Các nghị sĩ Mỹ được bảo đảm an ninh như thế nào?

Thứ Tư, 26/01/2011, 06:25
Mới đây, một thanh niên 22 tuổi đã nã nguyên một băng đạn vào những người đến dự buổi nói chuyện của nữ dân biểu Gabrielle Giffords với dân chúng. 6 người chết và hơn một chục người bị thương. Giờ là lúc vấn đề an ninh cho các nhân vật dân cử được đưa ra tranh cãi mạnh mẽ tại Mỹ.

Nên tiếp xúc với cử tri trong không gian mở

Thông thường những nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ được các nhân viên an ninh mặc thường phục hộ tống, còn những nhà lập pháp bình thường không được bảo vệ đặc biệt ở bên ngoài Quốc hội, và cũng không có dấu hiệu gì cho thấy lề lối này sẽ thay đổi.

Ngay sau khi xảy ra thảm sát tại Tucson, Trưởng ban nhân viên thực thi công lực Hạ viện Mỹ đã gửi đi một thông báo căn dặn những điều như: "Mỗi văn phòng dân biểu tại đơn vị cần phải thông tin liên lạc với cơ quan thực thi công lực ở địa phương. Cơ quan này phải được thông báo địa chỉ văn phòng và tư gia của dân biểu, và hầu hết những cơ quan giữ an ninh phải chú ý nhiều hơn đến những địa điểm này nếu được yêu cầu".

Các nhà làm luật Mỹ khẳng định rằng, không nên để cho vụ nổ súng tại Arizona ảnh hưởng đến cách họ điều hành công việc và tiếp xúc với cử tri. Được biết, các thành viên Hạ viện, phải qua một kỳ tuyển cử 2 năm một lần, thường tổ chức những buổi họp và những buổi nói chuyện với dân như nữ dân biểu Giffords đã từng làm.

Một cuộc tiếp xúc dân của dân biểu Giffords.

Ở các cấp khác nhau dù liên bang, tiểu bang hay địa phương, các vị dân cử đều cần phải gặp và tiếp xúc với các cử tri và các hội đoàn, các tổ chức mà họ đại diện. Tuy nhiên, vấn đề an ninh cho nhân viên, cho gia đình và cho bản thân các vị dân cử cũng là một quan ngại. Lấy ví dụ, một dân biểu của bang California, đại diện của gần nửa triệu cư dân, cũng như 8, 9 thành phố khác nhau.

Có một số thủ tục nội bộ mà các vị dân cử và nhân viên của họ cần phải liên lạc và làm việc trực tiếp với các viên chức công lực địa phương hay các cơ quan cảnh sát. Nhưng không có một thủ tục hay một kế hoạch (an ninh) nào hoàn hảo khi nói đến một cử tri hay một cư dân quá khích hay điên cuồng. Nếu người này cố ý muốn ám hại một nhân vật dân cử thì trong một xã hội như Mỹ, việc đó không khó.

Tuy nhiên, theo dân biểu Debbie Wasserman thuộc đảng Dân chủ, đại diện bang Florida, thì biến cố tại Tucson cần phải được coi là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những dân biểu liều lĩnh không để ý đến vấn đề an ninh cho bản thân. Bản thân bà luôn luôn có cảnh sát hiện diện khi mở các cuộc họp với dân. Song một số nhân vật lập pháp khác lại cho rằng, không cần phải thay đổi vấn đề giữ an ninh cho các nhà lập pháp vì vụ xảy ra tại Tucson chỉ là một trường hợp đơn lẻ do một người tâm thần bất ổn, giống như những vụ bắn giết thỉnh thoảng vẫn xảy ra tại bưu điện, trường học, nơi làm việc...

