Chính sách “ngoại giao y tế” tác động nội bộ EU

Thứ Ba, 07/04/2020, 16:13
Khi Trung quốc gia tăng hoạt động “quyền lực mềm” giữa đại dịch COVID-19 nhằm phác họa hình ảnh một Trung Quốc là “đối tác đáng tin cậy” thay vì “là nguồn gốc virus corona”, Liên minh châu Âu (EU) lại đang chia rẽ về cách xử trí thế nào trong mối quan hệ song phương với nước này.

Sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 18-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công khai cảm ơn Trung Quốc vì đã gửi những kiện hàng cứu trợ y tế để giúp các quốc gia thành viên chống đại dịch COVID-19 và đưa ra những nhận xét tốt đẹp về mối quan hệ song phương với Bắc Kinh.

Trên nhiều tờ báo châu Âu, Trung Quốc xuất hiện với tư cách “người cứu hộ” cho các thành viên EU trong đại dịch. Chẳng hạn, từ giữa tháng 3, Trung Quốc đã tuyên bố và sau đó đã chuyển đến cho Italy - quốc gia ổ dịch lớn nhất khối - những trang thiết bị y tế thiết yếu nhất, trong đó bao gồm 10.000 máy thở, 2 triệu khẩu trang và 20.000 bộ đồ bảo hộ chống dịch.

Còn Tây Ban Nha - ổ dịch lớn thứ hai châu lục - cũng đã ký hợp đồng với Trung Quốc trị giá 467 triệu USD mua 550 triệu khẩu trang, 5,5 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh, 950 máy thở và 11 triệu cặp găng tay nhằm đảm bảo cho hệ thống y tế tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch.

Hợp đồng đã được ký ngày 25-3, sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Pedro Sanchez và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hàng loạt quốc gia EU khác đang đương đầu với đại dịch COVID-19, như Séc, Thụy Điển, Hà Lan,... cũng lần lượt tiếp nhận các chuyến hàng “ngoại giao y tế” đầy ắp từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính sách “ngoại giao y tế”, hay “sự hào phóng chính trị” của Trung Quốc theo cách gọi của Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU Joseph Borrell, đã vấp phải sự phản đối của khá nhiều người, đặc biệt là ở Brussels. Ông Borrell gần đây đã lên tiếng phản đối các chính sách ngoại giao ấy của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh muốn gieo rắc chia rẽ trong nội bộ khối khi đề nghị hỗ trợ các quốc gia EU đang chật vật chống dịch.

“Ở Brussels đang có nhiều người nghi ngờ mục tiêu chính trị và cách hành xử của Bắc Kinh trong vấn đề này” - Andrew Small, một chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall Đức có trụ sở tại Mỹ. Một số quốc gia EU cũng đang bắt đầu hành động chống lại việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp trang thiết bị y tế của Trung Quốc, cho rằng thiết bị y tế kém chất lượng của Trung Quốc sẽ tạo ra các rủi ro lớn về an ninh quốc gia.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.

Tại một số thủ đô khác ở châu Âu, sự phản đối là điều thường thấy khi Bắc Kinh triển khai chiến dịch “quyền lực mềm” trên toàn cầu. Từ khi Trung Quốc bắt đầu bung tiền ra để gây ảnh hưởng sau khi châu Âu đối mặt với khủng hoảng nợ công, nhiều chính khách châu Âu đã lên tiếng cảnh giác toàn khối. Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mạnh miệng tuyên bố “đã đến lúc chấm dứt sự ngây thơ đối với các mục tiêu của Trung Quốc ở châu Âu”, trong khi EC cũng lần đầu tiên mô tả Trung Quốc là “đối thủ”.

Thực ra, Brussels từ lâu đã nghi ngờ ý đồ của Trung Quốc muốn gây chia rẽ EU thông qua những chương trình đại loại như diễn đàn “17+1” bao gồm Trung Quốc và 17 quốc gia thành viên EU ở Trung và Đông Âu. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã hứa sẽ cho thành lập một ủy ban phụ trách các vấn đề địa chính trị, được cho là nhằm tạo cơ chế để xây dựng một EU có vị thế vững chắc hơn trong các vấn đề toàn cầu liên quan đến Mỹ và Trung Quốc.

Hiện tại, rất nhiều khả năng thỏa thuận đầu tư rất được chờ đợi giữa EU và Trung Quốc dự kiến ký kết trong năm 2020 sẽ khó có thể thực hiện bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hội nghị cấp cao EU-Trung Quốc dự kiến trong tháng 3-2020 cũng đã bị hủy; rồi một hội nghị đặc biệt vào tháng 9 dự kiến tại thành phố Leipzig, Đức, cũng sẽ không diễn ra.

Lucrezia Poggetti, nhà nghiên cứu tại Viện Mercator ở Berlin, nói rằng đại dịch COVID-19 đã khiến Chính phủ Trung Quốc và EU bận rộn giải quyết khủng hoảng, do đó tiến trình đàm phán kinh tế có thể bị chậm lại, làm giảm khả năng ký kết thỏa thuận ngay trong năm 2020.

Ngay cả trước khi có đại dịch, các quan chức EU đã cảnh báo rằng khối này không muốn ký thỏa thuận nếu Bắc Kinh không chấp nhận một số nhượng bộ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các công ty châu Âu được tiếp cận một cách công bằng vào thị trường Trung Quốc. Ủy viên phụ trách thương mại EU Phil Hogan tuyên bố hồi tháng 1 rằng, EU không chấp nhận việc chỉ đáp ứng một nửa yêu cầu đặt ra.

Giới chuyên gia đồng ý rằng, đại dịch không làm thay đổi quan hệ EU và Trung Quốc, có nghĩa là không tốt lên và cũng chẳng xấu đi. Hai bên vẫn tiếp tục bất đồng về những vấn đề kinh tế, chính trị cơ bản do sự khác biệt hệ tư tưởng. Hai bên cũng tiếp tục bất đồng vì tham vọng của Trung Quốc vươn lên thống lĩnh thế giới về kinh tế và sau đó về chính trị, không chỉ vượt qua mặt Mỹ mà cả EU.

Việc EU có thể “tự cứu mình” hay không tùy thuộc vào tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ khối, tránh phụ thuộc vào trang thiết bị y tế từ Trung Quốc và xa hơn là những hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay, người ta thấy các quốc gia thành viên EU hầu như mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp chung của cả khối.

Trong khi đó, các cơ quan, định chế của EU đề tỏ ra ì ạch, thiếu hẳn tính chủ động trong điều phối cuộc chiến. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic từng mỉa mai rằng sự đoàn kết trong EU chỉ là “chuyện thần thoại”, có nghĩa là không có thật.

Ông cho rằng, trong tình thế như hiện nay, chỉ có Trung Quốc tỏ ra hữu ích và là những người có thể giúp các quốc gia thành viên EU vượt qua đại dịch. Khoảng 88% người dân Italy và trên 60% người dân một số nước EU khác có cùng quan điểm như ông Vucic.

Trương Hùng
.
.