Chuyện bà Hillary “chống bão” ngoại tình của chồng

Thứ Năm, 13/10/2016, 06:40
Trong chiến dịch tranh cử của ông Bill Clinton năm 1992, một phụ nữ tên là Genifer Flowers đã tung ra những cuộn băng ghi âm các cuộc điện thoại với ông Clinton mà cô ta cho là có liên quan đến “quan hệ tình ái” giữa hai người. Khi đó, bà Hillary Clinton đã ra sức bênh vực chồng, lãnh đạo những phụ tá, nhà vận động ủng hộ gia đình Clinton để đưa ra những luận điểm, luận cứ bác bỏ cáo buộc của cô Flowers và sự công kích của những kẻ đối đầu với ông Clinton.

Đầu tháng 10-2016, khi chiến dịch tranh cử của bà Hillary đang bước vào giai đoạn cuối, những người vận động ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump lại tung ra những hồ sơ, tài liệu về câu chuyện bà Hillary “chống bão” ngoại tình của chồng năm xưa.

Cặp đôi quyền lực của nước Mỹ Bill và Hillary Clinton trong chiến dịch vận động tháng 1-1992.

“Quả bom” Genifer Flowers năm 1992

4 năm sau khi ông Gary Hart buộc phải bỏ cuộc đua chức Tổng thống Mỹ do dư luận đồn đãi về bê bối tình ái, những lời đàm tiếu tương tự về sự thiếu chung thủy, ngoại tình được xem là những “quả bom” có thể nổ tung đe dọa nghiêm trọng đến chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Bill Clinton, khi đó là Thống đốc bang Arkansas.

Stanley Greenberg, một chuyên gia thăm dò dư luận, là người đã giúp ông Clinton vạch chiến lược đối phó với những “quả bom” kiểu như thế. Greenberg kể, khi đó bà Hillary Clinton đã có thừa nhận trong một cuộc nói chuyện tại Trung tâm Miller (Đại học Virginia) rằng chồng bà đã phản bội bà. Đó là một lời thú nhận không dễ dàng chút nào đối với bà Hillary vào thời điểm mà “bão” dư luận xung quanh chuyện ngoại tình của ông Clinton vẫn chưa lắng xuống.

Vài tuần sau lời thú nhận của bà Hillary, rắc rối ập đến với gia đình Clinton. Trên tạp chí khiêu dâm Penthouse, một cô nàng mê nhạc rock tên là Connie Hamzy đã tuyên bố rằng ông Clinton từng có lần “quan hệ” với cô ta tại một khách sạn ở Little Rock, bang Arkansas. Ông Clinton bác bỏ câu chuyện của Hamzy, cho rằng chính cô này đã “gợi ý tình dục” với ông. Nhưng bà Hillary thì khác. Bà không chỉ nói suông, mà đích thân yêu cầu phải có hành động  nào đó. Bà đã nói với thuộc cấp rằng “phải thủ tiêu câu chuyện của cô ta”.

Gennifer Flowers tổ chức họp báo công bố băng ghi âm quan hệ với ông Bill Clinton tháng 1-1992.

Chiến thuật thông dụng là tung người đi thu thập những “lời khai” có giá trị nhằm làm “bằng chứng ngoại phạm” cho ông Clinton. Thế là một số người, trong đó có một trợ lý của ông Clinton, đã “khai” rằng chính họ đã cùng ở trong khách sạn với ông Clinton, từ đó khiến cho câu chuyện nhằm minh chứng cho lời cáo buộc của cô Hamzy thành ra giả mạo, không có thực.

Khi câu chuyện của cô Hamzy vừa lắng xuống thì đến “quả bom” mang tên Genifer Flowers, vài tuần trước cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire. Thời điểm đó Flowers là nhân viên nhà nước ở bang Arkansas, đồng thời là ca sĩ phòng trà vào ban đêm. Cô mang câu chuyện của mình kể cho tạp chí Star, bảo rằng mối quan hệ tình ái của mình với ông Clinton đã kéo dài hơn 10 năm. Và điều quan trọng là cô đã bán “câu chuyện tình ái” của mình với ông Clinton, kèm theo những tấm ảnh nóng bỏng với giá 500.000 USD.

Trong một cuộc họp với các trợ lý, gia đình Clinton đã dự thảo một kế hoạch “tự vệ” thống nhất giữa hai người để trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình “60 Minutes”. Được sự đồng tình của bà Hillary, ông Clinton đã thừa nhận với khán giả truyền là đã “gây đau khổ trong gia đình” nhưng lại không thừa nhận mối quan hệ tình ái với Flowers. Tiếp đến, bà Hillary bày tỏ cảm tình với Flowers, nói rằng việc cô bị đồn đãi như thế không phải lỗi của cô.

Nhưng tại một cuộc họp báo ngày hôm sau, cô Flowers tái khẳng định lời tuyên bố của cô về mối quan hệ tình ái với ông Clinton. Flowers cho phát một trích đoạn băng ghi âm các cuộc gọi với ông Clinton. Người ta nghe được hai người thảo luận với nhau về lời đồn đãi của dư luận, có cả những lời đùa cợt về chuyện tình dục của hai người.

