Căng thẳng đến nghẹt thở vụ bê bối chính trị ở Hàn Quốc

Thứ Ba, 29/11/2016, 11:25
Tình hình chính trường Hàn Quốc thời gian gần đây hết sức phức tạp. Nội các Hàn Quốc chuẩn bị phê chuẩn việc lập ủy ban độc lập điều tra vai trò của Tổng thống Park Geun-hye trong vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil. Nhiều “bạn thân” khác của tổng thống bị bắt và điều tra.

Phe đối lập thì muốn thúc đẩy tiến trình luận tội Tổng thống Park nhưng lại quan ngại những bất ổn có thể xảy ra...

Tổng thống tại vị không thể bị cáo buộc phạm tội nhưng có thể bị điều tra

Trong vài ngày qua chính trường Hàn Quốc tiếp tục dậy sóng, và những “con sóng” ngày một lớn hơn, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngày 20-11 Cơ quan công tố Hàn Quốc đã chính thức truy tố bà Choi Soon-sil cùng cựu Cố vấn điều phối chính sách Phủ Tổng thống Ahn Chong-bum, cựu Thư ký của Tổng thống Jeong Ho-seong. Bà Choi Soon-sil bị truy tố về tội lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Park Geun Hye để gây sức ép với các doanh nghiệp lớn, trong đó có Samsung, buộc họ đóng góp khoảng 80 tỷ won (68 triệu USD) vào 2 quỹ phi lợi nhuận là Quỹ Mir và Quỹ K-Sports; gian lận trong việc tìm cách chuyển tiền từ một trong 2 quỹ trên sang công ty riêng của bà.

Ông An Chong-bum bị cáo buộc thông đồng với bà Choi Soon-sil trong quá trình trên, trong khi ông Jeong Ho-seong bị cáo buộc chuyển giao các tài liệu của chính phủ và tổng thống cho bà Choi Soon-sil.

Bà Park Geun-hye cúi đầu xin lỗi vì bê bối chính trị. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, bà Choi còn bị cáo buộc ép các tập đoàn lớn như nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc Hyundai hay tập đoàn sản xuất thép hàng đầu Posco ký kết các hợp đồng sinh lời lớn cho các công ty mà bà có liên quan. Tiếp đó, bà này cũng được cho là đã sử dụng một vài trong số các quỹ này để phục vụ mục đích cá nhân. Ngoài ra một trợ lý khác của bà Park Geun-hye cũng bị cáo buộc tiết lộ các tài liệu cơ mật của quốc gia.

Theo các công tố viên, ông này được cho là đã rò rỉ 180 tài liệu mật cho bà Choi, bao gồm các giấy tờ về chính sách ngoại giao và việc bổ nhiệm các quan chức hàng đầu và các thành viên nội các.

Theo Cơ quan công tố, Tổng thống Park Geun-hye bị nghi thông đồng trong một số cáo buộc đối với 3 nhân vật nói trên và nhóm điều tra đặc biệt sẽ tiếp tục điều tra Tổng thống. Việc điều tra sẽ bắt đầu vào tháng tới và sẽ kéo dài 4 tháng. Đại diện pháp lý của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bác bỏ kết quả điều tra của công tố viên về vụ bê bối.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc hiện nay, một tổng thống tại vị không thể bị cáo buộc phạm tội trừ khi có một cuộc nổi dậy hoặc phản quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Park Geun-hye vẫn có thể bị các công tố viên điều tra và có thể bị khởi tố khi bà rời nhiệm sở.

Công tố viên Lee Young-Ryeol cho biết, các công tố viên không thể chính thức khởi tố bà Park Geun-hye khi bà còn làm tổng thống, song được phép điều tra bà như một nghi phạm... đã vi phạm Mục 30 trong bộ luật về tội thông đồng.

Tin xấu dồn dập

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới vụ việc, ngày 24-11, tòa án quận trung tâm Seoul đã bác đề nghị ra lệnh bắt giữ ông Cho Won-dong, cựu Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế của Tổng thống Park Geun-hye, người bị cho là đã tìm cách ép CJ Group phải cách chức nữ Phó Chủ tịch Lee Mie-kyung của tập đoàn thực phẩm và giải trí này.

Các công tố viên đã xin lệnh chính thức bắt giữ ông Cho Won-dong với cáo buộc có ý định ép buộc, nhưng tòa án tuyên bố không thể chấp nhận lý do trên cũng như không thấy sự cần thiết phải bắt giữ ông này.

Trước sức ép từ người dân và phe đối lập, Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 23-11 cho biết, Bộ trưởng Tư pháp Kim Hyun-woong và Thư ký Choi Jai-kyeong phụ trách các vấn đề dân sự của Tổng thống đã đệ đơn từ chức. Cũng trong ngày 23-11, hãng thông tấn Yonhap đưa tin, các công tố viên Hàn Quốc đã bất ngờ khám xét các văn phòng của Tập đoàn Samsung do nghi ngờ tập đoàn này có liên hệ với bà Choi Soon-sil.

