Cái chết bí ẩn của lãnh đạo công đoàn Bangladesh

Thứ Tư, 30/05/2012, 04:40

Aminul Islam, lãnh đạo công đoàn Bangladesh, mất tích ngày 4/4/2012 và xác ông được phát hiện vào hai ngày sau đó gần đồn cảnh sát Ghatail, cách thủ đô Dhaka của Bangladesh chừng 98km về phía bắc. Những thương tích trầm trọng trên thi thể của Aminul Islam khiến người ta nghi ngờ ông là nạn nhân của các cơ quan an ninh của Bangladesh.

Aminul Islam, 40 tuổi, là Chủ tịch Liên đoàn Lao động ngành may mặc Bangladesh (BGIWF) và là thành viên lãnh đạo của Trung tâm Đoàn kết công nhân Bangladesh (BCWS), một tổ chức đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân nước này. Vụ giết hại Aminul Islam là dấu hiệu mới nhất làm nổi cộm sự đối đầu căng thẳng giữa một bên là các nhóm lao động và một bên  là ngành công nghiệp may mặc Bangladesh cung cấp quần áo may sẵn cho các công ty lớn của phương Tây như Walmart, Tommy Hilfiger và H&M. Thi thể Aminul Islam sau đó được chôn cất tại ngôi làng quê hương Kaliakoir của ông.

Islam chết đi để lại vợ, 2 con trai và 1 con gái. Rafiqul Islam, em trai của Aminul, cho biết trên thi thể của Aminul có nhiều thương tích trầm trọng từ thắt lưng trở xuống, các ngón chân và mắt cá chân bị đập vỡ - những dấu hiệu chứng tỏ ông bị tra tấn dã man trước khi bị giết chết.

Aminul Islam trở thành nhà tổ chức và lãnh đạo công đoàn vào năm 2005. Ông là người đại diện nổi tiếng cứng rắn cho công nhân Bangladesh trong mọi cuộc đấu tranh đòi quyền lợi. Theo Babul Akter, Chủ tịch BGIWF, Aminul Islam là người rất có trách nhiệm và mỗi tháng kết nạp trên 200 công nhân vào BGIWF. Ngày 12/3/2012, Islam bị thẩm vấn vì Cơ quan An ninh Bangladesh nghi ngờ ông vận động 10.000 công nhân tham gia cuộc biểu tình quy mô do đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) tổ chức cùng ngày nhằm gây sức ép đòi thay đổi chính phủ. Và đến ngày 4/4 thì Aminul Islam mất tích một cách khó hiểu.

Ngay sau đó, giới chức BCWS đã nhanh chóng tiếp xúc với các cơ quan an ninh của Bangladesh, bao gồm Tình báo An ninh quốc gia (NSI), Biệt đội Phản ứng nhanh (RAB), Cảnh sát Công nghiệp (IP), Cảnh sát Đặc biệt (SP), Cảnh sát Tình báo (DB) cũng như một vài bệnh viện để điều tra tung tích của Aminul Islam nhưng không có kết quả.

Thủ tướng Hasina Wazed từng bày tỏ sự thông cảm đối với lực lượng công nhân ngành may mặc và đồng ý tăng lương cho họ vào đầu năm 2010 nhưng sau đó bà tuyên bố chính quyền sẽ không khoan dung cho bất cứ hành động chống đối nào nữa. Đến cuối tháng 7/2010, cảnh sát bắt giữ Aminul Islam cùng với hai nhà lãnh đạo công đoàn Babul Akhter và Kalpona Akhter, và họ bị buộc tội xúi giục công nhân biểu tình dẫn đến bạo lực ở Gulshan, Tejgaon và một số khu vực khác ở Ashulia. Tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh họ sắp đặt kế hoạch hay kích động bạo lực chống chính quyền.

Thật ra, BCWS không có hoạt động gì ở hai khu vực công nghiệp Gulshan và Tejgaon trong hơn một thập niên. Ban lãnh đạo BCWS cũng lên tiếng xác nhận rằng tổ chức không ủng hộ bạo lực, mà chỉ khuyến khích công nhân kiến nghị trong hòa bình đến chính quyền Bangladesh hơn là biểu tình trên đường phố. Khi gặp gỡ giới chức Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) vào tháng 12/2010 ở Dhaka, Aminul Islam nói rõ ông có các nhân chứng sẵn sàng xác nhận ông không hề đến Ashulia trong tháng 6 và tháng 7/2010.

Aminul Islam cũng từng bị Cơ quan Tình báo an ninh quốc gia Bangladesh (NSI) bắt giam. Sau khi trốn khỏi trại giam của NSI, Aminul Islam tố cáo nhân viên an ninh tra tấn ông nhiều lần và thậm chí đe dọa giết chết. Aminul Islam còn cho biết thêm khi bị giam giữ ông còn bị buộc ký tên vào một số giấy tờ có lẽ dùng để buộc tội Ban lãnh đạo BCWS.

Ngành công nghiệp may mặc Bangladesh có số lượng công nhân lên đến 3,6 triệu người và được coi là đông nhất nước. Bangladesh hiện được coi là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn hàng thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc, với lượng hàng xuất khẩu trị giá 18 tỉ USD năm 2011. Do đó, ngành công nghiệp may mặc nước này thường xuyên rơi vào bất ổn do những cuộc biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc dẫn đến sự va chạm với cảnh sát.

Công nhân đang làm việc tại một trong hơn 1.000 xưởng may mặc ở Ashulia.

Ngày 9/4 vừa qua, Chủ tịch BGIWF Babul Akter cho rằng vụ sát hại Aminul Islam là hành động nhằm đe dọa những nhà hoạt động công đoàn khác trong ngành may mặc Bangladesh. Nhưng Akter và giới lãnh đạo công đoàn tuyên bố họ không bao giờ nao núng và sẽ tiếp tục những cuộc biểu tình  nếu cảnh sát và lực lượng an ninh Bangladesh không bắt giữ và truy tố bọn giết người ra trước pháp luật. Đồng thời, Hiệp hội các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng may mặt Bangladesh (BGMEA), tổ chức công đoàn lớn nhất của nước này, cũng đã kêu gọi chính quyền tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về cái chết của Aminul Islam.

Các đồng nghiệp của Aminul Islam bi quan cho rằng án mạng sẽ chẳng bao giờ được điều tra đến nơi đến chốn bởi vì rất có thể cảnh sát cũng có dính líu đến vụ giết người. Aminul Islam không phải là người đầu tiên chịu số phận như thế. Người ta ước tính có khoảng 200 người - bao gồm chính khách, nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền - biến mất một cách bí ẩn ở Bangladesh kể từ khi đảng Liên đoàn Nhân dân (Awami League) nắm quyền lực vào năm 2009

Diên San (tổng hợp)
.
.