Bush - gia tộc chính trị nổi tiếng nhất nước Mỹ

Thứ Tư, 05/12/2018, 11:11
Nước Mỹ đang chuẩn bị tang lễ Tổng thống thứ 41 George HW. Bush, từ trần hôm 30-11 (giờ địa phương, sáng 1-12 giờ Việt Nam) ở tuổi 94. Ông được đánh giá là một trong những Tổng thống ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Không chỉ là Tổng thống thứ hai (sau Tổng thống John Adams) có con trai làm Tổng thống Mỹ, mà hơn thế, ông còn là “bố già” của một trong những “gia tộc chính trị” lừng danh nhất nước Mỹ - gia tộc Bush.

Từ anh phi công trẻ thành thương gia dầu mỏ giàu có

George HW. Bush chào đời tháng 6-1924 trong một gia đình có bố là thương gia, về sau trở thành Thượng nghị sĩ Prescott Sheldon Bush thuộc đảng Cộng hòa bang Connecticut. Lớn lên, Bush đi học tại các trường trung học Phillips’ Academy ở thành phố Andover, bang Massachusetts. Năm 1941, nước Mỹ chính thức tham gia Thế chiến II khi Bush còn đang học năm cuối ở Phillips’ Academy.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Franklin Roosevelt, sau khi tốt nghiệp, Bush gác lại chuyện vào Đại học Yale theo nguyện vọng của cha mẹ để lên đường nhập ngũ, đăng ký làm thủy thủ hải quân vào đúng sinh nhật thứ 18. Sau khóa huấn luyện, Bush được phân bổ vào biên chế phi công hải quân, trở thành phi công trẻ nhất của hải quân Mỹ lái máy bay chiến đấu trên mặt trận Thái Bình Dương. Nhưng, chỉ sau 58 lượt bay chiến đấu, máy bay của Bush bị trúng đạn của đối phương, ông là người duy nhất sống sót và được một tàu ngầm cứu nạn sau 90 phút trôi dạt trên biển.

Sau sự kiện đó, Bush được điều chuyển về đóng quân ở Mỹ, không tham chiến nữa. Trong thời gian này, ông gặp gỡ bà Barbara tại một dạ hội Giáng sinh năm 1942 và làm đám cưới vào tháng 1-1945. Vợ chồng ông có tất cả 6 người con, trong đó George W. Bush là con trai cả (sinh năm 1947), con gái lớn Robin (sinh năm 1949) mất lúc 4 tuổi, kế đến lần lượt là Jeb, Neil, Marvin và con gái út Dorothy.

Sau khi xuất ngũ (năm 1945), ông Bush mới bắt đầu thực hiện tâm nguyện của bố mẹ: vào học Đại học Yale và tốt nghiệp xuất sắc, được kết nạp vào Hội Phi Beta Kappa, đồng thời được Hội kín Đầu lâu xương chéo (Skull and Bones) nhận “đỡ đầu” về mặt tài chính để lập nghiệp sau tốt nghiệp. Thế nhưng, lúc đó Bush lại mơ ước một cuộc sống yên bình ở một nông trại bên người vợ trẻ và bầy con thơ. Và rồi ông đã kịp thời thay đổi ý định, đưa gia đình quay về Texas, thời đó được xem là “thánh địa dầu mỏ” của nước Mỹ.

George HW. Bush và George W Bush - Một trong hai cặp cha con Tổng thống của nước Mỹ.

Bush đón nhận lời mời vào làm việc cho một người bạn của bố là ông chủ Công ty Dresser Industries, một nhà sản xuất trang thiết bị khoan dầu. Bush bắt đầu học nghề làm ăn với vai nhân viên bán hàng ở Odessa, bang Texas và sau đó là Bakersfield, bang California. Năm 1950, các vỉa dầu trên cạn đã biến thành phố Midland (Texas) thành “kinh đô giữa đồng bằng” và gia đình Bush chuyển đến đó sinh sống.

Bush ra làm ăn riêng, chuyên thực hiện các giao dịch cho thuê tài chính và đầu tư vốn cho các dự án dầu mỏ. Đến năm 1953, ông tham gia thành viên sáng lập và làm Chủ tịch Công ty dầu mỏ Zapata Petroleum, sau phát triển thành Tập đoàn Zapata Offshore. Lúc này Bush đã trở nên giàu có, với tài sản trị giá hàng triệu USD.

Tiếp tục con đường làm ăn đang lên, Bush đưa gia đình chuyển đến thành phố Houston. Tại đây, doanh nhân trẻ Bush (chưa đến 30 tuổi) bắt đầu giao du với các tỉ phú dầu mỏ, các nhà tài phiệt giàu có và chính khách của bang. Sau này, các nhà viết tiểu sử nhận định rằng gia tộc Bush kể từ thời cha, ông của HW Bush đã có sẵn bản tính giao thiệp rộng rãi với các giới chính trị, doanh nghiệp giàu có để tạo thuận lợi cho việc làm ăn cũng như hoạt động chính trị.

