Chính phủ Latvia sụp đổ vì khủng hoảng tài chính

Thứ Sáu, 06/03/2009, 23:45
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang có những tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng quốc tế, trong đó có chính trị. Mới đây, chính quyền Latvia đã sụp đổ với việc Thủ tướng nước này là ông Ivars Godmanis đã buộc phải tuyên bố từ chức sau hơn 1 năm cầm quyền do không thể giúp Latvia tránh khỏi những hậu quả nặng nề của khủng hoảng kinh tế.

Chính phủ Latvia là chính phủ thứ hai ở châu Âu, sau Iceland, tan vỡ do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những dấu hiệu bất ổn trên chính trường Latvia đã xuất hiện từ cuối năm 2008 khi hậu quả khủng hoảng kinh tế toàn cầu in dấu ấn rõ nét lên đời sống xã hội của Latvia. Từ một quốc gia được coi là "con hổ kinh tế" ở khu vực Baltic, nền kinh tế Latvia đã suy thoái nhanh chóng.

So với các nước khác, khủng hoảng kinh tế toàn cầu được cho là tác động đến Latvia một cách nhanh nhất và mạnh nhất. Cơ cấu kinh tế của Latvia được coi là dễ sụp đổ nhất trong số các quốc gia Scandinavo. Điều này là do hệ thống tài chính Latvia hoàn toàn "cởi mở" cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngay sau khi xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên, một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng rút vốn khỏi nền kinh tế Latvia nhanh hơn nhiều so với lúc đầu tư vào. Thứ nữa là nền ngoại thương Latvia luôn nằm trong tình trạng thâm hụt trong thời gian dài.

Một góc thành phố Latvia.

Trong điều kiện khủng hoảng, nguồn dự trữ ngoại tệ của Latvia đã nhanh chóng tiêu tan. GDP cả nước của Latvia đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách của các chính quyền địa phương đã giảm 40%.

Để bù đắp khoản thâm hụt này, Chính phủ Latvia đã buộc phải cắt giảm 25% lương của công chức nhà nước. Nền kinh tế nhanh chóng lâm vào khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp phát triển với tốc độ phi mã đã khiến tình hình xã hội của Latvia trở nên rối loạn.

Dân chúng Latvia đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình với quy mô lớn, lên đến hơn 100 nghìn người để phản đối chính quyền điều hành kém dẫn đến kinh tế sa sút. Người biểu tình đã cướp bóc các cửa hàng, va chạm với cảnh sát khiến tình hình ngày càng trở nên hỗn loạn.

Đứng dưới sức ép của người biểu tình và các đảng phái khác, mặc dù đích thân Tổng thống Latvia đã tuyên bố rằng càng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, Latvia càng phải giữ vững ổn định chính trị, ngày 20/2/2009, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ivars Godmanis đã buộc phải từ chức.

Theo Godmanis, nguyên nhân của việc từ chức là chính phủ của ông đã không giành được niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng trong việc khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế.

Mặc dù được chấp nhận từ chức nhưng ông Godmanis sẽ vẫn điều hành chính phủ cho tới khi tìm được người thay thế. Thủ tướng Godmanis hứa sẽ tìm được người thay thế xứng đáng nhưng người kế nhiệm của ông sẽ rất khó khăn trong việc đưa Latvia ra khỏi khủng hoảng.

Các nhà phân tích cho rằng, người kế nhiệm của ông Godmanis sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp mà người tiền nhiệm đã áp dụng là cắt giảm lương và tăng thuế.

Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề chính đối với Chính phủ Latvia mà vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay là tìm người kế nhiệm Godmanis. Mâu thuẫn giữa các đảng phái trên chính trường Latvia khiến việc thành lập chính phủ mới dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phe đối lập (lực lượng được cho là có thể tham gia chính phủ mới) tuyên bố rằng trong thành phần chính phủ mới sẽ không có sự hiện diện của một số bộ trưởng hiện nay như Bộ trưởng Tài chính Atis Slakteris (đảng Nhân dân) và Bộ trưởng Giao thông Ainara Shlesers (đảng cánh hữu Latvia).

Những tuyên bố của phe đối lập khiến việc thành lập chính phủ mới sẽ gặp nhiều khó khăn là do các đảng cầm quyền Latvia sẽ buộc phải cho phép phe đối lập tham gia thành lập chính phủ mới.

Theo một số chuyên gia phân tích chính trị nổi tiếng của Latvia, nếu như chính phủ mới được thành lập vẫn cố gắng giữ nguyên thành phần cũ thì Tổng thống Latvia sẽ buộc phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn để thành lập chính phủ mới.

Trong điều kiện chưa thành lập được chính phủ mới, liên minh cầm quyền vẫn điều hành chính phủ và vẫn thực hiện các biện pháp cũ trong việc đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thì việc thay đổi chính quyền chỉ làm mất thời gian vô ích.

Việc chính phủ từ chức do khủng hoảng kinh tế khiến cộng đồng quốc tế mất niềm tin vào Latvia và việc thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, kinh tế Latvia vẫn đang tiếp tục suy thoái, thâm hụt ngân sách của Latvia trong năm 2009 dự kiến sẽ trên 6%.

Chính vì vậy, trong thời gian tạm thời điều hành chính phủ trong khi tìm người thay thế, chính phủ của ông Godmanis sẽ phải tiếp tục cắt giảm lương và tăng thuế.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Latvia đã khá lớn và để bù đắp khoản thâm hụt này, chính quyền sẽ phải tăng trợ cấp thất nghiệp, nâng cao mức lương tối thiểu và đến cuối tháng 3/2009 phải bù đắp được khoản thâm hụt ngân sách. Đây sẽ thực sự là liều thuốc thử đối với chính quyền mới của Latvia khi được thành lập

Hải Yến (tổng hợp)
.
.