Chile: Cháu nội cố Tổng thống Allende giành chiến thắng đầu tiên trên chính trường

Chủ Nhật, 18/11/2012, 11:15

Cuộc bầu cử địa phương vào ngày 28/10 vừa qua đã chứng kiến một loạt chiến thắng vang dội của đảng cánh tả, trong đó có những chiến thắng quan trọng ở thủ đô Santiago, đặc biệt là bà Maya Fernandez Allende, cháu nội của cố Tổng thống Salvador Allende, người bị ám sát trong vụ đảo chính ngày 11/9/1973 do tướng Augusto Pinochet tiến hành.

Cuộc bầu cử địa phương ngày 28/10 được xem là thành công chính trị lớn nhất của Maya. Năm nay 41 tuổi (sinh năm 1971), Maya sinh ra tại Chile, lớn lên tại Cuba. Khi tướng Pinochet tiến hành vụ đảo chính ngày 11/9/1973 lật đổ ông nội bà, Tổng thống Salvador Allande, Maya mới tròn 2 tuổi.

Mẹ Maya, bà Beatriz, đã phải bồng bế con gái nhỏ chạy sang Cuba lánh nạn vì chế độ của tướng Pinochet truy lùng gắt gao người của chế độ cũ, nhất là những người thân cận với cố Tổng thống Allande và những người theo tư tưởng thiên tả, chống đối chế độ quân phiệt độc tài. Trong số những người lưu vong còn có cả cựu Tổng thống Michelle Bachelet và gia đình.

Năm 1992, sau khi chế độ độc tài của tướng Pinochet chấm dứt, cánh tả lên nắm quyền, Maya và gia đình trở về nước. Maya bắt đầu tham gia vào các hoạt động trên chính trường, trong vai trò Ủy viên Hội đồng quận Nunoa. Năm 2008, Maya lần đầu được bầu vào một cơ quan chính trị cấp quận, làm Ủy viên Hội đồng quận Nunoa của thủ đô Santiago.

Trong cuộc bầu cử địa phương ngày 28/10, Maya tham gia ứng cử chức quận trưởng quận Nunoa, với tư cách là đảng viên đảng Dân chủ Chile (PPD), đánh bại đương kim Quận trưởng Pedro Sabat thuộc đảng trung hữu Cách mạng quốc gia (RN). Khu vực Maya tranh cử xưa nay nổi tiếng là "cấm địa" của đảng RN, với việc đương kim Quận trưởng Sabat được bầu 3 nhiệm kỳ liên tục, tổng cộng 16 năm. Cho đến một tuần trước kỳ bầu cử, người ta còn chưa dám nghĩ đến khả năng Maya có thể đấu nổi với Quận trưởng Sabat.

Tuy nhiên, lợi thế quan trọng của Maya không chỉ đến từ mối thiện cảm mà nhiều người dành cho ông nội bà vẫn còn, mà đó còn là những vấn đề về công bằng xã hội, công bằng trong giáo dục, việc làm,… những mâu thuẫn đã dẫn đến những cuộc biểu tình, bãi công diễn ra rầm rộ ở Chile trong vòng một năm trở lại đây. Maya cùng một số chính khách cánh tả khác đã tham gia xuống đường cùng với các tầng lớp xã hội để kêu gọi tái lập công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân Chile.

Carolina Toha.

Cùng đảng với Maya còn có nhiều người giành chiến thắng vang dội tại các địa phương trên cả nước Chile, trong đó chiến thắng quan trọng nhất là của bà Carolina Toha trước ứng cử viên Pablo Zalaquett thuộc đảng cực hữu Liên đoàn Dân chủ Độc lập (UDI), tại quận trung tâm Santiago. Sinh năm 1965, Carolina Toha từng là phát ngôn viên của cựu Tổng thống Bachelet. Bà là con gái của cựu Phó Tổng thống Jose Toha dưới thời Tổng thống Allande. Sau khi Tổng thống Allande bị lật đổ, ông Toha cũng bị bắt giam và tra tấn rồi chết trong ngục.