Bush dự định gia nhập đảng Dân chủ, lúc đó đang thống trị bang Texas nhưng một lần nữa ông lại đổi ý, cùng với một người bạn thân là luật sư James Baker (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao khi Bush làm Tổng thống) nỗ lực phát triển lực lượng đảng Cộng hòa ở bang Texas.

“Bố già” của gia tộc chính trị Bush

Nối nghiệp cha, Bush nuôi tham vọng vươn cao trên chính trường. Vì thế năm 1962 ông quyết định tham gia tranh cử vào Thượng viện, giành chiến thắng ở vòng sơ bộ nhưng lại thua ứng cử viên Ralph Yarborough của đảng Dân chủ. Khát vọng làm chính trị đã vào máu và Bush không bỏ cuộc, tiếp tục thử sức lần nữa. Tháng 2-1966, Bush rời chức vụ quản lý ở Tập đoàn Zapata để chuyên tâm làm chính trị và lần này ông đã giành chiến thắng, trở thành nghị sĩ đại diện cho khu vực 7 thuộc thành phố Houston, bang Texas.

Đến năm 1970, ông Bush quyết tâm tranh cử lại chức Thượng nghị sĩ, lần này đối đầu với một ứng cử viên Dân chủ khác là Lloyd Bentsen và lại thất bại. Đối với nhiều người, đây có thể xem là cú vấp ngã khó mà gượng dậy nhưng Bush thì không. Chỉ vài ngày sau thất bại, ông bắt đầu lại ngay lập tức và được Tổng thống Nixon bổ nhiệm làm Đại diện thường trực (hàm Đại sứ) của nước Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.

Sau vụ bê bối Watergate khiến Nixon phải từ chức, Bush tưởng chừng được chọn vào vị trí Phó Tổng thống khi ông Gerald Ford lên thay Nixon làm tổng thống nhưng vị trí đó lại được trao cho một người khác, còn ông tiếp tục đến Bắc Kinh làm Trưởng Văn phòng liên lạc của Mỹ (1974) rồi sau đó bất ngờ quay về Mỹ nhận nhiệm vụ Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) vào năm 1976.

Tổng thống Mỹ George HW Bush tại Vườn Hồng Nhà Trắng trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ I năm 1991.

10 năm sau thất bại cay đắng trong cuộc đua Thượng nghị sĩ, Bush một lần nữa thử sức ở cuộc đua cao hơn và lần này người đối đầu ông không ai khác chính là Ronald Reagan. Tháng 5-1979, Bush tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ và sau đó thậm chí đã đánh bại Reagan ngay trong cuộc đấu sơ bộ đầu tiên tại bang Iowa.

Mặc dù tiếp tục giành chiến thắng tại một loạt bang như Massachusetts, Connecticut, Pennsylvania, Washington DC và Puerto Rico nhưng lại bị Reagan đè bẹp tại một số bang quan trọng như New Hampshire, Texas,... Nghe theo lời “quân sư” Baker, Bush rút khỏi cuộc đua. Sau này, ông Bush nhìn nhận đây là một quyết định chính xác có được nhờ sự tính toán khéo léo của Baker.

Và chính nhờ tầm nhìn chính trị thực dụng của Baker mà Bush đã nhanh chóng bước lên một địa vị mới. Sau khi giành được đề cử của đảng Cộng hòa, ông Reagan đã ngay lập tức chọn Bush đứng chung liên danh tranh cử. Reagan khi đó đang rất mạnh, vì thế việc được chọn đứng chung liên danh với ông ấy chẳng khác nào... trúng cử.

Quả thật thế. Bước vào Nhà Trắng, ông Bush đóng vai trò như một cánh tay nối dài để chính quyền Reagan triển khai thực hiện các chính sách đối ngoại diều hâu khắp thế giới, trong đó có việc triển khai tên lửa hạt nhân của Mỹ tại châu Âu, chính sách can thiệp, ủng hộ lực lượng Contra ở Nicaragua. Thế nhưng, điều lạ là ông và một số thành viên chủ chốt trong nội các lại không bị liên can gì khi vụ Iran-Contra đổ bể.

Vụ bê bối Iran-Contra đã làm suy sụp uy tín của chính quyền Reagan, làm lu mờ hình ảnh Tổng thống Reagan trong dư luận quốc tế và công chúng Mỹ nhưng nó cũng tôn lên vai trò của Phó Tổng thống Bush và ông nghiễm nhiên trở thành người kế thừa chắc chắn của chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Giành chiến thắng không mấy khó khăn ở vòng sơ bộ, Bush bước vào cuộc đua lớn năm 1988 với tâm trạng còn bị ám ảnh bởi thất bại năm 1970.

Tuy nhiên, lần này, chiến lược tranh cử quyết liệt do “quân sư” Baker (chủ tịch chiến dịch tranh cử) sắp đặt đã giúp Bush đạt được mục tiêu chính trị cả cuộc đời: Giành chiến thắng trong ngày bầu cử 8-11-1988, trở thành Tổng thống thứ 41 của nước Mỹ.

