Bình Nhưỡng và Seoul tái họp bàn vấn đề đoàn tụ gia đình:

Bình Nhưỡng - Seoul: Quan hệ hai miền đã “bớt lạnh”

Thứ Bảy, 05/09/2009, 11:11
Tuy chỉ là cuộc họp giữa các quan chức Hội Chữ thập Đỏ của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, nhưng dư luận cũng coi đây là bước khởi đầu quan trọng tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul nếu các cuộc đàm phán thành công trong việc nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh.

Họp bàn nối tiếp hội đàm

Nhiều người trong số hàng chục nghìn gia đình bị chia cắt sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) sẽ có cơ hội đoàn tụ kể từ tháng 10 tới nếu cuộc đàm phán diễn ra trong 3 ngày (từ 26/8) tại khu nghỉ mát ở núi Kumgang (Geumgang) của CHDCND Triều Tiên thành công. Và đây được coi là dấu hiệu mới nhất có thể làm ấm lại mối quan hệ liên Triều sau một loạt sự kiện xảy ra trong thời gian gần đây.

Chương trình đoàn tụ những gia đình bị ly tán bắt đầu được xúc tiến sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên diễn ra hồi tháng 6/2000. Kể từ đó đến nay đã có 16 đợt đoàn tụ cho hơn 16.000 người và 7 đợt đoàn tụ qua cầu truyền hình cho hàng nghìn người khác.

Tuy nhiên, chương trình này đã bị hoãn lại sau khi quan hệ liên Triều đột nhiên xấu đi từ đầu năm 2008 đến nay.  Theo giới truyền thông, cuộc đàm phán tại núi Kumgang đã đạt được sự nhất trí cao (trên nguyên tắc) về việc tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán (mỗi bên 100 người) vào đúng dịp lễ truyền thống Chuseok trong tháng 10 tới.

Mặc dù chưa thống nhất về thời điểm cụ thể tổ chức cuộc đoàn tụ kể trên, nhưng đây được coi là một thành công lớn về mặt ngoại giao giữa 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên.

Trước cuộc họp hôm 26/8 tại khu nghỉ mát ở núi Kumgang, Bình Nhưỡng và Seoul đã có nhiều động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ song phương. Ngày 25/8, Bình Nhưỡng đã nối lại đường dây nóng cho Hội Chữ thập Đỏ sau hơn 9 tháng ngừng hoạt động.

Bình Nhưỡng cũng đã phóng thích một công nhân Hàn Quốc làm việc cho Công ty Hyundai Asan bị bắt hồi tháng 4. Giữa tháng 8, Bình Nhưỡng còn cử đoàn đại biểu cấp cao (gồm 6 người) tới Seoul để dự lễ tang cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Thậm chí Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il còn gửi một bức thư cho Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Tổng thống Lee Myung-Bak tiếp Bí thư TW Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki-Nam hôm 23/8.

Cho tới thời điểm này, nội dung của bức thư vẫn được giữ kín. Bình Nhưỡng cũng vừa nhất trí dỡ bỏ những hạn chế đi lại tại khu vực biên giới đối với người Hàn Quốc và cam kết khôi phục các dự án liên Triều về du lịch và khu công nghiệp Kaesong đang bị ngưng trệ.

Giới truyền thông cho biết, cuộc họp giữa các quan chức Hội Chữ thập Đỏ của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã diễn ra sau thoả thuận đạt được giữa Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il với với Chủ tịch Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc, bà Hyun Jung-eun (từ 10/8).

Những tín hiệu lạc quan

Tại cuộc hội kiến với Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki-nam hôm 23/8, Tổng thống Lee Myung-bak đã đề cập tới tiến trình hợp tác liên Triều. Đây là cuộc gặp chính thức cấp cao đầu tiên giữa hai miền kể từ khi ông Lee Myung-bak lên nắm quyền hồi tháng 2/2008. Không những muốn cải thiện quan hệ với Seoul, Bình Nhưỡng còn đang tích cực hòa giải với Washington.

Việc trả tự do cho 2 nữ nhà báo Mỹ từng bị tòa án CHDCND Triều Tiên tuyên phạt 12 năm tù khổ sai hồi thượng tuần tháng 8 được coi là động thái "chủ động làm lành với Mỹ". Tuy nhiên, Mỹ vừa tái khẳng định việc không có kế hoạch gửi phái viên tới CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng gửi lời mời 2 đặc phái viên Mỹ (Stephen Bosworth và Sung Kim) tới thăm nước này để hội đàm song phương.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách giải quyết mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng Stephen Bosworth cũng vừa có cuộc hội kiến với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-lak để tái khẳng định quan điểm, CHDCND Triều Tiên cần quay trở lại các cuộc đàm phán 6 bên.

Đặc phái viên Mỹ về việc cấm vận CHDCND Triều Tiên Philip Goldberg mới khẳng định, mục tiêu cuối cùng không thay đổi của Washington là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Moon Tae-young cũng nhấn mạnh, Seoul và Washington nhất trí không thay đổi lập trường đối với Bình Nhưỡng và sẽ tiếp tục thực thi các lệnh cấm vận nếu như không có sự chuyển biến cơ bản từ phía Bình Nhưỡng.

Tuy chỉ là một động thái nhỏ trong nước, nhưng dư luận rất quan tâm tới việc Bình Nhưỡng mở rộng hệ thống viễn thông và hiện đại hóa ngành phát thanh. Được biết, hệ thống cáp quang đã được kết nối giữa Bình Nhưỡng với các tỉnh trên phạm vi cả nước, tạo cơ sở cho việc viễn thông số hóa. Dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới lời kêu gọi hôm 26/8 của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il khi yêu cầu các đơn vị cấp tỉnh tăng cường nỗ lực trong việc tự cung tự cấp

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.