Các công tố viên còn khám xét trụ sở Quỹ Hưu trí quốc gia (NPS). Theo Yonhap, các nhà điều tra đang điều tra về quyết định sáp nhập trị giá 8 tỷ USD giữa Samsung C&T Corp và Cheil Industries vào năm ngoái. NPS có vốn ở cả hai doanh nghiệp này và sự hỗ trợ của quỹ này được cho là có vai trò quan trọng trong thương vụ sáp nhập. Dư luận cho rằng thương vụ này giúp gia tộc sở hữu Tập đoàn Samsung thắt chặt kiểm soát doanh nghiệp sáp nhập thay vì mang lại lợi ích cho cổ đông. Người phát ngôn của Tập đoàn Samsung xác nhận các công tố viên đã tới một vài trụ sở của tập đoàn này, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Trước đó, ngày 22-11, nội các Hàn Quốc đã phê chuẩn dự luật bổ nhiệm ủy ban độc lập điều tra vai trò của Tổng thống Park Geun-hye. Dự luật được phê chuẩn tại cuộc họp đầu tiên của nội các kể từ khi Viện Công tố Hàn Quốc cáo buộc Tổng thống Park Geun-hye đóng "vai trò đáng kể" trong vụ bê bối tham nhũng và lạm quyền liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil và các trợ lý chủ chốt. Sau khi dự luật bắt đầu có hiệu lực, Chủ tịch Quốc hội sẽ chuyển văn kiện tới Tổng thống Park trong vòng 3 ngày và đề nghị bà bổ nhiệm ủy ban điều tra đặc biệt.

Trong khi đó, ngày 21-11, đảng đối lập chính của Hàn Quốc đã bỏ phiếu để tìm cách thúc đẩy việc luận tội Tổng thống Park Geun-Hye. Hiện vẫn chưa rõ khi nào các đảng đối lập sẽ chính thức bắt đầu tiến trình này.

Muốn luận tội... nhưng lại lo bất ổn

Cũng trong ngày 23-11, cựu Chủ tịch đảng cầm quyền Saenuri ở Hàn Quốc, ông Kim Moo-sung, một nhân vật có tiếng nói trên chính trường nước này, đã đề nghị tiến hành luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đồng thời cho biết ông sẽ dẫn đầu tiến trình kiến nghị luận tội trong nội bộ đảng. Phát biểu tại một cuộc họp báo khẩn cấp ngày 23-11, ông Kim Moo-sung tuyên bố Tổng thống Park Geun-hye cần phải bị luận tội.

Để dự luật luận tội một tổng thống đương nhiệm được thông qua tại quốc hội, cần có 2/3 trong tổng số 300 nghị sĩ ủng hộ. Sau đó, dự luật cần có sự đồng ý của 6 thẩm phán Tòa án Hiến pháp gồm 9 người. Nỗ lực này sẽ là một thách thức chính trị đối với các đảng đối lập cũng như các phe phái không ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye trong đảng cầm quyền, trong đó có ông Kim Moo-sung, vì phải mất nhiều tháng để hoàn tất toàn bộ các thủ tục và nguy cơ gây chia rẽ nội bộ là rất lớn.

3 đảng đối lập chính đã bắt đầu các công tác chuẩn bị cho việc luận tội, song do đảng cầm quyền hiện đang nắm 128 ghế quốc hội nên phe đối lập cần giành được sự ủng hộ của ít nhất 30 nghị sĩ đảng Saenuri cầm quyền. Sự chia rẽ trong nội bộ đảng Saenuri cầm quyền đang ngày càng nghiêm trọng. Hiện 8 cựu nghị sĩ đảng này đã ly khai khỏi đảng.

Trong khi đó, các thành viên phe phản đối Tổng thống Park Geun-hye trong đảng Saenuri đã đề nghị ban lãnh đạo đảng - vốn gồm các thành viên ủng hộ bà - lập tức từ chức. Phát biểu với các phóng viên, phát ngôn viên đảng Dân chủ Ki Dong-Min cho biết các thành viên của đảng này đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ việc luận tội Tổng thống Park và thành lập một nhóm làm việc để xem xét các vấn đề pháp lý liên quan. Ông cho biết đảng Dân chủ sẽ chính thức khởi động tiến trình này khi nào họ nhận thấy “khả năng cao nhất” Quốc hội sẽ thông qua hành động đó.

Hai đảng đối lập nhỏ hơn cũng cho biết họ sẽ tìm cách phế truất Tổng thống Park. Tuy nhiên, các cam kết của họ với tiến trình này hiện vẫn chưa rõ, một phần bởi lo sợ tình trạng hỗn loạn chính trị sẽ xảy ra nếu nỗ lực luận tội bà Park thất bại.

Nhiều người tham gia biểu tình tại Seoul phản đối vụ bê bối và Tổng thống Park Geun-hye. Ảnh: EPA.

