Con trai người tị nạn sẽ là một “chuyên gia đàm phán”?

Thứ Ba, 16/05/2017, 10:45
Chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9-5 đã giúp Moon Jae-in hoàn thành cuộc chinh phục đỉnh cao quyền lực với một chút thuận lợi khách quan. Ông Moon từng là bại tướng dưới tay bà Park Geun-hye năm 2012, lần này lại cũng chính bà Park đã gây ra vụ bê bối chính trị lớn, tự làm cho mình lâm vào lao lý và tạo ra biến cố thay đổi thời cuộc, giúp Moon gần như “độc mã” trong cuộc đua.

Ông Moon Yong-hyung, cha của ông Moon Jae-in, là người sống ở miền Bắc Triều Tiên. Tháng 12-1950, ông tìm cách lên một chiếc tàu tiếp phẩm của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong số hàng ngàn người khác chạy khỏi thành phố Hamhung, tỉnh Nam Hamgyeong, cùng với cuộc rút lui của quân đội Hàn Quốc trước sức tấn công vũ bão của quân đội Trung Quốc.

Năm nay 64 tuổi, Moon Jae-in sinh ra ở thành phố Geoje, Hàn Quốc, trong một gia đình có 5 anh chị em, ông là anh cả. Ông Moon Yong-hyung đến thành phố Geoje, làm lao công trong trại tù binh chiến tranh ở Geoje. Chính tại đây, cha mẹ Moon gặp nhau, Moon là con đầu của 2 người, 4 người em của Moon lần lượt chào đời sau đó.

Gia đình Moon cuối cùng đến định cư lâu dài tại thành phố Pusan. Như vậy, Moon là con trai của một người ở miền Bắc Triều Tiên tị nạn nhưng được sinh ra ở miền Nam Triều Tiên khi chiến tranh Triều Tiên còn chưa kết thúc.

Ông Moon Jae-in khi còn làm Chánh Văn phòng nội các thời Tổng thống Roh Moo-hyun.

Miền Nam Triều Tiên sau chiến tranh không có công nghiệp nặng cũng chẳng có đất nông nghiệp màu mỡ như miền Bắc - lúc đó thịnh vượng hơn. Nghèo đói trói chặt tuổi thơ của ông. Nhưng chính cuộc sống nhiều khó khăn đó đã tạo cho ông lối sống độc lập, sớm trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa, và ông nhận ra tiền không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Đến lúc Moon bước vào tuổi trưởng thành, đất nước Hàn Quốc bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhờ sự bùng nổ công nghệ đóng tàu, sản xuất ôtô và xuất khẩu hàng hóa.

Xem tiểu sử của Moon có thể rút ra một điều, ông vốn là một người có tinh thần đấu tranh chống lại các thế lực độc đoán, cường quyền. Thời còn là sinh viên ngành luật ở Đại học Kyunghee, Moon từng tham gia tổ chức một phong trào sinh viên chống Hiến pháp Yushin, là bản hiến pháp cho ra đời nền Đệ tứ Cộng hòa Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống độc tài Park Chung-hee, cha của bà Park Geun-hye. Ông bị cảnh sát bắt giam và bị đuổi khỏi trường. Thời điểm đó là năm 1972. Sau đó, ông đăng ký nhập ngũ, phục vụ trong quân đội một thời gian.

Tạp chí Time dẫn một câu chuyện thời ông tại ngũ: Buổi sáng ngày 18-8-1976, hai binh sĩ Mỹ bắt đầu tỉa một cây dương ở khu phi quân sự Hàn Quốc (DMZ). Cây này che khuất tầm ngắm giữa tháp canh của LHQ và CHDCND Triều Tiên trên dải đất hẹp phân chia lãnh thổ Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc từ sau Hiệp định đình chiến 1953. Cả hai bên đã đồng thuận việc tỉa cây, nhưng phía Triều Tiên đã phái binh lính đến, ra lệnh dừng công việc.

Đại úy Arthur Bonifas và Trung úy Mark Barrett từ chối, và ngay lập tức họ bị phía bên kia dùng rìu tấn công. Tướng Richard G. Stilwell, lúc đó là Tư lệnh lực lượng LHQ ở Hàn Quốc, ra lệnh đốn hạ cả cây để tỏ rõ thái độ kiên định. Trong số các binh sĩ được điều đến tiếp ứng đốn cây có người lính Moon Jae-in.

Ông kể, tình hình lúc đó cực kỳ căng thẳng: “Nếu lúc đó Triều Tiên cố tình gây rắc rối, rất dễ châm ngòi thành một cuộc chiến thật sự”.

Sau khi giải ngũ trở về, Moon thi đậu kỳ thi của Hội Luật sư và được nhận vào học ở Học viện Nghiên cứu và Đào tạo tư pháp quốc gia. Tốt nghiệp loại xuất sắc, nhưng Moon không được chấp thuận cho làm thẩm phán hay công tố viên của chính phủ do những hoạt động chống đối thời còn là sinh viên Đại học Kyunghee. Không còn cách nào khác, Moon chọn làm luật sư.

