Brazil: Ông Lula Da Silva được trả tự do

Thứ Năm, 21/11/2019, 09:50
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva được trả tự do sau khi Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết hủy bỏ bản án tù đối với ông. Đây là một đòn quan trọng giáng vào cuộc điều tra, xét xử và tuyên án tù đối với ông Lula Da Silva của thẩm phán Sergio Moro (nay là Bộ trưởng Tư pháp Brazil).

Việc ông Lula Da Silva bị tuyên án tù và bắt giam ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Brazil năm 2018 từng gây chấn động không chỉ trên chính trường Brazil mà cả thế giới. Đa phần dư luận, báo chí cho rằng ông đã bị xử oan vì động cơ chính trị.

Ông Lula Da Silva có vô tội?

Trước khi Tòa án Tối cao Brazil tuyên hủy án đối với ông Lula Da Silva, đã xảy ra một tình huống trái ngược rằng chính các công tố viên từng buộc tội ông đã rất sốt sắng tìm cách để đưa ông ra khỏi nhà tù trong khi bản thân ông Lula Da Silva lại cương quyết từ chối. Sao lại có chuyện lạ lùng thế này?

Một trong những cách lý giải là việc các công tố viên lo ngại rằng các bản án trong cuộc điều tra chống tham nhũng của họ đang có nguy cơ bị Tòa án Tối cao Brazil tuyên vô hiệu. Mối lo ngại này xuất phát từ việc trung tuần tháng 9 vừa qua, Tòa án Tối cao Brazil từng tuyên vô hiệu một quyết định buộc tội của thẩm phán Moro trong Chiến dịch Rửa Xe và lý do của phán quyết này là do thẩm phán Moro xâm phạm quyền cơ bản của bị cáo.

Cựu Tổng thống Lula Da Silva giữa vòng vây người ủng hộ trong ngày được trả tự do.

Theo The Intercept, việc các công tố viên Brazil tìm cách đưa ông Lula Da Silva ra khỏi nhà tù không xuất phát từ lòng nhân đạo hay sự khoan dung mà chính là một thủ đoạn nhằm tránh việc bị Tòa án Tối cao phán quyết hủy bản án. Các công tố viên tính toán rằng, nếu ông Lula Da Silva được “giam lỏng” tại nhà riêng, được sinh hoạt thoải mái hơn so với ở trong tù thì có thể Tòa án Tối cao sẽ “không cảm thấy áp lực” phải ra phán quyết đảo ngược bản án đối với ông Lula Da Silva.

Tuy nhiên, ông Lula Da Silva không chấp nhận điều kiện “ra tù” để chuyển sang giam lỏng tại nhà mà đòi phải được minh oan đầy đủ. Hiện, các luật sư của ông Lula Da Silva đã nộp hồ sơ kháng cáo lên Tòa án Tối cao và đang được xem xét. Trong khi đó, tờ báo Folha ở bang Sao Paulo cho biết Tòa án Tối cao cũng đang xác minh tính chân thực của thông tin tiết lộ trong các bài báo của tờ The Intercept để làm cơ sở xem xét tính pháp lý của các bản án đã tuyên trong Chiến dịch Rửa Xe.

Đầu tháng 10-2019, Chủ tịch Tòa án Tối cao Dias Toffoli đã thông báo rằng Tòa sẽ sớm đưa ra quyết định đối với một số vấn đề khúc mắc liên quan đến Chiến dịch Rửa Xe và việc này đã dẫn đến việc hủy bản án đối với ông Lula Da Silva.

Cơ sở để Tòa án Tối cao ra phán quyết hủy bản án đối với ông Lula Da Silva chính là những hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động bí mật hậu trường của các công tố viên và thẩm phán Moro do tờ báo The Intercept cung cấp. Các tài liệu này phản ánh khá rõ việc thẩm phán Moro khi đó đã quyết tâm buộc tội ông Lula Da Silva, cố tình vận dụng chứng cứ không có cơ sở để đưa ra quyết định buộc tội và kết án.

Trong phiên tòa năm 2017, cựu Tổng thống Lula Da Silva bị buộc tội nhận hối lộ và bị kết án 12 năm tù. Ông Lula Da Silva kháng án nhưng đã bị tòa phúc thẩm tuyên y án và bị bắt giam tháng 4-2018, ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Brazil. Từ đó đến nay, ông đã thụ án tù được khoảng 1 năm rưỡi. Và việc Tòa án Tối cao Brazil tuyên trả tự do cho ông là kết quả của cuộc đấu tranh vì công lý không mệt mỏi của đội ngũ luật sư cũng như những người thân cận của ông.

Công tố viên Deltan Dallagnol.

