Căng thẳng ngoại giao Pháp - Israel

Thứ Hai, 02/11/2009, 15:20
Quan hệ giữa Paris và Tel-Aviv đã xuất hiện nhiều căng thẳng từ khi phe cực hữu lên nắm quyền tại Israel. Nếu như trước đây, Ngoại trưởng Israel khi sang thăm Pháp đã không được Tổng thống Sarkozy tiếp đón vì lý do tế nhị thì mới đây, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã từ chối không cho phép Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner  vào thăm Dải Gaza.

Theo dự kiến ban đầu, ông Kouchner có ý tận dụng chuyến thăm Israel để ghé Dải Gaza dự lễ khai trương tái thiết Bệnh viện Al-Qods, bị quân đội Do Thái phá hủy một phần vào mùa đông năm ngoái, do Pháp bảo trợ. Đây là dự án nhân đạo mà Thủ tướng Benyamin Netanyahu đã đồng ý cho Tổng thống Sarkozy trên phương diện cá nhân.

Một quan chức giấu tên của Israel đã tiết lộ cho Hãng tin Guysen News hôm 20/10 rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã từ chối cấp phép nhập cảnh cho người đứng đầu đoàn ngoại giao Pháp vào thăm Dải Gaza.

Trong một lá thư gửi Bộ Ngoại giao Pháp, ông Netanyahu giải thích rằng, ông lo sợ Hamas sẽ tận dụng cơ hội này để tạo ra một “quả bom” thông tin. Dải Gaza hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của Hamas. Nhưng ngoài việc ngăn ngừa tác động từ những hình ảnh về một Bernard Kouchner đứng trước các tòa nhà đổ nát tại Gaza do quân đội Israel đánh phá, Tel-Aviv còn cho rằng, Bệnh viện Al-Qods không cần thiết phải xây dựng lại.

Nguồn tin Bộ Ngoại giao Israel cho biết, bệnh viện trên chỉ bị hư hại một phần nhỏ do lửa từ một tòa chung cư bên cạnh cháy lan sang, chung cư này bị máy bay Do Thái ném bom trong chiến dịch quân sự hồi đầu năm nay.

Có một thực tế là giới ngoại giao Pháp xưa nay thường dễ dàng vào Dải Gaza hơn là khi đi trở ra. Cách đây vài tuần, Phó tổng lãnh sự Pháp tại Gaza, Majdi Shakoura, khi muốn trở về nước vì lý do bệnh tật đã không được chính quyền Israel cấp phép xuất cảnh.

Vụ từ chối cho phép nhập cảnh mới đây của Tel-Aviv đối với người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp thực chất là một cách để Israel cho Chính phủ Pháp biết rằng, Israel hoàn toàn phản đối việc Pháp không tham gia biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc về báo cáo Goldstone (báo cáo về việc Israel phạm tội ác chiến tranh), thay vì phải bỏ phiếu chống.

Quan điểm của Pháp về báo cáo của thẩm phán Richard Goldstone, lên án tội ác chiến tranh do Israel phạm phải tại Gaza, đã hoàn toàn làm Tel-Aviv thất vọng. Lý do thứ hai khiến quan hệ Israel-Pháp trở nên căng thẳng là xuất phát từ lá thư của Tổng thống Nicolas Sarkozy, cùng ký với Thủ tướng Anh Gordon Brown.

Trong thư, hai nhà lãnh đạo này kêu gọi giới lãnh đạo Israel thành lập một ủy ban điều tra độc lập và minh bạch về cuộc chiến tại Dải Gaza, đồng thời yêu cầu Chính phủ Israel dừng ngay việc xây dựng các khu định cư Do Thái tại các phần đất của Palestine. Những "lời khuyên bằng hữu" (đúng như lời Tổng thống Pháp nói trong thư) ngược lại càng làm cho quan hệ Pháp - Israel nguội lạnh hơn.

Thái độ của Paris trước báo cáo Goldstone đã ngay lập tức tạo ra sự tức giận trong giới lãnh đạo Israel. "Chúng tôi quá thất vọng việc Pháp không ủng hộ Israel vào một thời khắc quan trọng như thế" - một quan chức ngoại giao giấu tên của Israel cho biết. "Lời lẽ trong thư giống như mệnh lệnh đã khiến người của Thủ tướng Netanyahu hết sức khó chịu. Đây là cách nói trước dư luận quốc tế chứ không phải nhắm trực tiếp tới nội các chính phủ một nước" - quan chức ngoại giao trên nhận xét thêm.

Về phía Pháp, nguồn tin Bộ Ngoại giao nước này thừa nhận rằng chuyến thăm của ông Bernard Kouchner tới Israel không quá quan trọng nên hoàn toàn có thể hủy bỏ. Quai d'Orsay, dẫn lời một nhà ngoại giao Israel, cho biết ông Kouchner buộc phải hủy chuyến thăm Israel lần này do trùng lịch với cuộc họp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu.

Quan hệ Pháp - Israel đã liên tục xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng trong thời gian gần đây. Trước hết là trong chuyến công du đầu tiên của ông Avigdor Lieberman trên cương vị Ngoại trưởng Israel tới Pháp hồi tháng 5/2009 đã nhận được sự đón tiếp lạnh nhạt từ phía nước chủ nhà.

Lý do đơn giản là Pháp coi vị khách này như sự cản trở cho tiến trình hòa bình tại Trung Đông mà nước này rất tâm huyết. "Đau" hơn cả cho tân Chính phủ Israel là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khi đó tuyên bố "bận công việc" nên không thể tiếp ông Lieberman mà chỉ cử người đại diện của mình là Claude Guéant và Ngoại trưởng Kouchner đón tiếp.

Trong một diễn biến khác, dư luận Israel đã ầm ĩ lên sau khi báo chí nước này tiết lộ rằng trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Sarkozy và ông Netanyahu ngày 24-6 vừa qua tại Paris, nhà lãnh đạo Pháp đã khuyên Thủ tướng Israel nên cách chức Bộ trưởng Ngoại giao nước này. Tiết lộ này đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội từ cả phía Israel lẫn phe đối lập tại Pháp.

Phát ngôn viên của Ngoại trưởng Lieberman sau đó phát đi một thông báo mang tính trả đũa, còn đau hơn cả việc Tổng thống Sarkozy từ chối tiếp ông Lieberman: "Nếu những gì được báo chí Israel tiết lộ là chính xác thì đây là một sự can thiệp nghiêm trọng và không thể chấp nhận được của một nước dân chủ được tôn trọng vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền khác".

Quan hệ giữa Israel và Pháp nói riêng và đồng minh châu Âu nói chung đã không còn được ngọt ngào như trước kể từ sau khi phe cực hữu lên nắm quyền điều hành Nhà nước Do Thái tháng 2/2009.

Kể cả trong quan hệ với Mỹ, đồng minh lâu năm của Israel, gần đây cũng đã xuất hiện rạn nứt. Tất cả đều liên quan tới quan điểm của Chính phủ Netanyahu trong vấn đề định cư Do Thái và hòa bình tại Trung Đông. Rõ ràng Israel đang bị cô lập dần, không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế

N.Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.