“Cơn lốc” Hashimoto trên chính trường Nhật Bản

Thứ Bảy, 02/06/2012, 05:30

Người ta gọi ông là "cơn lốc nhỏ", có chuyên gia chính trị gọi là "tâm bão" - một cơn bão nhỏ tại thành phố lớn thứ ba Nhật Bản. Phong cách, phát ngôn và hành động của ông đang tạo ra nhiều phản ứng trái ngược nhau. Giới phân tích cho rằng, những gì Hashimoto nói và làm là biểu hiện của một phản ứng "nổi loạn" chống lại chính trị truyền thống Nhật Bản.

Toru Hashimoto, 43 tuổi (sinh năm 1969), là Thị trưởng thành phố Osaka - thành phố lớn thứ ba Nhật Bản. Ông được một số chuyên gia đánh giá là hiện thân, hay là "sản phẩm" của một xã hội Nhật Bản đang chán ngán, phản ứng một cách nổi loạn trước một hệ thống chính trị truyền thống vừa uể oải, vừa bảo thủ cứng nhắc, thiếu sự đổi mới để phát triển năng động hơn.

Bản thân Hashimoto đã là một "phá cách” của chính trị Nhật Bản. Nhưng đó là sự phá cách trong bối cảnh mà nhiều người ở đất nước mặt trời mọc cảm thấy thú vị, cần thiết. Ở thành phố Osaka và tỉnh Osaka, Hashimoto là số 1, được người dân tín nhiệm với tỉ lệ cao hơn Thủ tướng Yoshihiko Noda gấp 3 lần. Xuất thân là một luật sư, ngay từ trước khi đi làm chính trị thì Hashimoto đã là người nổi tiếng với màn tư vấn pháp luật miễn phí trên truyền hình.

Quan điểm Hashimoto có vẻ hơi cực đoan một chút khiến cho lắm kẻ bực mình, nhưng cũng được khối người hoan nghênh. Chẳng hạn, gần đây ông ra lệnh cho hơn 30.000 nhân viên nhà nước ở thành phố Osaka phải công khai việc mình có hình xăm nào trên người hay không (hình xăm là biểu tượng của băng đảng tội phạm Yakuza), và nếu ai có bất kỳ một vết xăm nào thì nên tự giác rời khỏi guồng máy nhà nước.

Theo quan điểm của Hashimoto, nước Nhật cần phải thay đổi toàn bộ, tận gốc, mới có thể thoát ra được tình trạng trì trệ hiện tại. Trong một lần xuất hiện trên truyền hình gần đây, Hashimoto cho rằng, sự cải tổ theo quan điểm của ông là một sự cần thiết. "Hãy dỡ bỏ tất cả để làm lại từ đầu" - Hashimoto nói.

"Cơn lốc" Hashimoto dù không chính thức thừa nhận tham vọng lớn lao trên chính trường quốc gia, nhưng những phân tích thực tế cho thấy ông quả thực có tham vọng đó. Đảng Osaka Ishin no Kai (Hiệp hội khôi phục Osaka - OINK) của ông vừa tuyên bố muốn giành được 200 ghế trên tổng số 480 ghế Quốc hội trong kỳ bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, xét về thực lực lẫn "tuổi đời" (mới ra đời từ năm 2010) và phạm vi hoạt động của đảng này (gói gọn trong tỉnh Osaka) thì giới phân tích cho rằng khả năng giành được 40-50 ghế là cao hơn. OINK hiện tại chủ yếu hoạt động co hẹp trong phạm vi tỉnh Osaka.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, giới phân tích cho rằng Hashimoto cần thực hiện nhiều việc để đưa OINK vươn ra ngoài Osaka. Hashimoto đang áp dụng một số giải pháp thực dụng: trước mắt triển khai chương trình tập huấn hoạt động cho những ai mong muốn trở thành thành viên đảng OINK tại 46/47 tỉnh trên khắp đất nước Nhật Bản để chuẩn bị tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Giới phân tích cho rằng, muốn mở rộng phạm vi ủng hộ, gia tăng tỉ lệ cử tri toàn quốc theo mình thì OINK cần phải học cách tiếp cận và xây dựng các cơ sở cử tri ủng hộ mình ở những vùng nông thôn bảo thủ của Nhật Bản.

