Buổi “hoàng hôn” của một chính trị gia

Thứ Bảy, 06/01/2007, 13:00

Bị phản ứng dữ dội từ trong nội bộ Công đảng với yêu cầu phải ra đi, Thủ tướng Anh Tony Blair buộc phải tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường vào năm 2007 để nhường chỗ cho Gordon Brown, một nhân vật mới của Công đảng.

“Tony Blair, thế là hết! Đó là một ngôi sao thất bại. Chẳng ai còn chịu nghe ông ta bởi không ai còn tín nhiệm ông ta nữa. Làm sao có thể đặt niềm tin vào một người không còn đủ uy tín để giải quyết những hậu quả mà mình đã gây ra”, Denis MacShane, cựu Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Chính phủ Tony Blair đã phát biểu về vị Thủ tướng của mình trên báo Guardian, số ra ngày 10/12/2006 như thế.

Phát biểu của Denis MacShane không phải không có cơ sở, bởi vì hiện tại có đến 2/3 người dân Anh khi được hỏi đã trả lời là không còn tin vào Thủ tướng Tony Blair nữa.

Người ta bắt đầu nói đến sự phải ra đi của Thủ tướng Blair từ tháng 5/2006 sau khi Công đảng thất bại nặng trong kỳ bầu cử hội đồng địa phương. Đó được xem là một cú giáng mạnh của cử tri đối với Công đảng và cả đối với Thủ tướng Blair. Lo ngại một thất bại dây chuyền sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Công đảng nên một liên minh giữa những dân biểu trẻ và nghị sĩ lớn tuổi đã hình thành trong nội bộ Công đảng để gây áp lực buộc Thủ tướng Blair phải từ chức để nhường chỗ cho Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown.

Policy Network, một tổ hợp truyền thông chuyên vận động hành lang trên chính trường Anh, giải thích: “Sở dĩ cuộc "nổi loạn" đã diễn ra trong nội bộ Công đảng là do những sai sót trong việc điều hành đất nước của bản thân ông Tony Blair cũng như về đạo đức của một vài thành viên trong chính phủ.

Đối với người dân châu Âu và cả người dân Anh, việc Thủ tướng Tony Blair đứng về phía Mỹ và Israel trong cuộc chiến tại Liban vừa qua là một điều sỉ nhục. Từng bị  cộng đồng quốc tế và các phương tiện truyền thông lên án là về hùa với Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq, lần này, Thủ tướng Blair còn mạnh miệng tuyên bố ủng hộ hành động tấn công Liban của Israel vô điều kiện. Thủ tướng Blair đã không lên tiếng về việc đại bác và tên lửa của Israel đã làm thiệt mạng hàng ngàn dân thường Liban.

Từ sai lầm này, Thủ tướng Blair lại phạm đến sai lầm khác. Cuối tháng 8/2006, người dân Anh đã không còn kiên nhẫn khi biết rằng vị Thủ tướng của mình đã đi nghỉ hè tại quốc đảo Barbados ở Trung Mỹ trong khi tại Anh đang xảy ra một âm mưu khủng bố lớn nhắm vào các chuyến bay xuất phát từ các phi trường Anh. Sự việc này xảy ra đã khiến không những uy tín của Công đảng mà của cả Chính phủ Anh sút giảm ghê gớm.

Để cứu vãn tình hình, nội bộ Công đảng lại hình thành một âm mưu lật đổ Thủ tướng Blair chia thành ba thời điểm.

Thời điểm thứ nhất diễn ra vào ngày 5/9/2006 với việc 17 dân biểu Công đảng ủng hộ Gordon Brown gửi kiến nghị yêu cầu Thủ tướng Blair từ chức với lý do là “đã có quá nhiều sai sót trong điều hành đất nước và xử lý một số vụ việc gây ảnh hưởng đến uy tín của Công đảng và Chính phủ”.

Thời điểm thứ hai diễn ra vào ngày 6/9/2006 với việc 9 thành viên chính phủ đồng loạt từ chức để phản đối việc Thủ tướng Blair không đưa ra thời điểm cụ thể rút lui khỏi chính trường.

Thời điểm thứ ba diễn ra vào ngày 9/9/2006 ngay tại Phủ thủ tướng ở số 10 phố Downing khi đích thân Gordon Brown gặp gỡ Thủ tướng Blair để đưa tối hậu thư buộc ông Blair phải rời khỏi chức vụ trước Giáng sinh năm 2006 hoặc chậm nhất là vào cuối tháng 3/2007.

Phản ứng về các vụ việc trên, Thủ tướng Blair tố cáo nội bộ Công đảng và chính phủ đã hình thành một âm mưu lật đổ mình và tuyên bố chỉ rời khỏi chức vụ sau Hội nghị G8 vào tháng 6/2007. Trước mắt, Gordon Brown và nhóm chống đối ông Blair phải chịu lùi bước nhưng vẫn khẳng định: “Chỉ sau tháng 6/2007, ông ta phải rút lui khỏi chính trường”.

Góp phần làm giảm uy tín của Thủ tướng Blair với người dân Anh lại chính là... đệ nhất phu nhân Cherie Blair. Dưới mắt người dân Anh, bà Cherie không còn là một "Hillary Clinton của nước Anh" mà là một phụ nữ yêu thích tiền bạc và có những hành động thái quá làm giảm uy tín của phu quân.

Vào ngày 17/7/2006, khi tháp tùng Thủ tướng Blair đến thành phố Saint Petersbourg của Nga để tham dự Hội nghị G8, bà Cherie đã làm một việc trái khoáy là tiếp xúc với các nhà hoạt động xã hội người Nga phản đối việc Tổng thống Putin bóp nghẹt dân chủ ở Nga. Hành động này không những phủ bóng mờ trong các cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Blair và Tổng thống Putin bên lề Hội nghị G8 mà còn khiến Bộ Ngoại giao Anh phải lên tiếng thanh minh. Đương nhiên, hành động này của bà Cherie đã gây phản ứng cho một số thành viên Chính phủ Anh và trở thành đề tài phê phán, đàm tiếu của giới truyền thông.

Ngoài ra, bà Cherie còn bị người dân Anh chỉ trích là lạm dụng chức phận phu nhân Thủ tướng Anh để đi khắp nơi diễn thuyết và thu tiền. Mới nhất là nhân chuyến công du cùng Thủ tướng Blair đến Mỹ vào tháng 10/2006, bà Cherie đã tranh thủ diễn thuyết tại Trung tâm Hội nghị John Kennedy ở thủ đô Washington để được nhận 30.000 USD.

Biện minh cho các hành động được dư luận đánh giá là làm giảm uy tín của Công đảng và chính phủ này, bà Cherie cho biết là rất cần tiền để... ổn định cuộc sống gia đình một khi Thủ tướng Blair rời chức vụ vào năm sau.

Liệu sự ra đi của Thủ tướng Blair có thể sẽ chấm dứt luôn hơn một thập niên thống trị chính trường Anh của Công đảng hay không? Câu hỏi này được đặt ra cũng có cơ sở vì theo một cuộc thăm dò mới nhất được Hãng truyền thông BBC thực hiện vào giữa tháng 12/2006 thì có đến 59% người dân Anh khi được hỏi, cho biết là sẽ bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ nếu cuộc bầu cử Quốc hội Anh diễn ra trong tháng 12/2006

Văn Hòa (theo Le Monde)
.
.