Cơn sóng gió của ông Netanyahu

Thứ Ba, 25/12/2018, 13:41
Việc Chủ tịch đảng Yisrael Beiteiu, ông Avigdor Lieberman tuyên bố từ chức Bộ trưởng Quốc phòng và đảng của ông rút khỏi liên minh chính phủ, đồng thời lên tiếng kêu gọi giải tán Knesset (Quốc hội Israel) và bầu cử sớm đã gây nên một khủng hoảng chính trị thực sự đe dọa sự tồn tại chính phủ của ông Netanyahu.

Sau tuyên bố rút 5 đại diện của đảng Yisrael Beiteiu của ông Lieberman khỏi liên minh, Chính phủ của ông Netanyahu đứng đầu chỉ còn 5 đảng, gồm 61 ghế trong số 120 ghế ở Knesset. Các đảng trong liên minh bao gồm: đảng Likud của ông Netanyahu với 30 ghế; đảng Kulanu do Moshe Kahlon lãnh đạo với 10 ghế; đảng HaBayit HaYehudi của ông Naftali Bennett gồm 8 ghế; đảng Shas do Aryeh Deri lãnh đạo với 7 ghế và đảng United Torah Judaism với 6 ghế.

Trong cuộc họp báo tuyên bố từ chức, ông Lieberman cho biết nguyên nhân khiến ông đi đến quyết định này bắt nguồn từ mâu thuẫn với Thủ tướng Netanyahu và nội các xoay quanh chính sách của Israel đối với Hamas ở Dải Gaza. Ông Lieberman vốn được cho là người có quan điểm cứng rắn trong các vấn đề đối ngoại của Israel.

Ông Lieberman từng tỏ ra đồng tình với lập trường của ông Netanyahu trong cơ quan quân đội và nội các an ninh về Dải Gaza, ưu tiên đối đầu với việc Iran tăng cường ảnh hưởng quân sự ở Syria, tránh đối đầu cùng lúc cả 2 mặt trận. Tuy nhiên, sự đồng thuận này đã không kéo dài lâu và kể từ khi mâu thuẫn giữa 2 người nổ ra vào tháng 8-2018 thì đỉnh điểm của nó chính là việc tuyên bố từ chức của ông Lieberman hồi giữa tháng 11 vừa rồi. Trong khi đó, với sự ủng hộ của quân đội, ông Netanyahu đã bắt đầu tiếp tục đi đến một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn giữa Israel và chính quyền Hamas ở Gaza với bên trung gian là Ai Cập.

Với việc phải đối mặt với nhiều loại tranh chấp, xung đột, chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Israel luôn là rất quan trọng và nó đem lại uy tín cho người nắm giữ cũng như đảng đại diện. Tuy nhiên, việc này dường như ngược lại đối với ông Lieberman. Và đây là một trong những lý do khiến ông này rút khỏi liên minh trong chính phủ và kêu gọi bầu cử sớm.

Ông Netanyahu được cho là vừa vượt qua cơn sóng gió đe dọa sự tồn tại chính phủ của ông.

Nỗ lực kiểm soát khủng hoảng

Ngay sau khi ông Lieberman tuyên bố từ chức, khủng hoảng trong Chính phủ Israel lập tức nổ ra với việc ông Bennett cảnh báo rằng ông sẽ rút khỏi chính phủ nếu ông không trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong cuộc gặp với những người đứng đầu các đảng, ông Netanyahu đã nhấn mạnh các tuyên bố của mình với truyền thông rằng lợi ích an ninh của Israel đòi hỏi phải duy trì chính phủ và không tiến hành bầu cử sớm. Israel vẫn đang trong một cuộc chiến chưa có hồi kết và rằng trong cuộc chiến đó, Israel không tham gia chính trị và lật đổ chính phủ vì an ninh quốc gia quan trọng hơn cuộc chơi chính trị giữa các đảng phái và các lợi ích cá nhân.

