Xung quanh bê bối tham nhũng rúng động Hoàng gia Tây Ban Nha:

Công chúa út giúp chồng biển thủ công quỹ?

Thứ Tư, 24/04/2013, 07:45

Công chúa út của Vua Tây Ban Nha Juan Carlos là Cristina đang giấu mình trước giới truyền thông khi nhận quyết định hầu tòa vì nghi ngờ có liên quan tới vụ án tham nhũng của người chồng, Quận công Inaki Urdangarin. Trước đó, một cuộc điều trần với sự tham dự của các thành viên trong Hoàng gia Tây Ban Nha cũng được tiến hành.

Thẩm phán Jose Castro, người thụ lý vụ án cho biết, cơ quan điều tra đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy Công chúa Cristina là đồng phạm với quận công Inaki Urdangarin, nhân vật bị cáo buộc biển thủ 6,4 triệu euro tiền công quỹ thuộc Tổ chức từ thiện Noos trong thời gian từ năm 2004 đến 2006.

Một phiên điều trần công khai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tới, trở thành "hiện tượng lạ" trong lịch sử Hoàng gia Tây Ban Nha khi có sự tham gia của Công chúa Cristina. Tuy nhiên, xung quanh phiên điều trần này lại đang nảy sinh nhiều mâu thuẫn khó hiểu.

Có nguồn tin cho rằng các thẩm phán đang tranh cãi nhau về những bằng chứng chống lại sự vô tội của Cristina, trong khi ủy viên công tố một mực khẳng định đã đủ cơ sở đưa công chúa ra đối chất trước tòa. Trong rắc rối, duy chỉ có người phát ngôn của hoàng gia dám tự tin tuyên bố: "Cuộc sống của Công chúa Cristina vẫn rất êm ả và hoàn toàn bình thường!".

Vợ giúp chồng… tham nhũng

Cho đến nay, qua nhiều lần trả lời thẩm vấn, Quận công Inaki Urdangarin vẫn khẳng định mọi sai trái ở tổ chức từ thiện Noos là do ông thực hiện và Công chúa Cristina cùng Vua Juan Carlos không hề có liên quan. Urdangarin đã cố gắng bác bỏ những lời khai làm chứng của một "bạn làm ăn" cũ là Diego Torres, người một tuần trước đã khẳng định với thẩm phán Castro rằng Vua Juan Carlos và Công chúa Cristina không hoàn toàn "vô can" trong vụ này.

Cuối tháng 2 vừa qua, hai tờ báo lớn của Tây Ban Nha là El Pais và El Mundo đều đồng loạt công bố nhiều thư điện tử được cho là gửi tới Urdangarin, trong đó chỉ ra rằng chính Vua Juan Carlos đã hậu thuẫn và theo sát hoạt động kinh doanh của con rể, đồng thời xác nhận sự trợ giúp từ người vợ Cristina. Tiết lộ này đã khiến Hoàng gia Tây Ban Nha hoang mang bởi trước đây, gia đình quý tộc này luôn cố gắng phân định rạch ròi giữa cuộc sống riêng tư và công việc làm ăn của Quận công Inaki Urdangarin.

Năm 2004, Quận công Inaki Urdangarin thành lập tổ chức Noos và trở thành chủ tịch trong thời gian từ năm 2004 đến 2006. Các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được từ tháng 12/2011 cho thấy, Urdangarin đã sử dụng sai mục đích tiền công quỹ, lừa đảo và giả mạo. Cụ thể, tổ chức từ thiện Noos đã tiến hành hai hội nghị du lịch cho quần đảo Balearic, lấy phí 2,3 triệu euro và chuyển hơn một nửa số tiền đó vào các công ty thương mại do Quận công Inaki Urdangarin hay các đối tác kinh doanh của ông sở hữu với lý do là dịch vụ "hỗ trợ hậu cần".

Vợ chồng Công chúa Cristina và Quận công Inaki Urdangarin đều phải hầu tòa vì bê bối tài chính tại tổ chức từ thiện Noos.

Chưa hết, các nhà điều tra còn tìm thấy những sai trái trong các sự kiện thể thao ở Valencia với những khoản chi không phù hợp. Ngoài ra, mặc dù là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng Noos lại đang sở hữu một khối bất động sản khổng lồ, bao gồm một cung điện nhỏ ở thành phố Barcelona, 6 biệt thự và nhiều căn hộ, khu đất, với tổng giá trị ước tính hơn 7 triệu euro.

Công chúa Cristina ban đầu có giữ chức giám đốc Noos nhưng sau đó đã chuyển sang làm giám đốc phụ trách phúc lợi xã hội tại Tập đoàn tài chính La Caixa. Tuần trước, ủy viên công tố đã đệ trình một số bức thư điện tử cho thấy Urdangarin thường xuyên tham vấn vợ về các vấn đề liên quan tới tổ chức này. Theo nội dung đó, từ trước khi vụ việc được phanh phui và điều tra vào năm 2007, Hoàng gia Tây Ban Nha đã biết và rất quan ngại nên đã yêu cầu Cristina thúc giục Urdangarin rời khỏi tổ chức này.