Cũng như Reagan, ông Bush tại vị trên ghế Tổng thống Mỹ đúng một nhiệm kỳ. Nhưng, như thế cũng là đủ để một Tổng thống Mỹ ghi dấu ấn trong lịch sử. Nhiệm kỳ của ông chứng kiến không còn Liên Xô nữa nên nước Mỹ của ông nghiễm nhiên trở thành siêu cường số 1 thế giới. Nhưng để làm một siêu cường trong thế giới đơn cực cũng không dễ dàng. Và Bush đã có tham vọng thể hiện địa vị “siêu cường số 1” ấy bằng chiến dịch Bão táp sa mạc, khai hỏa vào tháng 8-1990 và kéo dài đến hết tháng 2-1991.

Lấy lý do Iraq xâm lược Kuwait trong cuộc chiến tranh trước đó 3 năm, Bush phát động chiến dịch giải phóng Kuwait bằng cách tấn công Iraq. Cuộc chiến đã làm chết hàng trăm lính Mỹ, khoảng 1.000 người bị thương. Phía Iraq là hơn 30.000 người chết do bom đạn Mỹ. Tuy liên quân do Mỹ dẫn đầu giành chiến thắng cuối cùng nhưng trong nước, uy tín chính trị của Bush bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cuộc chiến đã vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân Mỹ và họ đã trút giận bằng lá phiếu bầu cử. Điều này khiến cho nhiệm kỳ tổng thống của Bush chấm dứt với thất bại não nề trước chính khách trẻ đang lên Bill Clinton trong cuộc bầu cử năm 1992. Một thời kỳ mới, một nước Mỹ mới vừa hé rạng. Và gia tộc chính trị Bush cũng bắt đầu hình thành.

Vinh quang nối tiếp

Nói đến những “gia tộc chính trị” ở Mỹ, giới nghiên cứu thường không ngần ngại nhắc đến gia tộc Kennedy, với John Fitzeralt Kennedy là tổng thống lừng danh của nước Mỹ. Trước gia tộc Bush, trong lịch sử chính trị nước Mỹ mới chỉ có một cặp “cha con tổng thống” là John và Quincy Adams hồi thế kỷ XIX.

Nhà viết tiểu sử Russ Baker, tác giả quyển sách “Family of Secrets” viết về những bí ẩn trong gia tộc chính trị Bush, đã đúc kết những sự trùng hợp kỳ lạ: Ông nội Prescott Sheldon Bush từng thất bại trong lần tranh cử Thượng nghị sĩ đầu tiên năm 1950, đến lượt George HW Bush (Bush “cha”) thất bại trong lần đầu tranh cử Thượng nghị sĩ năm 1964, rồi đến W Bush (Bush “con”) cũng thất bại trong lần đầu tranh cử Hạ viện tại khu vực Tây Texas năm 1978 và Jeb Bush thất bại trong lần đầu tranh cử ở bang Florida năm 1994.

George HW Bush và vợ, Barbara, tại bản doanh chiến dịch tranh cử Thượng nghị sĩ năm 1964.

Sau lần thất bại năm 1978, con trai cả George W Bush thử lại lần thứ hai, tranh cử Thống đốc bang Texas trong cuộc bầu cử năm 1994 và thắng cử, trở thành Thống đốc bang Texas từ năm 1995. Đến năm 2000, Bush “con” tranh cử và giành chiến thắng kịch tính trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 trước đối thủ bên đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Al Gore.

Về phần Jeb Bush, sau thất bại lần đầu vào năm 1994, cũng đã thử lại và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1998, trở thành Thống đốc bang Florida từ năm 1999 đến năm 2007. Jeb cũng tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 giai đoạn sơ bộ nhưng không cạnh tranh nổi với ông Donald Trump nên đành bỏ cuộc.

Baker cũng đánh giá gia tộc Bush là gia tộc chính trị nổi tiếng nhất xét về khía cạnh xây dựng các mối quan hệ rộng rãi trong xã hội để mưu cầu lợi ích về kinh tế lẫn chính trị. Khi Bush “con” rồi Jeb Bush lần lượt giành chiến thắng trong các cuộc đua thống đốc bang, người ta nhận thấy có cả một mạng lưới các mối quan hệ lâu năm của ông Bush “cha” ra tay hậu thuẫn.

Khi ông Bush “con” tranh cử tổng thống năm 2000 cũng thế và chính nhờ các mối quan hệ ấy đã giúp ông Bush “con” giành chiến thắng kịch tính trước ông Al Gore. Cho đến khi đã rời khỏi chính trường rất lâu rồi, đến tận những năm gần đây, ông Bush “cha” vẫn còn lưu giữ một danh mục thiệp mừng Giáng sinh lên đến 40.000 chiếc do những người có mối quan hệ gửi tặng khi ông còn đương chức và cả sau này.

An Châu (tổng hợp)
.
.