế 33,8 triệu USD từ năm 2000 - 2007). Phần lớn nguồn thu là nhờ “phí diễn văn” của Bill Clinton (51,9 triệu USD) và từ hai quyển sách của ông (My Life và Giving).

Ngoài ra, ông còn có thu nhập doanh nghiệp, từ sự hợp tác với Công ty Quỹ đầu tư Global Opportunities Fund của Ron Burkle (vốn là một trong những người tổ chức gây quỹ lâu năm trong sự nghiệp chính trị Bill Clinton)...

Đó là những hoạt động bề mặt của ngài cựu Tổng thống. Tuy nhiên, với một người từng theo dõi sự nghiệp chính trị từ khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 1992 với tư cách thông tín viên Nhà Trắng của tờ New York Times, Todd S. Purdum tường tận nhiều chi tiết liên quan thì ông Clinton ít được biết (vợ Purdum là Dee Dee Myers, tùy viên báo chí đầu tiên của ông Clinton).

Theo Purdum, một trong những scandal mới nhất liên quan đến ông Clinton là thói trăng hoa của ông, với nhiều người nổi tiếng, từ diễn viên điện ảnh Gina Gershon đến Belinda Stronach (ly dị hai lần; một tỉ phú thừa kế doanh nghiệp phụ tùng xe hơi; thành viên Quốc hội Canada; nhỏ hơn ông Bill 20 tuổi). Người ta còn xầm xì về cuộc gặp giữa Bill với một “cô bạn” tại Chappaqua (New York), với một phụ nữ tại quầy bar ở Viện Aspen. Các mối quan hệ khác cũng mang lại tai tiếng cho ông.

Năm 2002, ông đến châu Phi cùng nhà đầu tư New York Jeffrey Epstein trong một chuyến khảo sát thực địa. Chẳng có gì đáng nói nếu năm 2006 Epstein không bị buộc tội điều khiển bí mật một đường dây... gái gọi tại Palm Beach (Florida). Hiện thời, Epstein tiếp tục là đối tượng bị điều tra liên quan ít nhất 4 vụ kiện từ những cô gái trẻ và có thể bị xử 18 tháng tù (bắt đầu từ tháng 7/2008).

Và trong khi được miêu tả là nhân vật hoạt động từ thiện, Bill – theo Purdum – thật ra đã bỏ túi hơn 3 triệu USD tiền phí tư vấn cho InfoUSA, nơi đang bị điều tra tội bán dữ liệu khách hàng cho các công ty quảng cáo...

Tai tiếng nữa trong các mối quan hệ của ông Bill Clinton là phi vụ làm “cò” cho trùm công nghiệp khai thác mỏ Canada Frank Giustra. Cuối năm 2007, trong một phóng sự điều tra dài hơi, New York Times cho biết, năm 2005, ông Bill bay đến Kazakhstan trong chuyên cơ riêng MD-87 của Giustra trong chuyến đi 3 nước được miêu tả thuộc một chương trình “từ thiện”. Tại đó, hai người có buổi tiệc tối với Tổng thống Nursultan Nazarbayev.

Trong buổi gặp, Bill hứa ủng hộ ông Nazarbayev trong việc giúp Kazakhstan làm Chủ tịch Tổ chức hợp tác - an ninh châu Âu (OSCE), nơi giám sát các cuộc bầu cử  và “kích thích dân chủ” tại khu vực. Điều này khá bất thường đối với chính sách Washington dành cho Kazakhstan, nơi mà màu sắc dân chủ vốn bị hoen ố.

Trong hai ngày, công ty của Giustra ký loạt biên bản sơ bộ để được đầu tư vào ba dự án uranium do Chính phủ Kazakhstan kiểm soát. Vài tháng sau, Tổ chức Clinton nhận được 31,3 triệu USD tài trợ từ Giustra và điều này được giữ kín cho đến khi một đại diện Giustra thừa nhận vào cuối năm 2007. Cá nhân Giustra từng ủng hộ 100 triệu USD khác cho Tổ chức Clinton.

Một phát ngôn của ông Bill Clinton nói rằng ngài Bill chẳng biết mô tê gì về thương vụ uranium nhưng ông Bill không thể không biết khi sử dụng uy tín cá nhân để làm “cò” cho Giustra – theo Fred Wertheimer, Chủ tịch Tổ chức Democracy 21.

Trong lịch sử Mỹ, Harry Truman là một trong những tổng thống hiếm hoi không chấp nhận bán đứng uy tín cho mục tiêu thương mại. Vài năm sau khi rời Nhà Trắng, ông chỉ được ứng trước 600.000 USD từ tạp chí Life cho quyển hồi ký. Chẳng có nguồn thu nào khác, ông Truman phải bán nông trại gia đình cho một trung tâm mua sắm.

Cuối cùng, ông Truman đặt vấn đề lương hưu tổng thống lên Chủ tịch Hạ viện Sam Rayburn và thủ lĩnh phe đa số Thượng viện Lyndon Johnson và chỉ khi đó một điều luật liên quan lương hưu tổng thống mới được thông qua với vỏn vẹn 25.000 USD/năm.

Với ông Bill Clinton, lương hưu của ông hiện tổng cộng hơn 1,2 triệu USD từ khi rời Nhà Trắng, kèm một số khoản “phụ cấp đặc biệt” khác với tổng cộng nhiều hơn cả trợ cấp gộp lại của hai cựu tổng thống còn sống là Jimmy Carter và George H. Bush. Đó là lý do ông Bill có một văn phòng đắt tiền và hiện đại hơn tại Manhattan so với hai văn phòng khác của ông ở bang nhà Atlanta hoặc Houston.

Trước khi lập một văn phòng khiêm tốn nữa ở Harlem, Bill còn định thuê nguyên tầng 56 của cao ốc Carnegie Hall Tower với giá 738.000 USD/năm nhưng cuối cùng ông từ bỏ ý định trước chỉ trích từ Quốc hội lẫn báo chí...

Mạnh Kim (Tổng hợp)
.
.