Chuyện “thay máu” trong Nhà Trắng

Thứ Ba, 28/09/2010, 19:40
Việc Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel có ý định từ chức để về Chicago tranh cử chức thị trưởng từng là "tin đồn" trong giới chức Nhà Trắng, nhưng giờ đây nó đã là chuyện có thật sau khi đích thân Tổng thống Barack Obama lên tiếng xác nhận hôm 9/9. Một cuộc "thay máu" diễn ra ngay vào thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ đã phản ánh rõ ràng những trục trặc về nhân sự được nói đến từ lâu.

Theo báo chí Mỹ, Emanuel sẽ đưa ra quyết định tranh cử chức thị trưởng Chicago sau khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc vào trước hạn chót ngày 22/11 tới. Hiện tại đang là thời điểm chuyển giao đầy căng thẳng, và Tổng thống Obama sẽ phải tìm cho được người thay thế Emanuel một cách xứng đáng.

Trước ông Emanuel đã có vài cố vấn quan trọng của ông Obama rời bỏ con thuyền do ông cầm lái. Đó là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Christina Romer, từ chức hồi đầu tháng 9 vừa qua nhưng cho đến nay vẫn chưa có người thay thế. Trước đó nữa, sau khi Giám đốc Ngân sách Peter Orzag ra đi, Tổng thống Obama đã có ngay Jack Lew để lấp vào chỗ trống đó, nhưng ngay cả ông này hiện cũng chưa được Thượng viện bỏ phiếu thông qua.

Việc ông Rahm Emanuel ra đi cũng đang làm cho Tổng thống Obama bối rối thật sự. Emanuel là một trong những phụ tá thân tín nhất của Tổng thống, từng trải qua nhiều chức vụ, công việc chính trị cũng như kinh doanh, cho nên cũng được đánh giá là một trong những người giàu kinh nghiệm nhất, "rành rẽ" nhất về Washington trong bộ sậu của ông Obama.

Sinh trưởng ở thành phố Chicago, bang Illinois, cùng quê với Tổng thống Obama và các cố vấn cao cấp David Axelrod và David Plouffe, Emanuel từng làm Giám đốc Tài chính chiến dịch tranh cử và sau đó làm Cố vấn cao cấp cho Tổng thống Bill Clinton trong một nhiệm kỳ rưỡi (1993-1998) trước khi nhảy sang lĩnh vực kinh doanh tài chính và sau đó bước vào Hạ viện với vai trò đứng đầu một tiểu ban trong Ủy ban Tài chính. Mặc dù không đóng vai trò gì nổi bật trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, nhưng khi ông Obama bước vào Nhà Trắng, Emanuel vẫn được gọi đến để trao cho vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng.

Cố vấn David Plouffe.

Sự ra đi của Chánh văn phòng Nhà Trắng Emanuel đã đánh dấu sự mở rộng đợt "thay máu" bộ sậu cố vấn bên trong Nhà Trắng. Ngay cả vị trí cố vấn cao cấp của David Axelrod cũng đang lung lay, và người ta chưa biết ngày nào thì đến lượt ông này sẽ phải tuyên bố rời bỏ Nhà Trắng để "trở về Chicago". Ở bộ phận phát ngôn - báo chí, phát ngôn viên Robert Gibbs cũng được dự báo là sẽ thuyên chuyển vào một vị trí sâu hơn bên trong hậu trường.

Việc "thay máu" bộ sậu cố vấn vào thời điểm giữa nhiệm kỳ là một việc bình thường của một tổng thống Mỹ, nhưng trong trường hợp hiện tại của Tổng thống Obama, việc này hầu như là "chẳng đặng đừng", nhưng sự ra đi của họ để lại một lỗ hổng lớn về nhân sự khó có thể thay thế..

Một câu hỏi đang được đặt ra là điều gì đã xảy ra đối với đội ngũ nhân sự từng được tán dương là "trẻ, năng động và giàu sáng tạo" của ông Obama? Một số ý kiến cho rằng, lý do nằm ở việc bộ máy cố vấn của ông Obama đã bộc lộ khá nhiều nhược điểm trong hơn 18 tháng qua. Dễ thấy nhất là sự thiếu kinh nghiệm trong một số lĩnh vực, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế, tài chính và ứng phó khủng hoảng. Những bộ óc mới mẻ và đầy sức sống của ông Obama tuy có bộc lộ được sự năng động và khả năng sáng tạo tuyệt vời trong giai đoạn giúp ông vận động tranh cử thành công và giành chiến thắng, nhưng khi bước vào hoạt động chính quy trên chính trường thì họ đã không đủ sức duy trì khả năng chiến đấu lâu dài.

Giới phân tích từng lên tiếng cảnh báo sự yếu kém ở từng vị trí cố vấn của Tổng thống Obama ngay từ khi ông mới lên nhậm chức, nhưng dường như ông Obama đã không quan tâm. Chẳng hạn, thư ký báo chí Robert Gibbs tuy được đánh giá là một nhà hoạt động chính trị có thực tài nhưng lại thiếu hẳn kinh nghiệm về hoạch định chính sách ở tầm cao hơn, chưa kể việc thiếu kiến thức trong lĩnh vực tài chính khiến cho việc xử lý vấn đề về chính sách tài chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí làm mất niềm tin ở Wall Street. Và không chỉ có Gibbs, cả bộ máy cố vấn kinh tế, cả cố vấn cao cấp David Axelrod.

Chánh văn phòng Rahm Emanuel.

Trong khi đó, bộ máy cố vấn trẻ của ông Obama lại thường không nhất trí với nhau trong những vấn đề quan trọng, chẳng hạn như trong việc quyết định tăng quân số cho chiến trường Afghanistan, vấn đề quan hệ với Israel và chính sách đối với Trung Đông, việc cải thiện quan hệ với Nga, rồi vấn đề đối thoại với Iran, CHDCND Triều Tiên,... Thường thì tranh cãi rất quyết liệt nhưng chậm đưa ra quyết sách dẫn đến sự chần chừ không đáng có, khiến cho nhiều quyết sách của Tổng thống Obama không đạt hiệu quả như ý muốn, thậm chí thất bại.

Đứng trước tình thế khó khăn của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã triệu tập cố vấn cao cấp David Plouffe để tập hợp và chấn chỉnh lại đội ngũ vận động vốn bị "bỏ quên" kể từ sau khi thắng cử tháng 11/2008. Theo giới phân tích, mục tiêu sâu xa của đợt "thay máu" lần này không chỉ là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà là để chuẩn bị cho cuộc đua quan trọng vào năm 2012

An Châu (tổng hợp)
.
.