Ukraine: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên ngôi

Thứ Sáu, 29/05/2015, 10:45
Chính quyền Kiev đang cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc theo chiều hướng cực đoan vô độ bất chấp hậu quả. Khơi dậy lòng yêu nước bằng cách đổ tội cho Nga và xóa sạch dấu vết Nga tại Ukraine thay vì tìm cách giải quyết cuộc nội chiến của chính mình là cách mà chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko đang làm.

Những động thái tuyệt giao với quá khứ Xôviết của Ukraine

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC ngày 19/5, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng nước này trên thực tế đang ở trong tình trạng chiến tranh với Nga. Ông Poroshenko nói: "Đây không phải là cuộc chiến chống các phần tử ly khai được Nga hậu thuẫn. Đây là cuộc chiến tranh thực sự với nước Nga".

Tổng thống Ukraine dẫn chứng: "Việc chúng tôi bắt được các quân nhân của lực lượng đặc biệt Nga là một bằng chứng vững chắc". Ông Poroshenko còn cho biết thêm: "Tôi nghĩ họ (Nga) đang chuẩn bị một cuộc tấn công và tôi cho là chúng tôi phải sẵn sàng và sẽ không cho họ một cơ hội nhỏ nào để gây khiêu khích. Khi đó trách nhiệm sẽ hoàn toàn thuộc về họ".

Liên quan đến vụ 2 quân nhân được cho là của Nga bị Ukraine bắt giữ. Hôm 19/5, Kiev đã đưa 2 tù binh này ra trước báo chí trong nước và quốc tế, giới thiệu họ là lính đặc nhiệm Nga bị bắt tại khu vực miền Đông ly khai. Mục đích của việc làm này là chứng minh sự can dự của quân đội Nga vào cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Moscow khẳng định những quân nhân trên không còn trong lực lượng đặc nhiệm khi họ bị bắt.

Moscow trước giờ vẫn thẳng thừng bác bỏ việc dính líu vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, cho đó là cuộc nội chiến của người Ukraine. Tổng thống Poroshenko lên nắm quyền một năm trước và ngay lập tức phải giải quyết vấn đề ly khai tại Ukraine, vấn đề đã nhanh chóng bùng phát thành một cuộc xung đột quân sự.

Trên đây là động thái tuyên truyền mới nhất của chính quyền Kiev nhằm đổ tội cho Nga về tình hình Ukraine hiện nay, để từ đó kích động sự thù ghét Nga từ người dân Ukraine.

Trước đó vài ngày, chính quyền Kiev còn có một hành động chưa từng có. Ngày 14/5, Hội đồng thành phố Kiev đã quyết định dỡ bỏ tất cả các biểu tượng Cộng sản trong thành phố. Biểu tượng Cộng sản được nói đến ở đây là hình ảnh Liên bang Xôviết và Lênin.

Ngoài ra, Hội đồng thành phố Kiev cũng chỉ thị cho đến ngày 28/6/2015 phải liệt kê danh sách biểu tượng Cộng sản và thời gian tháo dỡ các biểu tượng đó. Các biểu tượng Cộng sản ở các ga tàu điện ngầm Kiev cũng sẽ bị tháo gỡ.

Ngày 15/5, Tổng thống Petro Poroshenko đã ký ban hành các đạo luật cấm mọi hành động tuyên truyền cho chế độ Cộng sản. Các luật trên đã được Quốc hội nước này biểu quyết thông qua vào hôm 9/4, nhằm dứt khoát hẳn với quá khứ Xôviết của Ukraine, vào lúc chính quyền nước này phải chiến đấu chống lại phe ly khai thân Nga ở miền Đông. Cuộc chiến đã làm thiệt mạng hơn 6.200 người kể từ tháng 4/2014.

Tổng thống Poroshenko.

Thông cáo của Phủ Tổng thống nhắc lại: Các đạo luật mới "cấm các biểu tượng Xôviết, lên án chế độ Cộng sản, cho phép mở tàng thư của Cơ quan Tình báo Liên Xô cũ". Theo luật mới của Ukraine, các công trình vinh danh các nhân vật Liên Xô cũ, sẽ bị tháo dỡ. Các địa danh, tên đường phố hay công ty gây liên tưởng đến chủ nghĩa Cộng sản sẽ bị đổi sang tên khác. Việc hát quốc ca Liên Xô - nay được Tổng thống Vladimir Putin cho sử dụng lại làm quốc ca của Nga với ca từ mới - từ nay có nguy cơ bị bỏ tù tại Ukraine.

Những bước đi nguy hiểm và gây chia rẽ dân tộc

Điều nguy hiểm hơn cả trong luật mới của Ukraine là việc công nhận những người dân tộc chủ nghĩa trước đây có thời gian chiến đấu cùng với Đức Quốc xã.

Chính điều này đã khiến quốc tế, trong đó có cả các đồng minh của chính quyền Kiev hiện nay, lo lắng. Hãng tin Ria Novosti ngày 17/5 trích bài viết của cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Josh Cohen đăng trên báo Jerusalem Post cho hay, với các hành động của mình, Kiev chỉ đang chứng tỏ những tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin - rằng Ukraine tràn ngập những kẻ phát xít mới - là đúng.

