Bolivia: Tổng thống Moracles đẩy mạnh cải cách

Thứ Năm, 08/02/2007, 10:45

Ngày 23/1/2007, sau khi kỷ niệm một năm lãnh đạo đất nước (22/1/2006), Tổng thống Bolivia Evo Morales đã tiến hành thay đổi một loạt bộ trưởng trong nội các của mình.

Giới truyền thông nhận định, đây là động thái cần thiết của ông Morales nhằm chấn chỉnh việc thực hiện các chính sách cải cách vốn đang vấp phải một số khó khăn.

Có tới 7 trên 16 bộ trưởng được ông Morales cho về nghỉ trong ngày 23/1, gồm các Bộ trưởng Giáo dục, Nội vụ, Kế hoạch và Phát triển, Lao động, Công chánh, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ông này đều mắc những sai lầm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ, gây ra những khó khăn nhất định cho việc lãnh đạo đất nước của ông.

Chẳng hạn, Bộ trưởng Giáo dục Felix Patzi đã gây bất bình cho Giáo hội Thiên Chúa giáo sau khi tung ra kế hoạch cải cách yêu cầu thay thế các lớp học giáo lý bằng các lớp học thổ ngữ Bolivia. Ông Patzi cũng khiến cho các nhân viên Bộ Giáo dục bực tức khi ra lệnh mỗi người phải biết ít nhất một thứ tiếng thổ ngữ nếu không sẽ khó giữ chỗ làm.

Còn bà Bộ trưởng Nội vụ Alicia Munoz thì bị mất chức vì đã không kiểm soát được tình hình bất ổn do các cuộc biểu tình rầm rộ của cả phe ủng hộ lẫn phe chống Tổng thống Morales diễn ra khắp đất nước từ nhiều tháng qua. Những người còn lại bị thay thế vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nói chung, việc cải tổ nội các vào thời điểm này, chỉ mới sau một năm hoạt động, cho thấy Tổng thống Morales đang quyết tâm chấn chỉnh lại hàng ngũ thành viên chính phủ trong nỗ lực vượt qua những khó khăn đầu tiên khi thực hiện các kế hoạch cải cách xã hội sâu rộng của mình.

Khi ông Morales lên nắm quyền vào tháng 1/2006, Bolivia được đánh giá là đất nước nghèo nhất Nam Mỹ, tỉ lệ đói nghèo cũng như thất nghiệp đều rất cao, xã hội phân hóa giàu nghèo sâu sắc, chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt do việc phân bố tài sản xã hội một cách không công bằng.

Với khẩu hiệu xóa đói nghèo và tái phân bố tài sản xã hội, ông Morales đã lôi kéo được sự ủng hộ của đa số dân nghèo Bolivia, trong đó phần lớn là người da đỏ. Chính họ đã dùng lá phiếu để giúp Morales giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 12/2005, và trở thành hiện tượng nổi bật trên chính trường Nam Mỹ trong năm 2006. Một năm trôi qua, ông Morales chỉ mới bắt đầu triển khai thực hiện các kế hoạch cải cách theo hướng xã hội của mình.

Tiến trình cải cách và theo đuổi mục tiêu xã hội của ông Morales xem ra không dễ dàng chút nào. Khi mới nhậm chức, ông Morales tuyên bố trong nhiệm kỳ của mình sẽ tiến hành tái phân bố 200.000km2 đất cho người nghèo không có đất đai canh tác. Thế nhưng, dự án cải cách ruộng đất đầy tham vọng này hiện đang gặp phải sự phản đối quyết liệt của các chủ đất giàu có ở miền Đông.

Tương tự, kế hoạch quốc hữu hóa công nghiệp dầu khí cũng làm cho các nhà tư bản đỏ mặt tía tai vì quyền lợi bị đụng chạm, sứt mẻ. Đây chính là thành phần giàu có chiếm tỉ lệ dân số rất nhỏ nhưng lại nắm phần lớn tài sản của đất nước Bolivia. Họ chính là những kẻ đã dựa giẫm vào thế lực của các nhà lãnh đạo độc tài trước đây để thâu tóm tài sản cho riêng mình. Thế và lực của họ hiện nay vẫn còn khá mạnh, giữ đến 5 ghế thống đốc tỉnh ở miền Trung và Đông Bolivia.

Tuy nhiên, trước sau ông Morales luôn là người chiếm ưu thế. Tháng 9/2006, hàng ngàn người dân từ tỉnh Santa Cruz ở miền Đông và vài tỉnh lân cận đã kéo về thủ đô La Paz để biểu thị sự ủng hộ kế hoạch của ông. Nhờ họ, ông Morales đã thắng được phe đối lập trong Quốc hội, từ đó giúp cho đạo luật cải cách ruộng đất được thông qua vào cuối tháng 11/2006.

Nhưng các thế lực đối lập hữu khuynh và thành phần giàu có ở các tỉnh miền Đông Bolivia không chịu thua. Cho rằng, các chương trình cải cách ruộng đất và quốc hữu hóa ngành dầu khí của Chính phủ Bolivia đã tước mất tài sản riêng của họ, vì vậy họ đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ đòi chính phủ trung ương trao quyền tự trị nhiều hơn cho các tỉnh.

Sự vận động quyết liệt của các tỉnh trưởng chủ trương “ly khai”, nổi bật nhất là ở các tỉnh Cochabamba ở miền Trung và Santa Cruz ở miền Đông, đã gây nên tình trạng mất ổn định xã hội trong suốt hơn 1 tháng qua.

Thống đốc Manfred Reyes Villa, người chống lại chương trình cải cách của Tổng thống.

Ngày 8/1/2007, hàng ngàn người ủng hộ phong trào MAS và Tổng thống Morales đã biểu tình ở thành phố Cochabamba đòi Thống đốc tỉnh này là Manfred Reyes Villa từ chức. Ngày 12/1, đụng độ đã xảy ra khi đám người ủng hộ ông Reyes Villa tấn công những người biểu tình bằng gậy gộc và đá, làm 2 người chết, gần 100 người bị thương, còn Thống đốc Reyes Villa đã buộc phải tạm lánh sang tỉnh Santa Cruz. Các cuộc biểu tình, xung đột chỉ tạm lắng sau khi Tổng thống Morales trực tiếp giải quyết.

Nhưng phe đối lập hữu khuynh và giới nhà giàu ở miền Đông vẫn chưa từ bỏ ý định chống đối Tổng thống Morales. Vài nhà phân tích chính trị Bolivia lo ngại rằng, đây có thể sẽ là điểm yếu nhất để các thế lực bên ngoài lợi dụng làm suy yếu, thậm chí lật đổ ông Morales.

Tuy nhiên, như nhận định của nhà báo cánh tả Federico Fuentes trên nguyệt san MR Zine số tháng 1/2007, ông Morales là một mắt xích quan trọng trong “trục Bolivar mở rộng” gồm Bolivia, Cuba, Venuzuela, Ecuador và Nicaragua. Là vị Tổng thống người da đỏ bản xứ đầu tiên trong khu vực Nam Mỹ, Morales đã là tâm điểm của những nỗ lực đấu tranh cho quyền lợi của người da đỏ bản xứ. Vì vai trò và sứ mệnh như thế, ông Morales không thể dễ dàng bị đánh đổ bởi các thế lực chống đối ông

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.