Dân biểu hạt Loretta Sanchez đưa ra nhận định: “Một trong những lý do xảy ra cho bà Giffords, nhiều người bị bắn, nhiều người chết, là do bà họp với mọi người trong một khung cảnh khép kín, họ ở trong lều, nên khi xảy ra chuyện, rất khó chạy ra ngoài. Vì thế chúng tôi sẽ xét tới những khía cạnh như làm thế nào để cho an ninh hơn, làm sao để bảo đảm rằng mọi người phải qua thủ tục an ninh mới được vào nói chuyện với chúng tôi, và điều quan trọng hơn nữa là chúng ta nên có những cuộc tiếp xúc trong không gian mở hơn là buổi tiếp xúc với dân như của bà Giffords, người ta không phải ở trong một nơi đóng kín, mà phải có những phương pháp để họ có thể chạy thoát mà không bị mắc kẹt".

Để đáp lại câu hỏi là liệu vụ này có dẫn tới những biện pháp an ninh như mỗi nhà lập pháp sẽ có một cận vệ hay không, dân biểu Loretta Sanchez nói: "Tôi hy vọng là không. Có một người cận vệ kè kè bên cạnh bất cứ lúc nào sẽ bị nhiều bó buộc".

Việc bảo đảm an ninh cho các dân biểu đang là đề tài gây tranh luận tại Mỹ.

Đứng trong lồng kính chắn đạn hay tăng cường vệ sĩ có khả thi?

Ở cả 3 nhánh quyền lực của nước Mỹ, Quốc hội có số lượng chính khách cần được bảo vệ đông đảo nhiều hơn hẳn so với chính phủ, với 535 người, nhưng còn kém xa con số 3.000 thẩm phán liên bang của ngành tư pháp. Cái khó khăn lớn nhất của việc bảo đảm an ninh cho các nghị sĩ là ở chỗ do tính chất hoạt động của họ là tiếp cận công chúng càng gần càng tốt, do đó việc bảo đảm an ninh càng tốt thì cơ hội tiếp xúc cử tri càng bị hạn chế, gây cản trở họ hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên họ cũng rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng sự tiếp xúc đó để ra tay. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số cách để các nghị sĩ và các quan chức nhà nước nói chung được bảo đảm an ninh mà vẫn có thể tiếp cận cử tri. Việc đứng trong lồng kính chống đạn có thể là an toàn nhất nhưng không phải là chọn lựa thực tế.

Theo các chuyên gia, cách hiệu quả và thiết thực nhất lại chính là việc sử dụng các nhân viên an ninh chìm tham gia bảo vệ trực tiếp như các vệ sĩ bảo vệ tổng thống vậy. Vấn đề ở đây là các mối nguy hiểm đối với các chính khách, quan chức nhà nước thường lộ rõ trước khi vụ tấn công xảy ra, do đó nhân viên an ninh năng động có thể dễ dàng nhận ra kẻ thủ ác trong đám đông để kịp thời ngăn chặn.

Thực tế thì những nguy hiểm đe dọa các nghị sĩ không nhiều bằng tổng thống Mỹ. Lịch sử Mỹ ghi nhận có đến 20 vụ ám sát nhắm vào các tổng thống Mỹ, trong đó có 4 vụ thành công, trong khi các vụ mưu sát nhắm vào các nghị sĩ và các thẩm phán tòa án liên bang thì hiếm hơn. Tính luôn vụ bà Gifford bị bắn thì cho đến nay mới chỉ có 5 vụ mưu sát nhắm vào các nghị sĩ Hạ viện, trong đó cũng chỉ có 2 vụ thành công. Còn những vụ việc "hăm dọa" nhắm vào giới chức nhà nước thì cũng nhiều, chủ yếu là từ những thù tức cá nhân.

Sự đe dọa từ những cá nhân hành động đơn lẻ được các chuyên gia an ninh đánh giá là nguy hiểm hơn, bởi hành động đơn lẻ khó phát hiện và ngăn chặn, còn hành động theo nhóm thì cơ quan an ninh có thể ngăn chặn nhờ nghe lén các cuộc trao đổi kế hoạch giữa các thành viên nhóm. Những chính khách thường đi trong xe bọc thép và khi xuất hiện trước công chúng cũng được bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi các nghị sĩ thì rất dễ nhận diện và tiếp cận.

