Chuyện lùm xùm về nữ chính khách độc thân, yêu mèo

Thứ Tư, 01/06/2016, 09:55
Ngay sau khi bà Thái Anh Văn chính thức trở thành người đứng đầu lãnh thổ Đài Loan hôm 20-5, theo thói quen, báo chí đại lục bắt đầu chiến dịch công kích, nói xấu bà bằng những lời bình phẩm thiếu chính xác một cách thô thiển. Ngay lập tức, một làn sóng tranh cãi trong dư luận đã nổ ra xung quanh thái độ kỳ thị giới tính, trọng nam kinh nữ của “anh cả” Trung Hoa.

Theo CNN, Tân Hoa xã đã mở màn cho chiến dịch nói xấu bà Thái Anh Văn bằng một bài xã luận đăng hôm 24-5. Trong bài xã luận này, Tân Hoa xã phân tích phong cách và quan điểm chính trị của bà Thái dựa trên tình trạng độc thân của bà.

Hãng Tân Hoa viết thế này: “Là một chính trị gia độc thân, bà ấy không có sự ràng buộc tình cảm, không có vướng bận gia đình, không có con cái để lo lắng. Phong cách chính trị của bà ấy thường hay cảm tính, cá nhân và cực đoan”.

Bà Thái Anh Văn mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1-2016.

Bài báo kết luận: “Bà ấy không quan tâm nhiều đến định hướng chiến lược chính trị, nhưng lại chú ý đến chi tiết nhiều hơn. Bà ấy đưa ra các mục tiêu hết sức ngắn hạn mà không quan tâm đến các mục tiêu dài hạn”.

Thái độ và cách dùng câu chữ bình phẩm một cách thiếu cân nhắc của bài báo trên đã làm lộ ra những suy nghĩ của Bắc Kinh đối với nhà lãnh đạo mới ở Đài Loan, giúp cho bà này biết sắp tới Bắc Kinh sẽ “làm gì” đối với Đài Loan do bà lãnh đạo.

Ngay sau khi đăng lên mạng Internet khiến dư luận quan tâm, bài báo đã được Tân Hoa xã gỡ khỏi trang web. Tuy nhiên, sự xuất hiện của bài báo với những lời lẽ khiếm nhã đó đã kịp “gây bão” chỉ trích trong dư luận xã hội. Nhiều người đọc bài báo đã tỏ vẻ phẫn nộ, phê phán gay gắt thái độ, tư tưởng kỳ thị giới tính và dư luận chung cho rằng đây là trò chính trị rẻ tiền.

Lý Vân Long, một giáo sư Trung Quốc đã thể hiện sự giận dữ trên trang cá nhân trên mạng xã hội Weibo. Ông Lý bực tức lý luận: Độc thân thì có ăn nhập gì đến quan điểm chính trị của bà ấy đâu? Nhiều người khác thì chỉ ra những trường hợp nữ chính khách độc thân nhưng vẫn thành công và có quan điểm chính trị chuẩn mực, như Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, hay như cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi. Nhiều người khác tố cáo truyền thông nhà nước Trung Quốc kỳ thị giới tính quá đáng và họ phát ốm với chủ nghĩa Sô-vanh, trọng nam khinh nữ.

Trung Quốc là một xã hội trọng nam khinh nữ, thứ văn hóa phong kiến cố cựu đã ăn sâu trong tiềm thức người dân từ ngàn đời. Đến thời ông Mao Trạch Đông, phụ nữ bắt đầu được “giải phóng”, với khẩu hiệu “nữ nhi gánh vác nửa giang sơn”. Tuy nhiên, trên thực tế phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi và đến ngày nay vẫn thế. Tỷ lệ phụ nữ tham gia guồng máy quản lý ở Trung Quốc vẫn rất thấp, theo thống kê chỉ khoảng 10%.

Một thói quen đáng chê trách của truyền thông Trung Quốc là thường hay “soi” về dung nhan ngoại hình và tình trạng hôn nhân (độc thân hay đã có gia đình) của phụ nữ hơn là quan tâm vấn đề nâng cao quyền lợi của họ. Nhân Dân nhật báo xây dựng chuyên mục “Cái đẹp có đầu óc” trong đó tôn vinh hình ảnh những nữ phóng viên nội chính chuyên đưa tin về nội bộ giới lãnh đạo.