Thêm vào đó, các cuộc điều tra mở rộng từ năm 2012 đã cho thấy một số tài liệu quan trọng, được coi là bằng chứng xác thực Cristina liên quan tới các vụ chuyển tiền và ăn chia hoa hồng với ông chồng quận công. Rõ ràng, cần thiết phải tổ chức một phiên điều tra, chất vấn chính công chúa về cách "xử lý và vận chuyển" những vali đầy tiền, vàng và thậm chí kim cương, đá quý thông qua một mạng lưới công ty con dưới trướng của tập đoàn mẹ mang tên Inaki Urdangarin.

Trong bối cảnh này, hoàng gia Tây Ban Nha đang cố gắng giữ khoảng cách với ông Urdangarin và mong muốn tạm thời chia rẽ quận công với Công chúa. Urdangarin đã bị tách ra khỏi những hoạt động của hoàng gia. Người phát ngôn của hoàng gia miêu tả thái độ của Urdangarin là "thiếu gương mẫu và có phần biến chất". Những thông tin về Inaki Urdangarin đã bị loại bỏ ra khỏi trang web của hoàng gia, đồng thời tượng sáp hình Urdangarin được trưng bày tại bảo tàng ở thủ đô Madrid cũng bị dời đi nơi khác.

Thẩm phán điều tra Jose Castro, người trước đây đã bác bỏ những lời cáo buộc Công chúa Cristina, hôm thứ tư vừa qua đã khẳng định sự tồn tại của những bằng chứng mới cho thấy Cristina biết việc chồng sử dụng danh tiếng và địa vị để kiếm những hợp đồng làm ăn để đôi bên cùng có lợi. Thẩm phán Jose cho hay Cristina cũng sẽ bị chất vấn trong việc này để cho người dân thấy rằng "luật pháp công bằng với tất cả mọi người".

Công chúa Cristina buộc phải lảng tránh dư luận kể từ khi vụ bê bối nổ ra. Nụ cười thường trực nở trên môi đã được thay thế bằng nét lo âu trong những lần ra ngoài hiếm hoi. Tờ Reuters dẫn lời chuyên gia Manuel Villoria của Đại học Juan Carlos nhận định: "Sự kiện công chúa bị tòa triệu tập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Hoàng gia Tây Ban Nha. Có thể Công chúa Cristina chẳng biết gì về tất cả chuyện này. Nhưng việc một người chồng giàu lên rõ ràng không thể qua mắt được người vợ của ông ta".

Công chúa Cristina trở thành "hiện tượng lạ" khi là thành viên Hoàng tộc đầu tiên phải đối chất trước tòa vì bê bối tham nhũng.

Rõ ràng, nếu Công chúa Cristina đã có những sai phạm thì bà phải chịu hình phạt trước pháp luật. Manuel Villoria, một chuyên gia chống tham nhũng của Tây Ban Nha và châu Âu cho rằng, nỗ lực đưa đôi vợ chồng Công chúa Cristina ra tòa của thẩm phán Jose Castro đã thành sự thật. Trong trường hợp Công chúa Cristina được xác nhận là không trực tiếp tham gia vào việc biển thủ công quỹ thì riêng thái độ thờ ơ, không ngăn cản hành động xấu của chồng cũng khiến bà bị trừng phạt theo luật pháp.

"Cái tát" vào bộ mặt Hoàng gia Tây Ban Nha

Đây là lần lần tiên trong lịch sử hiện đại của Tây Ban Nha khi một người thuộc dòng dõi quý tộc lại xuất hiện trước tòa án với những hành vi sai trái đúng vào thời điểm Vua Juan Carlos đang phục hồi sau ca phẫu thuật. Trong bức thông điệp Giáng sinh truyền thống vào năm 2011, một vài tuần sau khi con rể bị tình nghi, Vua Juan Carlos cho rằng mọi người đều bình đẳng dưới pháp luật, và ai vi phạm cần phải bị trừng trị nghiêm minh.

Cô con gái út của Vua Juan Carlos bỗng dưng trở thành tâm điểm của báo giới toàn cầu kể từ sau khi chế độ quân chủ được thiết lập lại ở Tây Ban Nha từ năm 1975. Tràn lan trên các mặt báo là hình ảnh cặp đôi Christina - Urdangarin tươi cười, với dòng chú thích đầy khiêu khích và trào phúng: "Công chúa chuẩn bị hầu tòa… vì chồng".

Kéo theo là cả tá hệ lụy chưa có tiền lệ, đơn cử như chuyện mâu thuẫn âm ỉ có nguy cơ gây rạn nứt nội bộ sau khi một số hoàng thân nghi ngờ lẫn nhau về các khoản "ăn chia sung sướng" với quận công. Các chính trị gia "xứ sở bò tót" lại đang lên tiếng kêu gọi Vua Juan Carlos thoái vị sau 37 năm trên ngai vàng, trong bối cảnh người dân ngày càng giận dữ đối với vụ bê bối tham nhũng có dính líu tới vợ chồng Công chúa Cristina.