Chương trình tập huấn vì vậy cần chú ý tập trung xoáy mạnh vào vấn đề này. Bắt đầu triển khai từ ngày 24/3/2012, với mục tiêu thu hút khoảng 1.000 - 1.500 người đăng ký tham gia, nhưng thực tế đến nay chương trình đã nhận được trên 3.000 đơn gia nhập, và ban lãnh đạo đảng đã chính thức chọn 2.000 người.

Sự phát triển của "cơn lốc" Hashimoto đặc biệt gây chú ý trong bối cảnh chính trị Nhật Bản hiện tại đang trong tình trạng uể oải, bệ rạc. Dân chúng Nhật Bản cảm thấy giới chính trị đang ngày càng xa lạ với họ, không quan tâm thật sự đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của họ. Người ta thấy cả 2 đảng cầm quyền và đối lập chính là Dân chủ Nhật Bản (DPJ) và Dân chủ Tự do (LDP) đang ngày càng rất giống nhau cả về chính sách lẫn phong cách điều hành đất nước, và hầu như những lời hứa cải cách của họ đều không được thực hiện. Và cả hai đảng đều đang có cùng tỉ lệ ủng hộ dưới 20%. Tình hình này cho thấy "cơn lốc" Hashimoto và đảng OINK hoàn toàn có cơ hội làm nên một cuộc "càn quét" táo bạo tại Tokyo.

Phong cách Hashimoto cũng có cái gì đó thú vị, đến ngay cả những người đối chọi với ông cũng phải thừa nhận. Năm 2008, Hashimoto giành thắng lợi áp đảo và đắc cử chức Thống đốc tỉnh Osaka. Thế nhưng, vào cuối năm 2011, khi nhiệm kỳ Thống đốc còn chưa kết thúc, Hashimoto lại từ chức để tranh cử ghế thị trưởng Osaka. Tính toán của Hashimoto là ông sẽ làm thị trưởng Osaka để nhường ghế Thống đốc tỉnh cho một thành viên khác của đảng OINK. Và ông đã thành công.

Từ khi giành được ghế thị trưởng Osaka, Hashimoto càng đẩy mạnh hơn nữa những cải cách mà ông đã hứa. Ông sẵn sàng cắt giảm lương một bộ phận biên chế nhà nước để dành ngân sách đầu tư cho những lĩnh vực cần thiết, kêu gọi cắt giảm nhiều khoản đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục, giao thông, an sinh xã hội,… để tăng tính cạnh tranh năng động trong các lĩnh vực này (vì sự bao cấp hoàn toàn của nhà nước đang gây ra tình trạng chây ì, trì trệ, chậm cải tiến,…). Và ông đang tạo ra một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa những người thụ hưởng tiền ngân sách nhà nước - mà tiếng lóng ở Osaka gọi là "những kẻ sử dụng tiền thuế" và "những kẻ ăn tiền thuế".

Tham vọng hơn, Hashimoto và đảng OINK của ông còn đang ấp ủ những ý tưởng cải cách táo bạo ngay cả đối với hệ thống chính trị trung ương: đòi xóa bỏ 1 trong 2 viện Quốc hội, mà giới phân tích cho rằng kết quả sẽ giảm hẳn những "đường dây" chằng chịt trong hậu trường chính trị Nhật Bản, giúp cho chính trường trở nên "thông thoáng" hơn.

Và những cải cách mạnh mẽ cũng như những ý tưởng táo bạo của Hashimoto đã nhận được sự khích lệ nhất định từ giới phân tích. "Hashimoto sẽ là trung tâm của một cơn bão" - phát biểu của giáo sư khoa học chính trị Shigeki Uno tại Đại học Tokyo. Nhưng cũng có những người chưa thật sự tin, cho rằng đảng OINK của ông chưa hoạt động nhiều trên phạm vi toàn quốc, mà chỉ dựa vào chương trình tập huấn thì chắc sẽ khó đạt được như ý muốn

An Châu (tổng hợp)
.
.