Các nguyên thủ thế giới qua hồi ký của cựu Ngoại trưởng Mỹ

Thứ Hai, 26/03/2012, 11:35

Cựu ngoại trưởng Mỹ Condolezza Rice vừa cho ra mắt một cuốn hồi ký có nhan đề "No Higher Honor" (Danh vọng cao nhất) với nội dung chính liên quan đến các sự kiện xảy ra dưới thời của chính quyền George Bush-con. Dưới đây là một số đoạn trích dẫn trong cuốn sách mà bà Rice mô tả về các nguyên thủ hàng đầu thế giới.

Ariel Sharon, Thủ lĩnh đảng Likud, Thủ tướng Israel (2001-2006) - Không nhân nhượng

Tôi đã gặp Sharon tại văn phòng nhỏ của Likud trên tầng thượng một tòa nhà nóng như hun tại Tel Aviv. Tôi đã ngay lập tức phải ấn tượng vì vẻ to cao của ông ấy. Ông ta có một cái nhìn gần như lờ đờ, bộ mặt to và có giọng nói tiếng Anh trầm nặng. Sau nhiều năm tôi mới hiểu rằng, Sharon thuộc tuýp người hiếm, thường nói tiếng Anh tốt hơn người khác có thể hiểu bằng lời.  

Tôi cũng biết Sharon đã nổi danh là một người bảo vệ cho quyền lợi Israel một cách không nhân nhượng. Tôi cũng biết về vai trò khủng khiếp của ông ta trong thời gian tấn công các trại tị nạn của người Palestine tại Sabra và Shatila hồi cuộc chiến Liban-Israel năm 1982, làm nhiều người Palestine vô tội bị thiệt mạng. Ông ta chính là vị nguyên thủ Israel bị căm ghét nhất trong hàng ngũ những người Arập, người Israel theo đường lối tự do và cả người Mỹ.

Trong cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi, dù không ai có thể nghi ngờ về việc ông là người nổi tiếng cứng rắn và không chịu thỏa hiệp, nhưng tôi vẫn có gì đó bị hấp dẫn bởi tính cách của ông ấy. Có cảm tưởng ông ta là hiện thân của đất nước Israel luôn phải cứng rắn, bền bỉ, thậm chí là tàn nhẫn.

Vladimir Putin, Tổng thống Nga (2000-2008) - Vị nguyên thủ mạnh mẽ

Khi Putin tiến thẳng về phía Bush, tôi đã chú ý tới phong thái của ông ấy. Vị nguyên thủ của Nga không cao, gần 1m70, nhưng có bờ vai rộng và dáng đi nhanh nhẹn của người thường xuyên tập thể thao. Ngay khi bắt tay ông ấy và nói ra câu chào truyền thống của người Nga, tôi bất ngờ hiểu ra rằng, chúng tôi đã từng gặp gỡ nhau từ trước đó.

Đó là thời điểm năm 1992, khi tôi tới Saint-Peterburg để gặp ngài Thị trưởng Anatoli Sobchak, một người theo đường lối cải cách (hiện đã mất). Quan chức đứng đầu thành phố này đang chuẩn bị khánh thành tại thủ đô cũ của đế chế Nga một trường đại học tổng hợp của châu Âu, nên quyết định nhờ đến sự tư vấn của các giáo sư Trường Stanford.

Ngay chiều tối hôm vừa đặt chân tới đây, Sobchak đã tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi chúng tôi. Sobchak cùng vợ là người luôn tôn thờ quá khứ vĩ đại của Saint-Peterburg trong lòng nước Nga thời hiện đại, nên phần lớn những người tham dự đều mặc trang phục theo truyền thống của giới quý tộc khi xưa. Trong đám đông này vì thế lại nổi bật lên một người khác biệt, ăn mặc đúng theo phong cách các quan chức cao cấp thời Xôviết. Theo như tôi được giới thiệu, ông ấy là Vladimir Putin, Phó thị trưởng Saint-Peterburg.

Chúng tôi đã bàn bạc với nhau không quá nhiều vấn đề, nhưng dần dần Putin bắt đầu tận dụng những cuộc hội đàm để trình bày không chỉ những gì khiến ông ấy phải "phiền muộn" trong chính sách của Mỹ, mà còn về một quan điểm dân chủ của riêng mình. Theo Putin, những cuộc cách mạng liên tục xảy ra chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho nước Nga. Cái người dân cần là một vị nguyên thủ mạnh mẽ và quyết đoán. 

Bà Rice trong một lần gặp gỡ với Tổng thống Putin vào năm 2005 tại Moskva.

Sergey Ivanov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga (2001-2007) - Phát âm tiếng Anh chuẩn nhờ nghe... nhạc rock

Ivanov, trong quá khứ cũng là một nhân viên KGB giống như ông Putin, vốn là một quan chức có những khả năng ngôn ngữ rất khó tin. Theo như lời Ivanov tiết lộ, ông đã hoàn thiện được khả năng phát âm nhờ việc nghe nhạc rock.

Ngoài cương vị và trọng trách của mình, Ivanov luôn đóng vai trò một kênh liên lạc thường xuyên của chúng tôi với Putin, ngay cả trong những tình huống nhạy cảm nhất. Trong các mối quan hệ giữa Nhà Trắng và điện Kremli, đây luôn là một kênh liên lạc quan trọng và thích hợp nhất.

Junichiro Koizumi, Thủ tướng Nhật (2001-2006) - Luôn tràn đầy nghị lực

Người Nhật nổi tiếng về khả năng kiềm chế khi tiếp xúc với người nước ngoài  - họ thường che giấu tình cảm, những thông điệp của mình qua các thủ tục ngoại giao mang tính hình thức. Nhưng Koizumi lại hoàn toàn không mang phong cách này: ông là người luôn tràn đầy nghị lực, một người đối thoại cởi mở và chân thành...

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi diễn ra khi ông tới trại David, ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Bush. Tại đó, ông nói chuyện rất cởi mở về tình trạng suy thoái tại Nhật, về những phương án cải cách kinh tế và xã hội đã dự kiến - phần lớn về sau đều thành công. Ông ấy còn hát những bài của Elvis Presley, dẫn ra những đoạn trích từ bộ phim yêu thích "High Noon", chơi bóng rổ với Tổng thống trước sự hiện diện của báo chí

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.