Đồng Chủ tịch đảng Bảo thủ Sayeeda Warsi - Người phụ nữ gốc Hồi giáo đầu tiên trong nội các Anh bị yêu cầu từ chức:

Chia tay nhưng không tạm biệt

Thứ Ba, 25/09/2012, 18:35

Ngày 4/9, Thủ tướng Anh David Cameron đã quyết định tiến hành một cuộc cải tổ mạnh mẽ trong nội các của đất nước này với hi vọng sẽ thổi vào nền kinh tế đang bị suy thoái của xứ sở "sương mù" một luồng sinh khí mới. Sau quyết định cải tổ, một loạt các nhân vật giữ chức vụ trọng yếu đã bị luân chuyển, thay đổi và thậm chí là giáng chức. Sự thay đổi này đã khiến cho nội các mới của Anh lần đầu tiên không có một thành viên nữ nào trong vòng 16 năm trở lại đây.

Cùng với các thành viên bị đưa ra khỏi nội các có cả phu nhân vùng đất Dewsbury Warsi - đồng Chủ tịch đảng Bảo thủ, một vị lãnh đạo cao cấp và đặc biệt, cho đến ngày phải từ chức, bà là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên làm việc trong nội các Anh. Với nhiệm vụ mới là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Warsi vẫn có thể ra vào nội các chính phủ trong vai trò của một bộ trưởng đại diện cho nhân dân, và một ngày nào đó có thể bà sẽ trở lại.

"Nữ huân tước suốt đời"

Bà Warsi tên đầy đủ là Sayeeda Husain Warsi, là một luật sư, một chính khách người Anh gốc Pakistan. Bà là con thứ hai trong số 5 người con của một gia đình Pakistan di cư đến thị trấn Dewsbury. Cha bà là một công nhân, sau đó ông đã mở một công ty sản xuất giường ngủ. Theo bà Warsi, thành công trong quá trình lập nghiệp của cha bà chính là nguồn cơn đưa bà đến gần với những nguyên tắc gắn liền với đảng Bảo thủ. Bà Warsi tốt nghiệp Trường đại học Leeds với chuyên ngành luật. Bà tiếp tục tham gia khóa đào tạo tại Trường đại học Luật ở thành phố York, sau đó hoàn thành kỳ thực tập của mình tại Dịch vụ truy tố Hoàng gia và Bộ Nội vụ xuất nhập cảnh để hội tụ được đầy đủ các điều kiện hành nghề của một luật sư.

Năm 2007 bà được Hoàng gia Anh phong tặng tước hiệu "Huân tước suốt đời" (Huân tước không được phép truyền tước hiệu lại cho người thừa kế) và trở thành phu nhân của vùng đất Dewsbury. Đồng thời phu nhân Warsi cũng được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Không bộ (bộ trưởng chung, giám sát các bộ mà không phụ trách một bộ riêng nào). Trúng cử vào Thượng viện ở tuổi 36, phu nhân Warsi trở thành thành viên trẻ tuổi nhất trong nội các Anh.

Thế nhưng, chỉ sau 2 năm từ tháng 5/2010 đến đầu tháng 9/2012 giữ chức đồng Chủ tịch của đảng Bảo thủ cùng với Huân tước Feldman, phu nhân Warsi đã phải nhận quyết định phế truất từ Thủ tướng Cameron. Khi nhận quyết định cải tổ, bà Warsi đã tỏ ra rất kiên quyết muốn giữ chức đồng Chủ tịch đảng Bảo thủ của mình.

Warsi cho rằng chính bà là hiện thân của xu hướng bình đẳng, đa văn hóa, sắc tộc trong chính phủ, điều mà ông Cameron đang hướng tới, bà sẽ đi vào lịch sử vì những điều đáng ghi nhớ như là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên trong nội các, xuất thân từ tầng lớp công nhân lao động, không là người da trắng và là một người dân đô thị.

Bà Warsi phát biểu: "Nếu bạn nhìn vào số liệu thống kê dân số ở những nơi chúng ta cần có mặt trong cuộc bầu cử tới, bạn sẽ thấy ta cần phải có nhiều người miền Bắc bỏ phiếu cho chúng ta hơn, nhất là những người thuộc tầng lớp lao động chân tay. Thêm nữa chúng ta cũng cần nhiều người dân đô thị bỏ phiếu cho chúng ta hơn nữa, nhiều phụ nữ và nhiều người không phải dân da trắng hơn đi bầu cử. Đối chiếu lại những tiêu chí trên tôi thấy bản thân vẫn rất phù hợp để ở lại. Mọi cộng đồng mà chúng ta hướng đến tôi đều quen thuộc với họ".

