Chống tham nhũng ở Brazil: Em trai của Tổng thống cũng bị thẩm vấn

Thứ Hai, 16/07/2007, 11:18
Hàng loạt chiến dịch chống tham nhũng dẫn đến hàng chục vụ bắt giữ các quan chức cao cấp, đánh dấu một thời kỳ mới trong cuộc chiến chống tham nhũng của Brazil. Trong đó có cả em trai Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva.

Theo nhận định của các chuyên gia dân quyền, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, BFP và các cơ quan giám sát cấp cao khác như Viện Công tố và Tòa án Kiểm toán Liên bang nghiêm túc đối mặt với nạn tham nhũng.

BFP là một cơ quan có chức năng hoạt động gần giống với FBI (Cục Điều tra liên bang) của Mỹ, tuy không hoàn thiện như FBI nhưng hiện tại BFP năng động và độc lập hơn trước rất nhiều.

Thậm chí một số chuyên gia an ninh trong nước còn lạc quan cho rằng BFP đang đem đến niềm hy vọng mới: Có thể đánh bại nạn tham nhũng đang khuynh đảo nghiêm trọng nền tảng xã hội Brazil.

Ricardo Ismael, giảng viên về chính sách công cộng Trường đại học Catholic Pontificate tại Rio de Janeiro, cho biết: “Những cơ quan tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay đang góp phần làm rạng rỡ bộ mặt đất nước, giúp xóa bỏ những ung nhọt bất thường của cuộc sống bình dị cho muôn người".

Tổng thống Brazil, tuy có người em dính líu đến một vụ việc đang bị điều tra, cũng hết lòng ngợi khen BFP đã “làm tốt vai trò mẫu mực của mình”. Các nhà vận động chống tham nhũng hiện đang tin tưởng rằng các cơ quan khác trong Chính phủ Brazil sẽ noi gương BFP.

Trong chiến dịch Check Mate tháng 6/2007, cảnh sát đã thẩm vấn em trai Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva về những nghi vấn dùng ảnh hưởng của anh trai mà tạo điều kiện cho bọn buôn lậu thiết bị điện tử nhập hàng trốn thuế vào Brazil, phục vụ cho mục đích gian lận của hệ thống máy đánh bạc.

Cùng bị bắt có 87 đối tượng khác bị cáo buộc các tội danh từ lậu thuế cho đến tống tiền. Trước đó 1 tháng, trong chiến dịch "Lưỡi dao cạo", BFP bắt giữ gần 50 chính trị gia, doanh nhân và chuyên gia lobby (vận động hậu trường chính trị) có liên quan đến những dự án ma hoặc bất khả thi trong những dự án thi công hạ tầng cơ sở.

Ngay trong chiến dịch, người đứng đầu Bộ Năng lượng Brazil buộc phải từ chức, vì nghe nói ông ta có dính líu đến kế hoạch đầu tư cải tạo đường phố Brazil (trị giá 250 tỉ USD, trong vòng 4 năm).

Tuy những chuyện như vậy không mới ở Brazil – một quốc gia mà các chính trị gia thành đạt thường không quên câu cửa miệng: “Rouba mas faz”, có nghĩa là: “Ông ta có lấy cắp, nhưng biết cho lại thứ khác”.

Những dự án công cộng đầy ắp và những chi phí mua của Chính phủ chiếm khoảng 13-20 tỉ/năm, theo một tường trình chính thức mới nhất của Chính phủ Brazil. Những động thái chống tham nhũng tích cực của BFP, cộng với nỗ lực mẫn cán của Viện Công tố Brazil, mới chỉ là những bước cản trở nhỏ trên con đường hoạn lộ của giới chính trị gia tham nhũng.

Tuy có hơn 5.000 người bị BFP bắt giữ rải rác trong các chiến dịch suốt 5 năm qua, chỉ có một phần rất nhỏ trong họ thực sự bị truy tố và bị kết án trước vành móng ngựa.

Nhiều vị quan tòa than phiền rằng, chính sự thiếu xuyên suốt trong việc truy tố những nghi can cao cấp đã khiến cho người ta lầm tưởng người giàu và người nghèo có luật riêng, thậm chí ít ai dám động chạm đến những kẻ giàu.

Một số phạm nhân có bằng đại học ở Brazil luôn được ưu ái tại ngoại, vì họ “không thể cùng ngồi tù với những tù nhân ít học”. Ngược lại, chính vì không thể truy tố một số nghi can “cỡ lớn”, BFP lại mang tiếng là lạm dụng quyền lực qua hành vi bắt bớ quá nhiều người!

Cách đây không lâu, giới chính trị gia Brazil chỉ trích BFP có những hành vi “khủng bố hợp pháp”, khiến cho Bộ Tư pháp tuần qua vội thành lập một ủy ban thanh tra các hoạt động gần đây của BFP, với khả năng được dự báo trước là sẽ hạn chế quyền bắt người của cơ quan này

Lê Minh (theo CS Monitor)
.
.