Sau khi đọc lướt qua tin tức báo chí khi đang ở South Dakota, bà Clinton chỉ đạo cho trợ lý nối máy điện thoại để nói chuyện với ông Clinton. Một nhà báo đi cùng bà Clinton trong chuyến vận động đó kể lại rằng bà Clinton đã tỏ ra giận dữ không phải với ông Clinton mà với Flowers.

Nhiều năm sau này, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Talk vào năm 1999 sau vụ bê bối Monica Lewinsky, bà Clinton còn bảo rằng bà đã nghĩ chồng mình chắc đã khắc phục được nhược điểm lăng nhăng trong thập niên 80. Trong cuộc phỏng vấn đó cũng như trong các cuộc trò chuyện, tâm sự với một người bạn tên là Diane Blair, bà Clinton hay giải thích về thói trăng hoa của chồng thế này: Nó bắt nguồn từ thời thơ ấu của ông ấy, khi đó ông ấy bị ép buộc phải làm hài lòng hai người đàn bà - mẹ và bà ngoại đang tranh giành nhau vì ông ấy; ông ấy bị áp lực rất lớn; còn bản thân bà thì không thể đáp ứng được các nhu cầu về tình cảm của ông ấy. Và trong mắt bà Clinton, việc chồng mình gặp gỡ cô Lewinsky “không phải vì tình dục đích thực”.

Monica Lewinsky.

Nhưng vào năm 1992, sự ủng hộ hết mực dành cho chồng của bà Clinton có tác động quan trọng đến sự nghiệp của ông. Nó đã tạo ra một ấn tượng lâu dài về sau này đối với những người bao quanh hai vợ chồng, và nhất là giúp cho chiến dịch tranh cử của ông Clinton đứng vững, không bị ảnh hưởng. Bà không hề suy suyển, ngay cả khi trợ lý của mình là Richard Mintz bảo bà cần gọi điện thoại cho cô Tammy Wynette, người đã đưa câu chuyện của vợ chồng bà lên chương trình “60 Minutes”. “Bà ấy rất bình tĩnh, điềm đạm và khoan dung” - Mintz kể.

Chiến dịch hành động “chống bão”

Vài tuần lễ sau đó, một nhóm nhỏ các trợ lý phục vụ chiến dịch tranh cử đã cùng họp với bà Clinton tại khu dinh thự của Thống đốc bang Arkansas ở Little Rock để đưa ra quyết định quan trọng: Họ sẽ thuê nhà điều tra tư nhân Jack Palladino, người nổi tiếng với chiến thuật ghi âm và tung “mỹ nhân kế” để moi thông tin. Một trợ lý chiến dịch nói rằng bà Clinton cùng một số trợ lý đã thảo luận và nhất trí việc thuê nhà điều tra này. Chiến dịch điều tra chính là bước ngoặt làm cho chiến dịch tranh cử của ông Clinton chuyển sang tư thế quyết liệt hơn.

Chủ tịch Chiến dịch vận động Mickey Kantor nói rằng ông không biết bà Clinton khi đó thấy cần phải có sự giúp sức từ bên ngoài. Palladino điều tra rất nhanh và hiệu quả. Hầu như tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu cũ, cả ông chủ nơi làm việc của Flowers đều được ông tiếp xúc và “hỏi thăm”.

Sau đó, Palladino viết về Flowers trong một bức thư gửi cho luật sư của chiến dịch tranh cử: “Cô ấy hiện đang là một biểu tượng đang tỏa sáng - tung ra những lời nói dối có lợi và miễn phí cho những kẻ cơ hội lợi dụng nhắm vào mục tiêu là ông Clinton”. Palladino đã sử dụng thuật điều khiển người khác qua lời nói để hướng họ nói theo những điều có lợi cho ông bà Clinton, đó là “cô Flowers đã chủ động quan hệ tình dục”.

Những thông tin ông Palladino thu thập được đã được chuyển cho Betsey Wright, một cựu Chánh văn phòng của ông Clinton ở Arkansas, với sự ủng hộ của bà Clinton đã được bổ nhiệm phụ trách những vấn đề về ngoại tình. Thông qua bà Wright, những thông tin “đào bới” được về cô Flowers và các phụ nữ khác sẽ được chuyển cho các phóng viên báo chí. Lúc đó, bà Wright đã kể với các phóng viên báo chí về cuộc điều tra của Palladino đối với cô Flowers và hơn 20 phụ nữ khác từng tung ra cáo buộc quan hệ tình dục với ông Clinton và đã chứng minh “tất cả đều là giả dối”.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí khiêu dâm Penthouse kèm theo hình ảnh cô Flowers khỏa thân, bà Wright cáo buộc Flowers “khai gian lý lịch, âm mưu tống tiền, tự phịa ra câu chuyện tình ái 12 năm với ông Clinton nhằm đánh bóng hình ảnh của một ca sĩ phòng trà giá bèo”. Wright nói với phóng viên tạp chí Penthouse rằng “khi người tình giàu có nhất trong số các người tình của cô ta không chịu bỏ vợ mình để đi theo cô ta hoặc không mang cho cô ta thêm nhiều tiền, thì cô ta sẽ dàn cảnh tự tử với rượu vang pha thuốc độc valium”.

