Bài phát biểu của ông Barack Obama tại Đại Hội đồng LHQ:

Chính sách đối ngoại mới của Washington

Thứ Sáu, 02/10/2009, 21:45
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 23/9 đã có một bài phát biểu rất đáng chú ý trước toàn thể Đại hội đồng LHQ, được công luận nhìn nhận như một bước đoạn tuyệt hoàn toàn với chính sách của chính phủ tiền nhiệm Bush.

Phải nói rằng, công luận hết sức trông đợi bài phát biểu tại phiên họp thứ 64 của Đại hội đồng LHQ cũng được coi là "diễn văn ra mắt" của tân Tổng thống Mỹ.

Quả thực Tổng thống Barack Obama đã không để các thính giả phải thất vọng khi tuyến bố: "Tôi bắt đầu công việc của mình, khi nhiều người đã nhìn nhận nước Mỹ với một thái độ hoài nghi và thiếu tin tưởng. Một phần của thái độ trên xuất phát từ sự chống đối với một chính sách cụ thể và cả những vấn đề thiết yếu, trong đó nước Mỹ đã hành động một cách đơn phương, không tính toán tới quyền lợi của những nước khác”.

Trong vấn đề đẩy mạnh dân chủ hóa trên toàn thế giới, từng được ông George Bush tuyên bố là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Obama đưa ra một quan điểm hoàn toàn tương phản: "Nền dân chủ không thể đưa vào một quốc gia bất kỳ nào đó từ bên ngoài. Mỗi một nước cần phải tìm kiếm cho mình một con đường riêng, và trên thực tế cũng chẳng có con đường nào được coi là hoàn thiện. Mỗi một quốc gia sẽ đi theo con đường bắt nguồn từ đặc thù văn hóa của dân tộc mình, trong khi trước đây nước Mỹ thường quá nghiêng về việc tuyên truyền kiểu mẫu dân chủ của mình" - Ông Barack Obama tuyên bố trong sự hưởng ứng của nhiều nguyên thủ quốc gia có mặt.

Đây cũng là dịp để Tổng thống Obama liệt kê những hành động của chính quyền mới sau 9 tháng lên nắm quyền, tất cả về cơ bản đều phủ nhận những chính sách của nội các tiền nhiệm: "Ngay từ ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, tôi đã ngăn cấm bất kỳ một ngoại lệ hay lý do nào của hình thức tra tấn tại Mỹ. Tôi đã chỉ thị phải đóng cửa nhà tù Guantanamo. Còn tại Iraq, chúng tôi đã kết thúc cuộc chiến một cách có trách nhiệm. Chúng tôi đã rút hết các đơn vị quân đội ra khỏi các thành phố Iraq, và đến thời hạn tháng 8 năm sau tất cả các đơn vị chiến đấu chúng tôi sẽ rút khỏi lãnh thổ Iraq, trước khi toàn bộ quân sĩ sẽ triệt thoái khỏi đây vào năm 2011".

Tổng thống Obama cũng lưu ý người nghe về các thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 với Tổng thống Nga Medvedev liên quan đến khả năng ký kết một Hiệp ước mới về vũ khí tấn công chiến lược mới vào cuối năm nay.

Cuối cùng, ông cũng tuyên bố, Mỹ đã thay đổi cơ bản về thái độ của mình đối với LHQ, tổ chức mà chính quyền Bush trước đây thường xuyên chỉ trích. "Chúng tôi đã đóng góp đầy đủ theo nghĩa vụ và chúng tôi cũng đã tham gia vào Hội đồng về nhân quyền" - Ông Obama giải thích. 

Sau khi liệt kê một loạt những vấn đề toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt,  ông Obama cũng giải thích thêm: "Không nên đưa ra một kết luận sai lầm là tất cả những vấn đề trên đều do một mình nước Mỹ giải quyết".

Những phát biểu của Tổng thống Mỹ cho thấy, ông  Obama không muốn nhận lấy tất cả trách nhiệm về những gì đang diễn ra trên khắp thế giới - Một chuyên gia về an ninh toàn cầu nhận xét về bài phát biểu của ông Obama - Ý của ông ta muốn nhắc nhở rằng, không ai muốn nhận lãnh tất cả những trách nhiệm trên vào mình. Nếu như nước Mỹ được yêu cầu, họ sẽ không từ chối giúp đỡ, nhưng chỉ với quan điểm nếu được yêu cầu".

Cuối bài phát biểu, ông  Obama đã phác họa chương trình hành động của mình dựa trên 4 điểm chính. Thứ nhất, Washington luôn phấn đấu cho việc hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong đó Nga và Mỹ cần phải là tấm gương đi đầu trong thỏa thuận về một hiệp ước START-2 mới.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định, CHDCND Triều Tiên và Iran không cần phải sở hữu vũ khí hạt nhân. Thứ hai, ông  kêu gọi các thành viên LHQ cần đấu tranh chống lại nạn diệt chủng, đáng chú ý nhất là những gì đang diễn ra tại Darfur. Mỹ cam kết sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong các sứ mạng hòa bình tại LHQ.

Tổng thống Mỹ một mặt chỉ trích gay gắt việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, mặt khác kêu gọi người Palestine cần nỗ lực đạt được thỏa thuận. Thứ ba, ông ủng hộ cho cuộc chiến chung của toàn thế giới chống lại tình trạng ấm lên trên toàn cầu, đồng thời thông báo Chính phủ Mỹ sẽ chi 80 tỉ USD cho mục tiêu này. Cuối cùng, Tổng thống Mỹ kêu gọi tất cả cùng nỗ lực xây dựng một cấu trúc tài chính quốc tế mới của thời kỳ hậu khủng hoảng, cũng là chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sắp diễn ra tại Pittsburg. 

Nếu theo dõi đầy đủ bài phát biểu vừa qua và cả những tuyên bố trước đó của ông Obama cũng như các thành viên chủ chốt trong nội các của ông, nhiều người đã nhận thấy bóng dáng của một khái niệm gọi là "sức mạnh khôn ngoan" (smart power) - ý nói tới việc cân nhắc sử dụng các giải pháp về ngoại giao, kinh tế và trong trường hợp cần thiết cuối cùng mới là quân sự để đạt được các mục đích của mình.

Học thuyết ngoại giao mới của Washington cũng đề xuất về một quan điểm hợp tác thực dụng hơn - trong đó Mỹ cần phải lôi kéo không chỉ các đồng minh trước đây, mà cả những thế lực mới nổi như Nga và Trung Quốc. Tất cả đều gián tiếp cho thấy, Washington về cơ bản đã chấp nhận hình mẫu của một thế giới đa cực trong tương lai

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.