Cơn khủng hoảng trầm trọng của ông Bolsonaro

Thứ Hai, 05/04/2021, 14:20
Bộ trưởng Quốc phòng bị cách chức, Bộ trưởng Ngoại giao cùng tư lệnh cả 3 quân chủng quân đội từ chức; đất nước chìm sâu trong khủng hoảng COVID-19, đồng thời bị cô lập trong khu vực,... là những vấn đề mới mà Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang đối mặt, thậm chí còn tệ hại hơn cả khi COVID-19 mới bùng phát đợt đầu.


Nội tình chính phủ lủng củng

Vụ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng - tướng Fernando Azevedo e Silva hôm 29-3 và ngay sau đó là sự kiện chưa từng có trong lịch sử: Chỉ huy cả 3 quân chủng quân đội, gồm: Tư lệnh Bộ binh - tướng Edson Leal Pujol, Tư lệnh Hải quân - Đô đốc Ilques Barbosa và Tư lệnh Không quân - Chuẩn tướng Antônio Carlos Bermudez đồng loạt từ chức do bất đồng với Tổng thống Bolsonaro làm rung chuyển chính trường Brazil, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với đại dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ.

Báo chí Brazil tường thuật rằng tướng Fernando Azevedo e Silva bị sa thải ngay sau cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Bolsonaro, trong đó ông Bolsonaro đưa ra yêu cầu sử dụng quân đội cho mục đích chống lại người dân Brazil đang biểu tình rầm rộ để phản đối cách tổng thống ứng phó với đại dịch. Tướng Fernando Azevedo e Silva đáp trả thẳng thắn rằng ông không thể phục tùng mệnh lệnh, bởi “quân đội chỉ trung thành với hiến pháp chứ không phải của riêng ông Bolsonaro”.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Diễn biến ngày càng tồi tệ của đại dịch tại Brazil trong khi Tổng thống Bolsonaro lại có thái độ thờ ơ, xem đó như “cúm mùa, sẽ nhanh chóng qua đi”. Bất chấp số ca nhiễm và tử vong tăng cao, ông Bolsonaro liên tục tuyên bố rằng truyền thông đã “thổi phồng” tình hình thực tế và ra lệnh trừng phạt bất cứ ai đề xuất các giải pháp phòng dịch như thế giới đang làm. Tư lệnh Bộ binh Edson Leal Pujol là người Tổng thống Bolsonaro muốn loại trừ bởi đã công khai chống lại quan điểm của tổng thống và thẳng thắn yêu cầu áp lệnh phong tỏa phòng, chống đại dịch COVID-19.

Eliane Cantanhêde - cây bút hàng đầu của nhật báo lớn Estado de São Paulo bình luận rằng việc 4 vị tướng quân đội đồng loạt rời vị trí cho thấy một điều rằng quân đội Brazil vẫn còn trung thành với hiến pháp và không chấp nhận chính khách vi hiến. Cantanhêde cho rằng, Tổng thống Bolsonaro muốn mọi người đều phải phục tùng mệnh lệnh, làm tôi tớ cho ông nhưng trong quân đội Brazil hiện nay có rất nhiều người muốn nói “Không, thưa ngài!”.

Ngay hôm sau đã có người được bổ nhiệm thay thế 4 vị tướng lĩnh từ chức và bị cách chức nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở việc thay thế những vị tướng lĩnh này. Thomas Traumann, nhà quan sát chuyên về Brazil nhận định việc thay thế người đứng đầu quân đội là việc không bình thường. Nói cách khác, Traumann cho rằng ông Bolsonaro đang thực hiện ước muốn đặt quân đội dưới sự “chỉ bảo” của riêng mình. Trong lịch sử Brazil cách đây 44 năm, nhà độc tài Ernesto Geisel cũng từng cách chức tướng Sílvio Frota do âm mưu lật đổ mình (8 năm sau nhà độc tài Ernesto Geisel mới bị hạ bệ). Traumann cho rằng điều nguy hiểm chính là khi ông Bolsonaro có điều kiện đưa người của mình vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của quân đội, vì thế không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

 “Thảm họa ngoại giao”

Giới phân tích dùng thuật từ “thảm họa ngoại giao” để mô tả thực trạng đối ngoại của Brazil hiện nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đẩy nước này lún sâu vào khủng hoảng chưa tìm ra lối thoát. Đầu tháng 3-2021, việc ông Bolsonaro không làm gì để ứng phó với đại dịch và chống lại các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội phòng dịch trong khi số ca mắc lẫn số tử vong đều tăng cao đã khiến cả thế giới phẫn nộ và lên án. Chưa hết, ông Bolsonaro còn “gây bão” với tuyên bố “tình trạng khẩn cấp do bị bao vây”.

Tháng 3-2021 cũng là tháng mà người dân Brazil đau đớn gọi là “Tháng 3 buồn nhất đời”. Bởi tháng 3-2021 xác lập những kỷ lục khủng khiếp nhất: Lần đầu tiên số người chết lên trên 3.000 người trong một ngày, là tháng đầu tiên có trên 60.000 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vượt 300.000. Lần đầu tiên số ca mắc mới vượt 100.000 trong một ngày khiến Brazil trở lại là vùng dịch lớn thứ nhì thế giới (sau Mỹ). Nhưng, Tổng thống Bolsonaro thì cho đó là “tin giả”.

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Ernesto Araújo đã từ chức hôm 29-3 do không chịu nổi áp lực từ dư luận cũng như bên trong Bộ Ngoại giao và Quốc hội buộc tội ông phá hỏng thanh danh đất nước Brazil trên trường quốc tế và đe dọa mạng sống người dân Brazil do chính sách đối ngoại “thảm họa” ông gây ra. Araújo nổi tiếng do chủ trương chống Trung Quốc và sùng bái chủ nghĩa Trump đến mức mù quáng, đẩy Brazil vào “ngõ cụt ngoại giao”.

Ở khu vực Nam Mỹ hiện nay, Brazil - đất nước của biển cả và cát trắng, của vũ điệu samba quyến rũ, của vua bóng đá Pele lừng danh - giờ đây được ví như “cù lao phong”, tức vùng đất tăm tối của dịch bệnh, chết chóc. Các quốc gia láng giềng của Brazil hiện nay đều đang thủ sẵn các biện pháp an toàn để ứng phó với tình trạng nguy cấp đang diễn ra tại nước láng giềng. Các nước đều nhìn nhận đại dịch ở Brazil đã không được kiểm soát đúng mức, vì vậy nguy cơ lây lan ra các nước trong khu vực là rất cao. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro mô tả tình hình ở Brazil là “điên rồ”, là “thảm họa” và là mối hiểm họa chung cho khu vực.

Ở Uruguay, tình trạng báo động cũng tương tự. Rodney Colina - cố vấn chống COVID-19 của chính phủ cho rằng cần phải xây dựng một “lá chắn” COVID-19 để ngăn ngừa nguy cơ từ Brazil. Người Argentina cũng mất ngủ vì đại dịch đang hoành hành tại Brazil. Giới chuyên gia Argentina cho rằng cần phải phong tỏa di lại với Brazil càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự lây lan. Colombia đã cấm các chuyến bay đi và đến Brazil, đống thời hạn chế các huyến bay đến thị trấn biên giới Leticia. Hạn chế đi lại với Brazil hiện được cho là giải pháp tốt nhất các nước trong khu vực để ứng phó với đại dịch tại Brazil.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.