Cuộc chiến tư pháp trong Khối Liên hiệp Anh

Thứ Ba, 29/05/2012, 16:50

Trong các nước nói tiếng Anh tại vùng Caribe ở Trung Mỹ đang dấy lên cuộc tranh luận căng thẳng, liên quan đến sự áp đặt của nước Anh đối với hệ thống tư pháp của các quốc gia thành viên Khối Thịnh vượng chung (hay còn gọi là Khối Liên hiệp Anh).

Nữ Thủ tướng Jamaica Portia Simpson Miller, ngay khi mới nhậm chức vào đầu năm nay, đã chính thức tuyên bố sẽ không tuân thủ sự giám sát tư pháp từ Vương quốc Anh nữa, như là một phương cách hòng khẳng định chủ quyền quốc gia cần có. Chiểu theo quy định hiện hữu từ thời thực dân, thì bất cứ bản án cao nhất nào trong Khối Liên hiệp Anh đều phải được Ủy ban Tư pháp thuộc Hội đồng Cơ mật (JCPC) ở London quyết định.

Do không có cơ chế tư pháp thống nhất trong toàn khối, nên quyết nghị của JCPC chỉ áp dụng cho các nước bên ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh, còn Tòa án Tối cao Hoàng gia lại chuyên với các bản án xảy ra ở đảo quốc sương mù. Trong bối cảnh Jamaica đã được Anh trao trả độc lập trước đây nửa thế kỷ, thì quyết nghị cuối cùng thuộc về JCPC đã mang tính lỗi thời.

Còn tại Trinidad và Tobago, nữ Thủ tướng Kamla Persad-Bissessar cũng một lòng ủng hộ quan điểm của người đồng nhiệm Jamaica; đồng thời theo đuổi đường lối trấn áp làn sóng tội phạm lan tràn bằng mức án tử hình cao nhất. Trong khi ở Anh đã bãi bỏ án tử hình từ lâu, nên quyết nghị của JCPC đều chuyển thành án chung thân gây nên phản ứng dữ dội từ các quốc gia trong vùng.

Luật sư Witt Sanders, Chánh án Tòa án Hình sự Caribe (CCJ) tự hỏi trong một dịp tư vấn trên truyền hình. "Trong thực tế đối với những phiên xử ở cấp cao nhất, đại diện nguyên đơn không thể sang tận trụ sở JCPC để trình bày do chi phí đi lại quá cao, chưa kể giá thuê thầy cãi ở Anh đắt khủng khiếp - Luật sư W. Sanders thổ lộ - Đây là điều cực kỳ phi lý, trong nhiều trường hợp quan điểm của tòa án địa phương còn tiến bộ hơn cả JCPC".

Điều trớ trêu là người Anh áp dụng án tử hình nhằm thanh trừng những kẻ chống đối, buộc phải ghi trong Bộ luật Hình sự ở cả 27 quốc gia Caribe cựu thuộc địa như là một trong những yêu cầu tiên quyết trước khi trao trả độc lập; giờ đây họ lại nằng nặc đòi bãi bỏ mức án cao nhất ấy.

Ngoài vùng Caribe ra, quốc đảo Singapore là trường hợp tiêu biểu cho hướng đi độc lập của mình. Ngay từ năm 1994, chính quyền của Thủ tướng Goh Chok Tong đã cắt đứt quan hệ với JCPC, không cho phép cơ quan tư pháp nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình

Kim Dung (tổng hợp)
.
.