Chuyến công du đầu tiên của ông Biden

Thứ Hai, 14/06/2021, 16:07
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi lên nắm quyền. Ông Biden sẽ dừng chân tại Anh, Bỉ và Thụy Sĩ để tham gia các sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga...

Từ trước đến nay, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu nước Mỹ luôn thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước, vì từ chuyến thăm này có thể nắm bắt được phương hướng trọng điểm và trật tự ưu tiên của chính quyền nhiệm kỳ mới trong chính sách đối ngoại.

So với hầu hết các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, chuyến thăm của ông Biden lần này tương đối đặc biệt. Thứ nhất, thời điểm của chuyến thăm diễn ra muộn hơn hầu hết các tổng thống tiền nhiệm. Ông Obama đã thực hiện 3 chuyến công du nước ngoài, đến thăm 9 quốc gia trong vòng 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump cũng được thực hiện vào ngay tháng  5-2017. Cũng có thể là do tình hình COVID-19 vừa qua diễn ra phức tạp nên ông Biden ưu tiên giải quyết các vấn đề trong nước, tạm gác lại các vấn đề khác.

Thứ hai, không theo truyền thống từ năm 1906 là các tân tổng thống thường đến thăm Canada và Mexico trước tiên. Nhiều người cho rằng, nước Mỹ, khi muốn thử nghiệm các chính sách ngoại giao thông thường, họ sẽ gọi một quốc gia láng giềng cho chuyến thăm đầu tiên của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Vương quốc Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Ngược lại, nếu cần thể hiện tư thế ngoại giao đặc biệt thì các tổng thống sẽ chọn một quốc gia đặc biệt. Chẳng hạn Tổng thống Harry S. Truman đã đến thăm Bỉ khi ông tham dự Hội nghị ở Potsdam, Đức trước khi Thế chiến II kết thúc và chuyến đi đó trở thành chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông; hay như Tổng thống Trump đã chọn Saudi Arabia là nước đầu tiên đặt chân đến sau khi nắm quyền để thể hiện sự coi trọng đối với vấn đề Trung Đông. Còn chuyến công du lần này của ông Biden, theo truyền thông Mỹ, là nhằm thể hiện cam kết mới của Washington với các đồng minh và đối tác.

Lịch trình của ông Biden, theo truyền thông đưa tin, sẽ bao gồm 3 chặng chính. Điểm đầu tiên là Anh, với kế hoạch gặp gỡ Thủ tướng Boris Johnson, tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall và thăm Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại lâu đài Windsor.

 Điểm thứ hai là Brussels, Bỉ với các hoạt động tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU đầu tiên kể từ năm 2014, ngoài các chủ đề thông thường, nội dung hội nghị còn có thể liên quan đến một số vấn đề nan giải như thuế thép và nhôm, tranh cãi về trợ cấp hàng không...  và gặp Quốc vương cùng Thủ tướng Bỉ. Điểm dừng chân cuối cùng là Thụy Sĩ, với điểm nhấn là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga. Đây là hội nghị đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2018 và phía Mỹ cho biết sẽ thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi như tình hình Ukraine, can thiệp bầu cử, nhân vật đối lập và các cuộc tấn công mạng.

Theo các nhà quan sát, với lịch trình này, ông Biden sẽ đối mặt với một vài thách thức lớn. Do quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh nên cuộc gặp Biden - Putin nhận được nhiều quan tâm. Washington và Moscow có bất đồng trong một loạt vấn đề đan xen phức tạp và e rằng nó không thể dễ được hóa giải nếu các bên tham gia không tạo được tâm thế thiện chí.

Thách thức thứ hai là những khúc mắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trước khi ông Biden lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Thổ đã rơi vào khủng hoảng. Chính quyền thời Tổng thống Trump đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án máy bay chiến đấu F-35 vì nước này hợp tác quân sự với Nga. Cả hai bên đều có những vấn đề nan giải cần giải quyết như mua bán vũ khí, lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria, vấn đề Afghanistan...

Sẽ có 2 vấn đề đáng quan tâm trong chuyến đi này của ông Biden. Thứ nhất, Mỹ và châu Âu phối hợp ở mức độ nào trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Thứ hai, liệu Mỹ và EU có thể đạt được thành quả tốt hơn về hợp tác thương mại hay không? Các đồng minh châu Âu có thể ủng hộ Mỹ về mặt quan điểm giá trị, xây dựng chuỗi ngành nghề chung, hạn chế chuyển giao công nghệ...

Tuy nhiên, nếu ông Biden kỳ vọng châu Âu sẽ “chọn bên” giữa Trung Quốc hay Mỹ thì e rằng ông sẽ không thể đạt được như mong muốn. Pháp, Đức, Italy không thể đưa ra lựa chọn này. Một là vì họ đều có quan hệ thương mại trọng yếu với Trung Quốc. Hai là vì sau 4 năm ông Trump cầm quyền, châu Âu hoài nghi về tính kế thừa và ổn định trong chính sách của Mỹ.

Trên thực tế, Tổng thống Biden chủ trương thúc đẩy “ngoại giao tầng lớp trung lưu” - gắn chính sách ngoại giao với sự phục hồi trong nước nhằm bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu Mỹ, chính sách bảo hộ về kinh tế của ông không khác nhiều so với thời ông Trump, vẫn là đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu. Vì vậy, Mỹ và châu Âu có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế - thương mại hay không. Nếu không có quan hệ bền chặt về kinh tế - thương mại mà chỉ dựa vào khuôn khổ bên ngoài của NATO, việc Mỹ lôi kéo quan hệ đồng minh có những điểm yếu rõ ràng và mức độ liên kết cũng kém phần chắc chắn.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.