Căng thẳng chính trị giữa hai bờ Đại Tây Dương

Thứ Năm, 07/12/2017, 15:01
“Mối quan hệ đặc biệt” Anh - Mỹ, được Thủ tướng Anh Winston Churchill đề cập đến lần đầu tiên tại Đại học Westminster ở Missouri năm 1946 có lẽ sẽ không có thay đổi lớn nếu “xứ sở sương mù” không đưa ra quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6-2016.

Mất đi tiếng nói ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất trong liên minh gồm 28 thành viên không chỉ khiến mối quan hệ đặc biệt tồn tại hơn 7 thập kỷ qua trở nên suy yếu, mà còn đẩy ảnh hưởng của Washington trong các quyết sách của châu Âu bị suy giảm. Trong bối cảnh hai bên đang phải toan tính những bước đi để tránh làm mất lòng nhau, “mối thâm giao” này bị thử thách khi bất ngờ trở nên căng thẳng. Liệu sự thân tình nhiều năm nay có còn đủ mạnh để không tác động đến mối quan hệ đặc biệt này?

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra cuối năm ngoái, Thủ tướng Anh Theresa May là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đến thăm Nhà Trắng và gặp Tổng thống Donald Trump. Thậm chí trước đó một ngày, bà May còn phát biểu với các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ ở Philadelphia, rằng: “Khi chúng ta cùng khám phá lại niềm tin giữa hai bên, chúng ta có cơ hội, thực chất là trách nhiệm, để làm mới mối quan hệ đặc biệt này”.

Ông Donald Trump khi đứng cạnh bà Theresa May tại Nhà Trắng cũng tự hào tuyên bố về sự mạnh mẽ trong “mối quan hệ đặc biệt nhất” giữa hai nước Anh - Mỹ.

Vậy mà chỉ 10 tháng sau, mối quan hệ đó bất ngờ trở nên căng thẳng khi ngày 30/11, bà May và ông Trump “lời qua tiếng lại” xung quanh việc ông chia sẻ dòng tweet có các đoạn băng chống Hồi giáo của một nhóm cực hữu Anh, khiến giới lập pháp Anh đã gọi Tổng thống Mỹ là một kẻ ngồi lê đôi mách đáng ghét. Không chần chừ, các nghị sĩ Anh còn hối thúc chính phủ của bà May thu hồi lại lời mời ông Trump đến thăm Anh với tư cách là khách mời của Nữ hoàng Elizabeth II.

Thị trưởng London Sadiq Khan là một trong các chính trị gia lên tiếng kêu gọi chính phủ hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước còn chưa được lên kế hoạch của ông Trump vốn được tuyên bố lần đầu tiên vào dịp bà May sang thăm Washington hồi tháng 1. Ông thậm chí còn cho rằng hành động của Tổng thống Mỹ là "sự phản bội lại mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Anh - Mỹ".

Ngay sau sự việc, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow đã lên tiếng nói rằng ông Trump sẽ không được mời phát biểu trước Quốc hội Anh trong chuyến thăm cấp nhà nước tới đây, đó là một vinh hạnh đã được trao cho cựu Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo thế giới khác.

Mặc dù nhấn mạnh "mối quan hệ đặc biệt" giữa Mỹ - Anh vẫn tồn tại, song bà May vẫn chẳng ngần ngại gì khi lặp đi lặp lại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sai lầm khi cho đăng tải lại các đoạn băng chống Hồi giáo do lãnh đạo nhóm cực hữu Nước Anh trước tiên (Britain First) tải lên trước đó. Đáp trả lại, Tổng thống Mỹ lại lên Twitter chia sẻ: “Đừng có để ý đến tôi mà hãy tập trung vào chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang diễn ra tại Anh”.

Việc ông Trump dẫn lại các đăng tải của một nhóm nhỏ không danh tiếng chính trị và chỉ được biết đến bởi lập trường chống Hồi giáo một cách cực đoan đã làm dấy lên sự chỉ trích từ cả hai bờ Đại Tây Dương. Một số nhà lập pháp Anh yêu cầu có một lời xin lỗi từ phía ông Trump, trong khi các nhóm Hồi giáo ở Mỹ gọi đó là hành vi kích động và liều lĩnh. Thậm chí, các Hạ nghị sỹ Anh còn sử dụng những lời lẽ "đốp chát" bất thường.

Nghị sĩ Naz Shah của Công đảng cáo buộc ông Trump thúc đẩy "hệ tư tưởng đầy thù hận của chủ nghĩa phát xít". Trong khi đó, Nghị sỹ Tim Loughton của đảng Bảo thủ cho rằng Twitter nên dỡ bỏ tài khoản của Trump vì nó chứa đựng "tội ác đáng ghét".

Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 25-5.

Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định rằng khi làm việc này, ông Trump đã “đề cao giá trị” của những cuộc trao đổi về vấn đề an ninh. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho rằng ông Trump không biết gì về thủ lĩnh của nhóm Nước Anh trước tiên - Jayda Fransen - trước khi ông chia sẻ lại đoạn băng mà nhân vật này đã đăng lên tài khoản của mình.

Bà Sanders nói: "Tôi nghĩ ông biết vấn đề hiện nay là chúng ta có một mối đe dọa thực tế về bạo lực và khủng bố cực đoan, nó không chỉ tồn tại ở nước Anh mà trên khắp toàn cầu”.

Căng thẳng giữa London và Washington diễn ra ở một thời điểm không thể tồi tệ hơn khi Anh đang chuẩn bị rời khỏi EU và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế mới trên toàn cầu. Bà May trở thành lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến gặp ông Trump ngay sau khi ông nhậm chức tổng thống một phần là bởi Anh đang khao khát một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ sau khi rời khỏi EU vào năm 2019.

Mặc dù giới phân tích dự báo rằng mối quan hệ liên Đại Tây Dương vẫn mạnh và đủ mạnh để vượt qua căng thẳng này. Tim Oliver, một chuyên gia về quan hệ châu Âu - Bắc Mỹ tại Trường Kinh tế London, nhận định: “Trọng tâm của mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ là hợp tác trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, tình báo và các lực lượng đặc biệt.

Trọng tâm đó vẫn luôn được bảo vệ trước mọi thăng trầm trong quan hệ giữa các Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, nỗ lực của nữ Thủ tướng Theresa May nhằm củng cố mối quan hệ thân thiết với vị tổng thống khó đoán định này đã không đi theo kế hoạch. Có lẽ bà May đã phạm sai lầm khi đưa ra lời mời ông Trump đến thăm Anh quá sớm và cũng chẳng thể ngờ quyết định này lại đặt Nữ hoàng Anh vào một tình thế bị xúc phạm đến khó tin”.

Nhìn nhận về “mối quan hệ đặc biệt” này trong tương lai, giới phân tích cho rằng hiện nguy cơ Scotland tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới nhằm tách khỏi Liên hiệp Anh chưa hoàn toàn được loại bỏ. Nếu xảy ra, Liên hiệp Anh sẽ tan rã bởi người dân Scotland vẫn muốn ở lại cùng EU, yếu tố làm dấy lên câu hỏi liệu rằng Anh có giữ được quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc?

Nếu như vậy, Mỹ sẽ mất đi một đối tác đáng tin cậy thường xuyên ủng hộ các sáng kiến của Washington tại tổ chức đa phương quyền lực nhất toàn cầu này.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.