Trong các chương trình văn hóa nổi bật của mình, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mỉa mai, châm biếm công khai những phụ nữ có thân hình quá béo hoặc phụ nữ độc thân, làm dấy lên phong trào nữ quyền đòi CCTV phải dẹp ngay chương trình này.

Theo giáo sư Quách Nhuệ Bình tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, xã hội Trung Quốc hiện nay vẫn còn rất nhiều người xem phụ nữ chỉ là “bà nội trợ” quanh quẩn trong nhà, và họ không muốn nhìn thấy phụ nữ ngày càng thể hiện nhiều vai trò cao hơn trong xã hội. Trường hợp của bà Thái Anh Văn có thể được xem là một hình mẫu tốt nhất cho phụ nữ Trung Hoa noi theo, và đó là lý do truyền thông Trung Quốc mở chiến dịch tấn công bà.

Trở lại vấn đề của bà Thái Anh Văn, việc Tân Hoa xã đăng bài viết nói xấu liên quan đến tình trạng độc thân của bà đã vô tình làm cho mọi người chú ý đến bà nhiều hơn. Thật ra, trước khi có bài báo của Tân Hoa xã, ngay sau khi thắng cử, người ta đã kịp tìm hiểu bà Thái Anh Văn là ai, và đã biết bà không chỉ là một chính khách độc thân, mà còn là một phụ nữ yêu mèo và có quan điểm ủng hộ hôn nhân đồng tính – điều cấm kỵ ở Trung Hoa đại lục. Trong chiến dịch tranh cử của bà, người ta thường thấy bà đi vận động cử tri cùng với hai chú mèo xinh xắn mà bà đặt tên là Thái Tưởng Tưởng và A Thái.

Bà Thái Anh Văn và chú mèo cưng.

Được báo chí đặt cho biệt danh là “Tiểu Anh”, Thái Anh Văn bước lên đỉnh cao quyền lực tại Đài Loan từ vị thế một người “ngoại đạo” với chính trị xứ Đài. Năm nay 60 tuổi, bà Thái sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Đông, miền Nam Đài Loan, sau theo cha mẹ di chuyển lên Đài Bắc. Lớn lên, bà đi học luật tại Đại học Quốc gia Đài Loan chuyên ngành luật hình sự, và tiếp tục lấy bằng thạc sĩ luật tại Đại học Cornell và tiến sĩ luật tại Trường Kinh tế London, Anh. Sau đó, bà Thái quay trở về nước dạy học tại nhiều trường đại học ở quê nhà.

Tham gia làm việc trong bộ máy chính quyền từ rất sớm, nhưng mãi đến năm 2004 bà Thái mới chính thức gia nhập đảng Dân tiến (DPP). Đến năm 2008, bà trở thành chủ tịch đảng này, nhưng con đường quyền lực của bà không suôn sẻ, luôn đầy chông gai và trắc trở.

Bà từng thất bại trong lần tranh cử vị trí người đứng đầu Đài Loan đầu tiên với ông Mã Anh Cửu năm 2012 và từ chức Chủ tịch đảng Dân tiến. Đến năm 2014, bà trở lại chức Chủ tịch đảng DPP và quyết định tranh cử lần hai. Lần này bà giành chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Quốc dân đảng cầm quyền Chu Lập Luân (60% so với 30% phiếu), trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, đồng thời phá tan mọi thành kiến, kỳ thị đối với phụ nữ Trung Hoa trên chính trường. Thái tiếp nối câu chuyện thành công của nữ chính khách trên thế giới, và người ta ví bà như “Angela Merkel của xứ Đài”.

Là người có quan điểm cứng rắn và đường lối đàm phán không khoan nhượng, lẽ đương nhiên bà Thái đang khiến cho Bắc Kinh cảm thấy không yên tâm. Cũng chính vì vậy mà truyền thông Trung Hoa đại lục mới mở chiến dịch nói xấu nhân vật này.

An Châu (tổng hợp)
.
.