Những cuộc trò chuyện giữa cựu Tổng thống Mỹ B. Clinton và cựu Thủ tướng Anh T. Blair:

“Cuộc chiến Iraq sẽ biến thành ác mộng!”

Thứ Ba, 19/01/2016, 10:45
Khoảng 500 trang in nội dung lời thoại ghi âm các cuộc trò chuyện qua điện thoại và gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Anh Tony Blair từ năm 1997 đến 2000 vừa được Thư viện Tổng thống Clinton cung cấp cho hãng tin BBC theo quy định pháp luật, qua đó cho thấy giữa hai ông Clinton và Blair có mối quan hệ gần gũi hơn người ta tưởng.


Những câu chuyện giữa hai ông xoay quanh những vấn đề lớn toàn cầu, từ cuộc chiến Kosovo, xung đột ở Trung Đông cho đến cái chết của Công nương Diana, cả vấn đề quan điểm chính trị của nước Pháp, Brazil, Trung Quốc,… Từ đó phản ánh cái nhìn rộng rãi của hai vị nguyên thủ này.

Phần nhiều các cuộc thảo luận giữa hai ông Clinton và Blair là về tiến trình hòa bình Bắc Ailen, trong đó Tổng thống Clinton đóng vai trò khá quan trọng. Tổng thống Clinton thường hay nói ông sẽ làm bất cứ điều gì mà ông Blair muốn. Hai ông thường lo lắng về việc trì hoãn giải giáp Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA), và đôi khi cũng không hài lòng vì cách xử sự của lãnh đạo Sinn Fein, Gerry Adams.

Clinton bày tỏ sự sốt ruột về việc ông Adams không khẩn trương tiến hành việc giải giáp IRA: "Đến ngày nào thì Gerry mới thật sự giải giáp đây? Khi nào thì IRA mới thật sự nộp súng? Có khi nào IRA "nó" quyết định không bao giờ giải giáp không nhỉ?".

Điều đáng chú ý trong các đoạn ghi âm là hai ông Clinton và Blair dùng cách gọi tên "Gerry" khi nói đến ông Gerry Adams và "Bertie" khi nhắc đến Thủ tướng Cộng hòa Ailen Bertie Ahern, trong khi lại dùng chữ họ "Trimble" và "Paisley" để gọi hai nhà lãnh đạo đảng Unionist (thân Nữ hoàng) của Bắc Ailen.

Có lẽ là do Clinton và Blair khi đó "rất thông cảm" cho những khó khăn mà ông David Trimble gặp phải khi tiến hành cuộc đàm phán dai dẳng đưa đến thỏa thuận lịch sử mang tên Ngày thứ Sáu tốt lành vào năm 1998. Và Clinton nói "muốn làm cái gì đó" là để giúp ông Trimble.

Bill Clinton và Tony Blair tại một sự kiện của tổ chức Tony Blair Faith Foundation.

Các đoạn ghi âm các cuộc trò chuyện thân mật giữa ông Clinton và Blair bắt đầu từ khi ông Blair giành chiến thắng trong bầu cử và trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 5-1997. Đó là một cuộc gọi điện thoại chúc mừng ông Blair của ông Clinton, và Blair đáp một cách khiêm tốn: "Tôi chỉ học hỏi theo ngài thôi”. Trong các cuộc trò chuyện sau đó, hai người nói về những cơ hội và thách thức đối với một chính phủ theo đường lối trung tả, tức quan điểm chính trị "con đường thứ ba" nổi tiếng của ông Blair.

"Có một con đường thứ ba để đối phó với khủng hoảng tài chính hay không?" - Blair hỏi. Rồi Blair nói với Clinton rằng, các chính phủ trung tả ở châu Âu đang bắt đầu nhận thức được rằng họ có thể học tập kinh nghiệm của Mỹ.

Thảo luận về chiến lược chính trị, Tổng thống Clinton nói về việc chiến đấu với thành phần "phản động" trong Quốc hội, còn Thủ tướng Blair thì đưa ra nhận định về đảng Bảo thủ "đã thật sự dịch chuyển theo hướng cực hữu". Nói về chính trị Mỹ, ông Clinton giải thích việc đảng của ông gặp khó khăn khi gần đến ngày bầu cử tổng thống năm 2000 bởi vì vấn đề thay đổi trong tình cảm khiến cho những người da trắng, những người đã có gia đình và người theo đạo Tin Lành không còn muốn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ nữa.