Ông Moon Jae-in thời phục vụ trong quân ngũ.

Như một duyên phận, lĩnh vực mà Moon tham gia trong vai trò luật sư cũng lại mang tính đấu tranh vì quyền con người - luật sư nhân quyền. Moon hăng hái đấu tranh vì quyền lợi của những người bị đàn áp bởi sự cai trị của Tổng thống độc tài Park Chung-hee. Thời gian làm luật sư, Moon lại tham gia cùng đoàn luật sư với ông Roh Moo-hyun, người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Moon và Roh trở thành đôi bạn thân, cùng nhau hợp tác làm việc và giữ mối quan hệ thân thiết cho đến khi ông Roh tự sát năm 2009 vì bị buộc tội oan.

Ông là thành viên Hội Minbyun và là Chủ tịch Ban Nhân quyền của Hội Luật sư Busan. Trong thời gian làm luật sư, Moon cũng tham gia sáng lập tờ báo Hankyoreh vào năm 1988.

Khi ông Roh lên làm Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2003, Moon theo chân bạn thân vào Nhà Xanh, làm thư ký cao cấp của tổng thống rồi Trưởng ban Thư ký tổng thống (Chánh văn phòng nội các), Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai vào năm 2007. Đây là lúc ông Moon tham gia trực tiếp vào tiến trình thực hiện Chính sách Ánh dương đã được vạch ra bởi Tổng thống tiền nhiệm Kim Dae-jung.

Có ý kiến cho rằng quê quán gốc gác ở CHDCND Triều Tiên là một trong những vấn đề khiến cho ông Moon đưa ra quan điểm thay đổi chính sách đối với CHDCND Triều Tiên, chủ trương đối thoại, đàm phán thay vì chính sách cứng rắn như những người tiền nhiệm. Trên thực tế, dù tuyên bố thay đổi chính sách, hướng đến đối thoại với CHDCND Triều Tiên, nhưng quan điểm của Moon là không “quá mềm”, nghĩa là ông vẫn giữ một mức độ cứng rắn cần thiết đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Ông Moon cho rằng, các chính sách cứng rắn lâu nay của những người tiền nhiệm đều thất bại do không có hành động cụ thể nào để kiểm soát chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Ông Moon Jae-in và vợ trong ngày thắng cử 9-5.

Từng có một số dấu hiệu cho thấy lãnh đạo CHDCND Triều Tiên có thái độ nhân nhượng. Trong bài phát biểu mừng năm mới hồi 2015, ông Kim Jong Un thậm chí đã nói, ông sẵn sàng đàm phán với Hàn Quốc. Điểm nhấn quan trọng hiện nay là vấn đề hạt nhân. Nhận thức được thế ảnh hưởng của mình, ông Kim đã nhiều lần nói rằng, vũ khí hạt nhân của đất nước Triều Tiên là “không thể đàm phán được”. Còn đối với ông Moon, các cuộc đàm phán sẽ chỉ đáng giá khi có “sự bảo đảm rằng sẽ có những kết quả trực quan như đóng băng hoặc giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân".

Ông Moon trước đây từng chứng kiến những cuộc đàm phán như vậy và tin rằng có thể khởi động chúng trở lại. Trên cương vị Chánh văn phòng nội các dưới thời Tổng thống Roh, ông đã giúp thiết kế hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun với cha của ông Kim Jong Un - cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il - vào năm 2007, và cuộc đàm phán về phi hạt nhân giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, diễn ra từ năm 2003 đến năm 2009.

Với mong muốn thu hút lá phiếu của những người bảo thủ từng gạch bỏ tên ông vào năm 2012, ông Moon đã tự đổi mới mình, sắm vai chính khách mềm mỏng, linh hoạt.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi tuyên thệ nhậm chức đã trịnh trọng tuyên bố: “Bắc và Nam cùng một dân tộc, chia sẻ cùng một ngôn ngữ và một nền văn hóa suốt khoảng 5.000 năm lịch sử. Nhất định chúng ta phải đoàn tụ”. Ông Moon khích lệ mọi người ủng hộ con đường mà ông chọn - đối mặt với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un không bằng sự gây hấn mà bằng quyết tâm tham gia đàm phán thận trọng.

Các thế hệ đi trước vẫn không thôi háo hức chờ hai miền Nam Bắc Triều Tiên thống nhất như ông Moon kỳ vọng: “Mẹ tôi là người duy nhất trong gia đình bà ấy chạy vào Nam. Nay bà đã 90 tuổi, em gái bà cụ vẫn còn sống ở miền Bắc, ước muốn cuối cùng của mẹ tôi là gặp lại cô em gái trước khi nhắm mắt. Đó cũng là ước muốn của vô số người Hàn Quốc bình thường - cả hai bên chiến tuyến - những người mong đợi hòa bình để hát khúc hoan ca mừng chiến thắng”.

An Châu - Lệ Đào (tổng hợp)
.
.