Chính trường nước Bỉ trước nguy cơ khủng hoảng mới

Thứ Ba, 01/12/2009, 22:50
Niềm hãnh diện của người dân Bỉ kéo dài không lâu. Sau khi đương kim Thủ tướng Herman Van Rompuy được lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) "cất  nhắc" lên làm Tổng thống của khối, nước Bỉ rơi vào khoảng trống quyền lực.

Điều này đã buộc Quốc vương Albert II chỉ định Yves Leterme lên thay thế ông Herman Van Rompuy. Tuy nhiên, tin tức này đã không được người dân Bỉ chào đón vì ông Leterme, được báo chí mệnh danh là "Ngài khủng hoảng", đang làm sống lại những lo sợ về một cuộc khủng hoảng chính trị mới tại quốc gia này.

Tuy ít được dư luận châu Âu và thế giới biết đến nhưng ông Herman Van Rompuy lại là một vị thủ tướng có công trong việc bình ổn tình hình chính trị tại Bỉ. Với dáng dấp của một vị giáo sư đại học, tóc bạch kim và kính trắng, ông Herman Van Rompuy, 62 tuổi, được ca ngợi là người khôn ngoan và khéo léo trong việc giải quyết các tranh chấp.

Việc ông Van Rompuy lên làm Thủ tướng Bỉ có lẽ là chuyện hi hữu trong sân khấu chính trị thế giới. 10 ngày sau khi Thủ tướng Yves Leterme từ chức (19/12/2008), ông Herman Van Rompuy khi đó đang là Chủ tịch Quốc hội Bỉ, đã bị ép làm thủ tướng sau nhiều lần từ chối không được. Từng được đề nghị làm thủ tướng Bỉ vào năm 1994 khi còn đang làm Bộ trưởng Ngân sách dưới thời Thủ tướng Jean-Luc Dehaene, nhưng ông Van Rompuy cũng đã từ chối. 

Tự cho rằng mình có thể đảm nhiệm tất cả các chức vụ khác trừ chức vụ thủ tướng, ông Van Rompuy từ lâu không hề mặn mà gì với cương vị này. Và chỉ đến khi "lệnh vua ban ra" thì ông mới miễn cưỡng chấp nhận. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Herman Van Rompuy luôn muốn ở phía hậu đài.

Tháng 8/2007, ông đã "như mở cờ trong bụng" khi chỉ phải đảm nhận trách nhiệm tìm kiếm ứng cử viên thủ tướng từ Vua Albert II sau khi ông Yves Leterme từ chức thủ tướng do không giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị giữa các đảng phái tại Bỉ, nhưng rồi nhiệm vụ này của ông đã bị bỏ dở do sau đó nhà vua lại không chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Leterme nữa. Mặc dù vậy ông Van Rompuy cũng rất được lòng đức vua.

Lên nắm quyền trong tình thế bất đắc dĩ như vậy, nhưng ông Van Rompuy đã khiến nhiều người dân Bỉ biết ơn vì đã giải quyết được khủng hoảng chính trị kéo dài và nghiêm trọng nhất trong lịch sử vương quốc này.

Xin nhắc lại rằng, cuộc khủng hoảng chính trị gần như không ngừng nghỉ hồi năm ngoái tại Bỉ xuất phát từ những mâu thuẫn giữa người Flamands nói tiếng Hà Lan (nôm na là những người giàu có) và người Wallons nói tiếng Pháp (đại diện cho những người chỉ có đủ cái ăn, cái mặc).

Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng này lại diễn ra dưới thời ông Yves Leterme. Bây giờ ông Yves Leterme lại được chọn làm thủ tướng. Điều này khiến người dân Bỉ không lo lắng sao được!

Đây là lần thứ hai ông Yves Leterme lên làm Thủ tướng Vương quốc Bỉ.

Ngày 26/11, Hoàng gia Bỉ đã ra thông cáo nói Quốc vương đã đồng ý chấp nhận việc từ chức của ông Van Rompuy, và đề nghị ông Yves Leterme lên thay thế. Nhiều người cho rằng nhiệm kỳ thứ nhì của ông Leterme sẽ không được ổn định như nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Leterme từng thắng lớn trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2007 nhưng sau đó đã gặp trở ngại suốt 9 tháng trong việc thành lập nội các.

Thủ tướng Van Rompuy từ chức và rời nhiệm sở.

Ông từ chức vào tháng 12/2008 về những lời chỉ trích là can thiệp vào nội bộ của tổ hợp tài chính giữa Bỉ và Hà Lan là Công ty Fortis và không giải quyết được mâu thuẫn chính trị giữa các đảng phái. Ngược lại, trong thời gian 11 tháng cầm quyền, ông Rompuy đã không gặp một trở ngại nào trong việc đối phó với những đảng phái trong nước.

Để giúp ông Yves Leterme tránh được cái bẫy trên, giới chức chính trị Bỉ lần này đã dựng lên một loạt "trạm kiểm soát". Trước tiên để việc chuyển giao quyền lực giữa hai chính phủ được thuận lợi, điều được dự báo là dấu hiệu ngờ vực chính bên trong hàng ngũ các đảng phái, người ta đã thành lập một ủy ban phụ trách chuyển giao quyền lực và giao cho Wilfried Martens, một thành viên lão thành của đảng Dân chủ Công giáo.

Tiếp đến, để triệt tiêu từ trong trứng những nguy cơ mâu thuẫn cộng đồng giữa người Flamands và người Wallons, ông Yves Leterme sẽ không được chỉ đạo các cuộc đàm phán về vấn đề chia tách khu vực bầu cử Bruxelles-Hal-Vilvorde, khu vực đệm giữa vùng nói tiếng Flamands và vùng thủ đô Bruxelles.

Đây là nút thắt chính trong mâu thuẫn chính trị giữa người Flamands và người Wallons. Một ủy viên sẽ phụ trách vấn đề này. Hiện tại theo giới truyền thông Bỉ, Quốc vương Albert II đang cân nhắc Jean-Luc Dehaene, từng hai lần làm thủ tướng và được coi là người uy tín nhất chính trường Bỉ, vào vị trí tế nhị này.

Trách nhiệm của người được Quốc vương giao trọng trách trên là tìm kiếm một thỏa hiệp giữa hai cộng đồng người Flamands và Wallons để không tạo ra một hình ảnh thảm hại về một nước Bỉ chìm trong khủng hoảng chính trị vào thời điểm nước này đảm trách chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, tháng 6/2010.

Quyết định cuối cùng về vấn đề chia tách trên cũng vẫn thuộc về Thủ tướng và chủ tịch các đảng phái nhưng cách làm trên sẽ tránh tạo ra những cuộc tranh luận không cần thiết giữa các đảng phái mà đôi khi lại làm hỏng cả cục diện chung. Tức là khi đó nước Bỉ sẽ tiếp tục rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới mang tên "Yves Leterme tập hai"

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.