Cải tổ WTO là tất yếu

Thứ Năm, 01/11/2018, 15:59
Chưa bao giờ vị thế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lại bị thách thức như bây giờ, đặc biệt sau những biến cố diễn ra vô cùng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Một cuộc “đại tu” WTO là điều vô cùng cần thiết. Nếu không, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ sớm sụp đổ.

Không thể không cải tổ

Đây là nội dung mà sau 2 ngày đàm phán của 13 bộ trưởng thương mại đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới, diễn ra tại Ottawa, nhằm thiết lập mục tiêu cải tổ. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị (24 và 25-10) các bộ trưởng xác định chương trình hành động cụ thể nhằm củng cố và hoàn thiện hơn tổ chức gồm 164 thành viên này trong tương lai.

Hội nghị dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế Canada, Jim Carr tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: Nâng cao năng lực và hiệu quả của WTO; bảo vệ và củng cố hệ thống giải quyết tranh chấp; đổi mới chức năng đàm phán của WTO.

13 bộ trưởng thương mại đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới đều lên tiếng khẳng định: Một cuộc đại tu WTO là điều vô cùng cần thiết. Nếu không, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ sớm sụp đổ.

Hiện, 164 quốc gia thành viên của WTO đang chiếm khoảng 98% thương mại toàn cầu. Theo thống kê, giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ tính trên quy mô toàn cầu ước đạt 22.000 tỷ USD trong năm 2017.  Trong khi gần như toàn bộ hoạt động thương mại thế giới đang nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO thì hệ thống này lại đang trục trặc do sự ngăn cản của Washington bổ nhiệm thẩm phán mới cho Cơ quan Phúc thẩm WTO, một sách lược khiến các vụ kiện nhằm giải quyết tranh chấp tại WTO có nguy cơ bị tạm dừng.

Trụ sở WTO ở Thụy Sỹ. Ảnh: Getty Images.

Hội nghị đã ra tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc và nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của WTO trong việc tạo thuận lợi và bảo vệ thương mại, khôi phục lại niềm tin của người dân và các quốc gia đối với tổ chức này.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh WTO đặc biệt bất ổn và thế giới đang phải vật lộn để kìm hãm cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu đi và có tác động ngày càng lớn hơn tới nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Các bộ trưởng chỉ rõ: Trong tháng 9 vừa qua, EU, Trung Quốc và Mỹ đều gia tăng những tranh chấp tại WTO liên quan đến việc Mỹ đánh thuế kim loại, sự trả đũa của châu Âu...

Các bộ trưởng thương mại đến từ Canada, Australia, Brazil, Chile, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Kenya, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sĩ cũng bày tỏ thất vọng trước việc Mỹ và Trung Quốc - những đối tác quan trọng nhất cần phải đối thoại lại không cử đại diện tham gia.

Bộ trưởng Thương mại Jim Carr của Canada - nước đứng ra tổ chức hội nghị bày tỏ: “Chúng tôi có chung mong muốn cải cách (giống như Mỹ). Đó là sự cần thiết phải đổi mới... Chúng tôi biết rằng hệ thống này tốt hơn nhiều so với việc không có hệ thống nào, song chúng tôi cần phải cải thiện nó. Giờ là lúc thực hiện cải cách này và đây là điểm xuất phát lý tưởng”.

Nói về sự cần thiết phải cải tổ WTO, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như của WTO công bố ngày 30-9 đã nhấn mạnh sự thất bại trong việc điều chỉnh các quy tắc thương mại toàn cầu suốt 2 thập niên qua, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp và dịch vụ, đã trực tiếp và gián tiếp làm suy yếu cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và công cuộc xóa đói nghèo ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Các tổ chức quốc tế này cho rằng, cần đẩy mạnh các nỗ lực tăng cường cải cách, đặc biệt là với WTO. Chỉ khi nào có được sự cải cách thích hợp thì mới có thể cứu vãn những lợi ích kinh tế trong các hoạt động thương mại, đồng thời đảm bảo sự thịnh vượng được lan tỏa rộng rãi hơn.

Nhìn vào thực tế một năm qua thấy rõ, các cuộc “tấn công” không ngừng của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào WTO và việc Mỹ đe dọa sẽ rút ra khỏi tổ chức thương mại toàn cầu này đã khiến các nước phải gấp rút tổ chức các cuộc thảo luận. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump và việc sử dụng các biện pháp trừng phạt bằng thuế quan đã làm xáo trộn các mối quan hệ thương mại.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết ông nhất trí tổ chức thương mại này cần cải tổ và sớm phải thực hiện điều đó. Tổng Giám đốc WTO thừa nhận rằng sẽ khó thực hiện được những cải cách đáng kể mà không có sự tham gia của Mỹ hoặc Trung Quốc.