Khi ông Lula Da Silva bị tuyên án tù, dư luận công chúng cũng như báo chí ở Brazil và thế giới đều nghi ngờ bản chất của cuộc điều tra và xét xử đối với ông, cho rằng ông đã bị oan và việc buộc tội cũng như kết án ông có thể nhằm mục tiêu chính trị. Mối nghi ngờ đó từng vài lần được báo chí Brazil và quốc tế đặt ra nhưng chưa có bằng chứng cụ thể để khẳng định.

Từ tháng 6-2019, tờ báo The Intercept đã bất ngờ tung ra loạt hồ sơ phanh phui những tình tiết chưa từng được biết đến về cuộc điều tra Rửa Xe, trong đó đặc biệt quan trọng là những thông tin từ các cuộc đối thoại trên mạng xã hội Instagram giữa thẩm phán Moro và các công tố viên thuộc Viện Công tố Quốc gia Brazil, đứng đầu là công tố viên Deltan Dallagnol - Trưởng Ban đặc trách cuộc điều tra Rửa Xe. Từ đó, nhiều vấn đề khuất tất xung quanh bản án dành cho ông Lula Da Silva dần được phanh phui theo loạt hồ sơ, hồ sơ cuối cùng đăng hôm 4-10.

Theo tờ The Intercept, những người trực tiếp thực hiện cuộc điều tra Rửa Xe là Ban đặc trách nhưng chính thẩm phán Moro mới là người chủ động điều tiết các hành động bí mật nhằm thao túng hoạt động điều tra, xét xử vụ án. Moro đã nhiều lần vượt lằn ranh giới hạn phạm vi quyền hạn của mình, can thiệp sâu vào hoạt động điều tra của các công tố viên, tư vấn và lèo lái cuộc điều tra theo mục đích chính trị của mình.

Theo The Intercept, các cuộc trò chuyện trên Instagram cho thấy việc buộc tội ông Lula Da Silva là chưa đủ cơ sở pháp lý, nhất là thiếu hẳn chứng cứ rõ ràng để xác định ông phạm tội tham nhũng. Trong các cuộc trò chuyện trên Instagram, công tố viên chính Dallagnol đã bộc lộ sự lo ngại về việc thiếu chứng cứ buộc tội ông Lula Da Silva.

Ông Dallagnol cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất để buộc tội ông Lula Da Silva - cáo buộc cho rằng ông đã nhận một căn hộ 3 phòng ở thị trấn ven biển Guarujá, bang São Paulo, từ tập đoàn xây dựng Grupo OAS để đổi lại việc ông ưu ái cho tập đoàn này trúng những gói thầu béo bở - đã không có bất cứ bằng chứng xác đáng nào để chứng minh.

Không có bất cứ cơ sở nào để chứng minh ông Lula Da Silva thật sự là chủ sở hữu căn hộ nói trên, cũng chẳng có gì chứng minh những hợp đồng làm ăn của tập đoàn Grupo OAS có sự can thiệp của ông Lula Da Silva.

Thẩm phán Sergio Moro, nay là Bộ trưởng Tư pháp Brazil.

Căn cứ duy nhất mà ông Moro sử dụng để buộc tội ông Lula Da Silva chính là một bài báo đăng trên tờ O Globo từ năm 2010 (rất lâu trước khi xảy ra vụ án tham nhũng ở Petrobras và cuộc điều tra Rửa Xe), trong đó tác giả nêu việc làm ăn khó khăn của tập đoàn Grupo OAS, tuyệt nhiên không có dòng nào hay từ nào nói về việc ông Lula Da Silva nhận căn hộ từ tập đoàn này. Bài báo chỉ nhắc đến việc ông Lula Da Silva sở hữu một căn hộ tại tòa chung cư do Grupo OAS làm chủ đầu tư ở Guaruja.

Các luật sư của ông Lula Da Silva khẳng định trên thực tế ông có mua một căn hộ đơn trong tòa chung cư do Grupo OAS xây dựng nhưng ở tầng thấp hơn căn hộ nêu trong bài báo kể trên. Thế nhưng, Moro đã bám chặt vào bài báo để kết luận rằng ông Lula Da Silva đã “nhận hối lộ”.

Trong một tin nhắn với nhóm công tố viên và Moro vào tháng 9-2016, công tố viên Dallagnol cho rằng việc buộc tội ông Lula Da Silva chỉ dựa vào một bài báo là không thuyết phục, có thể gây dư luận không tốt. Moro đã trấn an Dallagnol rằng “hãy kiên định và yên tâm, mọi chuyện rồi sẽ ổn”.

