Đội quân hậu bị của các tổ chức Hồi giáo cực đoan Jihad ở Mỹ:

“Cứ để người Mỹ đánh Mỹ”

Thứ Sáu, 23/07/2010, 11:20
Trong khi quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố ở Iraq và Afghanistan thì ở bên trong nước Mỹ, một thế hệ mới những tín đồ Hồi giáo cực đoan Jihad đã phát triển. Trong "Chiến lược an ninh mới" của Mỹ, ông Barack Obama lần đầu tiên khẳng định các mối đe dọa khủng bố có nguồn gốc từ trong lòng nước Mỹ.

Theo những dữ liệu của Ủy ban Quan hệ quốc tế của Thượng nghị viện Mỹ, trong 2 năm gần đây có trên 70 công dân Mỹ tham gia  các tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Pakistan, Yemen và Somali. Còn có thêm 16 người bị bắt giữ trong  lãnh thổ Mỹ vì tội chuẩn bị tiến hành các vụ khủng bố. Trong số này có gần một nửa là những người mới theo đạo Hồi.

Tháng 3/2010, tại một số nhà thờ Hồi giáo ở miền duyên hải phía đông của Mỹ, các nhân viên FBI đã thu giữ hàng trăm băng ghi âm ghi lại lời kêu gọi mới nhất của Arvara-al-Avlaki, một nhà hoạt động Hồi giáo, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Để tránh sự theo dõi  của các cơ quan đặc vụ Mỹ, Arvar-al-Avlaki đi sang Yemen sinh sống được coi là một trong những  nhà tư tưởng chủ yếu của chủ nghĩa khủng bố hiện đại.

Chính Anvar-al-Avlaki là "cha tinh thần" của Nidal Hassan, thiếu tá quân đội Mỹ, đã xả súng bắn chết 13 quân nhân cùng phục vụ tại căn cứ quân sự ở Texas trong tháng 5/2009 và của Umara Abdulmatallab, kẻ đã cho nổ bom không thành trong chiếc máy bay chở khách của Công ty Northwest Airlines vào tháng 12/2009.

Một phiên tòa xét xử các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trong thông điệp mới đây gửi đến những tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi của Mỹ, Avlaki đã cung cấp một công thức pha chế chất nổ rất đơn giản, không tốn nhiều thì giờ và tiền bạc cũng có thể thu được 10gam thuốc nổ để tiếp tục cuộc chiến thần thánh với những "người vô đạo" bằng cách tìm kiếm các chất này trong bếp ăn gia đình.

Theo ý kiến của các chuyên viên, lời kêu gọi của Avlaki có nghĩa là các tổ chức khủng bố quốc tế đã thay đổi chiến thuật, chỉ cần tiến hành những vụ khủng bố nhỏ cũng đủ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của kẻ thù. Thật thế,  chỉ vụ cho nổ bom bất thành của Uma Abdulmatallab đã buộc nhà cầm quyền Mỹ phải chi hàng chục triệu đôla để tăng cường an ninh ở tất cả các sân bay. Nếu thực hiện hàng chục, hàng trăm  vụ khủng bố nhỏ như thế cũng có thể làm tê liệt nền kinh tế bất cứ nước nào.

Điều chủ yếu là để tiến hành  các vụ khủng bố như thế, không cần phải tuyển mộ thanh niên Hồi giáo ở châu Phi và cận đông mà cứ để cho  "những người Mỹ đánh Mỹ" bởi vì trong những năm gần đây ở nước Mỹ và ở châu Âu đã xuất hiện một thế hệ những tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi sẵn sàng tham gia thực hiện các vụ khủng bố.

Trong khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Ngọn lửa nhỏ, ông Stivel Emerson, Giám đốc "Dự án nghiên cứu  chủ nghĩa khủng bố" ở Washington  cho biết những người trẻ tuổi mới theo đạo Hồi đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong vạch kế hoạch và chuẩn bị thực hiện các vụ khủng bố.

Cách đây 3 năm, dự án này tiến hành công trình nghiên cứu xã hội học về những tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở Mỹ đã phát hiện ra rằng, 1/4 trong số này ủng hộ ý tưởng những người khủng bố liều chết. Như vậy là ý tưởng của Jihad được tối thiểu 200.000 người Mỹ ủng hộ.

Tuy nhiên ông Stiven Emerson cho rằng, con số này còn thấp xa so với  thực tế vì trong nghiên cứu  này còn diễn ra những số liệu khác: 60% những người Mỹ theo đạo Hồi cho rằng vụ tấn công Trung tâm Thương mại thế giới ngày 11/9/2001 hoàn toàn không phải do Al-Qaeda vạch kế hoạch mà làm theo kế hoạch của Chính phủ liên bang.

Ông còn cho biết, dự án do ông phụ trách theo dõi  hoạt động của các tổ chức Hồi giáo cấp tiến ở Mỹ đã 15 năm nay và được biết chính sự tồn tại của  Internet tạo điều kiện cho bọn khủng bố hoạt động dễ dàng hơn. Qua Internet, bọn khủng bố tổ chức nghiêm ngặt. Thường xuyên có những người "hỗ trợ về tinh thần" sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào, giải quyết các vấn đề để họ hiểu rõ mục đích của tổ chức. Internet giúp cho họ tiếp cận được với  đại diện của bất kỳ tổ chức Hồi giáo cực đoan nào trên thế giới mà không phải bước ra khỏi  phòng của mình.

Ngày nay nước Mỹ phải đương đầu với  những tên khủng bố sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Một số tên đã ra nước ngoài, đến Pakistan, Yemen, Somali... tham gia các vụ khủng bố. Tất cả những người này đều có quan hệ với  các tổ chức quốc tế của những kẻ cực đoan. Họ học tập tại các trường và các trung tâm huấn luyện của Hồi giáo ở Mỹ và rời khỏi lãnh thổ Mỹ, để đi chiến đấu vì cái gọi là lý tưởng của mình.

Có những tên khác tự lập ra những nhóm khủng bố trên đất Mỹ. Chỉ trong năm 2009, những tên Hồi giáo cực đoan Jihad đã tổ chức 15 vụ khủng bố ở Mỹ, trong số này có 9 vụ không có quan hệ với Al-Qaeda hay bất cứ tổ chức quốc tế cực đoan nào. Họ tự đi lễ ở nhà thờ Hồi giáo, nghe những người truyền giáo rao giảng, sử dụng mạng Internet miễn phí để sao chụp lại những vụ khủng bố ở Iraq, Afghanistan hoặc Cheshnya.

Những thủ lĩnh của các cộng đồng Hồi giáo cực đoan công khai kêu gọi chống Mỹ vẫn tiếp tục tự do hoạt động và FBI không thể chính thức theo dõi các nhà hoạt động tôn giáo này chỉ vì họ tuyên truyền Jihad. Các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ có thể can thiệp khi có đủ căn cứ  về hoạt động phạm tội có dùng bạo lực

Phương Lan (theo Ngọn lửa nhỏ)
.
.