Công ty quân sự tư nhân trong chiến tranh hiện đại

Thứ Năm, 24/03/2005, 07:41

Tháng 10/2003, tại thành phố Kandahar, Afghanistan, mọc lên một trung tâm huấn luyện cảnh sát mà từ nhân viên bảo vệ cho đến giảng viên, huấn luyện viên đều là những người mặc đồ dân sự vũ trang tận răng. Họ là nhân viên của Dyncorp, một công ty quân sự tư nhân của Mỹ nhận được hợp đồng xây dựng và huấn luyện lực lượng cảnh sát Afghanistan.

Mọi chi phí được thanh toán  từ ngân sách của Bộ Nội vụ Afghanistan và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Many, 39 tuổi, một giảng viên từng huấn luyện cho lực lượng cảnh sát ở Kosovo, cho biết: “Chúng tôi huấn luyện cho nhân viên cảnh sát người Afghanistan từ cách tác nghiệp chuyên môn đến cách xử sự với dân thường sao cho giống với cảnh sát các quốc gia phương Tây”. Trong một quốc gia mà thủ lĩnh các bộ tộc có đến 100.000 tay súng, còn quân đội chỉ có 7.000 người như tại Afghanistan, thì việc xây dựng lực lượng cảnh sát là một nhu cầu bức thiết và Dyncorp đã chớp được hợp đồng béo bở này với cái giá đến 2 tỉ USD.

Hiện diện cùng với Dyncorp tại Afghanistan còn có Global Security, một công ty QSTN chuyên đảm nhiệm bảo vệ an ninh cho các nhân vật quan trọng trong chính quyền mới ở thủ đô Kabul và cả chính quyền các địa phương. Trước đây, nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm này do quân đội Mỹ, Anh và Pháp đảm nhiệm. Người ta không biết giá cả hợp đồng mà Global Security ký kết với Chính phủ Afghanistan và Bộ Ngoại giao Mỹ là bao nhiêu nhưng phải đến khi các nhân viên an ninh người Afghanistan có thể làm tốt công tác bảo vệ an ninh thì hợp đồng có thể lên đến 1 tỉ USD này mới thực sự chấm dứt.

Còn tại Iraq, ngày 31/3/2004, khi bốn nhân viên của Blackwater, một công ty QSTN của Mỹ, bị chết trong chiếc xe của họ khi bị tấn công bởi một nhóm vũ trang tại thành phố Falloujah, thì lần đầu tiên, thông tin về sự hiện diện của các công ty QSTN tại Iraq mới được làm sáng tỏ. Giờ đây, người ta mới biết rằng, hoạt động song song với đội quân hơn 100.000 lính viễn chinh Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ tại Iraq còn có một đội quân gồm 20.000 người nước ngoài, không mặc quân phục, làm việc vì lợi ích của Mỹ tại Iraq. Đó là nhân viên của nhiều công ty QSTN, mà các chuyên gia quân sự châu Âu cho rằng, đây là công cụ mới của Mỹ trong chiến tranh hiện đại.

Trong khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nhiều sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, thì thị trường của các công ty QSTN vẫn không ngừng phát triển với doanh số đạt được trong năm 2004 lên đến 100 tỉ USD, và con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2010.

Đứng đầu danh sách các công ty QSTN của Mỹ có mặt tại Iraq là KBR, một công ty con của Tập đoàn Halliburton mà có thời Phó tổng thống Dick Cheney từng làm Phó chủ tịch. Chuyên trách trong lĩnh vực hậu cần và xây dựng, KBR đã giành được hợp đồng lên đến  10 tỉ USD cho việc đảm bảo cung ứng hậu cần toàn bộ cho quân đội Mỹ tại Iraq từ thức ăn, thức uống cho đến bảo trì các phương tiện chiến đấu, cung ứng nhiên liệu... Điều này đã giúp cho Bộ Quốc phòng Mỹ không phải huy động một lực lượng lên đến hàng ngàn quân để làm công việc hậu cần. Ngoài ra, KBR còn nhận được hợp đồng bảo vệ các giếng dầu đang khai thác tại Iraq và xây dựng các căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ và quân đội Iraq.

Đứng sau KBR là Blackwater. Có mặt tại Iraq ngay sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, các nhân viên của Blackwater đảm nhiệm công tác bảo vệ yếu nhân, tham gia giải cứu con tin theo một hợp đồng trị giá 1,5 tỉ USD được ký với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ kéo dài từ năm 2003 đến năm 2005. Hợp đồng này có thể được gia hạn nếu tình hình mất an ninh vẫn còn tiếp diễn tại Iraq.

