Chính trị gia và quảng cáo

Chủ Nhật, 18/07/2010, 06:45
Ngay đầu tháng 7/2010, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã công khai quảng bá cho ngành du lịch quốc gia, khi kêu gọi người dân nước này nên tổ chức các kỳ nghỉ tại quê hương. Sự xuất hiện tình nguyện của một chính trị gia nổi tiếng như Berlusconi đã được coi là hành động hiếm hoi trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo.

Trên thực tế, hình ảnh của các chính trị gia nổi tiếng thường hay bị lợi dụng trái phép trong hoạt động quảng cáo.

Đầu tháng 7 vừa qua, truyền hình Italia bắt đầu phát một đoạn băng quảng cáo dài 30 giây có tên Magic Italia. Đoạn băng nhằm quảng bá cho ngành du lịch quốc gia đã thu hút sự chú ý đặc biệt do nó có sự lồng tiếng của Thủ tướng Silvio Berlusconi. Trong đoạn băng, ông Berlusconi đã gọi Italia là đất nước của "bầu trời, mặt trời và biển", mời gọi người Italia nên đi nghỉ tại quê hương để nhận biết rõ hơn về lịch sử và văn hóa của đất nước mình.

Được biết cái tên hiệu "Magic Italia" và thiết kế logo quảng cáo đã được đích thân ông Berlusconi phê chuẩn từ tháng 6/2009, trước khi rất vui lòng cho ghi âm giọng nói mình để lồng vào đoạn phim quảng cáo. Trong một cuộc gặp chính thức với Hiệp hội Quản lý khách sạn Italia (diễn ra hồi tháng 6 vừa qua tại Rome), ông Berlusconi còn tỏ ra hài hước khi đánh giá giọng nói của mình là "độc nhất vô nhị, có cảm tính và dễ dàng nhận biết".

Bộ trưởng Du lịch Italia là Vittoria Brambilla là người đã điều hành dự án quảng cáo đặc biệt trên ngay từ giai đoạn đầu tiên. Chính bà là người thông báo về việc, Thủ tướng lần đầu tiên đã công khai tham gia vào hoạt động quảng cáo, kêu gọi người Italia cứu vớt nền kinh tế nước nhà bằng cách không đi nghỉ ở nước ngoài. Trong những năm 2008-2009, hành động tương tự của ông Berlusconi chỉ giới hạn trong lời kêu gọi người dân nên tăng cường ghé thăm các cửa hàng và tiêu tiền.

Dù sao, Thủ tướng Italia không phải là người xa lạ gì với quảng cáo. Khi tốt nghiệp xuất sắc khoa Luật của Trường đại học Milan vào năm 1961, đề tài luận văn tốt nghiệp của ông có liên quan đến đạo luật về quảng cáo. Giờ đây, Berlusconi cũng đang là người sở hữu Tập đoàn Truyền thông khổng lồ Mediaset, trong thành phần có Hãng Quảng cáo Publitalia lớn nhất tại quốc gia này.

Tuy nhiên, Berlusconi không phải nguyên thủ đầu tiên cho phép sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo cho ngành du lịch. Tháng 12/2003, Thủ tướng Junichiro Koizumi của Nhật cũng từng đóng một đoạn băng quảng cáo, trong đó kêu gọi khách du lịch tới thăm đất nước mặt trời mọc và thưởng thức các món "sushi và tempura chính hiệu". Đoạn băng trên khi đó đã được phát trên các chuyến bay quốc tế của Nhật, với đối tượng chính là những du khách nước ngoài.

Rõ ràng là quảng cáo với sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng, đặc biệt là các chính trị gia, luôn thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của công chúng. Nhưng khán giả không phải lúc nào cũng biết được, có không ít hình ảnh các chính trị gia bị lợi dụng một cách trái phép cho việc quảng cáo. Nhất là khi vụ việc không hề liên quan đến việc tuyên truyền cho các lợi ích quốc gia, thì chắc chắn có thể khẳng định đó là hành vi quảng cáo trái phép.

Chẳng hạn hồi đầu năm 2010, Nhà Trắng đã yêu cầu Hãng Weatherproof phải dỡ bỏ một tấm biển quảng cáo trên Quảng trường Thời đại, trong đó có bức ảnh Tổng thống Barack Obama mặc một chiếc áo vét mang nhãn hiệu của hãng. Chủ tịch Weatherproof là Freddie Stollmack dù ban đầu không đồng ý với việc phải chấm dứt chiến dịch quảng cáo, nhưng cuối cùng vẫn phải tuân theo. Ông này lý giải rằng, quảng cáo có khẩu hiệu "Leader in Style" của mình chẳng có gì là đáng chê trách: Đơn giản đó chỉ là một cách cổ vũ về việc "lần đầu tiên trong 100 năm qua mới có một Tổng thống Mỹ ăn mặc rất thời trang".

Tấm bảng quảng cáo có ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama của hãng Weatherproof.

