Châu Âu và tham vọng thoát khỏi phụ thuộc khí đốt vào Nga

Chủ Nhật, 15/02/2009, 16:35
Từ lâu các quốc gia châu Âu nhập khẩu khí đốt từ Nga luôn ý thức rằng chẳng sớm thì muộn họ cần thoát khỏi sự phụ thuộc này. Chẳng thế mà cách đây hơn 10 năm, châu Âu đã bắt đầu lập dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ các nước Trung Á thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ và đương nhiên đi vòng qua lãnh thổ nước Nga.

Vì nhiều lý do lúc bấy giờ dự án này đã bị treo. Cuộc khủng hoảng khí đốt mới đây một lần nữa khiến dự án trên của châu Âu sống lại một cách mãnh liệt.

Nhu cầu về khí đốt của châu  Âu trong vòng một thập niên tới sẽ tăng gấp đôi so với mức tiêu thụ hiện nay. Đây là điều khiến châu Âu lo ngại. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Nga sẽ phải cung ứng từ mức 65 tỉ m3  khí đốt hiện nay lên 105 tỉ m3  vào năm 2020 cho châu  Âu.

Nhưng làm thế nào để chuyển từng ấy số khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraina (quốc gia có đường ống dẫn khí đốt sang châu  Âu của Nga đi qua) không gặp trở ngại? Và điều gì xảy ra nếu Nga không bán khí đốt cho châu Âu nữa? Trước những câu hỏi trên, người ta hoàn toàn hiểu được những lo lắng từ phía các quốc gia châu Âu nhập khẩu khí đốt.

Và khi người ta nhập khẩu phần lớn nhu cầu khí đốt của mình thì theo lẽ tự nhiên người ta cũng muốn có những đường ống cho riêng mình. Chính vì vậy, cách đây hơn 10 năm, lãnh đạo các nước châu Âu đã nghĩ tới một dự án cung cấp khí đốt riêng.

Cho đến nay vẫn còn nằm trên bản vẽ, dự án có tên gọi Nabucco này chưa bao giờ được hiện thực hóa vì cái giá quá đắt của nó (trên 10 tỉ USD) và sự thiếu chắc chắn từ phía các nhà cung cấp.

Cả Iran, Kazakhstan, Turkmenistan, và Azerbaidjan (4 quốc gia vùng Trung Á mà châu Âu muốn mua khí đốt sau đó dẫn về theo đường ống Nabucco) đều không thể cam kết chắc chắn sẽ cung cấp đầy đủ cho đường ống này hoạt động.

Do vậy, ai sẽ là người đầu tư một khoản tiền lớn như vậy vào một đường ống bỏ không? Hơn nữa, tại Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống Nabucco sẽ phải đi qua phần đất của người Kurds. Và không ai thống kê được rằng đã có bao nhiêu lần những đường ống dẫn dầu qua đây là đối tượng của các vụ khủng bố.

Trong bối cảnh này, ngày 26/7 tháng giêng vừa qua, hội nghị thượng đỉnh về tái khởi động dự án Nabucco đã diễn ra tại Budapest, Hungary, tập hợp 15 nước tham gia trong đó có 6 quốc gia thành viên của  dự án Nabucco (Đức, Áo, Bulgari, Hungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU). Hội nghị kết thúc mà không thu được kết quả cụ thể nào.

Chi phí dự kiến để xây dựng hệ thống đường ống dài 3.300km và có khả năng cung cấp 31 tỉ m3 khí đốt hàng năm, dẫn khí đốt từ biển Caspi về Tây Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkans, đã không ngừng tăng. Trong khi các ngân hàng không chấp nhận đầu tư vào dự án này vì nó quá mạo hiểm. Các nhà cung ứng không dám hứa trước điều gì một khi đường ống chưa có.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Hungari Ferenc Gyurcsány, cho biết chính EU phải bỏ tiền ra đầu tư dự án này vì nó thuộc về vấn đề an ninh quốc gia của các nước châu  Âu. Vẫn ủng hộ dự án Nabucco, nhưng EU lại từ chối đầu tư. Cuối hội nghị, EU quyết định chi 250 triệu euro cho dự án này.

Khoản tiền này, nằm trong gói 3,5 tỉ euro để phát triển những dự án năng lượng quan trọng, nhưng lại chỉ chiếm 3% tổng chi phí cho dự án Nabucco. Khoản tiền trên cũng không được rót trực tiếp mà thông qua Ngân hàng đầu tư châu  Âu để cấp vốn vay cho 6 công ty tham gia dự án.

Sự thiếu thiện chí của châu  Âu đã khiến các nhà cung cấp khí đốt tiềm năng của dự án này nghi ngờ. Theo Tổng thống Ilham Aliev, Azerbaidjan sẵn sàng tham gia dự án Nabucco. Tuy nhiên, đối với Baku, châu Âu hiện giờ chỉ muốn “buôn nước bọt”.

Châu  Âu hiện tiêu thụ 700 tỉ m3 khí đốt hàng năm. Dự án Nabucco nếu được thực hiện cũng chỉ đảm bảo được 5% nhu cầu này. Nhiều nhà phân tích cho rằng EU còn chần chừ trong dự án này là vậy.

Trong khi dự án Nabucco của châu  Âu chưa đi đến đâu thì theo tờ nhật báo Izvestia của Nga trong bài viết có nhan đề “Châu  Âu đang đùa với lửa” trong đó dẫn lời của Thủ tướng Nga Vladimir Putin phát biểu tháng 10/008 rằng, nước Nga đang nghĩ tới việc chuyển hướng xuất khẩu khí đốt (ưu tiên cho thị trường châu Á).

“Châu  Âu phải có quyết định rõ ràng. Nếu EU không muốn nhập khẩu khí đốt từ Nga thông qua các đường ống dẫn mà chúng tôi đề xuất, chúng tôi buộc phải xây dựng các nhà máy hóa lỏng khí đốt và khi đó chúng tôi sẽ bán khí đốt bất kể nơi nào trên thế giới”- ông Putin cho biết.

Nga hiện đang xây dựng hai hệ thống đường ống dẫn khí đốt khác sang châu Âu là Nord Stream (đặt ở biển Baltique) và South Stream (biển Đen). Hai hệ thống này có thể cung cấp trên 86 tỉ m3 khí đốt đủ cho châu  Âu dùng vào năm 2020.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 6/2 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu  Âu, José Manuel Barroso đã dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu công du nước Nga. Sau cuộc khủng hoảng khí đốt mới đây giữa Nga và Ukraina, ảnh hưởng đến việc cung ứng khí đốt cho châu Âu, lần này, phái đoàn châu Âu và Nga đã tập trung thảo luận các biện pháp tránh tái diễn tình trạng nói trên.

Đối thoại giữa EU với phía Nga mở ra trong bối cảnh khó khăn. Cho đến nay chính quyền Nga vẫn coi Ukraina là quốc gia duy nhất có trách nhiệm trong vụ khủng hoảng khí đốt vừa qua. Trong khi đó, theo quan điểm của Bruxelles thì cả Moskva lẫn Kiev cùng có lỗi như nhau.

Do đó trước hết các đối tác cần thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau.  27 nước thành viên luôn nghiêng về giải pháp đối thoại và đã nhấn mạnh đến sự cần thiết để vấn đề năng lượng trở thành trọng tâm của cuộc đối thoại chiến lược giữa Liên minh châu Âu với Liên bang Nga

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.