Châu Âu: Những bất cẩn đáng sợ của một số chính khách

Chủ Nhật, 27/06/2010, 14:30
Các quan chức cấp cao của chính phủ thường vẫn cảnh cáo các nhân viên cấp dưới rằng, ăn nói bất cẩn có thể gây thiệt hại đến sinh mạng. Nhưng có vẻ tại châu Âu những ngày gần đây các quan chức hầu như đã quên hết những lời nhắn nhủ này. Những lời tuyên bố vung vít của họ tuy rằng có thể không làm thiệt hại đến sinh mạng của ai nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình kinh tế và tài chính vốn đang làm chao đảo khu vực đồng euro hiện nay.

Tại Anh, sau khi chính phủ mới của Thủ tướng David Cameron lên tiếng chỉ trích chính quyền cũ của Công đảng là "lừa bịp" với những con số thống kê về tăng trưởng kinh tế để đưa ra một ngân sách lạc quan và đe dọa dân chúng là cần phải chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng gay gắt, thì lập tức thị trường đã phản ứng bằng cách đẩy đồng bảng Anh xuống so với đồng đôla Mỹ cũng như là chỉ số FT-100 (đo trị giá các cổ phiếu tại thị trường London) đi xuống một cách thê thảm.

Thế nhưng, trường hợp của Anh hãy còn nhẹ. Sự cố “sảy miệng” ở châu Âu lục địa còn nặng hơn. Mấy ngày hôm nay, Chính phủ Hungary cố sức tìm cách hàn gắn lại những thiệt hại cho thị trường châu Âu vì những lời tuyên bố của chính phủ mới nước này cảnh cáo: Hungary có thể là một trường hợp Hy Lạp mới. Những lời tuyên bố này đã gây rúng động cho các thị trường tài chính, đẩy tỉ giá đồng Florint của Hungary xuống mức thấp nhất từ một năm nay và khiến cho chi phí bảo hiểm các món nợ của nước này tăng vọt lên.

Tội nghiệp cho con số trên 1,5 triệu người dân Hungary có những món nợ bằng ngoại tệ thấy những món tiền mình phải trả hàng tháng tăng vọt lên. Không những vậy, những lời tuyên bố của ông Thủ tướng Hungary lại còn ảnh hưởng đến những nước khác tại châu Âu với lãi suất mà Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp phải trả để đi vay cũng đều tăng vọt kéo theo chi phí bảo hiểm cho những món nợ.

Cả hai trường hợp của Hungary và Anh đều xảy ra khi có một sự thay đổi chính phủ với chính quyền của một đảng mới lên thay thế chính quyền của một đảng cũ. Việc chuyển giao quyền lực luôn luôn là một vấn đề khó khăn, nhưng chuyển giao quyền lực lần này lại có vẻ gay gắt hơn có lẽ vì cả hai đảng hiện đang lên nắm quyền tại Anh đều đã có một thời gian quá dài ở trong vị thế đối lập. Và hầu như ai cũng biết khi ở trong vị thế đối lập, người ta có thể tuyên bố vung vít tố cáo đối thủ cầm quyền.

Nhưng trường hợp của Pháp lại đáng ngạc nhiên hơn. Dù sao chăng nữa đảng của Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng là đảng cầm quyền suốt từ nhiều năm nay. Mặc dù vậy, Pháp có vẻ cũng bị ảnh hưởng của mấy lời nói "sảy miệng" của Bộ trưởng Ngân sách, Francois Baroin, vào tuần trước.

Trong một buổi thảo luận vào cuối tuần, ông Baroin nói rằng, việc làm sao cho Pháp giữ được mức độ tín nhiệm AAA là một chuyện khó khăn. Câu nói của ông, dùng chữ "tendu" của tiếng Pháp mà các hãng thông tấn dịch sang tiếng Anh là "stretch" được các nhà đầu tư hiểu là Pháp mà muốn giữ được mức độ tín nhiệm AAA thì sẽ "căng" lắm, và sau khi nhìn lại những con số thống kê về kinh tế của Pháp, họ có vẻ đã đạt đến kết luận là ông Baroin nói đúng.

Trong khu vực đồng euro, Pháp có mức thiếu hụt ngân sách cao nhất, mang nợ nhiều nhất và là nước duy nhất hiện đang có thiếu hụt trong cán cân thanh toán hoạt kỳ khiến cho Pháp phải tùy thuộc vào người nước ngoài để mua những trái phiếu của mình.

Bộ trưởng ngân sách Pháp Francois Baroin.

Điều làm cho những nhà đầu tư quan ngại nhất là chính trị. Trong lúc phần còn lại của châu Âu - bắt đầu từ Đức - đều theo đuổi những chính sách khắc khổ thì Pháp cho đến nay mới chỉ cam kết sẽ ngưng gia tăng chi tiêu chính phủ ngoại trừ những gì dính dáng đến y tế và an sinh xã hội cũng như là hủy bỏ một số ưu đãi về thuế. Thành ra không có gì lạ khi những lời tuyên bố của ông Baroin đã khiến cho thị trường lo sợ. Khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu 10 năm của Pháp so với trái phiếu của Đức đã tăng lên gần gấp đôi chỉ trong khoảng một tuần.

Nhưng có lẽ hậu quả tai hại nhất của phút sảy miệng của ông Baroin là nó đã làm cho người ta chuyển sự chú ý từ những quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v... đến những nước được coi như là hạt nhân của khu vực đồng euro. Lãi suất trái phiếu của Bỉ nay đã cao hơn lãi suất của Đức đến trên 1%, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2009, trong khi lãi suất trái phiếu của các nước Hà Lan, Áo, Phần Lan đều đã tăng vọt.

Chi phí để bảo hiểm nợ của những nước này cũng đang mau chóng gia tăng. Riêng với Pháp, lần đầu tiên từ hai năm nay, chi phí bảo hiểm cho những món nợ của nước này đã cao hơn chi phí bảo hiểm của Anh.

Cho đến nay Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn còn giữ yên lặng, chắc hẳn hy vọng rằng những biện pháp được đưa ra trước khi những vụ "sảy miệng" này xảy ra sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng có lẽ ngân hàng cũng cần phải đưa ra một khuyến cáo cho các chính phủ: "Hãy im lặng và đừng tuyên bố gì cả"

G.K. (tổng hợp)
.
.