Bước đi của Pháp có vực dậy một tiến trình đang “chết lâm sàng”?

Thứ Ba, 24/05/2016, 10:50
Thủ tướng Pháp Manuel Valls dự kiến sẽ có chuyến thăm Trung Đông vào cuối tuần này để thúc đẩy nỗ lực mới cho tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Động thái này đang gây chú ý trong dư luận thế giới, vì hiện nay tiến trình hòa bình Trung Đông đang "chết lâm sàng" do các cường quốc thế giới đang quá bận rộn với nhiều vấn đề khác, đặc biệt là ở Mỹ đang diễn ra bầu cử Tổng thống, dường như không còn ai quan tâm đến tiến trình này nữa.

Một tuần trước chuyến đi của Thủ tướng Valls, Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault đã đến thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây gặp người Palestine và đến Jerusalem gặp người Israel để cập nhật chương trình, kế hoạch dự kiến Thủ tướng Valls sẽ đến làm việc với hai bên. Về phần Thủ tướng Valls, ngay trước chuyến đi, ông đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh kế hoạch của Pháp nhằm đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán.

"Tôi nghĩ rằng lực lượng bảo thủ đang hành động ngược lại lợi ích của người Israel, người Palestine và hòa bình" - ông Valls nói trên tờ báo Yediot Aharonot của Israel. Đây là động thái được đánh giá là "đánh tiếng trước" của Thủ tướng Valls nhằm tạo thế thượng phong trước chính phủ bảo thủ của Israel, đồng thời tranh thủ ý kiến dư luận về kế hoạch tái đàm phán hòa bình của Pháp.

Chi tiết kế hoạch của Pháp không được công bố rộng rãi ngay từ đầu mà được triển khai từng bước. Đầu tiên là kế hoạch tổ chức một cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao quan tâm đến vấn đề đàm phán hòa bình Trung Đông, dự kiến diễn ra tại Paris, Pháp, nhưng không có sự hiện diện của người Israel và người Palestine. Cuộc gặp đó nhằm mục đích tạo điều kiện từng bước tiến đến một hội nghị quốc tế nhằm xây dựng các tiêu chí mới cho việc thương lượng thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Israel.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls sẽ mang đến Trung Đông kế hoạch hòa bình mới của nước Pháp.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hoan nghênh ý tưởng này. Tuy vậy, cuộc gặp sẽ không thể diễn ra như dự kiến. Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Pháp hôm 17-5 rằng, cuộc gặp giữa các ngoại trưởng dự kiến vào ngày 30-5 đã được hoãn lại bởi vì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không thể dự.

Ông Hollande nói rằng cuộc họp có thể sẽ diễn ra vào mùa hè, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bổ sung rằng Mỹ-Pháp đang thảo luận để ấn định ngày cho cuộc họp.

Tuy nhiên, giới bình luận cũng mau chóng nhận ra rằng, kế hoạch của Pháp cũng không hề suôn sẻ và chắc chắn bị ảnh hưởng bởi sự xung đột giữa các lợi ích. Đó là những mưu toan chính trị trong nội bộ của Israel khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang tìm cách mở rộng chính phủ thiên hữu hiện đang nắm thế đa số yếu ớt trong Quốc hội. Đó là những tính toán mang tầm khu vực của các quốc gia lân cận, như Ai Cập. Và cả sự lấp lửng, tiến không tiến, lùi không lùi của chính quyền Mỹ - vốn đã đứng ra bảo trợ cho các vòng đàm phán trước đây nhưng giờ bỏ dở dang.

Những vấn đề của người Israel là trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch hòa bình của nước Pháp. Tel Aviv đã thể hiện rõ quan điểm của mình là không muốn người Mỹ có mặt trong kế hoạch của Pháp. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Ayrault hồi tuần trước, ông Netanyahu phát biểu rằng, cách duy nhất để thúc đẩy hòa bình thật sự giữa Israel và người Palestine là thông qua đàm phán trực tiếp giữa Israel với Palestine, không có điều kiện được đặt ra trước.

Nói về thất bại trong những lần đàm phán trực tiếp trước đây, ông Netanyahu đổ lỗi cho việc người Palestine "không công nhận nhà nước Do Thái", tức Israel. Nói như vậy, ông Netanyahu đã không đả động gì đến việc Israel liên tục xây khu định cư lấn chiếm đất của người Palestine nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho phương án thành lập nhà nước Palestine theo ranh giới đất hiện hữu (Israel vốn không chấp nhận lùi về biên giới trước năm 1967).

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault (trái) tại cuộc nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Chưa hết, trợ lý thân cận của ông Netanyahu là Dore Gold còn phán thêm rằng, hội nghị quốc tế mà nước Pháp dự định tổ chức sẽ chỉ "tạo lối thoát cho ông Abbas để tránh nói chuyện trực tiếp với Israel". Đáp lại, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah cho rằng, kinh nghiệm trong những lần đàm phán trực tiếp trước đây với chính phủ bảo thủ hiện nay của Israel cho thấy việc đàm phán trực tiếp sẽ không mang lại hiệu quả và chỉ lãng phí thời gian.

Trước đây, Pháp cũng từng nỗ lực cứu vãn bế tắc trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine do Mỹ bảo trợ vào năm 2014, nhưng đã đổ vỡ cũng vì quan điểm cứng rắn và quá cố chấp của lãnh đạo Israel. Kể từ đó, các nỗ lực nối lại đàm phán đã bị "chết" và các cường quốc thế giới đã không còn quan tâm nhiều nữa, vì thế giới đang có nhiều chuyện lớn khác để lo hơn, như khủng hoảng Ukraina, nội chiến Syria, chống khủng bố IS, khủng hoảng người di cư,…

Lần này, nước Pháp lại ra tay, và người Palestine tiếp tục hy vọng vào một giải pháp hiệu quả cuối cùng. Hơn 20 năm đàm phán trầy trật với Israel đã thúc đẩy họ chuyển sang giải pháp quốc tế hóa việc thành lập Nhà nước Palestine. Thủ tướng Hamdallah cho biết, hiện đã có hơn 20 quốc gia đã đồng ý tham gia cuộc họp giữa các ngoại trưởng tại Paris theo đề xuất của nước Pháp. Và hội nghị quốc tế tiếp sau đó sẽ lập ra kế hoạch đàm phán và ấn định cả hạn chót cho việc Israel phải rút khỏi các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng của người Palestine.

Niềm tin của ông có cơ sở là thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các sáu cường quốc thế giới tưởng không bao giờ đạt được nhưng cuối cùng đã đạt được là nhờ tích cực đàm phán và các bên phải chấp nhận nhượng bộ để những khác biệt, mâu thuẫn thăm căn cố đế được giải quyết.

Một  điều chắc chắn là Israel của Thủ tướng Netanyahu sẽ không dễ dàng chấp nhận mô hình đàm phán kiểu Iran, vì những vấn đề chính trị nội bộ của Israel rất phức tạp, các lợi ích chính trị đan xen lẫn nhau rất khó giải quyết. Trong tình hình như thế, hôm 17-5, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi lại lên tiếng "kêu gọi" Israel và người Palestine "làm hòa" và kêu gọi các phái chính trị chia rẽ của Israel "đoàn kết lại để đạt mục tiêu chung".

Cả ông Netanyahu và ông Isaac Herzog lập tức hoan nghênh ông al-Sisi. Và những động thái này khiến các nhà bình luận đoán rằng có thể một sáng kiến mang tính khu vực do các lãnh đạo khu vực triển khai để thay thế cho kế hoạch của nước Pháp đang manh nha trong hậu trường.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.