Nhưng có lẽ các cuộc tranh luận gay gắt cùng tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề cải tổ bộ máy đã buộc bà phải tiên phong ra đi. Báo chí Anh đã ví bà như một ngôi sao sắp sửa lụi tàn.

Các chỉ trích bủa vây

Một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra về vấn đề cải tổ bộ máy chính phủ trên nhiều phương diện ở đó bà Warsi phải chịu khá nhiều áp lực, đề nghị bà không giữ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ nữa. Nhiều người cho rằng chức đồng Chủ tịch đảng Bảo thủ của bà Warsi chỉ mang tính hình thức.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ken Clarke sẽ đảm nhận vai trò bộ trưởng không bộ của bà Warsi trong nội các mới.

Có lẽ phán xét gay gắt nhất dành cho bà Warsi là việc bà đã không quan tâm kỹ các cơ quan truyền thông khi họ đăng tin về chính phủ, nhất là khoảng thời gian xảy ra các cuộc tranh luận về sự tiếp quản gói thầu Công ty Truyền thông BskyB, những oán giận của người dân về quá trình cải cách dịch vụ y tế đã vô hình gây thêm áp lực cho nền kinh tế Anh. Trong khi đó những cộng sự và cấp dưới của bà như Phó chủ tịch Michael Fallon và nhiều người khác trong nội các lại tỏ ra hoàn thành tốt nhiều công việc hơn.

Vị thế của bà Warsi đã bị lung lay từ đầu năm nay khi bà bị yêu cầu điều tra sau khi có các cáo buộc bà đã đòi hỏi Quốc hội một khoản chi thêm lên tới 2.000 bảng cho các chuyến công tác, trong khi đó bà hoàn toàn được ở miễn phí tại dinh thự của một nhà tài trợ, đó là tiến sĩ Wafik Moustafa của đảng Bảo thủ ở London. Tiến sĩ Moustafa cho biết,  ông không hề nhận một khoản tiền nào từ bà Warsi.

Theo đó, bà Warsi bị cáo buộc trở thành bộ trưởng đầu tiên vi phạm quy tắc trong bộ luật Bộ trưởng. Ngài Alex Allan, Chủ tịch Ủy ban tình báo chung của Anh cho biết, bà Warsi đã vi phạm ít nhất 2 điều luật mặc dù ông cũng phải công nhận rằng đó chỉ là 2 lỗi nhỏ và bà Warsi cũng đã viết thư xin lỗi Thủ tướng Cameron. Lỗi tiếp theo của bà Warsi xảy ra trong chuyến viếng thăm Pakistan khi bà đã để một doanh nhân là họ hàng của bà đi cùng đoàn lãnh đạo cao cấp tới Pakistan.

Tiếp đó, trong bối cảnh cuộc tranh luận ở Anh về chiếc mạng che mặt của phụ nữ Hồi giáo trong chính phủ, các thành viên đảng Bảo thủ đã cố gắng đấu tranh để phụ nữ Hồi giáo không phải đeo burqas (loại mạng che kín mặt, chỉ hở đôi mắt). Bà Warsi lại cho rằng trang phục như vậy không hề giới hạn phụ nữ trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống và việc lựa chọn mặc gì hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Còn đối với những nhà phê bình thì mạng che mặt sẽ gây ra phân biệt và không hề có tác dụng gì trong xã hội Anh. Bà nhận được sự ủng hộ duy nhất của đồng nghiệp là ông Damian Green, Bộ trưởng Bộ Xuất nhập cảnh rằng việc cấm mạng che mặt sẽ là việc làm không giống với một nước Anh văn minh, rộng lượng và không đại diện cho một xã hội tôn trọng lẫn nhau. Thế nhưng, bà Warsi cũng là một chính trị gia khá thẳng thắn, dám tấn công vào văn hóa trọng nam của đảng Bảo thủ, điều cũng giống như văn hóa của người Hồi giáo.

