Canh bạc chính trị của Thủ tướng Nhật Bản

Thứ Năm, 21/06/2012, 12:45

Tương lai của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có thể không bảo đảm nếu ông không thể xử lý được bài toán hóc búa hiện nay là cải thiện tình hình kinh tế, nhất là làm sao cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách, giảm bớt gánh nặng nợ nần. Nhưng với kế hoạch tăng thuế mà ông đang quyết tâm thúc đẩy, Noda cũng đang đánh cược "sinh mệnh chính trị" của mình, thậm chí có thể mất ghế thủ tướng.

Không ít lần khi xuất hiện trước công chúng, Thủ tướng Noda đều khẳng định quyết tâm của ông, khi cho rằng "nếu không tăng thuế, Nhật Bản có thể phá sản về tài chính, tương tự như Hy Lạp vậy". Ý tưởng của Thủ tướng Noda là phải tăng thuế tiêu thụ hàng hóa. Và một kế hoạch tăng thuế đang được Noda trình lên Quốc hội Nhật xem xét. Trong kế hoạch, ông Noda đưa ra các chỉ tiêu tăng thuế tiêu thụ hàng hóa như sau: tăng từ mức 5% hiện tại lên 8% vào tháng 4/2014, và lên 10% vào tháng 10/2015.

Thủ tướng Noda muốn kế hoạch tăng thuế được thông qua trong tháng 6 này trước khi Quốc hội mãn kỳ họp giữa năm. Nhưng, xem chừng ý muốn này khó thực hiện được vì một số trở ngại rất khó vượt qua.

Việc đưa ra kế hoạch tăng thuế được Thủ tướng Noda giải thích là nhằm tạo thêm nguồn thu để bù vào khoản thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng do các khoản chi tiêu nặng nề. Mặt khác, nợ công của Nhật Bản hiện đang rất cao, đến 200% GDP, theo công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản, vì thế Tokyo không thể tiếp tục phát hành thêm trái phiếu chính phủ, mà thay vào đó là dùng chính sách tăng thuế để tạo thêm nguồn ngân sách chi cho phúc lợi và an sinh xã hội đang ngày càng tăng do dân số già đi (tức những khoản chi phúc lợi cho người hưu trí cũng tăng theo).

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng như một số chính khách lại không ủng hộ việc tăng thuế này. Theo các chuyên gia, việc tăng thuế vào lúc nền kinh tế quốc gia đang trong tình trạng giảm phát và kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ suy thoái là một hành động kém hiệu quả. Hơn nữa, nước Nhật đang nỗ lực phục hồi sau thảm họa kép động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân tháng 3/2011, kinh tế đất nước bị ảnh hưởng đáng kể. Người ta lo ngại sức mua tiêu dùng vừa được khôi phục chút ít có thể sẽ tiêu tan do chính sách tăng thuế tiêu thụ.

Noda cho biết, một ưu tiên hàng đầu của ông hiện nay là đàm phán với đảng đối lập - đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP). Giữa DPJ của ông Noda và đảng LDP hiện vẫn đang có khoảng cách khá lớn trong một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề giải quyết nợ công và làm thế nào để cải tổ hệ thống an sinh xã hội. Noda muốn việc cải tổ này phải được tiến hành song song với việc tăng thuế tiêu thụ, nhưng LDP thì không muốn vậy. Vì thế, để thuyết phục đảng LDP ủng hộ kế hoạch của mình, ngày 4/6 vừa qua, Thủ tướng Noda đã thực hiện đợt cải tổ nội các lớn nhất từ khi lên nắm quyền.

Ông đã thay thế một lúc 5 vị bộ trưởng nội các mà LDP từng lên tiếng chỉ trích, đòi phải từ chức, trong đó có các bộ trưởng quan trọng như Quốc phòng và Giao thông vận tải, nhưng không có các bộ trưởng về kinh tế. Tuy nhiên, việc cải tổ nội các của Thủ tướng Noda đã không làm cho LDP hoàn toàn hài lòng. Ngược lại, "được voi đòi tiên", LDP lại đang yêu cầu ông Noda giải tán Quốc hội để bầu cử lại. Đây là điều mà Noda không thể chấp nhận.

Thủ tướng Yoshihiko Noda.

Không chỉ đảng đối lập, mà chính sách tăng thuế cũng không nhận được sự ủng hộ, thậm chí phản đối gay gắt ngay trong đảng DPJ, trong đó trở ngại lớn nhất chính là cựu Chủ tịch đảng Ichiro Ozawa. Ozawa đã công khai tuyên bố không ủng hộ hành động mà ông xem là "tự sát chính trị" của Thủ tướng Noda. Một thời nổi danh là "Tướng quân trong bóng tối" do vai trò cố vấn quan trọng của mình, Ozawa giờ đây đang là một thế lực không nhỏ trong DPJ, nắm trong tay ít nhất 100 thành viên Quốc hội. Ozawa không ủng hộ thì kế hoạch tăng thuế của ông Noda sẽ mất đi ít nhất 100 lá phiếu biểu quyết tại Hạ viện, trong khi Thượng viện đã thuộc về đảng đối lập LDP.

Ông Noda chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 2/9/2011 thay thế người tiền nhiệm là ông Naoto Kan. Điều đặc biệt là, ông Noda chưa từng tham chính nhiều, và trước khi lên làm Thủ tướng Nhật Bản ông cũng chỉ mới giữ chức Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Naoto Kan trong 2 năm. Noda trở thành trái tim, khối óc và linh hồn của Bộ Tài chính Nhật, vì toàn bộ các chính sách, phát kiến, hoạt động, quy tắc và ý muốn của bộ này đều do Noda mà ra. Noda chẳng mấy chốc được mệnh danh là "diều hâu tài chính" trong chính quyền Nhật Bản, và Bộ Tài chính được xem là bàn đạp phục vụ ước muốn và nhu cầu chính trị của Noda. Giờ đây, khi Noda đã trở thành Thủ tướng, người ta nhìn thấy những quyết sách về kinh tế của ông đều xoay quanh việc phục vụ cho lợi ích của Bộ Tài chính.

Trong việc thúc đẩy kế hoạch tăng thuế tiêu thụ, khá nhiều chuyên gia đã chỉ trích Noda hành động theo sự "điều khiển" từ Bộ Tài chính. Các chuyên gia cho rằng, lẽ ra Bộ Tài chính Nhật phải phát hành thêm trái phiếu để bảo đảm các khoản chi tiêu phúc lợi xã hội trong giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn hiện nay. Việc tăng thuế chỉ có thể thực hiện được khi sức mua tiêu dùng tăng mạnh trong điều kiện nền kinh tế "khỏe mạnh". Tăng thuế vào lúc này là không đúng thời điểm và nó có thể gây hậu quả tai hại hơn là giải quyết khủng hoảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến "sinh mệnh chính trị" của Thủ tướng Noda

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.