Ông Cohen lưu ý Chính phủ Ukraine đã có "những bước đi nguy hiểm" và thậm chí có thể làm "quốc gia thêm chia rẽ" khi Tổng thống Petro Poroshenko ký ban hành luật công nhận thành viên các tổ chức chính trị và quân sự Ukraine trong Chiến tranh thế giới thứ 2 - như Tổ chức Những người dân tộc Ukraine (OUN) và Quân đội nổi dậy Ukraine (UPA) - là "những chiến sĩ đấu tranh cho độc lập của Ukraine trong thế kỷ XX", đồng thời cấm những chỉ trích nhằm vào họ.

Theo ông Cohen, những tổ chức này đã giúp phát xít Đức vận hành lò thiêu người và tham gia sát hại hàng trăm nghìn người Ba Lan trong Thế chiến II. Tác giả bài báo cho rằng, luật trên là một phần trong xu thế dân tộc chủ nghĩa của Ukraine đương đại, theo đó khuyến khích mặt trận cực hữu tìm cách đoạn tuyệt với quá khứ Cộng sản.

Cựu quan chức Mỹ viết: "Luật này ngăn cản những tham vọng châu Âu của Ukraine và khẳng định những tuyên bố của Vladimir Putin rằng, quốc gia này tràn ngập những kẻ phát xít mới là đúng". Bài báo cũng lưu ý luật trên được đưa ra tiếp sau xu hướng mới đây là vinh danh các tổ chức dân tộc chủ nghĩa hợp pháp ở Ukraine có quá khứ gây tranh cãi. Cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yushchenko từng trao danh hiệu quốc gia cao quý nhất "Anh hùng Ukraine" cho cựu thủ lĩnh OUN Stepan Bandera.

Ông Cohen còn nhấn mạnh: "Mới đây, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã đóng vai trò quan trọng như “các chiến binh tấn công” tại Maidan. Đương nhiên, nhiều người Ukraine muốn bày tỏ quan điểm chống lại Liên Xô trước đây, song đối với một nền dân chủ non trẻ, việc cấm chỉ trích các tổ chức với quá khứ đen tối như vậy là con đường sai lầm để xây dựng bản sắc dân tộc".

Nga đã cực lực tố cáo các luật này, lên án chính quyền Kiev vận dụng các biện pháp "toàn trị" để "phi Xôviết hóa" Ukraine, tạo điều kiện cho lý tưởng dân tộc chủ nghĩa, khiến đất nước sẽ bị "lao vào vực thẳm".

Một chi tiết ít được chú ý đến trong luật mới của Ukraine, đó là việc bãi bỏ hiệu lực của Sắc luật "Về lưu danh muôn thuở Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại những năm 1941-1945", theo đó khái niệm "Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" được thay thế bằng thuật ngữ "Thế chiến II" và gọi ngày 9/5 là "Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II".

Liên quan đến điều này, ngày 16/5, Cơ quan Bảo vệ nhân quyền Nga cho biết, sẽ lập báo cáo về các vụ việc làm nhục cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Ukraine. Báo cáo tiếp theo sẽ đề cập những biểu hiện xúc phạm ký ức Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, lăng nhục cựu chiến binh, di tích gắn liền với sự hy sinh anh dũng của nhân dân Liên Xô thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Những báo cáo này sẽ được công bố công khai trên các diễn đàn Nga và quốc tế.

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine cho đến nay, đây không phải là lần đầu chính quyền thân phương Tây ở Kiev muốn xóa sạch dấu vết Nga tại Ukraine. Giữa tháng 4 vừa qua, hàng loạt quan chức dưới thời Tổng thống Yanukovych thân Nga ở Ukraine đã bị ám sát.

Trước đó, ngày 9/10/2014, Tổng thống Poroshenko đã ký ban hành luật "Thanh lọc chính quyền", quy định cơ sở pháp lý và tổ chức cho việc kiểm tra "lòng tin vào chính quyền" của các công chức nhà nước và các đối tượng tương đương, quan chức địa phương, cũng như tạo điều kiện xây dựng hệ thống chính quyền mới theo tiêu chuẩn châu Âu.

Theo luật này, đối tượng để thanh lọc là tất cả các công chức nhà nước, nhân viên cơ quan chính quyền địa phương giữ chức vụ từ ngày 25/2/2010 đến hết ngày 22/2/2014, tức là giai đoạn cầm quyền của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

Luật mới sẽ cấm giữ các chức vụ trong cơ quan hành pháp đối với những đối tượng có mức sống xa hoa, không giải thích được nguồn gốc thu nhập, từng ủng hộ phong trào đòi độc lập tại miền Đông Nam, những người từng là kiểm sát viên và các chức vụ lãnh đạo bị cho là chống lại Euromaidan.

Việc khơi dậy lòng yêu nước là sứ mệnh sống còn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, việc phủ nhận lịch sử để đẩy chủ nghĩa dân tộc theo chiều hướng cực đoan là bước đi đầy nguy hiểm.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.