Ngoài việc thừa nhận vai trò của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ, các đại biểu dự hội nghị còn nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập bộ khung quy tắc cho tất cả 164 nước thành viên WTO. Các quy tắc là quan trọng bởi mỗi nước trong hệ thống đều xứng đáng nhận được sự bảo vệ cũng như cơ hội mà các quy tắc này tạo ra, thậm chí để cả nhà xuất khẩu nhỏ nhất ở nơi xa nhất trên thế giới có thể cạnh tranh và thành công.

Để khiến mối quan hệ kiểu đó hiệu quả, theo các đại biểu, tất cả các quốc gia phải tin vào các luật lệ thương mại sẽ có hiệu quả với tất cả các nước và tất cả người dân ở những quốc gia này phải cảm nhận rõ điều đó.

Các đại biểu dự một phiên họp của WTO. Ảnh: Council on Foreign Relations.

Bảo hộ thương mại - “kẻ thù” của WTO

Tại hội nghị ở Ottawa, đại diện các khu vực nêu rõ 3 mục tiêu chính được đặc biệt quan tâm, bao gồm giải quyết tranh chấp, cải thiện “các chức năng giám sát và minh bạch” cũng như điều chỉnh các quy tắc để phản ánh sự vị thế vượt trội của WTO trong thương mại dịch vụ. Tại sao lại đưa ra các mục tiêu trọng điểm này?

Theo giải thích của các đại diện, họ bày tỏ “quan ngại sâu sắc về những diễn tiến gần đây trong hệ thống thương mại quốc tế, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, vốn có ảnh hưởng tiêu cực đến WTO và khiến toàn bộ hệ thống thương mại đa phương gặp rủi ro”.

Công bố mới nhất của Coface, tập đoàn lớn chuyên về bảo hiểm tín dụng, quản lý rủi ro, cho rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại không ngừng gia tăng đang tác động đến nhiều nền kinh tế, cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Coface ước tính rằng cứ mỗi 1% thuế nhập khẩu mà Mỹ tăng, giá trị xuất khẩu trung bình của các đối tác thương mại bị Mỹ áp thuế sẽ giảm 0,5%, trong khi ngành vận tải và cơ giới bị ảnh hưởng đặc biệt, dự kiến sẽ lần lượt giảm 4,4% và 3,7%.

Theo báo cáo trên, thuế nhập khẩu của Mỹ đã tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2018 và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009. Tác động gián tiếp của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu là xuất khẩu vào Mỹ của các đối tác thương mại bị áp thuế cũng sẽ sụt giảm. Các mức thuế này chỉ chiếm 1/6 các biện pháp bảo hộ thương mại được thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Coface cho biết số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại thực hiện trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010.

Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Canada, Australia và một số ít quốc gia mới nổi lớn như Brazil, Argentina và Ấn Độ, tỷ trọng nhập khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực do các biện pháp bảo hộ thương mại cao hơn định mức nhập khẩu được hưởng lợi từ các biện pháp có lợi.

Cũng theo báo cáo trên, một số nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Campuchia), Nga và một số nước Mỹ Latinh (Mexico, Colombia và Peru) không bị liệt vào các nước bị ảnh hưởng mức độ như trên, bởi mức độ tác động hiện nay là không quá nghiêm trọng.

Trong các biện pháp bảo hộ thương mại, việc tăng thuế nhập khẩu có thể nói lần đầu tiên chịu gánh nặng. Mặc dù so sánh với các biện pháp khác, thuế quan không nhất thiết phải sử dụng nhiều nhất, nhưng tỷ trọng đã tăng gấp đôi trong 9 năm, và đến tháng 9 năm nay, đã chiếm 16% trong tổng số các biện pháp, so với mức 8% của năm 2009.

Báo cáo cho rằng không nằm ngoài dự báo, từ năm 2016 đến 2018, thuế nhập khẩu của Mỹ đã tăng mạnh, từ 5,4% đến 12,5%. Giai đoạn này phản ánh bước ngoặt trong chính sách thương mại của Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.

Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại được thúc đẩy bởi sự tăng thuế của Mỹ gần đây làm dấy lên lo ngại rằng nhiều quốc gia tham gia chuỗi công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của nó. Ngoài tác động trực tiếp, Coface cho rằng việc tăng thuế cũng sẽ tác động tiêu cực gián tiếp đến xuất khẩu giá trị gia tăng của 12 ngành công nghiệp của hàng chục quốc gia.

