Brazil:

Chuyển biến bất ngờ bẻ gãy “âm mưu đảo chính” bằng thủ tục tư pháp

Thứ Ba, 29/03/2016, 16:45
Một chuyển biến mới và đầy bất ngờ vừa diễn ra trong cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn tại Brazil mang tên Lava jato (Rửa xe). Các tờ báo lớn tại nước này hôm 23-3 đã gây nên cơn sốt trong dư luận khi đồng loạt công bố hàng chục tài liệu chứa đựng danh mục các khoản chi trả mà cảnh sát tịch thu được trong quá trình điều tra, trong đó có danh sách tên của hàng trăm chính khách thuộc nhiều đảng phái khác nhau là người nhận tiền. Hiện cơ quan điều tra đang nghiên cứu các tài liệu này.

Các tờ báo lớn như O Estado de S. Paulo, O Globo và Folha de S. Paulo nói rằng, các tài liệu nêu trên được cảnh sát tịch thu tại nhà riêng của Benedicto Barbosa da Silva, Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Hạ tầng Odebrecht - một trong những công ty dính líu trong vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Theo các tờ báo, cảnh sát đã tịch thu tài liệu nói trên trong một cuộc khám xét vào tháng 2-2016. Khoảng 60 bản chụp của các tài liệu đã được tờ báo O Estado de S. Paulo đăng trên website của tờ báo này. Các tài liệu có cả chữ viết tay của đương sự. Điều đáng chú ý là nội dung các tài liệu này "quy tụ" danh tính của khoảng 200 chính khách thuộc 18 đảng phái khác nhau, bao gồm nhiều quan chức chính phủ, nghị sĩ, thống đốc bang và cả thị trưởng các thành phố, thị trấn.

Việc chi trả diễn ra trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử năm 2010, 2012 và 2014. Cổng thông tin điện tử G1 của mạng lưới truyền hình Globo lớn nhất Brazil đưa ra số tiền chi trả là 55 triệu reail Brazil, tương đương 15 triệu USD.

Một số chính khách nổi bật có tên trong danh sách gồm Bộ trưởng Giáo dục Aloizio Mercadante, một trong những người thân cận nhất của Tổng thống Dilma Rousseff; Thượng nghị sĩ đối lập Aecio Neves, người từng thất bại dưới tay bà Rousseff trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống năm 2014; và cả Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, người được xem là "kẻ thù" của bà aRousseff, đã chủ trì cuộc vận động đòi luận tội bà Rousseff ở Quốc hội vào tháng 12-2015.

Ngoài ra, danh sách cũng có tên Thị trưởng Rio de Janeiro Eduardo Paes, người chủ xướng việc tổ chức Thế vận hội mùa hè năm nay (diễn ra từ ngày 5 đến 21-8) tại Brazil.

Bà Tổng thống Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Lula Da Silva tạm thời "thoát hiểm".

Mặc dù chưa thể khẳng định ngay những khoản chi trả ghi trong các tài liệu là hợp pháp hay bất hợp pháp, nhưng việc chúng được công bố trên báo chí đã gây nên một sự chú ý đặc biệt, tạo ra một chuyển biến bất ngờ về mặt chính trị. Cho đến trước khi các tài liệu được công bố, mọi sự chú ý trong chiến dịch bài trừ tham nhũng Lava jato đều dồn về phía đảng Công nhân cầm quyền và cá nhân nữ Tổng thống Rousseff. Việc một số người thân cận của bà Rousseff bị bắt hồi tháng 2 và đầu tháng 3-2016 đã làm dấy lên những dự báo u ám về "hậu vận" của bà.

Những người được xem là giành được thắng lợi to lớn nhất trong vụ tiết lộ tài liệu chi tiền của Công ty Odebrecht không ai khác chính là cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva và Tổng thống Rousseff. Ông Lula Da Silva tạm thời thoát khỏi các cuộc điều tra ráo riết của thẩm phán Moro, còn bà Rousseff cũng thở phào vì những kẻ gây áp lực đòi bà từ chức đang trở thành mục tiêu nghi vấn tham nhũng, vận động tài chính tranh cử bất chính. 2 kẻ đại bại không ai khác là Chủ tịch Hạ viện Cunha - thế lực thúc đẩy việc luận tội bà Rousseff, và thẩm phán Sergio Moro - người đã tỏ ra rất quyết liệt trong cuộc điều tra chống tham nhũng khi nhắm vào cựu Tổng thống Lula Da Silva và Tổng thống Rousseff.

Ông Cunha đã nhanh chóng thanh minh rằng, mình không nhận tiền tài trợ bất chính cho chiến dịch tranh cử vừa qua, ngay cả khi cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận về bản chất các khoản chi trả ghi trong tài liệu. Ông Cunha cũng đã từng bị buộc tội nhận hối lộ từ Công ty Odebrecht, nhưng ông đã chối phắt.

Đối với thẩm phán Moro, vụ việc tiết lộ danh sách nhận tiền của Công ty Odebrecht trong đó không có tên ông Lula Da Silva cùng một số người thân cận khác của bà Rousseff là một cú phản đòn ngoài dự tính. Thẩm phán Moro là người rất quyết liệt trong việc ngăn chặn Tổng thống Rousseff bổ nhiệm ông Lula Da Silva làm Chánh văn phòng Nội các, vì ông Lula Da Silva ngồi vào vị trí này có nghĩa là các thẩm phán tòa án bang lẫn liên bang đều không có thẩm quyền buộc tội ông. Việc này sẽ phải do Tòa án Tối cao thực hiện.