Các đoạn ghi âm cũng thể hiện sự chia sẻ góc nhìn chính trị rộng rãi của hai vị nguyên thủ, mối bận tâm của hai ông về những vấn đề khó khăn toàn cầu. Hai ông đã dành nhiều thời gian để thảo luận những vấn đề gây tranh cãi như hoạt động thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc tại Iraq, cuộc xung đột Israel-Palestine và cuộc chiến Kosovo.

Trong các cuộc trò chuyện vào cuối năm 1999, Tony Blair dường như đã không thật sự chú ý một lời cảnh báo của ông Bill Clinton về những rắc rối tiềm ẩn trong vấn đề Iraq. "Nó có thể không xảy ra khi tôi còn tại nhiệm, nhưng nó sẽ xảy ra cho ngài. Nó có thể trở thành một cơn ác mộng thật sự đối với ngài" - Clinton nói.

Dường như ông Clinton đã "tiên tri" về diễn biến và kết cục của cuộc chiến Iraq. Trên thực tế ông Blair khi tham gia cuộc chiến Iraq cùng với Mỹ (thời George W. Bush làm Tổng thống) vào năm 2003, và nhiều năm sau khi cuộc chiến này kết thúc, cả hai đều gặp rắc rối to, trở thành những kẻ "tội đồ" trong dư luận, công chúng. Tony Blair đích thực đã gặp cơn ác mộng trên thực tế vì đã không để ý đến lời "tiên tri" của ông Clinton.

Trong các cuộc trò chuyện giữa hai ông còn có cả câu chuyện về cái chết của Công nương Diana vào năm 1997. Clinton đã gọi điện chia buồn với Thủ tướng Blair. "Bà ấy được mọi người yêu mến, và điều đó khiến bà ấy gặp vấn đề với Hoàng gia" - Blair nói. "Cá nhân tôi sẽ nhớ bà ấy lắm. Bà ấy như một ngôi sao vừa tắt". Và bên cạnh đó là "sự lo lắng" của ông Clinton dành cho 2 chàng Hoàng tử nước Anh là William và Harry, khi ông nói: "Tôi rất lo lắng về những cậu nhóc ấy".

Hai bà Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và Cherie Blair cũng tỏ ra khá thân thiết.

Clinton và Blair cũng chia sẻ quan điểm về các  quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có vấn đề với Mỹ và Anh. Chẳng hạn, trong một dịp trò chuyện, Clinton bảo Blair: "Người Iran - và đôi khi cả người Trung Quốc - nghĩ rằng chúng ta quá đỗi tham tiền cho nên chúng ta nhảy vào để đào mỏ".

Còn trong một dịp khác, Clinton than phiền rằng Pháp và Brazil là hai quốc gia quá ư là "chủ nghĩa chống Mỹ". Rồi Clinton nói về Thủ tướng Vladimir Putin của nước Nga nhậm chức năm 1999, cho rằng ông Putin "rất có tiềm năng" và "rất thông minh và suy nghĩ sâu sắc. Tôi nghĩ chúng ta có thể có quan hệ tốt với ông ấy".

Các đoạn ghi âm cũng cho thấy rõ mối quan hệ bạn bè cá nhân giữa Clinton và Blair. Khi trò chuyện với nhau, cả hai ông thường tỏ ra rất thoải mái và thân thiết. Trong một cuộc điện thoại, Tổng thống Clinton nói rằng ông vừa xem trên truyền hình Mỹ ông Blair tham gia chương trình "Thủ tướng đặt câu hỏi ở Hạ viện" của Quốc hội Anh.

Thủ tướng Blair đáp lại: "Thành thật mà nói không có nó tôi vẫn có thể sống vào thứ Tư hàng tuần". Và khi ông Blair chuẩn bị làm cha lần thứ hai vào năm 1999, hai người đã nói đùa với nhau rằng ông Clinton có thể tham gia vào đội ngũ "bảo mẫu" cho con của ông Blair. Tony Blair vui mừng đến độ ông nói rằng điều đó khiến ông "vui như thể cuộc đời tôi sắp bắt đầu lại lần nữa".

Sau những băng ghi âm các cuộc trao đổi giữa ông Clinton với ông Blair, sắp tới sẽ là những cuộc trao đổi, trò chuyện giữa người kế nhiệm ông, George W. Bush với ông Blair, nằm trong kế hoạch cuộc điều tra Chilcot về cuộc chiến Iraq. Người ta đang chờ đợi một "quả bom" thông tin về những gì hai ông Bush và Blair nói với nhau khi chuẩn bị và cả khi đang tiến hành cuộc chiến xâm lược Iraq, để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề gút mắc mà dư luận mong tìm câu trả lời.

Nguyên Khang (theo BBC, AP)
.
.