Nhấn mạnh tới sự tác động to lớn của bảo hộ thương mại đối với các ngành cụ thể, báo cáo của Coface chỉ rõ trong ví dụ đối với ngành vận tải (bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô), tác động gián tiếp nói trên sẽ rất phổ biến bởi vì ngành này liên quan đến hoạt động của chuỗi công nghiệp đa quốc gia phức tạp. Nếu Mỹ tăng thuế 1% đối với ngành vận tải của một quốc gia nào đó sẽ khiến bình quân xuất khẩu theo hướng giá trị gia tăng của các đối tác thương mại liên quan quốc gia đó giảm 4,4%.

Ví dụ, Đức, Nhật Bản và Mỹ là 3 nước chịu ảnh hưởng gián tiếp lớn nhất bởi hàng rào thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc. Ngành công nghiệp cơ giới, khai thác mỏ và sản xuất giấy cũng sẽ bị ảnh hưởng, lần lượt giảm 3,1%, 3,1% và 2,4%.

Manh nha trật tự quốc tế mới?

Có thể thấy rõ bảo hộ thương mại và tác động của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra đang trực tiếp ảnh hưởng không chỉ tới mối quan hệ giữa hai nước, mà về cơ bản nó có tác động mang tính quyết định mô hình lớn của trật tự quốc tế trong tương lai.

Mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển như thế nào? Đương nhiên điều này không chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà còn phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc. Có nhiều khả năng về những thay đổi trong tương lai, nhưng có thể dự đoán 4 kịch bản dưới đây.

Thứ nhất, bỏ qua hết tất cả, trở lại trạng thái bình thường. Theo một số nhà quan sát, không có người chiến thắng tuyệt đối trong cuộc chiến thương mại này, cùng lắm chỉ là có người thắng và kẻ thua về mặt ý nghĩa tương đối. Nói cách khác, trong cuộc chiến thương mại này, hai bên Trung-Mỹ chắc chắn đều phải gánh chịu tổn thất.

Sức mạnh của tư bản Mỹ sẽ bị ảnh hưởng mạnh, mặc dù tư bản Mỹ hiện nay rất ủng hộ ông Trump nhưng có rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích giữa tư bản và chính quyền. Trong khi đó, nếu Trung Quốc đóng cửa thị trường hoặc độ mở nhỏ sẽ không phù hợp với lợi ích của tư bản.

Thứ hai, sửa đổi và tái thiết cơ chế. Trong trường hợp này, cuộc chiến thương mại của ông Trump đã cố ý hoặc vô tình dẫn đến sự xuất hiện của một cơ chế mới, cái gọi là “cơ chế thương mại tự do công bằng”. “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump là một công cụ mở đường cho cơ chế thương mại mới này.

Tổng Giám đốc WTO thừa nhận rằng, sẽ khó thực hiện được những cải cách đáng kể mà không có sự tham gia của Mỹ hoặc Trung Quốc. Ảnh: Public Radio International.

Ông Trump cho rằng, cơ chế hiện có đã dẫn đến thương mại “không công bằng” của các nước khác đối với Mỹ, cần phải sửa đổi hoặc thậm chí xây dựng lại. Điều kiện lợi thế “Nước Mỹ trước tiên” mà Mỹ có (chủ yếu bao gồm thị trường lớn, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đồng đôla Mỹ) cung cấp các điều kiện để ông Trump sửa đổi và xây dựng lại cơ chế thương mại.

Thứ ba, sự hình thành của hai hệ thống liên quan với nhau, lấy Trung Quốc và Mỹ, hai thị trường lớn tương đối độc lập với nhau, làm trung tâm. Sự hình thành nên hai hệ thống kinh tế tương đối độc lập nhưng lại có liên quan đến nhau là rất cao. Vì vậy, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường quốc tế, đương nhiên làm chậm tốc độ phát triển của Trung Quốc là mục tiêu mà Mỹ muốn hướng tới.

Từ các phân tích trên thấy rõ, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ không ngừng leo thang, mức độ phụ thuộc vào thương mại nhanh chóng giảm xuống, cuối cùng là tách rời, vì vậy nó đang hướng đến trạng thái “chiến tranh lạnh”.

Nhìn vào các kịch bản trên, có thể nhận định: Ở kịch bản thứ nhất và thứ hai thì trật tự quốc tế vẫn là một hệ thống; trong kịch bản thứ ba, nó phát triển thành hai hệ thống tương đối độc lập. Nhưng, ở kịch bản thứ tư, nó trở thành hai hệ thống độc lập, giống như hai hệ thống của Mỹ và Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra không chỉ liên quan đến mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn liên quan đến những thay đổi của toàn bộ hệ thống thế giới trong tương lai.

Hoa Huyền
.
.