Chính giới Mỹ vẫn chưa thôi “dị ứng” với “nhân vật thân Nga”

Thứ Hai, 19/12/2016, 17:35
Trong báo cáo vừa đưa ra của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhấn mạnh đến “Những mối đe dọa chính cần lưu ý trong năm 2017” thì Nga vẫn là chủ thể dẫn đầu do “sự đối đầu quân sự cố tình hoặc vô tình của Nga trên lãnh thổ các nước Đông Âu”.

(Mối lưu tâm thứ hai thuộc về "khủng hoảng nghiêm trọng ở Triều Tiên", liên quan đến tham vọng biến thành cường quốc vũ khí hạt nhân của nước này. Đứng trên cả mối đe dọa từ các cuộc tấn công khủng bố, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ xem mối đe dọa và các thiệt hại do các cuộc tấn công của hacker quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng của Mỹ nghiêm trọng hơn). Điều này cho thấy, trong chính giới Mỹ, các nhân vật thân Nga khi bước vào nội các sẽ được “chăm sóc kỹ”.

Ngày 13-12, sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chính thức thông báo chọn Rex Tillerson, Giám đốc Điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil trong suốt 14 năm qua làm Ngoại trưởng Mỹ, trợ lý chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov khi được hỏi quyết định bổ nhiệm của Trump có thể giúp khôi phục quan hệ Nga - Mỹ không, đã trả lời: “Ông Tillerson là người tích cực hỗ trợ hợp tác kinh doanh. Chúng tôi muốn thoát khỏi tình trạng khủng hoảng (trong quan hệ song phương) đang không làm hài lòng cả Nga lẫn Mỹ".

Đặt trụ sở chính tại bang Texas, Exxon Mobil là tập đoàn dầu khí tư nhân lớn nhất thế giới và là một trong những tập đoàn có quy mô vốn lớn nhất. Chủ sở hữu tập đoàn sản xuất nhiên liệu này là tỷ phú - “vua dầu lửa” John D. Rockefeller. Hiện ở Nga, tập đoàn này đang tham gia dự án Sakhalin-1 (dự án có 30% vốn của Exxon Mobil và Sodeco Nhật Bản, 20% của Rosneft và ONGC Ấn Độ). Đây là dự án khai thác dầu khí tại 3 mỏ dầu lớn trên đảo Sakhalin là Odoptu, Chayvo và Arkutun-Daghi.

Ông Rex Tillerson làm việc tại tập đoàn này từ năm 1975. Tháng 1-1998, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch của Exxon Ventures (CIS) Inc. và làm Chủ tịch của Exxon Neftegas Limited. Với tư cách là người điều hành các dự án của Exxon ở Nga và khu vực Caspian, cũng như chịu trách nhiệm cho các hoạt động của tập đoàn trong dự án Sakhalin-1 trên đảo Sakhalin vì thế Ngoại trưởng Mỹ tương lai (năm nay 64 tuổi) được đánh giá có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Nga. Ông là bạn của Igor Sechin, Chủ tịch Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga đồng thời là cựu Phó Thủ tướng Nga. Hai người đã ký một hợp đồng về hợp tác khai thác nguồn trữ lượng tiềm tàng tại Tây Siberia.

Cùng với việc mở rộng hoạt động của tập đoàn Exxon Mobil tại Nga trong gần 20 năm qua, Rex Tillerson là người phản đối mạnh mẽ nhất các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Exxon Mobil là doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt này, cụ thể tập đoàn đã buộc phải đình lại 9 dự án trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược với Rosneft.

Năm 2003, tại St Petersburg, Rex Tillerson tham gia cuộc họp của người đứng đầu điện Kremlin với lãnh đạo các công ty năng lượng Nga và nước ngoài, dịp này ông được trao giải thưởng "Năng lượng toàn cầu". Vào tháng 6-2013, đích thân Tổng thống Putin đã trao Huân chương Hữu nghị Liên bang Nga cho người đứng đầu Exxon Mobil tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo các công ty năng lượng trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế quốc tế cũng diễn ra tại St. Petersburg.

Cuộc gặp giữa ông Tillerson và Tổng thống Putin vào mùa hè năm 2011.

Huân chương Hữu nghị bắt đầu được trao từ tháng 3-1994 cho những người có thành tích xuất sắc đóng góp trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc, có thành tựu cao trong phát triển tiềm năng kinh tế và khoa học Nga, mang lại hiệu quả đặc biệt trong việc xích lại gần nhau và làm giàu lẫn nhau của các nền văn hóa cũng như mối quan hệ hòa bình - hữu nghị giữa các quốc gia và dân tộc.