Sự tín nhiệm của bà Warsi tiếp tục bị lung lay khi vào ngày 30/11/2009, bà đã bị một nhóm người Hồi giáo ném trứng trong khi đi khảo sát vòng quanh Luton. Những kẻ phản đối đã chỉ trích bà, cho rằng bà Warsi không phải là một người Hồi giáo thực thụ khi ủng hộ cuộc chiến ở Afghanistan. Bà Warsi cho biết, đó chỉ là những kẻ quá khích, ngu muội và không hề đại diện cho số đông những người Hồi giáo ở Anh. Sau đó bà vẫn tiếp tục chuyến đi với sự tháp tùng của cảnh sát. Tháng 5/2010, nhà truyền giáo Anjem Choudary đã cảnh báo rằng bà có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu tiếp tục đến thăm các cộng đồng người Hồi giáo. Ông cho biết bà có thể bị ném trứng phản đối và thậm chí còn bị tấn công hơn thế nữa bất kỳ khi nào bà đặt chân đến khu vực của người Hồi giáo.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của cuộc tổng tuyển cử năm 2005, khi ấy bà còn là đại biểu Quốc hội cho vùng Dewsbury, bà đã bị lên án vì xu hướng kỳ thị và sợ những người đồng tính.

Các thành viên của đảng đối lập trong nội các cho rằng sự ra đi của bà ngày hôm nay là hệ quả tất yếu của quá trình nắm giữ cương vị một cách chệch choạc, không hiệu quả. Đối với bà Warsi đây là một thông điệp chứa đựng nhiều lo ngại về những thách thức cần vượt qua trong quá trình thay đổi các quan niệm trước đây về phụ nữ và các nhóm người thiểu số có thể sẽ chưa kịp giải quyết thấu đáo trước khi bà rời khỏi cương vị. Bà bị chỉ trích nặng nề về việc chỉ có một lý lịch tương đối nghèo nàn trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù đã được xóa bỏ những cáo buộc đòi hỏi chi tiêu ở Quốc hội nhưng danh tiếng của bà do đó vẫn khó mà hồi phục vẹn toàn.

Chưa bước ra khỏi vòng quyền lực

Sức thuyết phục của Warsi có thể là chưa đủ tuy nhiên vẫn giúp bà giữ lại được một công việc. Sau khi dành một đêm cân nhắc đề nghị của Thủ tướng bà đã chấp nhận quyết định giáng chức của ông và nhận nhiệm vụ mới là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và với vai trò của một Bộ trưởng đại diện cho nhân dân, bà vẫn có thể ra vào nội các chính phủ. Bà trăn trở: "Nếu không có phụ nữ trong nội các thì sẽ có rất ít cơ hội cho họ bày tỏ quan điểm về các vấn đề sử dụng ngân sách. Chi tiêu công như vậy có thể sẽ gây ra thiên hướng lệch lạc đối với những vấn đề thực sự quan trọng cho phụ nữ".

Trước khi đưa ra đường lối cải tổ, các hoạt động của bà Warsi từ tháng 5/2010 đã được Thủ tướng xem xét rất kỹ lưỡng. Ở đây bà Warsi vẫn được nhiều người trong tổ chức cần đến không chỉ vì các giá trị nền tảng bà có mà còn vì nhiều thành viên đảng Bảo thủ nhận thấy đảng đang trở nên càng ngày càng xa rời những cử tri và cần bà Warsi phải làm được nhiều hơn thế nữa.

Là một người phụ nữ vượt qua nhiều rào cản và trở ngại trong cuộc đời, thất bại đầu tiên là vụ ly dị chồng vào năm 2007 sau cuộc hôn nhân sắp xếp kéo dài 17 năm, bà Warsi đang cố gắng bình thản hết sức trước quyết định phải ra đi. Chiếc ghế Bộ trưởng Không bộ của bà Warsi trong nội các sẽ do ông Kenneth Clarke, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, người cũng bị giáng chức, sẽ đảm nhiệm.

Một loạt các bộ trưởng phải rời khỏi nội các sau khi nhận quyết định của Thủ tướng David Cameron trong đợt cải tổ này đã bắt tay vào công việc mới. Bà Warsi có thể phải bước xuống từ cương vị cao nhất trong đảng Bảo thủ, nhưng chưa bước ra khỏi vòng quyền lực. Biết đâu, một ngày vị tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh sẽ trở lại

Hoàng Cúc - Tấn Bình (tổng hợp)
.
.