Cử tri trừng phạt hai đảng lớn vì Brexit

Thứ Tư, 08/05/2019, 14:43
Cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở Anh ngày 2-5 vừa qua đã khiến cho hai đảng lớn nhất hiện nay là Bảo thủ và Công đảng phải nhận trái đắng, với thất bại được xem là lớn nhất từ sau thất bại của Thủ tướng John Major cách đây 24 năm. Thất bại có liên quan đến Brexit khiến cả Công đảng và đảng Bảo thủ phải xem lại chiến lược của mình đối với vấn đề Brexit.

Theo kết quả được công bố hôm 3-5, đảng Bảo thủ chịu thất bại lớn nhất, mất đến 1.334 ghế hội đồng địa phương, trong đó có cả các địa bàn được xem là căn cứ truyền thống của đảng này ở khu vực miền Nam nước Anh như Cotswolds, Chelmsford, Surrey Heath,Basildon, Folkestone, Hythe, Welwyn Hatfield, Somerset West, Taunton...

Những tưởng sẽ giành chiến thắng trước đảng Bảo thủ nhưng Công đảng cũng chẳng làm được khá hơn, chịu thất bại lớn không kém đối thủ, mất một loạt hội đồng địa phương quan trọng, trong đó có Burnley, Darlington và Wirral.

Trước sự thất thế của các đảng lớn, đảng được hưởng lợi thế nhiều nhất là Dân chủ Tự do (LibDem), khi giành quyền kiểm soát một loạt hội đồng địa phương, trong đó bao gồm Cotswolds và Winchester, trong khi đảng Xanh (Greens) và một loạt đảng nhỏ khác cũng gia tăng sự ủng hộ.

Tiêu biểu như tại hội đồng quận Cotswolds, LibDem đã thay thế đảng Bảo thủ để trở thành đảng lớn nhất, chiếm đến 18 trên tổng số 34 ghế hội đồng. Sự vùng lên mạnh mẽ của LibDem và các đảng nhỏ được các nhà bình luận mô tả nó giống như một cuộc nổi dậy của những kẻ yếu thế lật đổ các thế lực già cỗi suy yếu.

Nhưng thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương chưa phải là điều đáng ngại nhất đối với hai đảng Bảo thủ và Công đảng. Lãnh đạo các đảng này còn lo ngại những thách thức lớn hơn đang chờ phía trước, với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong 3 tuần nữa, khi đó nước Anh có thêm những “tay chơi” mới đến như đảng Change UK và đảng Brexit sẽ đưa ứng cử viên ra đấu với họ.

Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục hứng chịu áp lực từ chức.

Phát biểu trước những nhà hoạt động đảng LibDem đang ăn mừng, lãnh đạo đảng Vince Cable cho rằng kết quả bầu cử phản ánh câu chuyện của đảng này: từng bị gạt ra ngoài cuộc chơi cách đây 4 năm nhưng giờ đây LibDem “đang trở lại rất, rất mạnh. Chúng ta là những người thắng lớn trên khắp đất nước” - ông Cable phấn khích. Còn nhà lãnh đạo đảng Xanh Sian Berry thì mô tả kết quả tốt đẹp mà đảng của bà đạt được là “24 giờ thần kỳ”.

“Rõ ràng là cử tri đang ngán ngẩm lối chính trị cũ kỹ của các đảng phái cũ kỹ, những kẻ đã đẩy nước Anh vào mớ hỗn loạn Brexit” - bà Berry tuyên bố.

Nhiều nghị sĩ Công đảng nhận định rằng kết quả bầu cử cho thấy Công đảng cần gấp rút chuyển hoàn toàn sang quan điểm “ở lại”, tức không Brexit gì cả. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn thì khẳng định rằng kết quả bầu cử đang tạo ra một “sự thôi thúc” trong mỗi nghị sĩ và “tất cả họ đều hiểu được thông điệp rằng mình thuộc phe nào, ở hay đi”.

“Vấn đề là chúng ta phải có một sự dàn xếp, một thỏa thuận. Và Nghị viện phải giải quyết vấn đề này”, ông Corbyn nói. Một số nghị sĩ Công đảng đồng quan điểm với ông Corbyn và cho rằng cần phải có một sự thỏa hiệp đối với vấn đề Brexit và phải giải quyết cho xong, dù là đi hay ở.

Đối với Thủ tướng Anh Theresa May và đảng Bảo thủ, thông điệp từ kết quả bầu cử cũng rõ ràng và “đơn giản”: Hãy tiếp tục và giải quyết cho xong Brexit. Bà May thừa nhận kết quả bầu cử đang đặt bà vào thế “rất khó khăn” và bà đã xin lỗi các vị hội đồng bị mất ghế do là thành viên đảng Bảo thủ vì bản thân họ không gây ra thất bại cho chính họ, có nghĩa là việc họ mất ghế chính là do sự thất bại từ lãnh đạo bên trên của đảng Bảo thủ do vấn đề Brexit.

Tuy nhiên, có vẻ như lời xin lỗi của bà May chưa đủ xoa dịu cơn uất ức của các vị hội đồng mất ghế. Họ chán nản, căm ghét và phẫn nộ. Khi bà May phát biểu trong một cuộc họp mặt tại Xứ Wales, họ ngắt lời để chen vào lời phản đối gay gắt.

Nhưng “giải quyết cho xong” Brexit như thế nào? Vấn đề đang bàn cãi của cả Công đảng và đảng Bảo thủ hiện nay là “có nên tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý lại về Brexit hay không?”. Trong khi Chủ tịch Công đảng Corbyn đang cố bám theo chủ trương cùng với bà May tìm kiếm một thỏa hiệp giữa hai đảng về Brexit thì nhiều nghị sĩ Công đảng không ủng hộ quan điểm này, cho rằng kết quả bầu cử cho thấy nỗ lực thỏa hiệp của ông Corbyn đã thất bại, vì vậy ông nên đi theo số đông Công đảng là ủng hộ một cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân thứ hai. Hai chủ trương trái nghịch nhau này đang có nguy cơ làm bùng phát một sự xung đột nội bộ giữa ông Corbyn và những người cùng Công đảng của ông.

Với bà Thủ tướng May, thất bại trong cuộc bầu cử địa phương một lần nữa tạo áp lực mới đòi bà từ chức. Trong đợt giằng co bế tắc về Brexit trong nội bộ đảng Bảo thủ hồi tháng 3-2019, một loạt nghị sĩ đảng này đã từng lập kế hoạch yêu cầu bà May từ chức nhưng rốt cuộc yêu cầu đã bị hủy bỏ. Lần này, các vị hội đồng địa phương, đặc biệt là các vị bị mất ghế oan sau cuộc bầu cử, đã lên tiếng kêu gọi bà May từ chức.

Họ yêu cầu đảng Bảo thủ sửa đổi các quy định của đảng để cho phép việc phế truất thủ tướng càng sớm càng tốt. Nhưng lấy ai để thay thế bà May trong hoàn cảnh này? Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt cho rằng, bóng dáng nhà lãnh đạo mới sẽ dần xuất hiện nhưng không phải bây giờ.

Trước thông điệp khá rõ ràng của cử tri, lãnh đạo Công đảng và đảng Bảo thủ đều cảm nhận rằng cử tri Anh đang vừa chán vừa giận cách lãnh đạo hai đảng xử lý vấn đề Brexit. Và họ đang lạc quan hy vọng về một thỏa hiệp sắp tới cho vấn đề Brexit.

An Châu (tổng hợp)
.
.