Quyết định bổ nhiệm đầy bất ngờ này như càng khẳng định “thiên hướng thân Nga” của ông Trump vốn ồn ào trong dư luận Mỹ bấy lâu nay. Để giảm bớt điều tiếng, Cố vấn Kellienn Conway cho rằng, mối quan hệ giữa ông Tillerson và Tổng thống Nga Putin được xây dựng trên lợi ích công việc, chứ trên bình diện cá nhân “không thân thiết đến mức suồng sã”.

Ông Conway viện dẫn việc Exxon Mobil nào năm 2015 đã trình lên tòa án Stockholm vụ kiện đòi Nga phải hoàn khoản thuế liên quan đến dự án "Sakhalin-1" để chứng minh mối liên hệ không công-tư lẫn lộn giữa tân ngoại trưởng vừa được đề cử và người Nga.

Được biết, Exxon Mobil đang cố gắng giảm thuế thu nhập của dự án “Sakhalin-1” từ 35% xuống 20% và đòi lại khoản thuế đã nộp thừa suốt 7 năm qua (số tiền trị giá 500 triệu USD). Dự kiến phiên tòa liên quan đến tranh chấp thuế sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm 2017.

Ngày 13-12, phát biểu trước đám đông tại thành phố West Allis, bang Wisconsin, ông Trump ca ngợi ông Rex Tillerson là “một nhà ngoại giao lớn” và “một trong những lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tài năng nhất ngày nay”.  Được đánh giá là người có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều lãnh đạo trên thế giới, ông Trump hy vọng Rex Tillerson sẽ mang lại hướng đi mới cho ngành ngoại giao Mỹ. Thay vì liều lĩnh can dự vào hàng loạt các chiến dịch can thiệp, chính quyền mới sẽ xây dựng một chiến lược dài hạn hướng tới ổn định, thịnh vượng, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammed Sanusi Barkindo cũng hoan nghênh đề cử này và cho rằng, ông Rex Tillerson sẽ là một “bổ sung giá trị” cho nội các mới của nước Mỹ. Nếu được bổ nhiệm, ông Tillerson sẽ phải đảm nhiệm trọng trách đại diện quốc tế cho một vị Tổng thống Mỹ từng nhiều lần phát ngôn về việc rời bỏ các thỏa thuận quốc tế cũng như thay đổi các quan hệ ngoại giao có lịch sử hàng chục năm.

Điều đáng nói là ông Trump chọn Rex Tillerson chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử vừa qua để giúp ông Trump thắng cử. Đó là hôm 10-12, CIA đã báo cáo vắn tắt trước Quốc hội Mỹ về việc Nga nhằm vào các tổ chức chính trị của đảng Dân chủ và các nhân viên trong chiến dịch tranh cử với nỗ lực đánh bại bà Clinton.

CIA viện dẫn các bằng chứng cho thấy, gần đến cuối chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, các tin tặc làm việc cho tình báo Nga đã mở đợt tấn công vào hệ thống mạng tranh cử của bà Clinton và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC). CIA cho rằng, qua cuộc tấn công, Chính phủ Nga muốn gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho Donald Trump. Các tin tặc tấn công bằng cách gửi các email dẫn dụ người mở nó tới các trang web giả, từ đó tin tặc sẽ xâm nhập hệ thống mạng của nạn nhân.

Dmitri Alperovitch, nhà đồng sáng lập và lãnh đạo văn phòng phụ trách công nghệ của Crowd Strike cho biết, hơn 10 nhân viên của chiến dịch và DNC nhận được mail này. Crowd Strike là công ty an ninh mạng được DNC thuê để đẩy lùi nạn tấn công mạng. Alperovitch cho biết các nhân viên nhận được mail đủ cảnh giác để không bấm vào email dẫn dụ.

Jennifer Palmieri, người từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Truyền thông trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton, nói với Yahoo News hôm 11-12 rằng, bà nhận được một email cảnh báo từ Google hồi giữa tháng 10 về việc tài khoản Gmail của bà đã bị những người "ở nước ngoài" nhắm đến. Lần đó, Google cảnh báo Palmieri nên đổi mật khẩu.

Rex Tillerson và Igor Sechin, Chủ tịch Rosneft, Tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga.

"Họ đã tấn công chúng tôi trong suốt cuộc bầu cử. Họ không ngừng quay lại để xâm nhập hệ thống mạng", một cựu nhân viên cấp cao trong chiến dịch của Clinton, đề nghị giấu tên, nói.