"Sự suy giảm hình ảnh của Công chúa Cristina sẽ không thể đảo ngược, ít nhất là trong thời gian dài" - Emilio de Diego, giáo sư lịch sử tại Đại học Complutense ở Madrid nói. "Công chúa Cristina đã luôn là cô con gái ương ngạnh trong gia đình hoàng gia. Tôi nghĩ rằng sai lầm của hoàng gia là cho phép Cristina làm việc tại một Công ty tư nhân La Caixa và nhận lương khi chưa từ bỏ tước hiệu công chúa".

Kể từ khi vụ bê bối bị vỡ lở, quận công và công chúa đã không còn xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện hoàng gia cùng nhau. Cặp đôi có bốn đứa con này đang trong nguy cơ sẽ bị mất nhà tại Barcelona sau khi Urdangarin đã không thể đưa trái phiếu 8,2 triệu euro lên sàn vì phải chờ kết quả của cuộc điều tra. Lần duy nhất người ta thấy Cristina phát biểu là khi bà gào thẳng vào mặt một nhà báo bên ngoài một siêu thị Washington hồi đầu năm, với vẻ mặt vô cùng giận dữ: "Tất cả những gì chúng tôi muốn làm là sống cuộc sống bình thường, nhưng các người không để chúng tôi làm vậy".

Reuters đã miêu tả phản ứng của Hoàng gia Tây Ban Nha trước thông tin Công chúa Cristina nhận trát hầu tòa chẳng khác nào "sáng nắng, chiều mưa, trưa… bóng râm", liên tục thay đổi chỉ trong một ngày. Sáng thứ tư tuần trước, hoàng gia phẫn nộ đến mức lên tiếng phủ nhận Công chúa Cristina tham gia hối lộ, rồi lại rút ý kiến và tuyên bố muốn giữ quan điểm trung lập. Nhưng ngay trong buổi chiều cùng ngày, người phát ngôn của hoàng gia lại tiếp tục "tát" vào giới truyền thông khi thông báo mọi chuyện sẽ được định đoạt tại tòa, và rằng Cristina sẽ đối chất theo yêu cầu của ủy viên công tố.

Thứ sáu tuần trước, Công chúa Cristina đưa thông cáo về hai luật sư "cao tay" sẽ phản biện giúp mình trước tòa. Đó là Miquel Roca, cựu chính trịnh gia người Barcelona với đóng góp to lớn trong soạn thảo Hiến pháp Tây Ban Nha 1978 và luật sư chuyên trách các vụ án hình sự quốc gia Jesus Maria Silva. Dư luận chẳng lấy làm ngạc nhiên về độ chịu chơi, vung tiền mời những thầy cãi hàng đầu Tây Ban Nha của Cristina, thực chất chẳng nhằm mục đích gì to lớn ngoại trừ cứu vãn danh dự hoàng tộc và xoa dịu dư luận.

Trên thực tế, lẽ ra Cristina phải ra hầu tòa sớm hơn, nhưng sự tranh cãi giữa các thẩm phán và ủy viên công tố khiến phiên điều trần phải lùi lại hai tuần, ngày 27/4. Thêm vào đó, dư luận không ngừng đồn thổi hoàng gia đã nhờ các luật sư biện hộ riêng "tung" tiền để hỗ trợ công cuộc giảm án cho công chúa. Điều này cũng vô tình tạo nên cơ hội hiếm hoi cho hoàng gia tìm mọi cách tháo gỡ những rắc rối liên quan tới công chúa và quận công. Và kỳ thực, cũng chẳng có dấu hiệu xác đáng nào để chắc chắn Cristina sẽ đối mặt với ba vị thẩm phán về vụ tham nhũng của chồng.

Dĩ nhiên, mọi nỗ lực kêu gọi hoàng gia "đừng chen chân" vào cuộc chiến thẩm phán của đảng Xã hội đối lập chẳng có tác dụng gì khi người phát ngôn của hoàng gia tiết lộ Công chúa Cristina đang rất thoải mái với cuộc sống hiện tại.

Ngoại trưởng Jose Manuel Garcia-Margallo cho rằng, sự cố Cristina - Urdangarin đang làm suy giảm hình ảnh Tây Ban Nha trên trường quốc tế. Người dân Tây Ban Nha vốn đã phải chịu cực khổ vì chính sách "thắt lưng buộc bụng", cho nên họ tổ chức biểu tình phản đối trên khắp các đường phố Madrid, với khẩu hiệu: "Hoàng gia xài sang, ăn hoang và tham nhũng, còn chúng tôi bị cắt giảm chi tiêu và phải ngồi chờ… chết".

Nhiều năm qua, tiến trình thảo luận một bộ luật về minh bạch tài chính và hoạt động công vẫn còn dang dở, nhưng điều đáng lưu tâm là hoàng gia Tây Ban Nha vẫn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của nó. Cho tới hai tháng trước khi vụ bê bối quận công tham nhũng được hé mở, hoàng gia công khai từng "hỏi thầm" chính phủ về vấn đề kiểm soát hoạt động tài chính của các thành viên, nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời rằng "chưa tới thời điểm cần thiết"…

Lê Minh Thúy (tổng hợp)
.
.