Chính trường và các Đệ nhất phu nhân

Thứ Sáu, 09/11/2007, 15:25
Phu nhân Tổng thống Argentina đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử, Hillary Clinton bắt đầu đi theo con đường riêng của mình vào năm 1999, bà Royal lại muốn cố giành quyền kiểm soát đảng Xã hội Pháp từ tay chồng, Susana Higuchi (phu nhân Tổng thống Peru) vận động chống lại chồng trong chiến dịch tranh cử.

Cristina Fernandeez de Kirchner

Cristina Fernandeez de Kirchner đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Argentina sau khi được phu quân là Tổng thống Nestor Kirchner đưa vào vị trí ứng cử viên đảng Peron cho chức vụ này.

Luật Argentina không cho phép một tổng thống giữ hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng liên minh chồng - vợ Kirchner có thể lần lượt thay nhau nắm quyền lực nếu họ tiếp tục được ủng hộ. Tham vọng chính trị của bà Kirchner cũng giống như những đệ nhất phu nhân nổi tiếng khác: muốn thay thế vị trí của phu quân.

Cristina Fernandeez.

Có lẽ giữa Cristina Kirchner và Hillary Clinton (người đang ráo riết chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ năm sau) có những điểm giống nhau.

Bản thân bà Kirchner cũng lấy làm thích thú khi được so sánh với Hillary Clinton, người mà bà ca ngợi là “một phụ nữ thông minh và hiện đại”.

Dĩ nhiên, cả hai đều nỗ lực để ngồi vào chiếc ghế tổng thống. Cả hai cũng đều gặp người chồng tương lai dưới mái trường đại học, rồi sau đó cả hai đều chứng kiến chồng mình trở thành thống đốc và tổng thống.

Bà Kirchner là Thượng nghị sĩ từ năm 1995, trong khi bà Clinton đại diện bang New York trong Thượng nghị viện Mỹ từ năm 2001. Tuy nhiên, có một điểm khác: Hillary Clinton được đảng của mình đề cử, trong khi bà Kirchner được phu quân giới thiệu.

Hillary Clinton công khai tuyên bố và bảo vệ những gì mà mình sẽ làm khi đắc cử tổng thống. Nhưng, một trong những ý kiến phê phán gay gắt nhất chống lại Cristina Kirchner là sự mập mờ trong những hứa hẹn khi tranh cử và bà cũng không bàn luận trước công chúng.

Hillary và Bill Clinton

Hillary và Bill Clinton.

Hai vợ chồng Hillary và Bill Clinton đã cùng trải qua nhiều năm hoạt động bên nhau như là một liên minh trên chính trường nước Mỹ.

Theo tiết lộ trong cuốn tiểu sử của Hillary, không bao lâu sau khi gặp nhau, họ đã ấp ủ một kế hoạch chính trị lâu dài, và nếu ý đồ thực hiện thành công thì mỗi người sẽ được làm chủ nhân Nhà Trắng 8 năm.

Khi được bầu vào chiếc ghế tổng thống nước Mỹ, Bill Clinton đã đặt vợ mình vào vị trí chưa từng có trước đây đối với một đệ nhất phu nhân khi giao cho Hillary trách nhiệm cải cách y tế.

Với kế hoạch thâu tóm quyền lực vào trong một gia đình, sự bổ nhiệm Hillary đã bị phê phán kịch liệt, và cuộc cải cách đã thất bại khi trình lên Quốc hội Mỹ năm 1993. Tuy nhiên, bà Hillary vẫn tiếp tục đóng vai trò đệ nhất phu nhân quảng bá cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Bà Hillary Clinton bắt đầu đi theo con đường riêng của mình vào năm 1999 khi bà bước vào Thượng viện Mỹ. Vấn đề về vai trò của hai vợ chồng ông Clinton nổi lên trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008. Để khai thác khả năng làm chính trị và kinh nghiệm của chồng, bà Hillary cho biết nếu trúng cử bà có kế hoạch giao cho ông Clinton chức trách đại sứ lưu động để quảng bá hình ảnh nước Mỹ ra khắp thế giới.

“Tôi không nghĩ một người cổ động nào cho nước Mỹ tốt hơn Bill Clinton”, bà Hillary nói trong chiến dịch tranh cử ở Iowa. Bà cho biết thêm, bà rất hạnh phúc khi thấy chồng là người dạn dày kinh nghiệm chính trị. Tuy nhiên, mới đây ông Bill Clinton tuyên bố ông có thể sẽ không trở lại Nhà Trắng nếu vợ mình được bầu làm tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, ông Bill Clinton nói, ông không muốn làm “tổng thống ủy nhiệm”.

Segolene Royal và Francois Hollande

Royal và Hollande.

Mệnh danh “cặp vợ chồng vàng” cánh tả của nước Pháp, Segolene Royal và Francois Hollande đã chứng tỏ được quyền lực kết hợp của họ. Bà Royal - ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Xã hội vào đầu năm nay và đã bị thất bại trước đối thủ Nicolas Sarkozy.

Theo giới quan sát chính trị, quan hệ của hai vợ chồng ngày càng căng thẳng do những bất đồng trong cuộc bầu cử tổng thống nước Pháp. Ông Hollande thỉnh thoảng chỉ trích các chính sách mâu thuẫn của bà Royal trong chiến dịch tranh cử. Về phần mình, bà Royal rõ ràng muốn cố giành lấy quyền kiểm soát đảng Xã hội từ tay chồng.

Alberto Fujimori và Susana Higuchi

Susana Higuchi, Tổng thống bị Alberto Fujimori tước danh hiệu đệ nhất phu nhân năm 1994 sau khi bà cáo buộc ông quá khoan dung đối với nạn tham nhũng lan tràn trong chính phủ và không quan tâm đến cuộc sống của dân nghèo Peru. Hai vợ chồng chia tay nhau, song lúc đó vẫn còn là vợ chồng.

Tổng thống Fujimori nói trong một bài diễn văn trước công chúng rằng, vợ ông “không trung thành” cũng như “không kiên định và dễ bị tác động” bởi những đối thủ chính trị. Sau đó ông Fujimori tặng danh hiệu “first lady” cho con gái của hai vợ chồng.

Một năm sau, bà Susana vận động chống lại chồng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1995. Tuy nhiên, ông Fujimori đã tranh thủ Quốc hội Peru thông qua luật cấm người thân gần nhất của tổng thống tìm kiếm chức vụ cao hơn. Năm sau, hai vợ chồng ly hôn và năm 2000 bà Higuchi được bầu vào Quốc hội

Thục Miên (theo BBC)
.
.