Tiếp tục, bà Clinton tấn công Flowers trong một cuộc nói chuyện trên chương trình truyền hình “Arenio Hall Show”, nơi ông Clinton từng biểu diễn màn thổi kèn saxophone nổi tiếng. Khi người dẫn chương trình Hall hỏi: “Bà có biết vấn đề của Flowers là gì không?”, bà Clinton đáp: “Cô ta có quá nhiều vấn đề”.

Cô Flowers bác bỏ các cáo buộc mà cả bà Wright và bà Clinton nhắm vào mình, gọi câu chuyện “tự tử” là bịa đặt. Sau này, khi vụ ông Clinton quấy rối tình dục Paula Jones bị báo chí làm rùm beng, bà Clinton đã thừa nhận thêm một lần nữa “ông ấy có quan hệ tình dục một lần với Flowers”.

Chủ tịch chiến dịch của ông Clinton giải thích rằng, bà Clinton hành động như thế là vì bà ấy muốn bảo vệ chồng mình vì cho rằng ông ấy bị đối xử không công bằng. Nhưng hành động của bà Clinton và các trợ lý của bà đã khiến các nhà hoạt động vì nữ quyền phẫn nộ và họ đã lên tiếng phản đối bà.

Sau khi cô Paula Jones, một nhân viên nhà nước ở bang Arkansas, tố cáo ông Clinton “đụng chạm giới tính” không mong muốn với cô vào năm 1994, bà Clinton đã yêu cầu bà Wright “hãy chặn nó lại”. Cô Jones kể: “Lúc đó, họ đã cho người đi đào bới chuyện xấu của tôi”.

Paula Jones.

Thế rồi Jones đâm đơn kiện ông Clinton ra tòa vì tội quấy rối tình dục. Tuy nhiên, gia đình Clinton lúc đó xem vụ kiện mang động cơ chính trị hơn là vì danh dự bị xúc phạm. Bằng chứng là cô Jones đã được Rutherford Institute - một tổ chức bảo thủ - tài trợ chi phí theo đuổi vụ kiện, và bà Clinton đã tức giận gọi đó là một “âm mưu lớn của cánh hữu” nhắm vào vợ chồng bà. Và vụ việc đó đã gây tốn kém khá lớn cho ông bà Clinton.

Ông Clinton đã phải chấp nhận mức bồi thường 850.000 USD để dàn xếp cho êm xuôi vụ việc, để cô Jones rút lại đơn kiện, không gây ảnh hưởng thêm đối với địa vị tổng thống của ông. Thế nhưng, trước khi vụ dàn xếp được giao kèo, ông Clinton lại mắc lỡm các luật sư của cô Jones khi họ hỏi ông về vấn đề của cô Monica Lewinsky.

Việc ông Clinton nói dối với các luật sư về quan hệ tình ái với Lewinsky đã dẫn đến bê bối bị đổ bể ồn ào và dẫn đến việc Quốc hội Mỹ tổ chức phiên luận tội ông vào năm 1998 với cáo buộc cản trở tư pháp và phản bội lời thề (tuyên thệ khi đưa ra lời khai).

Trong quyển hồi ký nhan đề “Living History” (Lịch sử cuộc sống), bà Clinton kể lại rằng lúc nghe ông Clinton thừa nhận những gì đã xảy ra, bà “cảm thấy chết điếng, tan nát cõi lòng và giận sôi gan vì đã trót tin tưởng ông”. Tình hình hai vợ chồng lúc đó khiến cho bạn bè, người thân và cả dư luận tưởng chừng như cuộc hôn nhân của họ chắc sẽ đổ vỡ vì Lewinsky.

Thế nhưng, rốt cuộc bà Clinton đã xử sự một cách khéo léo, và một lần nữa, bà lại đứng dậy, ra tay bênh vực chồng bằng chiến thuật tấn công Lewinsky y như với Flowers hay Jones trước đó. Sau vụ việc đó, bà Clinton khoe với bạn bè rằng mình đã làm lành với chồng và hai người đã lại vui vẻ, lại cùng nhau “tung tăng” như mọi khi, khiến mọi người đều ngạc nhiên.

Cựu Chủ tịch chiến dịch Kantor nhận định rằng, trong những thời điểm đó, bà Clinton rơi vào tình thế rất khó khăn. Biết rằng chồng mình phản bội, lăng nhăng, nhưng nếu cứ hành động kiểu “gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng” thì hỏng hết. Bà Clinton đã chọn cách đứng ra bảo vệ chồng. Nhưng bà không chỉ đơn thuần ủng hộ ông vô điều kiện, mà giữa hai người có một sự giao kết riêng mà người ngoài không bao giờ được biết.

An Châu (tổng hợp)
.
.