Ngày nay, Carolina Toha cũng đi theo con đường đấu tranh của cha, và chủ trương đối lập với đương kim Quận trưởng Pablo Zalaquett (sinh năm 1963). Năm 2011, Carolina tham gia cùng sinh viên thủ đô Santiago xuống đường biểu tình đòi công bằng và tự do trong giáo dục ở Chile, trong khi ông Zalaquett thì ra lệnh cho cảnh sát dùng dùi cui và hơi cay để trấn áp. Toha tuyên bố: "Tôi sẽ là quận trưởng của mọi người. Mọi người sẽ được lắng nghe, sẽ không một ai bị lãng quên".

Ngoài ra, đảng cánh tả của Chile còn giành chiến thắng tại quận sang trọng của Santiago là Providencia, với ứng cử viên Josefina Errazuriz đánh bại đương kim Quận trưởng, Đại tá Cristian Labbe. Đại tá Labbe là một gương mặt kỳ cựu dưới thời tướng Pinochet cầm quyền, được giao trọng trách lãnh đạo Cơ quan Tình báo nội địa. Sau khi chính quyền mới tại Chile đưa ra chính sách hòa giải, không truy cứu những người không gây nợ máu thời Pinochet, Đại tá Labbe đã giũ bỏ chiếc áo an ninh tình báo để tham gia vào chính trường. Ông cũng đã cố gắng đưa những người từng phục vụ dưới thời tướng Pinochet trở lại với chính trường Chile.

Qua kết quả kiểm phiếu chính thức vừa được công bố, liên minh các đảng cánh hữu cầm quyền đã mất ưu thế, chỉ giành được 37% số ghế, trong khi các đảng cánh tả vùng lên mạnh mẽ, giành đến 43% số ghế.

Có một sự thay đổi quan trọng trong bầu cử ở Chile sau khi ông Sebastian Pinera lên làm Tổng thống vào năm 2009. Kết quả đó phản ánh một điều, thành phần cử tri lớn tuổi ngày càng thiên về cánh hữu, cho nên để tìm kiếm cơ hội giành lại chính quyền, các đảng cánh tả tìm cách gia tăng số lượng cử tri đi bầu từ 8,1 triệu lên 13,4 triệu cử tri (con số đăng ký tại cuộc bầu cử địa phương ngày 28/10 vừa qua), bao gồm thêm những đối tượng cử tri trẻ tuổi, thành phần sinh viên học sinh thiên tả.

Tổng thống Pinera chấp nhận đề nghị mở rộng thành phần cử tri của cánh tả, nhưng với một điều kiện là các đảng cánh tả phải chấp nhận bỏ quy chế "bầu cử bắt buộc". Cánh tả đã chấp nhận. Giới phân tích cho rằng, việc bỏ quy chế bầu cử bắt buộc là một sai lầm, vì tầng lớp trung lưu khá giả ngày càng ít quan tâm đến bầu cử, nếu không bắt buộc thì họ sẽ không chịu đi bầu cử. Thực tế tại một số khu vực trong cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, tỉ lệ cử tri vắng mặt có nơi lên đến 80%.

Sau màn ăn mừng chiến thắng đêm 28/10, bà Maya đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị tiếp quản chức quận trưởng. Phát biểu với báo chí, bà Maya cho rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử mới chỉ là bước khởi đầu của một công việc thật sự khó khăn. Cái khó trước tiên là, Maya biết rõ sức ép từ việc kế thừa di sản của ông nội mình là không hề nhỏ. Maya cho biết, bà tự hào về ông nội mình, nhưng đồng thời cũng cảm thấy có trách nhiệm phải phấn đấu làm sao cho xứng đáng với niềm vinh dự là con cháu của cố Tổng thống thiên tả - người "trung thành với nhân dân mình cho đến phút cuối"

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.