Cho dù có nỗ lực đến mấy thì việc bảo vệ các chính khách cũng khó bảo đảm hoàn toàn, do vậy giới chức an ninh Mỹ ngày nay thiên về ngăn ngừa từ xa hơn. Quan sát, nghiên cứu các mối nguy hiểm tiềm ẩn ngay từ trước khi quan chức, chính khách xuất hiện tại địa điểm cần đến. Sau đó là công việc phân tích các dữ liệu thu thập được. Trong trường hợp của bà Gifford, bà đã không được bảo vệ nghiêm ngặt và phương án ngăn ngừa từ xa cũng không được triển khai, cho nên không ai thấy được mối nguy hiểm đe dọa bà đã có từ cách đây 2 năm.

Tháng 8/2009, trong lúc bà Gifford đang tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri, một gã "vô danh" nào đó đã vô tình đánh rơi khẩu súng ngắn mà gã cất giấu trong túi quần nhưng không bị phát hiện. Không rõ gã có phải là "mối nguy hiểm" thật sự hay không hay chỉ vô tình đánh rơi khẩu súng hợp pháp của mình, nhưng rõ ràng là công tác an ninh dành cho bà Gifford đã không đảm bảo.

Cảnh sát Đồi Capitol có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các nghị sĩ nhưng việc đó dường như rất ít được thực hiện.

Ngày 22/3/2010, lại xảy ra một vụ việc nữa: Văn phòng của bà Gifford tại Tucson đã bị đập phá sau một cuộc tranh cãi gay gắt về dự luật y tế, trong đó bà Gifford là người ủng hộ dự luật. Và không chỉ mình bà Gifford mà ít nhất 9 nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ dự luật y tế đều nhận được lời đe dọa "lấy mạng" hoặc tấn công, đập phá.

Nghiêm trọng nhất là việc một kẻ nào đó đã định gây nổ hệ thống ống ga nhà người anh ruột của Hạ nghị sĩ Tom Perriello, bang Virginia. Cả 10 nghị sĩ (kể cả bà Gifford) đã được Cảnh sát Đồi Capitol tăng cường bảo vệ. Nhưng đáng tiếc, việc bảo vệ đó rốt cuộc đã không được duy trì lâu dài.

Đến kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2010, những đe dọa an ninh đó đã gia tăng làm nảy sinh yêu cầu xem xét lại công tác an ninh cho Quốc hội, đặc biệt là những nghị sĩ (bao gồm cả bà Gifford) đã nhận được lời đe dọa nêu trên.

Vậy cơ quan nào ở Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ các ông bà nghị sĩ và các quan chức nhà nước? Đối với các nghị sĩ, trách nhiệm đó thuộc về lực lượng Cảnh sát Mỹ trên Đồi Capitol (USCP). Nhiệm vụ của USCP là bảo đảm an toàn cho các ông bà nghị sĩ không chỉ bên trong khuôn viên Đồi Capitol mà còn cả khi các nghị sĩ đi công tác ở bên ngoài.

USCP có hẳn một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ phân tích và điều tra các mối đe dọa an ninh đối với các nghị sĩ. Dựa vào các dữ liệu phân tích được, bộ phận này sẽ cử một nhóm chuyên gia đi khảo sát địa bàn an ninh thực tế mỗi khi có một nghị sĩ chuẩn bị đi đến một nơi nào đó. USCP có nhiệm vụ hợp tác với cảnh sát địa phương để đảm bảo an ninh được triển khai chặt chẽ, không còn mối đe doạ nào.

So với các tổng thống thì mức độ bảo đảm an ninh dành cho các nghị sĩ kém rất xa, trong khi tổng thống có một đội mật vụ đi kèm để bảo vệ thì các nghị sĩ hoàn toàn không có lấy một anh cận vệ nào. Đây chính là chỗ yếu nhất trong công tác bảo đảm an ninh cho các nghị sĩ Quốc hội Mỹ

Giang Khuê - Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.