Trong khi đó, đảng đối lập Nhân dân đã bắt đầu nỗ lực nhằm phế truất Tổng thống Park Geun-hye và sẽ thảo luận với các đảng khác để thu thập chữ ký ủng hộ quyết định phế truất này. Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập chính ở Hàn Quốc, Nghị sĩ Choo Mi-ae ngày 21-11 tuyên bố đảng này sẽ thúc đẩy luận tội Tổng thống Park Geun-hye, sau khi cơ quan công tố xác định tổng thống là nhân vật đồng lõa trong vụ bê bối chính trị liên quan đến Choi Soon-sil.

Đảng Nhân dân đối lập cũng đã quyết định lập trường chính thức của đảng này là thúc đẩy luận tội Tổng thống Park, đồng thời tuyên bố sẽ tìm kiếm sự hợp tác của các đảng đối lập khác và một số quan chức của đảng Saenuri cầm quyền để xúc tiến quy trình luận tội Tổng thống tại Quốc hội.

Trong bối cảnh hết sức nhạy cảm hiện nay, các đảng tại Hàn Quốc cũng phải cân nhắc rất kỹ. Phe đối lập đang đứng trước sức ép phải có quan điểm cứng rắn hơn song vẫn lo sợ các nguy cơ chính trị. Nhà bình luận chính trị Kim Hong-Guk nói: “Cho dù hiện người dân tỏ ra bức xúc với Tổng thống Park, nhưng nhiều nhà lập pháp không muốn mạo hiểm thúc đẩy quá trình luận tội”.

Tổng thống Park chỉ còn hơn một năm nữa sẽ hoàn tất nhiệm kỳ tổng thống 5 năm, trong khi quá trình luận tội sẽ kéo dài nhiều tháng và cần tới 2/3 sự ủng hộ trong Quốc hội cũng như trong Tòa án Hiến pháp. Hiện các cử tri phía đảng Bảo thủ cho rằng việc luận tội là không xác đáng và là sự trừng phạt thái quá.

Trước sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều phía, lo lắng các sự kiện gần đây liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye có thể gây những xáo trộn lớn, đảng Dân chủ đối lập chính đã không hối thúc một cách mạnh mẽ việc cáo buộc bà do lo ngại làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ các cử tri bảo thủ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017.

Phe ủng hộ Tổng thống bác bỏ kết quả điều tra của công tố viên

Liên quan tới những cáo buộc của cơ quan công tố Hàn Quốc nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, đại diện pháp lý của Tổng thống, ông Yoo Yeong-ha ngày 20-11 đã bác bỏ kết quả điều tra của công tố viên về vụ bê bối liên quan đến người bạn thân của bà Park.

Tuyên bố của ông Yoo nêu rõ: “Với tư cách là đại diện pháp lý của bà Park, tôi không thể công nhận bất kỳ cáo buộc nào coi bà Park là một đồng phạm”. Ngoài ra, ông Yoo cũng nói rằng kết quả điều tra do công tố viên đưa ra “dựa trên sự tưởng tượng và phỏng đoán”.

Người phát ngôn của Tổng thống là Jung Youn-Kuk đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc từ các công tố viên, gọi đây là các “vụ công kích chính trị không công bằng”, chỉ dựa trên sự “phỏng đoán và tưởng tượng”.

Hệ lụy...

Bê bối chính trị mà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang vướng vào, liên quan đến người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil đã khiến uy tín của bà bị sụt giảm, làm dấy lên sự bức xúc của dư luận trong nước và thậm chí còn tác động hết sức tiêu cực tới cả đồng minh thân cận là Mỹ tại thời điểm được xem là vô cùng nhạy cảm này.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 8/11 đã rút lại quyết định bổ nhiệm thủ tướng mới và để Quốc hội chỉ định nhân vật này đang cho thấy vô hình trung đã có nhượng bộ về việc ra quyết sách; quyền lực có thể bị thu hẹp hơn, nhất là khi mà các nhà lập pháp vẫn đang tiếp tục tìm cách thu hẹp quyền hạn của Tổng thống Park.

Các nhà phân tích còn chỉ ra, vụ bê bối đang báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính trường Hàn Quốc, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống theo kế hoạch được tổ chức vào tháng 12-2017. Lo ngại nhiều hệ lụy có thể xảy ra, đảng Saenuri cầm quyền cho rằng Tổng thống Park Geun-hye không thể từ bỏ các quyền được quy định trong hiến pháp, vẫn cần nắm quyền điều hành các vấn đề ngoại giao và quốc phòng.

Tổng thống Park Geun-hye đã giúp Hàn Quốc duy trì một mối quan hệ đồng minh bền vững và tích cực với Mỹ trong gần 4 năm cầm quyền; hàn gắn những bất đồng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về vấn đề “phụ nữ mua vui” trong Chiến tranh thế giới lần 2; đưa ra quan điểm cứng rắn và mang tính nguyên tắc trong vấn đề Triều Tiên...

Các nhà phân tích cho rằng, vụ bê bối vào thời điểm này rõ ràng sẽ khiến Hàn Quốc bước vào một giai đoạn khó khăn hơn về ngoại giao và các chính sách với khu vực.

Nguyễn Hòa
.
.