Trước đó Obama cũng đã không cho phép chương trình quảng cáo này. Phía Văn phòng Tổng thống đã lên án công ty triển khai biển quảng cáo như trên mà không xin phép. Ngoài ra, đại diện của chính quyền còn cho rằng, Weatherproof đã cố tình đánh lừa khách hàng. Nội dung quảng cáo cho thấy, dường như ông Obama ưa thích nhãn hiệu quần áo của hãng này hơn cả, dù trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Trường hợp tương tự cũng từng xảy ra với đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Tổ chức "Nhân loại vì sự đối xử công bằng với động vật" (PETA) đã sử dụng trái phép hình ảnh của bà Michelle Obama trong quảng cáo của mình. Bất chấp việc bà Michelle không hề tham gia vào những hành động của PETA, tổ chức này vẫn khước từ yêu cầu dỡ bỏ những biển quảng cáo của mình có hình ảnh của đệ nhất phu nhân. Hiện vẫn chưa rõ PETA có phải chịu bất cứ hình phạt nào vì hành động trên.

Nhưng tệ hại hơn, Thủ tướng Angela Merkel của Đức phải giật mình khi biết trên nhiều đường phố Berlin xuất hiện những tấm biển quảng cáo hình ảnh của mình trong bộ... đồ lót của nhà sản xuất Bruno Banani. Từ tháng 5/2009, người dân Đức đã xôn xao bàn tán về bức ảnh quảng cáo được chế tác bằng photoshop, trong đó bà Merkel mặc nguyên một bộ đồ lót màu xanh.

Bên cạnh bà Markel, các nhà quảng cáo còn cho in hình các cựu và đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier, Guido Westerwelle cùng hai quan chức không kém phần nổi tiếng khác - tất cả đều đang mặc đồ lót. Bản thân bà Merkel và phát ngôn viên của bà đã từ chối bình luận về câu chuyện trên.

Nhờ có hãng cho thuê xe ôtô Sixt của Đức, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng trở thành một nhân vật trong chiến dịch quảng cáo. Để quảng bá cho chiếc xe Citroen gọn nhẹ của mình, Sixt đã quyết định lựa chọn tổng thống của nước Pháp vì lý do ông là người có vóc dáng thấp nhỏ. Thế là trên tấm bảng quảng cáo của Sixt có hình chiếc xe cùng với dòng chữ "Machen Sie es wie Madame Bruni. Nehmen Sie sich einen kleinen Franzosen" (Hãy làm như bà Bruni. Hãy chọn cho mình một người Pháp bé nhỏ!".

Nói đúng ra, Sarkozy đã từng tham gia trực tiếp vào một cảnh quay quảng cáo từ khi còn là một cậu bé. Theo tờ The Washington Post, Sarkozy hồi nhỏ đã từng quảng cáo cho sản phẩm bột giặt Bonux. Đoạn băng quảng cáo trên được công bố vào năm 1967, khi Sarkozy 12 tuổi, dù cậu bé trong phim nhỏ hơn đáng kể do đã quay từ nhiều năm trước.

Tháng 7/2010, Cơ quan Chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) đã ra phán quyết, quảng cáo của Hãng Thương mại "Stroibat" là không xác đáng. Theo đó, phía công ty trên đã lợi dụng hình ảnh Tổng thống Dmitri Medvedev cho hoạt động quảng cáo của mình. Nhưng theo khẳng định của "Stroibat", nhân vật trong quảng cáo của họ - một người đàn ông rất giống Medvedev đội chiếc mũ bảo hộ lao động và cầm trên tay chiếc cưa máy - chỉ là "có ngoại hình gần giống Tổng thống". Kết quả là thương gia đã ký kết thỏa thuận triển khai các bảng quảng cáo trên đã bị FAS nộp đơn khởi kiện.

Những câu chuyện liên quan đến quảng cáo thú vị nhất có liên quan đến Mikhail Gorbachev, vị Tổng thống đầu tiên và cũng là duy nhất của Liên Xô. Gorbachev xuất hiện lần đầu tiên trong một đoạn băng quảng cáo cho Pizza Hut hồi giữa những năm 90. Trong đoạn băng, những vị khách ghé thăm cửa hàng bánh pizza đang tranh luận về các kết quả chính sách của cựu Tổng thống Liên Xô, bày tỏ nhiều đánh giá trái ngược về hoạt động của ông ta. Nhưng cuối cùng, tất cả đều thống nhất cho rằng, cũng nhờ chính Gorbachev, tất cả bọn họ giờ đây đều được ăn... bánh pizza.

Mikhail Gorbachev trong đoạn phim quảng cáo của Louis Vuitton.

Năm 2000, Gorbachev lại đồng ý đóng một đoạn phim quảng cáo cho Cơ quan Đường sắt quốc gia Áo. Trong đoạn phim này, Gorbachev xem xét một nhà ga mới, những tuyến đường sắt và các con tàu trước khi kết luận: tất cả những thành công trên là kết quả của... cải tổ.

Nhưng đỉnh cao nghệ thuật hoạt động quảng cáo của Gorbachev chính là đoạn băng hình của Hãng Thời trang Louis Vuitton. Khi đó ngoài Gorbachev, tham gia chiến dịch quảng cáo rầm rộ toàn thế giới của hãng này còn có diễn viên Catherine Deneuve, hai tay vợt Andre Agasi và Steffi Graf. Cho tới giờ, chưa ai biết rõ về khoản thù lao mà Gorbachev nhận được từ những đoạn phim quảng cáo. Theo một số nguồn tin, tất cả số tiền trên được Gorbachev chuyển vào Quỹ Nghiên cứu xã hội - kinh tế và chính trị học do chính ông ta thành lập vào năm 1991

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.