Crowd Strike bước đầu xác định có hai nhóm tấn công nhằm vào máy chủ của DNC; một là “Cozy Bear”, gắn liền với Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), tấn công mạng DNC lần đầu vào mùa hè 2015. Nhóm thứ hai là “Fancy Bear”, gắn với Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU). Đây là nhóm xâm nhập mạng của DNC vào tháng 4 và cung cấp 20.000 email nội bộ cho WikiLeaks để rồi WikiLeaks vào tháng 7 tung các email tai tiếng này lên cùng những tài liệu nội bộ khác trong đảng Dân chủ, kích động phản ứng dữ dội từ công chúng, dẫn đến việc Chủ tịch Ủy ban Debbie Wasserman Schultz và các nhân viên hàng đầu phải từ chức.

Alperovitch gọi đây là hành động “chiến tranh thông tin” và nói, Cơ quan Tình báo SVR, chuyên thực hiện các chiến dịch ở nước ngoài của Nga có thể cũng liên quan vụ tấn công. Để củng cố thêm cho luận chứng của mình, Alperovitch dẫn thêm nhiều bằng chứng cho thấy các công cụ tinh vi được sử dụng để xâm nhập Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan khác, việc này thật tương đồng với các vụ tấn công mạng của Nga nhằm vào Ukraine và Đông Âu. “Dấu vân tay kỹ thuật cho thấy chúng có cùng nguồn gốc”, Alperovitch nói.

Các quan chức giới tình báo và tư pháp Mỹ cũng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy Tổng thống Nga Putin và nhiều nhân vật cao cấp trong bộ máy lãnh đạo Liên bang Nga từng không ít lần công khai ủng hộ ông Trump. Năm 2011, ông Putin công khai cáo buộc bà Clinton, lúc bấy giờ là Ngoại trưởng Mỹ, kích động các cuộc biểu tình chống đối ở Nga bởi vì bà có tiếng là người tích cực trong việc chống lại nỗ lực củng cố quyền lực trong nước và mở rộng ảnh hưởng trong và ngoài khu vực của ông Putin. Bà giữ lập trường đối nghịch với ông Putin trước một loạt vấn đề, trong đó có sự hỗ trợ của Nga với Iran và Syria.

Bà Clinton còn từng phát biểu rằng, ông Putin đang “nỗ lực hồi sinh Liên bang Xôviết”. Ngược lại, ông Trump và ông Putin cũng thường xuyên công khai... dành cho nhau “những lời có cánh”. Như vào tháng 12-2015, Tổng thống Nga gọi ông Trump là người rất “tài năng” và “là ứng viên dẫn đầu trong cuộc đua tới ghế Tổng thống Mỹ”.

Đáp lại, ông trùm bất động sản New York khi ấy ca ngợi Tổng thống Nga là “một nhà lãnh đạo mạnh mẽ”. Theo tờ New York Times, truyền hình Nga thường mô tả ông Trump như là “một đối tác tiềm năng, tin cậy, thân thiện... trong khi chỉ dành các lời chỉ trích gay gắt bà Clinton.

Song song với các bằng chứng và dẫn luận thiên về “bệnh nghiệp vụ” là đưa ra các đánh giá tình báo của CIA, giới chức FBI cũng tiến hành điều tra và thu thập các bằng chứng cụ thể cho việc Nga tìm cách can thiệp cuộc bầu cử Mỹ trong suốt mùa hè vừa qua, bởi họ hướng đến việc xét xử tội phạm và thực thi pháp luật.

Các đặc vụ FBI dò xét rất nhiều mối liên hệ có thể tồn tại giữa Nga và những thành viên thân cận ông Trump, trong đó bao gồm cả các cựu phụ tá cho nhà tài phiệt New York như Paul Manafort hay Carter Page, cũng như dấu vết trao đổi “có vấn đề” giữa Trump Organization và một tài khoản email tại ngân hàng Nga Alfa Bank. Mặc dù các báo cáo của CIA và FBI có mâu thuẫn về động cơ, mức độ của tình báo Nga khi thực hiện cuộc tấn công, song FBI tin rằng có “nhiều động cơ phức hợp” của Moscow.

Tổng thống đắc cử Trump cương quyết phủ nhận công bố của tình báo Mỹ và công ty an ninh mạng Crowd Strike trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 11-12, bác bỏ bất cứ kết luận nào về việc chính quyền Nga có dính líu vụ việc. "Tôi nghĩ điều đó thật kỳ quặc. Tôi không tin điều đó", ông Trump nói.

Diễn biến trên có thể khiến việc phê duyệt vị trí cho Tillerson thêm phức tạp. Hơn thế, ông Tillerson là người chưa có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa khi điều trần trước Thượng viện vì đề cử chính thức của ông Trump sẽ phải chờ Thượng viện phê chuẩn, rất nhiều nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã cảnh báo rằng, ông Tillerson sẽ bị "soi" rất kỹ tại Thượng viện, xét trong bối cảnh ông có gần 2 thập kỷ quan hệ gần gũi với Nga.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.