Cụ tổ hai cựu Tổng thống Mỹ Bush là trùm buôn nô lệ khét tiếng

Thứ Năm, 11/07/2013, 16:55

Trong lịch sử nước Mỹ có tới 12 tổng thống sở hữu nô lệ và có ít nhất 25 tổng thống có tổ tiên là chủ nô. Đáng chú ý hơn cả là nhiều bằng chứng lịch sử được phát hiện gần đây cho thấy tổ phụ của hai cựu Tổng thống Bush-cha và Bush-con từng là trùm buôn nô lệ độc ác nhất. Vị cố tổ đó là Thomas Walker, một lái buôn nô lệ khét tiếng từng tung hoành ngang dọc vùng biển Tây Phi ở thế kỷ XVIII.

Tư liệu lịch sử chứng minh quan hệ huyết thống Walker-Bush

Walker chính là người thừa kế "di sản" và "dòng máu buôn nô lệ" từ ông, cha mình, những chủ nô hà khắc, bạo tàn nhất xứ Maryland, khi đó thuộc Anh (nay thuộc Mỹ). Các nhà phả hệ xã hội ở New England đã đưa ra những bằng chứng lịch sử về các tổ phụ của gia đình cựu Tổng thống Mỹ Bush đã bóc lột sức lao động và giết rất nhiều nô lệ da đen.

Ông Roger Hughes, biên tập viên kiêm nhà nhân chủng học đã nghỉ hưu cùng giáo sư sử học Mỹ Josheph Opala là những người có công lớn nhất trong việc đào xới lịch sử để "moi" ra gia phả nhà 2 cựu tổng thống Mỹ có quan hệ "máu mủ, ruột rà" với chủ nô Thomas Walker.

Sử gia Opala hiện làm chủ quản dự án bảo tồn khu di tích đảo Bunce, một hòn đảo, hoang sơ trước kia từng là cảng tập kết nô lệ của chủ nô Thomas Walker vào cuối thế kỷ XVIII. Nơi đây được bố phòng rất kiên cố, nghiêm ngặt. Cầu cảng nô lệ này bị xóa sổ, sau khi nước Anh cấm buôn bán nô lệ năm 1807.

Tổ tiên nhà ông Bush gắn bó chặt chẽ với việc mua bán nô lệ khắp Đại Tây Dương thế kỷ XVIII, ông Walker đã dìu dắt cả gia đình vượt muôn trùng dương để đến Mỹ sinh cơ lập nghiệp  và nhập tịch tại New York năm 1792. Bấy giờ ở New York, cụ cố nhà họ Bush không những là trùm buôn nô lệ mà còn là "cá mập lớn" trên thương trường bất động sản ở Burlington, New Jersey.

Hai cha con cựu Tổng thống Bush.

Theo đề nghị của Opala, ông Hughes đã gửi 2 bản bút tích (ảnh) có chữ ký của Walker đến chuyên gia phân tích chữ viết tay Maija Jansson, hiện làm việc tại Đại học Yale, mặc dù không xác định được nguồn gốc của những văn bản này, nhưng Jasson khẳng định: các chữ ký đều do cùng một người ký, đó chính là Thomas Walker.

Chuyên gia Maija Jansson phân tích rạch ròi: “Toàn bộ các chữ ký đều có nét viết khép góc và nghiêng nghiêng như nhau. Các vòng tròn khép dưới mỗi chữ ký đều như một chiếc chìa khóa và giống hệt nhau".

Một chuyên gia phân tích chữ viết tay khác là Margaret White, cũng có khẳng định tương tự rằng đó là chữ ký của Thomas Walker. Tương tự như vậy, ông Keith McClelland, chuyên gia nghiên cứu Dự án lịch sử Chủ nô Anh quốc tại Đại học London (Anh) cũng kiểm tra cẩn thận các văn bản và đưa ra kết luận có đồng quan điểm với Maija Jansson. "Sau khi xem xét kỹ các mẫu chữ viết tay, tôi thấy rõ ràng đây là chữ của cùng một người”, vị học giả này phát biểu.

Ông Keith McClelland còn cho biết: trước đây ông chưa dám khẳng định điều này vì thiếu tư liệu lịch sử về Walker và gia đình các cựu tổng thống Mỹ Bush, nhưng cho đến nay, do đã sưu tập được cả một bộ bút tích Thomas Walker kết hợp nhiều tư liệu quý về chi họ Bush nên ông tin rằng: chủ buôn nô lệ Thomas Walker và gia đình 2 ông Bush có quan hệ huyết thống khó có thể chối cãi.

Hiện tại Văn phòng Tư liệu lịch sử Bristol đang lưu giữ giấy hôn thú giữa ông cụ cố tổ Thomas Walker và bà cụ cố tổ Catherine McLelland của nhà 2 cựu tổng thống Mỹ Bush. Tờ chứng hôn này ghi rõ thời gian: tháng 2/1785.  Tương tự, ở Cục Lưu trữ văn thư Quốc gia Anh tại Kew, hai văn bản đề ngày 23/6 và 2/7/1787 đều có chữ viết của Thomas Walker, tất cả đều có nét chữ giống nhau và người viết chính là chủ buôn nô lệ Thomas Walker.

Trong bút tích của Thomas Walker đề ngày 2/7/1787 có dòng ghi sặc mùi thực dân: "Tôi đã mua được 17 người da đen khỏe mạnh và trong buổi sáng ngày hôm nay đang cho đi dọc bờ để thử làm những việc mà tôi có thể điều hành ở đó. Những kẻ tôi đòi có giá cực kỳ rẻ".

Một lá thư của Thomas Walker (23/6/1787) viết tại đảo Bance (châu Phi) trên chuyến tàu đến Lyon gửi đối tác James Rogers ở Bristol, Anh.

Cái kết không có hậu của Thomas Walker

Chứng tích lịch sử cho biết Thomas Walker vong mạng trên biển vào năm 1797 khi bị chính thủy thủ đoàn nổi loạn và sát hại.  Tạp chí Macaulay xuất bản ngày 24/10/1797 đã bình luận về kết cục không có hậu của Thomas Walker bằng những lời lẽ rất sâu cay: "Bạn đã từng nghe về 'Beau' Walker, một trong những chủ buôn nô lệ (gốc) Anh khét tiếng. Gần đây, ông ta đã đến quần đảo Du Los (ngày nay thuộc Guinea) trên một chiếc thuyền hai cánh buồm quốc tịch Mỹ để đến Cape Mount (ngày nay thuộc tây bắc Liberia) để giao dịch nô lệ… khi đó ông ta đã đối xử dã man với sĩ quan và thủy thủ đoàn, họ đã bị kích động nên lập mưu chống lại ông.

Khi ông ta đang nằm trong phòng riêng, một thủy thủ đã xông đến và đánh vào ngực ông ta bằng một chiếc đòn bẩy. Nhưng cú đánh trật, không theo như dự kiến đã khiến Walker nổi đóa đánh đập tàn bạo kẻ hãm hại mình. Nhưng một thủy thủ khác đã rút súng từ ngực bắn chết ông ta ngay tại chỗ. Thi thể của ông ta tức thì bị quăng xuống biển. Đấy là kết cục cho sự nghiệp của Walker, một kết cục xứng đáng cho một cuộc sống giống y như thế. Con tàu rời Cape Mount, người ta tin rằng nó đi đến Brazil hoặc biển Nam. Nhiều thủy thủ nghèo đã được giải phóng khi ông ta chết bất ngờ”

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.