Ông Netanyahu tuyên bố sẽ kiêm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng vì lý do an ninh và khẳng định rằng không muốn thực hiện các cuộc bầu cử sớm không cần thiết trong giai đoạn cần có tinh thần trách nhiệm cao giữa các thành viên chính phủ.

Chiến dịch của ông Netanyahu đã tác động tới ông Bennett, vốn cũng không nhận được sự đồng thuận của các thành viên đảng HaBayit HaYehudi của ông này trong Knesset. Vớt vát với vài lời chỉ trích về chính sách hiện tại đối với người Palestine, ông Bennett sau đó đã tuyên bố rút lại toàn bộ yêu cầu đối với thủ tướng và đồng ý ở lại liên minh chính phủ.

Lợi ích

Khác với các cuộc khủng hoảng trước đó, lần này ông Netanyahu đã nỗ lực duy trì chính phủ để không phải tổ chức bầu cử sớm. Một trong những lý do, theo các nhà phân tích, đó là việc trì hoãn bầu cử trong giai đoạn này sẽ có lợi cho ông Netanyahu rất nhiều đối với những hồ sơ hình sự đang chống lại ông. Hiện tại ông Netanyahu được cho là liên quan tới 3 vụ án tham nhũng do đích thân Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mandelblit chỉ đạo điều tra.

Theo dự kiến, ông Avichai Mandelblit sẽ ra quyết định muộn nhất vào tháng 2-2019 và người ta dự đoán rằng sẽ có những cáo buộc chống lại ông Netanyahu mà không bắt buộc từ chức theo luật pháp Israel.

Mặt khác, ông Netanyahu muốn ấn định ngày đưa ra thông báo về một thỏa thuận thế kỷ trước khi giải tán Knesset. Dự kiến thời gian công bố sẽ được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Netanyahu thống nhất để phù hợp với chương trình nghị sự chung. Thỏa thuận này cùng với áp lực mạnh mẽ của Mỹ là để đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab và Israel, điều này có lợi cho ông Netanyahu, sẽ giúp gia tăng sức mạnh của ông trong cuộc bầu cử tiếp theo đúng dự định, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11-2019.

Ông Netanyahu cũng đã kịp ban hành nhiều điều luật có lợi cho ông trước khi giải tán Knesset hiện nay, như điều luật quy định tổng thống chỉ định người đứng đầu của đảng. Và trong bối cảnh đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc chống lại mình, ông Netanyahu lo sợ rằng đối thủ của ông, Tổng thống Israel Reuven Rivlinm sẽ không chọn ông thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử Knesset trong tương lai mà chọn một người trong ban lãnh đạo đảng Likud để thành lập chính phủ.

Tương tự, ông Netanyahu cũng đang cố gắng ban hành một điều luật giảm tỷ lệ quyết định được yêu cầu trong bầu cử Knesset từ 3,25% tổng số phiếu bầu xuống còn 2,5%. Ông Netanyahu tin rằng điều này sẽ đem lại lợi ích cho phe cánh hữu ở Israel, nhất là cánh hữu cực đoan và các đảng phái tôn giáo bị tan rã như đảng Shas. Điều này sẽ thách thức các đảng phái khác bằng việc tạo ra các danh sách ứng cử viên riêng rẽ để tham gia bầu cử. Ông Natanyahu tin rằng việc này sẽ dẫn đến phân rã liên minh 4 đảng Arab đối lập và giảm số lượng ghế ngồi trong Knesset của các thành phần đối lập khác.

Về cơ bản, ông Netanyahu đã ngăn chặn thành công nguy cơ sụp đổ chính phủ, mặc dù đã vấp phải cuộc khủng hoảng nặng nề. Và nó không những làm suy yếu mà còn đem lại cho ông chức Bộ trưởng Quốc phòng rất quan trọng trong chính phủ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, sự lung lay của ông Netanyahu lại đang xuất hiện ngay trong nội bộ đảng Likud của ông và đó mới là mối đe dọa thực sự đối với vai trò lãnh đạo của ông Netanyahu.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.