Cố Chủ tịch Hạ viện Mỹ Tom Foley: Người cầm trịch quyền lực nhất của cả hai đảng

Thứ Năm, 05/12/2013, 22:45

Mới đây, tờ The Dailybeast bất ngờ tiết lộ một phần trong cuốn hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch Hạ viện Mỹ Tom Foley - người được các đồng nghiệp gọi là Chủ tịch Hạ viện quyền lực nhất của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, vì từng có thời gian hoạt động ở cả hai phe cánh chính trị luôn căng thẳng và đầy mâu thuẫn này.

Một sự nghiệp thành công    

Tom Foley, như ý kiến của nhiều người, là một hiện tượng trong giới chính khách Mỹ. Dư luận gọi ông là chính khách "lưỡng đảng". Quốc hội dường như phát điên khi không thể định nghĩa tinh thần đảng phái của Tom Foley, và từng có lần phải yêu cầu ông trình bày rõ ràng về quan điểm chính trị. 

Thực tế cho thấy Tom Foley thuộc đảng Dân chủ, được bầu vào Hạ viện lần đầu tiên năm 1964, đại diện cho tiểu bang Washington trong suốt 30 năm. Ông là thành viên có nhiều ảnh hưởng nhất của Ủy ban điều tra phụ trách vụ Iran Contra Gate (bí mật bán vũ khí của Mỹ cho Iran năm 1986). Ông trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 57 sau khi đương kim Chủ tịch James Wright lúc bấy giờ phải từ chức vì dính líu đến một vụ tai tiếng về đạo đức, và đảm nhiệm chức vụ này liên tục từ tháng 6/1989 đến tháng 1/1995.

Đồng nghiệp dành nhiều lời khen cho tính cách ôn hòa của Tom Foley - một vị chủ tịch lịch sự trong giao tiếp và khôn khéo với từng câu chữ. Một số người ví Foley là "người khổng lồ" cai quản cả hai đảng, chứ không đơn thuần quan tâm tới quyền lợi của phe Dân chủ.

Tại một buổi họp báo, khi đưa ra lời khuyên cho các vị chủ tịch kế nhiệm sau này, Tom Foley tuyên bố hết sức ngắn gọn: "Ngồi ghế cao nhất ở Hạ viện đồng nghĩa với gánh vác trách nhiệm từ phía hai đảng. Không bao giờ được ưu ái bất cứ phe nào".

Sự nghiệp thành công của Foley không thể tách rời người vợ Heather. Gần 50 năm gắn bó, Foley coi Heather là "báu vật" không thể thiếu và quý giá nhất, tới mức đồng nghiệp đều nhận xét rằng hai người sinh ra để giành cho nhau, và hai người trở thành một cặp bài trùng quyền lực ở Quốc hội. Không ai biết rằng Heather luôn âm thầm trợ giúp Tom Foley như một trợ lý cấp cao của ông. Bà cố thu hút phiếu bầu giúp ông trụ lại chiếc ghế chủ tịch Hạ viện liên tiếp gần 6 năm, tham gia các chiến dịch vận động tranh cử và chưa từng khiến Foley phải thất vọng.

Tom Foley nhận được sự tín nhiệm đa số từ cả hai đảng. Và ông trở thành vị chủ tịch "lưỡng đảng" quyền lực nhất, gây khó chịu cho những thế lực căm ghét và đang săm soi chiếc ghế cao nhất ở Hạ viện. Chính nghị sĩ mưu mô Newt Gingrich sau này đã tận dụng sự hậu thuẫn từ đảng Cộng hòa và các mánh khóe chính trị để hạ bệ Foley, đưa đảng Cộng hòa lên nắm quyền.

Sự nghiệp thành công của Foley không thể tách rời Heather, người vợ đã giúp ông định hình sự nghiệp và ổn định vị trí trên chính trường.

Những sóng gió cuối đời

Vào cuối năm 1994, phe Cộng hòa đã giành lại được Hạ viện, tạo nên bước ngoặt lịch sử gọi là "Cuộc cách mạng Cộng hòa". Người thay thế ông trong chức vụ chủ tịch Hạ viện khi ấy chẳng phải ai khác ngoài Newt Gingrich, đang làm nghị sĩ đại diện tiểu bang Georgia.  

Foley cũng liên tục chịu những cuộc tấn công tinh thần. Một tiết lộ từ Ủy ban Cộng hòa quốc gia năm 1989 cáo buộc Tom Foley là người đồng tính, gian lận phiếu bầu với sự trợ giúp của “người tình” Barney Frank - nghị sĩ Dân chủ đã công khai thuộc giới tính thứ ba. Kể từ sau khi Foley từ chức, giới chính khách không ngừng khai thác đời tư và gây dựng bê bối để phá hoại danh tiếng của ông, đặc biệt là các đối thủ Cộng hòa.

Và Foley hẳn rất đau đớn khi tên của ông bị đưa vào danh sách có liên quan tới tú bà Washington Deborah Jeane Palfrey - người bị buộc tội điều hành một đường dây gái gọi chuyên phục vụ các quan chức cao cấp và nhân vật nổi tiếng ở Washington hồi năm 2008. Cho tới khi Foley qua đời, sự thật vẫn chưa hề sáng tỏ.

Đầu năm 1995, Tom Foley bất ngờ hứng chịu "cái tát" của Newt Gingrich trước một lệnh cấm sử dụng vũ khí trái phép. Quyết định này của Foley vốn xuất phát từ câu chuyện cá nhân, phản ánh tinh thần kiểm soát chặt chẽ và sẵn sàng ngăn chặn việc lạm dụng vũ khí quân sự tràn lan ở Mỹ. Thế nhưng, khi đã không còn quyền lực, Foley đã bị gạt ra khỏi Quốc hội, và lệnh cấm của ông đã bị vô hiệu hóa bởi Hiệp hội súng quốc gia, theo chỉ đạo của đảng Cộng hòa.

Rời xa vũ đài chính trị. Foley vẫn luôn âm thầm và rất bình thản, khiêm nhường nhìn giới chính khách đấu đá vì quyền lực. Ông thường đem những phân tích tâm huyết tới dư luận bằng các bài viết sắc sảo trên báo chí.

Sau này, ông được cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ định làm đại sứ Mỹ tại Nhật Bản từ năm 1997 tới 2001, theo dấu những bậc tiền bối của đảng Dân chủ đem tư tưởng chính trị cùng ảnh hưởng của Mỹ tới châu Á. Những thay đổi nội các chính phủ năm 2001 khiến Tom Foley quyết định đưa người vợ Heather về sống lặng lẽ tại một căn nhà trên đồi Capitol. Hai chính khách cùng viết hồi ký về những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp, hoàn toàn giữ khoảng cách với báo giới và tránh xa dần ánh đèn hào nhoáng của sân khấu chính trị thời hiện đại…

Anh Doãn (theo Thedailybeast)
.
.