Sau vụ tiết lộ tài liệu Odebrecht, Thẩm phán Tòa án tối cao Teori Zavascki tuyên bố thẩm phán Moro đã phạm sai lầm khi công bố đoạn ghi âm nghe lén cuộc điện thoại giữa Tổng thống Rousseff với ông Lula Da Silva, và tuyên bố tạm thời đình chỉ nhiệm vụ của thẩm phán Moro trong bất cứ cuộc điều tra nào nhắm vào ông Lula Da Silva.

Điều này có nghĩa là thẩm phán Moro không còn cơ hội ra lệnh tạm giữ, tạm giam đối với ông Lula Da Silva nữa, và như vậy các cuộc điều tra nhắm vào ông cũng tạm thời gác lại. Tuy nhiên, thẩm phán Zavascki không nhắc đến việc có tiếp tục cho phép bổ nhiệm ông Lula Da Silva làm Chánh văn phòng Nội các của bà Rousseff hay không.

Từ trước khi bà Tổng thống Rousseff tuyên bố bổ nhiệm ông Lula Da Silva, thẩm phán Moro cùng các đồng nghiệp thân tín tìm cách đưa ra bằng chứng để buộc ông Lula Da Silva tội rửa tiền và trục lợi bất chính trong các thương vụ làm ăn của Công ty Odebrecht.

Không tìm được bằng chứng, ông Moro quay sang chơi "trò bẩn": Ngay sau khi ông Lula Da Silva tuyên thệ nhậm chức, một mặt Moro vận động các thẩm phán liên bang và bang Sao Paulo ra huấn lệnh về tính pháp lý của việc Tổng thống Rousseff bổ nhiệm ông Lula Da Silva làm Chánh văn phòng Nội các.

hối hợp với việc này là việc những câu nói trước đây của ông Lula Da Silva khi còn đương chức phê phán việc tạo lá chắn pháp lý để bảo vệ các quan chức cao cấp lỡ dính chàm được lan truyền một cách có chủ đích trong dư luận xã hội nhằm tô vẽ hình ảnh ông Lula Da Silva từ một tổng thống giàu uy tín, đi tiên phong chống tham nhũng trở thành mục tiêu điều tra chống tham nhũng.

Mặt khác, ông Moro cũng cho công bố trước công chúng một đoạn ghi âm lén cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông với Tổng thống Rousseff trong thời gian trước khi bổ nhiệm. Trong đoạn ghi âm có những câu nói của ông Lula Da Silva trao đổi về việc bà Rousseff bổ nhiệm ông và nội các, cũng như lời lẽ của ông đối với các thẩm phán điều tra vụ án tham nhũng đang diễn ra, trong đó có câu: "Sao chúng ta không thể khống chế họ chứ?".

Việc đoạn ghi âm có câu nói này xuất hiện đã làm bùng lên ngọn lửa phẫn nộ trong công chúng, dẫn đến biểu tình, phản đối bên ngoài trụ sở Chính phủ. Vì vậy Tòa án Tối cao đã phải ra phán quyết tạm đình chỉ việc bổ nhiệm ông Lula Da Silva.

Ngay sau khi thẩm phán Moro cho công bố các đoạn ghi âm lén điện thoại giữa Tổng thống Rousseff và cựu Tổng thống Lula Da Silva, một cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh tính hợp pháp của việc nghe lén, ghi âm lén điện thoại của Tổng thống, cũng như liệu những câu nói trong đoạn ghi âm có đủ chứng cứ kết luận Tổng thống Rousseff và ông Lula Da Silva "âm mưu" cản trở cuộc điều tra "Rửa xe" do chính thẩm phán Moro chủ trì hay không.

Những người ủng hộ ông Lula Da Silva biểu tình ủng hộ ông và phản đối hành động của thẩm phán Moro.

Một thẩm phán liên bang tại thủ đô Brasilia hôm 17-3 đã ra một huấn lệnh ngăn cản việc bổ nhiệm ông Lula Da Silva, tuyên bố rằng bà Tổng thống Rousseff có thể đã can thiệp sâu vào công việc của ngành tư pháp.

Chính phủ của Tổng thống Rousseff ngay lập tức kháng nghị các huấn lệnh của các thẩm phán liên bang thân tín với thẩm phán Moro. Bà Tổng thống Rousseff giận dữ trước hành vi xâm phạm quyền riêng tư và quyền bất khả xâm phạm của Tổng thống của thẩm phán Moro, cho rằng việc thu âm nghe lén các cuộc điện thoại của bà là bất hợp pháp, và những hành động phối hợp với việc công bố các đoạn ghi âm đó trước công chúng cho thấy một "âm mưu đảo chính" bằng thủ tục tư pháp đã diễn ra.

Bên cạnh đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống Lula Da Silva cũng rầm rộ xuống đường biểu thị sự ủng hộ dành cho ông Lula Da Silva, đồng thời phản đối hành động được xem là "bẩn thỉu" của thẩm phán Moro trong chiến dịch điều tra chống lại ông Lula Da Silva.

Rốt cuộc, khi danh sách chi trả tiền của công ty Odebrecht được công bố không có tên ông Lula Da Silva, nhưng ngược lại có tên những kẻ chống lại ông và Tổng thống Rousseff, cuộc đối đầu gần như đã ngã ngũ, ai thắng, ai bại hầu như đã rõ. Bà Tổng thống Rousseff tạm thời an toàn trước các nỗ lực buộc bà từ chức, còn ông Lula Da Silva thì có lẽ cũng không cần đến chức vụ trong nội các chính phủ nữa.

An Châu (tổng hợp)
.
.