Hầu hết các nhân viên của Blackwater đều xuất thân từ lực lượng đặc biệt trong quân đội, trong các đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát Mỹ và có cả lính đánh thuê chuyên nghiệp. Họ có thể độc lập khái quát một phương án bảo vệ cho một hay một nhóm yếu nhân hoặc cả một khu vực rồi triển khai thực hiện ngay mà không cần phải đợi lệnh như trong quân đội Mỹ.

Sự bùng nổ thị trường các công ty QSTN trong những năm gần đây qua các cuộc chiến tranh tại Bosnia, Kosovo, Afghanistan và Iraq đã khiến cho các tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ thi nhau mua lại các công ty QSTN. Chẳng hạn, Tập đoàn Northrop Grumman, chuyên chế tạo máy bay quân sự, tên lửa đã mua lại Vinnelli, một công ty QSTN có văn phòng đặt tại thành phố Chicago.

Năm 2002, Vinnelli đã được Chính phủ Arập Xêút thuê để xây dựng lực lượng vệ binh quốc gia đông đến 75.000 người. Đến tháng 5/2004, Vinnelli còn nhận được hợp đồng trị giá 450 triệu USD để huấn luyện cho quân đội Iraq. Trong khi đó, Tập đoàn L3 Communication cũng đã mua lại công ty QSTN 2000 MPRI, nơi tập trung làm việc của gần 100 sĩ quan cao cấp, trong đó có nhiều tướng lĩnh đã về hưu của quân đội Mỹ, chuyên trách công tác bảo vệ, xây dựng lực lượng bán quân sự và làm cố vấn về an ninh quân sự cho chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Croatia, Bosnia, Afghanistan và Iraq.

Riêng Tập đoàn truyền thông CSC chuyên tài trợ cho cuộc đua Vòng quanh nước Pháp lại bỏ tiền mua lại Dyncorp vào năm 2003 và liền nhận được hợp đồng lên đến 2 tỉ USD để xây dựng và huấn luyện  cho lực lượng cảnh sát Afghanistan.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt các công ty QSTN chuyên trách đảm nhiệm công tác hậu cần, hỗ trợ chính quyền các quốc gia sở tại trong công tác bảo vệ an ninh, xây dựng lực lượng quân đội, cảnh sát với các công ty QSTN tham gia chiến đấu.

Ở diện thứ hai nổi lên các công ty QSTN Executive Outcomes của Nam Phi và Sandline của Anh. Trong khi đó các công ty QSTN tham gia chiến đấu của Mỹ hầu như hoạt động bí mật và có mối quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng và cả với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ.

Một tiết lộ mới đây cho biết, Công ty Hart Group của Mỹ từng nhận được hợp đồng lên đến 65 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ để vừa tham gia xây dựng quân đội Bosnia vừa tham gia chiến đấu chống lại quân đội Serbie trên chiến trường Balkan trước đây.

Đương nhiên, Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng và cả Bộ Ngoại giao Mỹ đều có những tác động nhất định đối với hoạt động của các công ty QSTN. Năm 1997, Nhà Trắng đã gây sức ép buộc Công ty 2000 MPRI hoãn ký hợp đồng xây dựng lực lượng an ninh cho nhà độc tài Mobutu tại Zaire. Đến năm 2000, Công ty 2000 MPRI cũng mất đứt hợp đồng huấn luyện quân sự cho quân đội và cảnh sát của Guinée Xích đạo trước sức ép của Nhà Trắng, lấy lý do quốc gia châu Phi này đi ngược lại chính sách ngoại giao của Mỹ.

Theo đánh giá của David Hornus, cựu chuyên viên của Cục Tình báo quân đội Pháp, thì các công ty QSTN là đội quân thứ hai của Mỹ có mặt tại quốc gia vừa xảy ra chiến tranh. Đương nhiên, các nhân viên của các công ty QSTN lại trở thành bia đỡ đạn cho quân đội Mỹ. Đó là trường hợp của 16 nhân viên các công ty QSTN Dyncorp và Global Security đã thiệt mạng tại Afghanistan và 22 nhân viên các công ty QSTN KBR, Blackwater và cả của 2000 MPRI đã thiệt mạng tại Iraq từ năm 2003 đến nay

Văn Hòa (Theo Hebdo)
.
.