Đại sứ đặc biệt về vấn đề Trung Đông George Mitchell:

"Chiến tranh do con người tạo ra thì con người có thể chấm dứt chiến tranh"

Thứ Hai, 25/01/2010, 22:25
Tiến trình hòa bình tại Trung Đông hiện nay đang ở trong thế bế tắc hoàn toàn. Tuy nhiên, George Mitchell, Đại sứ đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Trung Đông, xuất thân trong gia đình có cha là người Ailen, mẹ là người Liban, lại tin rằng không có cuộc chiến nào là không có cách giải quyết.

Vị trí đại sứ đặc biệt về vấn đề Trung Đông của George Mitchell được các cộng sự trong Nhà Trắng miêu tả là chức vụ "không ai thèm muốn nhất". Một năm sau khi được Tổng thống Obama chỉ định vào chức vụ này, George Mitchell đã thực hiện biết bao chuyến đi con thoi tới thủ đô tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông, trải qua hàng trăm giờ đàm phán với tất cả các nguyên thủ quốc gia trong vùng, cho tới nay vẫn chưa đem lại nhiều kết quả.

Cuộc xung đột giữa Israel - Palestine dường như chưa bao giờ trở nên bế tắc như hiện nay. Nhưng Mitchell không nản chí. Cựu thượng nghị sĩ bang Maine, nằm cuối miền Đông Bắc nước Mỹ, và là con của một gia đình từng trải qua hai cuộc nội chiến dài nhất trong thế kỷ XX (Ailen và Liban), Mitchell vẫn tin rằng không có cuộc chiến nào là không có cách giải quyết.

"Những cuộc chiến tranh được tạo ra, dẫn dắt và tiếp lửa bởi con người và chúng sẽ được chấm dứt bởi con người. Một cuộc chiến không có lối thoát hoàn toàn không tồn tại"- Mitchell, năm nay 77 tuổi, là con người làm việc không biết mệt mỏi, ông luôn nói những câu như thế với giới truyền thông.

Nếu có một phương pháp nào để cho hòa bình ở Trung Đông, thì nó chỉ có thể tóm gọn trong hai từ: kiên trì, nhẫn nại. Phát biểu trước ống kính máy quay, ông Mitchell nói: "Hòa bình được thiết lập tại Bắc Ailen sau 800 năm người Anh có mặt tại đây. Những ai tin rằng có thể giải quyết xung đột tại Trung Đông, còn lâu đời hơn thế, chỉ trong vài tháng thì thật sai lầm".

Khi ông Mitchell được Tổng thống Bill Clinton cử làm Đặc phái viên tại Bắc Ailen năm 1995, cuộc chiến Bắc Ailen lúc đó cũng dường như không có lối thoát. Mọi cố gắng trước đó nhằm chấm dứt 30 năm xung đột đẫm máu giữa người theo đạo Tin Lành và người Cơ Đốc giáo đều thất bại, sự nghi kị và lòng thù hận giữa hai bên luôn sâu sắc.

Phương pháp được George Mitchell sử dụng tại Bắc Ailen khi đó rất cấp tiến. Chú tâm lắng nghe những yêu sách của hai phía, để rồi sau đó đưa hai kẻ thù vào bàn đàm phán về nguyên tắc cơ bản, trước khi ấn định một thời hạn chót và lập một văn kiện duy nhất dùng làm cơ sở cho một thỏa ước trong tương lai. Tất cả đều được tiến hành trong bí mật, hạn chế tối đa sự can thiệp của truyền thông.

Nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Bill Clinton và có đặc quyền tiếp xúc trực tiếp với tổng thống, Mitchell đã thành công ngoài mong đợi khi buộc hai bên trong cuộc chiến Bắc Ailen ký vào Hiệp ước hòa bình năm 1998, chấm dứt cuộc nội chiến Ailen. "Điều tôi học được từ quá trình hòa giải tại Bắc Ailen là không bao giờ được lùi bước, nản chí dù có bất kỳ điều gì xảy ra" - Mitchell cho biết.

Cuối nhiệm kỳ năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã cử Mitchell tới Trung Đông, đó là lúc phong trào Intifada lần hai nổ ra khiến tiến trình hòa bình Trung Đông theo Hiệp ước Oslo bị đổ vỡ. Báo cáo của Mitchell khi đó đã nhấn mạnh tới vấn đề định cư Do Thái tại các phần đất của Palestine.

9 năm sau, Mitchell quay trở lại Trung Đông, trong khi tình hình đã trở nên trầm trọng: các khu định cư của người Do Thái đã lan sang cả Bờ Tây, người Palestine thì bị chia rẽ thành hai phe, chính quyền Palestine ở Ramallah, còn Hamas kiểm soát Dải Gaza, trong khi chính quyền Israel mới của Thủ tướng Nétanyahu lại càng tỏ ra cứng rắn hơn các chính phủ tiền nhiệm về vấn đề các khu định cư.

Những cố gắng của ông Mitchell trong việc tái khởi động vòng đàm phán hòa bình cho đến nay đã vấp phải thái độ không nhân nhượng của các bên liên quan, bên này buộc tội bên kia chịu trách nhiệm về sự bế tắc trong đàm phán hiện nay. Tồi tệ hơn, khi yêu cầu Israel phong tỏa toàn bộ việc xây dựng các khu định cư Do Thái, Mỹ dường như đã làm phức tạp thêm vấn đề.

Sự tránh né của Thủ tướng Nétanyahu, tiếp nối bằng một lệnh ngưng tạm thời việc xây dựng các công trình mới trong các khu định cư đưa ra hồi cuối tháng 12/2009, đã không làm hài lòng được bất kỳ ai (nhất là Palestine và Mỹ). Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tiếp tục yêu cầu phía Israel phải ngưng toàn bộ việc xây cất trong các khu định cư, coi đó như là điều kiện tiên quyết để Palestine trở lại bàn đàm phán trong khi Nétanyahu lại làm điều ngược lại.

Nhưng Mitchell là người luôn nhìn cái chai chỉ đầy một nửa, vẫn tiếp tục đổ nước vào được. "Chúng ta đã đạt được một lệnh ngưng xây cất trong 6 tháng, mặc dù chưa tương xứng với những gì chúng ta mong đợi, nhưng lại hơn bất cứ một chính phủ Israel nào làm trước đây. Vạn sự khởi đầu nan. Thường thì việc bắt đầu đàm phán khó hơn là kết thúc nó" - George Mitchell nhấn mạnh và muốn tận dụng lệnh ngưng xây cất trên của chính quyền Nétanyahu để tiến tới một thỏa hiệp về đường biên giới cho một nhà nước Palestine trong tương lai.

Vì tin rằng một giải pháp đàm phán sẽ có lợi cho cả Israel cũng như Palestine, Mitchell lần đầu tiên đưa ra khả năng Mỹ sẽ dùng tới biện pháp cưỡng bức. "Chúng tôi có củ càrốt và chiếc gậy" - ông Mitchell nói khi nêu ra những bảo đảm nhà băng mà Mỹ trao cho Israel. Bức thông điệp của ông Mitchell đã rõ: Mỹ đã quyết định bằng mọi cách sẽ giải quyết xong vấn đề nan giải nhất trong quan hệ quốc tế đương đại.

Ông Mitchell đã dành 5 năm để tạo dựng nền hòa bình cho Bắc Ailen, nay tự cho mình 2 năm để làm được điều đó tại Trung Đông. Canh bạc quả là lớn nhưng Mitchell tin rằng một giải pháp cho hòa bình Trung Đông là có thể. Khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.