Âm mưu ngăn chặn đảng PT trở lại cầm quyền

“Thành tích” quan trọng nhất của thẩm phán Moro trong Chiến dịch Rửa Xe chính là việc buộc tội và tuyên án cựu Tổng thống Lula Da Silva, cũng nhờ đó ông đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, sau loạt bài báo do tờ The Intercept đăng tải trong tháng 6 và tháng 7-2019, Moro bị dư luận công kích kịch liệt, nhất là đảng Công nhân (PT) của cựu Tổng thống Lula Da Silva.

Từ khi bị tuyên án và bắt giam vào tháng 4-2018, cựu Tổng thống Lula Da Silva luôn tuyên bố rằng mình bị oan và việc xét xử, tuyên án mang động cơ chính trị. Theo The Intercept, hồ sơ về các cuộc nói chuyện trên Instagram của ông Moro với các công tố viên đã chứng minh lời kêu oan của ông Lula Da Silva là hoàn toàn có cơ sở.

Trong quá trình điều tra, xét xử, thẩm phán Moro khi đó đã sử dụng nhiều thủ đoạn chính trị hướng đến một mục tiêu là làm sao đưa được ông Lula Da Silva vào tù và không để cho ông có cơ hội cất tiếng nói vào thời điểm nhạy cảm của cuộc bầu cử sắp diễn ra năm 2018.

Các tài liệu của The Intercept, khoảng 10 ngày trước khi vòng đầu tiên cuộc bầu cử chính thức diễn ra hồi tháng 10-2018, thẩm phán Tòa án Tối cao Ricardo Lewandowski cho phép phóng viên Mônica Bergamo của tờ báo Folha de São Paulo phỏng vấn ông Lula Da Silva trong trại giam.

Trong quyết định của mình, thẩm phán Lewandowski lập luận rằng việc ngăn cấm báo chí phỏng vấn phạm nhân đang bị giam trong tù là “hết sức phi pháp”. Vả lại, ông Lula Da Silva cũng không là phạm nhân phải bảo đảm an ninh tối đa, do đó cần để cho báo chí phỏng vấn ông.

Ngày 28-9-2019, nắm được thông tin quan trọng này, nhóm công tố viên đã khẩn trương “hội ý” kéo dài nhiều giờ nhằm tìm ra giải pháp ngăn cản hoặc phá hỏng, làm giảm hiệu lực thi hành quyết định của Tòa án Tối cao càng nhiều càng tốt. Các công tố viên đã xác định cuộc phỏng vấn ông Lula Da Silva có tác động rất lớn đến cử tri Brazil, có thể giúp đảng PT giành ưu thế trong bầu cử, vì thế phải làm sao ngăn nó hoặc chí ít là làm chậm nó lại để đảng PT không còn cơ hội giành chiến thắng.

Một người trong nhóm là công tố viên Laura Tessler viết rằng, việc tờ báo Folha de São Paulo phỏng vấn ông Lula Da Silva sát kề vòng 1 cuộc bầu cử sẽ giúp cho ứng cử viên của đảng PT Fernando Haddad giành chiến thắng và dẫn đến sự trở lại nắm quyền của đảng PT. “Điều này là không thể được” - bà Tessler viết tiếp.

Tuy nhiên, nhóm công tố viên đã lúng túng không thể đưa ra được chiến lược chính trị nào vì lo ngại vi phạm pháp luật tố tụng. Ngay lúc đó, một diễn biến bất ngờ đã xảy ra: Một chính đảng cánh hữu bí ẩn mang tên Novo (Mới) bất ngờ đệ đơn lên Tòa án Tối cao kiến nghị đình chỉ cuộc phỏng vấn và được chuẩn y. Thế là cuộc phỏng vấn ông Lula Da Silva trong tù đã không được diễn ra trước cuộc bầu cử vòng 1 như ý định ban đầu của báo Folha de São Paulo, tiếng nói của ông Lula Da Silva đã không đến được cử tri cánh tả để giúp vận động cho ứng cử viên Haddad.

Rốt cuộc báo Folha de São Paulo cùng với vài tờ báo Brazil khác cũng phỏng vấn được ông Lula Da Silva nhưng sau khi cuộc bỏ phiếu đã diễn ra và mọi chuyện đã an bài.

Việc ra phán quyết hủy bản án đối với ông Lula Da Silva là một trong những động thái cho thấy Tòa án Tối cao Brazil đang từng bước xem xét lại tiến trình điều tra và xét xử của Chiến dịch Rửa Xe. Đầu năm 2019, Tòa án Tối cao Brazil đã từng ra phán quyết hủy một bản án khác trong Chiến dịch Rửa Xe do ông Moro xét xử và tuyên án. Sau phán quyết đối với ông Lula Da Silva, dư luận Brazil cho rằng Tòa sẽ tiếp tục có những phán quyết khác bất lợi cho Chiến dịch Rửa Xe.

Nguyên Khang
.
.